Lực lượng cảnh sát bán quân sự Trung Quốc thao diễn trước Tử Cấm Thành, Bắc Kinh ngày 29/9/2010.
Reuters
Trọng Nghĩa RFI
Trong thời gian gần đây, khi quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington, Tokyo, thậm chí Hà Nội, có dấu hiệu căng thẳng trên hồ sơ Biển Đông, biển Hoa Đông hay Hoàng Hải, các tướng lãnh Trung Quốc đã xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông. Hầu hết đều có những lời lẽ hung hăng, đe dọa trừng phạt từ Mỹ tới Việt Nam.
Thậm chí một số người như tướng Chu Thành Hổ, giám đốc Nghiên cứu Chiến lược thuộc Ðại học Quốc phòng ở Bắc Kinh đã nhiều lần làm bỉ mặt các nhà ngoại giao Trung Quốc khi lên giọng hiếu chiến, ngay sau khi các nhà ngoại giao có lời lẽ ôn hòa.
Trả lời phỏng vấn của RFI, ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California Hoa Kỳ, đã nêu bật một số ví dụ cụ thể về việc phe quân đội trong chính quyền Trung Quốc đang tìm cách lấn áp phe dân sự, ngay cả trong địa hạt ngoại giao. Theo ông, giới tướng lãnh tại Bắc Kinh đang muốn tạo ra mối đe dọa cho các nước chung quanh, kích động tinh thần dân tộc cực đoan để giành uy thế so với phe dân sự. Ðối với nhà báo Ngô Nhân Dụng, đây là một thủ đoạn để giới tướng lãnh tăng thêm ảnh hưởng, chuẩn bị cho Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012.
Nhà báo Ngô Nhân Dụng - Hoa Kỳ
17/10/2010
Nghe (16:01)
1/ Hội nghị bộ trưởng quốc phòng của ASEAN mở rộng cho 8 đối tác đã diễn ra tại Hà Nội... Về vấn đề Biển Đông tại hội nghị các bộ trưởng quốc phòng được đề cập như thế nào, nhận định của ông về kết quả hội nghị ra sao ?
Tại hội nghị Á Đông vừa rồi, ta thấy là Trung Quốc đã phải chịu nhún rất nhiều. Có thể nói là từ đầu tháng 9 cho đến đầu tháng 10, thái độ của Trung Quốc về vấn đề ngoại giao gần như là quay 180 độ. Hồi tháng 9, họ rất hung hăng trong vụ người Nhật bắt một thuyền trưởng Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư Đài, họ đã có những biện pháp cứng rắn đối với Nhật và lớn tiếng la lối. Trong hội nghị vừa rồi thì ngược lại họ có thái độ hết sức nhún nhường, không những là không chống đối một câu nào mà họ còn tỏ ra hoà hoãn với Mỹ.
Hồi tháng 7, khi bà Clinton xác định ý của Mỹ muốn bảo vệ các nước Đông Nam Á để giữ đường biển lưu thông, thì ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó phản ứng rất dữ. Ông đã nói một câu rất nặng nề là Trung Quốc là một nước lớn, những nước khác ở Đông Nam Á toàn là những nước nhỏ. Đó là một cái điều không thể chối cãi được. Theo các nhà báo tường thuật lại, khi nói câu đó, ông liếc mắt nhìn ông ngoại trưởng Singapore, với cái ý như là muốn nhắn nhủ các nước ASEAN. Đấy là một thái độ rất cứng rắn.
Nhưng trong hội nghị vừa rồi ở Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thì lại hết sức nhún nhường. Và khi người ta hỏi thế bây giờ Trung Quốc tính sao về vụ tranh chấp ở Biển Đông, thì tướng Quang Hữu Phi, người phát ngôn của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, thì nói một câu lơ lửng là : "tranh chấp đó là việc của họ, không phải việc của chúng tôi". Điều đó cho thấy rằng Trung Quốc đã thay đổi thái độ một cách rất rõ ràng trước sự đoàn kết của các nước Đông Nam Á và sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, để phải chấp nhận là quyền lưu thông ở vùng Biển Đông là vấn đề quốc tế, chứ không phải chỉ giải quyết song phương giữa Trung Quốc và các nước khác.
2/ Như vậy ông giải thích sao về sự thay đổi thái độ đó ?
Theo tôi nghĩ thì chính sách của giới lãnh đạo của Trung Quốc là không muốn gây hấn. Họ vẫn theo đường lối của Đặng Tiểu Bình là hãy cứ giữ nguyên trạng của những tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải với các nước Á Đông. Hãy lo chuyện buôn bán làm ăn, làm giàu trước đã. Ngay cả về Điếu Ngư Đài, là nơi mà Nhật, Trung Quốc , Đài Loan vẫn tranh chấp với nhau, và trong thực tế là Nhật đang chiếm đóng, thì ông Đặng Tiểu Bình đã nói rằng : "Tranh chấp này rất khó giải quyết, chúng ta, tức là thế hệ của ông Đặng Tiểu Bình, không đủ khôn ngoan để giải quyết nó đâu, hy vọng một thế hệ tương lai khôn ngoan hơn sẽ giải quyết được". Đó là một cái ý muốn hoà hoãn để mà lo kinh tế.
Tướng lãnh là giới đặt Biển Đông vào diện "hạch tâm quyền lợi" của Trung Quốc
Nhưng gần đây, Trung Quốc lại có thái độ rất hung hăng, trong đó có chuyện tuyên bố rằng cả cái vùng Biển Đông của Việt Nam là thuộc về quyền lợi cốt lõi của họ. Họ dùng từ chữ Hán là 'hạch tâm quyền lợi'. Khi nói rằng vùng Biển Đông của nước ta, vùng Biển Đông Nam Á đó mà gọi là 'hạch tâm quyền lợi', thì trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc gần đây chỉ có hai nơi Trung Quốc xem là 'hạch tâm quyền lợi'. Đó là Đài Loan với Tây Tạng. Thành ra khi mà đem cả vùng Biển Đông kê vào cái loại hạch tâm quyền lợi, có nghĩa là Trung Quốc coi đó là nước của họ, giống như là Đài Loan với Tây Tạng vậy. Cái đó làm cho tất cả các nước chung quanh lo sợ.
Nhưng mà cái điều mà chúng ta phải chú ý là không có một bản văn chính thức nào của đảng Cộng sản hay là chính phủ Trung Quốc sử dụng cái chữ 'hạch tâm quyền lợi' đối với Biển Đông hết. Cái câu 'hạch tâm quyền lợi' đó thì lại do một số tướng lãnh Trung Quốc nói ra, chứ không phải là bản văn chính thức của chính phủ Trung Quốc .
Có lẽ là mỗi lần chúng ta thấy có những thái độ gọi là hung hăng, khiêu khích của Trung Quốc thì phần lớn đó là vì áp lực của giới tướng lãnh ở Trung Quốc thúc đẩy các người lãnh đạo dân sự phải ngả về phiá diều hâu. Chứ còn trong thực tế, có lẽ giới lãnh đạo Trung Quốc cũng biết rằng họ không thể nào khiêu khích ai được bởi vì họ không đủ sức để tham gia một cuộc chiến tranh, và thứ hai, họ không có lợi gì mà gây chiến. Bởi vì cứ phát triển kinh tế, thì lợi ích lâu dài và tốt đẹp hơn nhiều.
3/ Ông đánh giá thế nào vị trí của giới tướng lĩnh Trung Quốc và đặc biệt là giới diều hâu trong thời gian qua, họ đã có những biểu hiện như thế nào ?
Có rất nhiều lần họ lấn át giới ngoại giao. Thí dụ như trong một cuộc họp gần đây ở Singapore, khi một cưụ ngoại trưởng Nhật phát biểu, nói về quan điểm Nhật Bản về Biển Hoa Đông, và có trình bày thêm là Tokyo sắp sửa thả viên thuyền trưởngTrung Quốc về nước sau khi giam giữ mấy tuần, thì sau đó trong phái đoàn của Trung Quốc, có cựu ngoại trưởng Đường Gia Toàn, lên phát biểu và tỏ thái độ rất ôn hoà, không có một câu nào chỉ trích Nhật cả.
Nhưng mà sau ông Đường Gia Toàn, thì đến một viên tướng là ông Chu Thành Hổ, giám đốc nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng ở Bắc Kinh, phát biểu hung hăng, đả kích chính phủ Nhật, và nói là "đừng có tưởng rằng chỉ cần nói những lời văn hoa hoặc là hứa hẹn trả tự do cho ông thuyền trưởng Trung Quốc là bang giao sẽ tốt đẹp". Rõ ràng là ông Chu Thành Hổ đã muốn qua mặt người từng cầm đầu chính sách ngoại giao của Trung Quốc .
Ông Chu Thành Hổ đã nhiều lần bày tỏ ý kiến có tính cách diều hâu như vậy. Trong cuộc gặp gỡ vào tháng 6 vừa qua tại Singapore (Đối thoại Shangri-La) trong đó bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Gates, xác định quyền của nước Mỹ là bảo vệ đường biển ở vùng Đông Nam Á, tức là Biển Đông, thì sau phát biẻu ông Gates, hai người đứng lên phản đối là ông Chu Thành Hổ và một viên tướng khác là ông Mã Hiểu Thiên.
Ông Chu Thành Hổ chỉ là một ông tướng lý thuyết gia, đứng đầu ngành nghiên cứu chiến lược của Viện Đại học Quốc phòng, còn ông Mã Hiểu Thiên thì lại là phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Hai người đã đứng lên chỉ trích Mỹ trong cuộc họp đó.
Đặc biệt ông Chu Thành Hổ, vào năm 2005, đã từng tuyên bố với nhà báo rằng nếu Trung Quốc giải phóng Đài Loan, mà Mỹ can thiệp vào, thì bom nguyên tử của Trung Quốc có khả năng tiêu diệt hàng trăm thành phố ở nước Mỹ. Sau khi ông nói câu đó, ông bị khiển trách, nhưng tiếp theo đó thì lúc nào người ta cũng thấy ông xuất hiện, từ 2005 đến 2010, thì ông lại trở lại diễn đàn quốc tế như ở mấy cái hội nghị tại Singapore như vừa rồi.
Điều đó cho thấy rằng giới tướng lãnh Trung Quốc có một lập trường rất diều hâu, và đặc biệt phần lớn họ là những người trong Đại học Quốc phòng, nhất là trong ban nghiên cứu chiến lược. Trong đó có một ông tướng nữa là ông Kim Nhất Nam, Phó giám đốc nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc phòng. Vào năm ngoái, ông đã nói rằng : trong khi một quốc gia bước vào một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng thì quân đội phải đóng một vai trò chủ yếu. Đấy là thái độ xác định rằng những quyết định của quốc gia phải hỏi ý kiến của quân đội.
Chúng ta biết rằng ở một nước như Trung Quốc, cơ quan quyết định quan trọng nhất là Bộ Chính trị. Nhưng còn một cơ quan nữa cũng quan trọng là Quân ủy Trung ương. Trong Quân ủy Trung ương, tất cả đều là tướng lãnh, 11 người, chỉ có một nguời là dân sự, đó là chủ tịch Trung Quốc Hổ Cẩm Đào. Và tuần rồi họ mới bầu thêm ông Tạp Cận Bình vô làm phó chủ tịch để chuẩn bị cho ông mai mốt lên làm chủ tịch nước.
Quân ủy Trung ương có thể ảnh hưởng rất mạnh đến vấn đề ngoại giao. Ảnh hưởng những viên tướng đã bành trướng ra trên phương diện gọi là tuyên truyền. Thứ nhất họ xuất hiện trước công chúng, nói và được báo chí đăng lại, họ viết bài trên báo Nhân Dân ở Bắc Kinh, hoặc là báo Quân Đội Nhân Dân, tất cả những lời lẽ của họ có tính cách rất diều hâu, rất hiếu chiến.
Đấy là một cái ảnh hưởng mà chúng ta cần phải chú ý. Thí dụ như tướng Trương Triệu Ngân, từng viết trên báo Quân Đội Nhân Dân là : "Chúng ta cần phải từ bỏ cái chủ trương xây dựng một quân đội thời bình, mà phải bước sang chủ trương là quân đội là để tham dự chiến tranh. Theo ông, nhiệm vụ chủ yếu của quân đội là chuẩn bị chiến tranh, chiến đãu và phải thắng trận.
Những người như vậy lại có ảnh hưởng rất lớn trong dư luận Trung Quốc, rất được dân chúng hoan nghênh, nhất là thanh niên. Thành ra họ trở thành một tiếng nói quan trọng và hiện giờ họ hung hăng hơn trước, hung hăng hơn thường lệ trong thời gian vừa qua.
Lý do là họ muốn ảnh hưởng đến Đại hội Đảng vào năm 2012. Trong Đại hội Đảng đó, họ muốn gây ảnh hưởng lên từ chính sách của đảng Cộng sản cho đến vấn đề nhân sự, thành ra gần đây càng ngày họ càng xuất hiện nhiều hơn và họ viết sách. Sách của họ bán rất chạy khi họ dùng lý luận diều hâu, bởi vì người dân Trung Quốc cũng có mặc cảm là nước mình lớn như vậy mà chưa mở mày mở mặt được và khi nghe giọng điệu đề cao dân tộc, hung hăng đe doạ các nước chung quanh thì họ rất thích.
Thí dụ như ông phó đề đốc Dương Nghị, từng cảnh cáo các nước khác là đừng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không dám dùng vũ lực chỉ vì muốn yên thân phát triển kinh tế. Ông ta nói rằng : "Ai mà hiểu lầm như thế sẽ bị nguy hiểm". Đấy là những điều mà người ta thấy rõ ràng là họ muốn đe doạ.
Chủ thuyết "biên cương quyền lợi"
Thái độ các tướng lãnh đó có thể nằm chung trong một cái chủ thuyết đã được nêu lên trong báo Quân Đội Nhân Dân. Trong một bài bình luận ông Hoàng Côn Luân, có lẽ không phải một ông tướng, đă đưa ra một chủ thuyết gọi là "biên cương quyền lợi", tức là quân đội Trung Quốc không phải chỉ bảo vệ cái biên cương về mặt đất, về mặt biển, mà phải bảo vệ cái biên cương về quyền lợi của mình. Biên cương quyền lợi nghĩa là : bất cứ nơi nào mà có thuyền bè Trung Quốc qua lại, chuyên chở dầu lửa, chuyên chở hàng hoá của Trung Quốc, thì cái quyền lợi của Trung Quốc nó cũng có ở đó. Quân đội Trung Quốc, Hải quân, do đó phải bảo vệ cái biên cương quyền lợi như vậy.
Đấy là một cái lý thuyết có lẽ được các tướng lãnh Trung Quốc ủng hộ, cho nên họ đã can dự vào chuyện ngoại giao của Trung Quốc rất là mạnh. Theo báo Wall Street Journal, hồi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc thì chính giới tướng lãnh Trung Quốc đã yêu cầu chính phủ là phải làm mạnh, và trong biện pháp làm mạnh thì họ có yêu cầu có biện pháp kinh tế, tức là Bắc Kinh hãy tìm cách đẩy giá trị đồng yen của Nhật lên cao để tác hại đến ngành xuất cảng của Nhật.
Sau đó quả nhiên có chuyện Bắc Kinh bỏ tiền ra mua rất nhiều công trái của chính phủ Nhật, và khi làm như vậy, họ làm cho giá trị đồng yen lên cao, khiến cho ngay cả bộ trưởng tài chính Nhật đã phải đặt câu hỏi một cách chính thức là Trung Quốc mua nhiều công trái Nhật, tức là cho nước Nhật vay nợ hết sức là hào phóng như vậy là có ý đồ gì hay không ? Sau đó thì chính phủ Nhật phải tìm cách giảm giá đồng yen của họ xuống.
Nếu mà giới tướng lãnh Trung Quốc ảnh hưởng đến cả những chính sách về phương diện kinh tế, đối ngoại như vậy, thì đó là một điều rất nguy hiểm cho tất cả vùng Á Đông. Thành ra chúng ta cần phải chú ý một cách đặc biệt đến ảnh hưởng này.
4/ Trong tình hình như ông vừa phân tích, phái diều hâu tại Trung Quốc đang tung hoành, thì một nước như Việt Nam cần phải có đối sách như thế nào ?
Có lẽ một điều đầu tiên, là người Việt Nam mình không nên hoảng hốt. Khi các tướng lãnh Trung Quốc nói như vậy thì mình biết rằng đó là cái biểu hiện của sự tranh giành quyền lực trong nội bộ Trung Quốc. Những quân nhân đó muốn giành nhiều quyền hơn, trong đó có quyền lợi về ngân sách quốc phòng.
Họ muốn giành thêm nhiều quyền hành, quyền lợi thì họ nói hung hăng như vậy. Nhưng chúng ta không phải là cứ sợ họ, mà phải đắn đo trong cách đối xử của chúng ta, dựa trên quyền lợi của mình cũng như quyền lợi chung của cả nước Trung Quốc. Trung Quốc nói chung cũng không muốn gây chiến tranh, để làm hỏng tất cả công trình xây dựng kinh tế của họ từ mấy chục năm nay. Cho nên chúng ta phải hết sức bình tĩnh khi nghe những lời gọi là đe dọa của các tướng lãnh Trung Quốc .
Ngay như ông tướng rất diều hâu là phó đề đốc Quang Hữu Phi, người Tàu gọi là hải quân thiếu tướng, ông đã từng là người chỉ trích Mỹ, cảnh cáo Mỹ, coi Mỹ là một nước thù địch. Thế mà ngay trong tuần lễ đầu tháng 10, khi ông nằm trong phái đoàn Trung Quốc tới Hà Nội, chính ông đóng vai trò phát ngôn viên để báo tin cho mọi người biết là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã mời đồng nhiệm Mỹ sang Trung Quốc. Ông là người đã tuyên bố những lời có tính cách hoà hoãn. Thành ra cuối cùng, các tướng lãnh đó cũng phải tuân theo quyết định chung vì quyền lợi của cả nước họ, chứ không phải là quyền lợi của phe quân nhân mà thôi.
Nhưng có một điều đặc biệt là khi ta biết giới quân sự Trung Quốc như vậy, thì trong sự liên hệ giữa các tướng lãnh Việt Nam, giới quân sự Việt Nam với các tướng lãnh Trung Quốc, thì những người gọi là lãnh đạo về quân sự, quốc phòng ở Việt Nam phải tỏ ra rất cứng rắn. Đó là điều chúng ta cần phải chú ý.
=====================================
===============================================
No comments:
Post a Comment