VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
HƯƠNG THU PARIS
Dù trời mưa tầm tã và gió lạnh, nhưng vẫn không làm nản lòng những người thiết tha yêu mến văn học nghệ thuật. Trên 300 người, là những khuôn mặt văn hóa, trí thức quen thuộc ở Paris, đã đến tham dự chiều sinh hoạt văn học nghệ thuật chủ đề: Hương Thu Paris tại khánh đườnng nhà thờ Saint Hyppolyte, quận 13 Paris hôm chủ nhật 21-11- 2010.
Vào lúc 14 giờ 30, ông Nguyễn Hữu Xương đã khai mạc chương trình bằng nghi lễ chào quốc kỳ, hát ca, và một phút mặc niệm. Sau đó Bác sĩ Phan Khắc Tường, tân chủ tịch Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris, người kế nhiệm nhà thơ Đỗ Bình, ngõ lời cảm tạ tri ân tới những người đã bỏ thì giờ quý báu đến tham dự, đó là một đóng góp vô ngần giúp cho những người Việt Nam tha hương ở hải ngoại tới gần nhau hơn. Chương trình gồm có hai phần : Trước hết giới thiệu các thơ, nhạc phẩm tiền chiến và hiện đại, tiếp theo là phần giới thiệu tác giả và tác phẩm.
Mở đầu chương trình Nhà thơ Phương Du phát biểu về ý nghĩa của ngày đại hội 2010 với chủ đề Hương Thu « Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris nhằm mục đích cùng nhau thảo luận về các vần đề văn hóa thuộc về đạo lý, triết lý, văn chương, khoa học. Hàng năm thường tổ chức vào mùa thu một đại hội quy tụ các văn nghệ sĩ đến từ nhiều nước ở các châu lục, để trình bày những sáng tác và những cảm nghĩ tùy theo chủ đề của đại hội như : Thu Đất Khách, Thu Tình Thương, Thu Tao Ngộ… ». Tâm tình người nghệ sĩ diễn đạt qua các tác phẩm được ghi lại bằng thơ, nhạc… tùy theo cảm hứng mà cống hiến cho đời, nói lên những cảm xúc riêng tư của mình theo với các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Với khung cảnh mùa thu, Hương Thu Paris làm cho người nghe để tâm hồn mình xao xuyến, tưởng nhớ lại quê hương. MC Vân Hải cùng với MC Nguyễn Đức Tăng giới thiệu chương trình. Ca sĩ Kim Thu mở đầu bằng nhạc phẩm Buồn Tàn Thu của Văn Cao thật truyền cảm, mọi người lắng nghe hồ như đang bước vào thế giới của ngày xa xưa nào. Tiếp theo nhà phê bình Nguyễn Thùy giới thiệu Nhà thơ Miên Du Đà Lạt, và người cùng đi là nhà thơ Chúc Anh, cả hai từ Hoa Kỳ sang. Ông đã phát biểu một vài ý kiến về Miên Du Đà Lạt:
« Định cư tại Hoa Kỳ năm 1990 và bắt đầu sáng tác dồi dào từ năm 1993. Tập thơ đầu tay Một Chút Hiến Dâng gồm hơn 250 bài, viết nhiều truyện ngắn, sáng tác nhiều nhạc phẩm, với một số lượng sáng tác nhiều trong một thời gian ngắn dĩ nhiên phải có một số sáng giá và một số không mấy sáng giá. Các thi phẩm như : Góc Đờì, Thu Đến Chưa…cho thấy rằng qua thơ, nhạc, Miên Du Đà Lạt có năng khiếu nhạc hơn thơ. Ở tuổi trung niên, sức sáng tác còn nhiều, nếu Miên Du Đà Lạt tập trung thêm vào thơ hòa theo với nhạc thì mai đây thính giả, độc giả sẽ tìm ra một nét đặc thù nào đó để khi đọc thơ hay nghe nhạc sẽ phân biệt được đó là những tác phẩm riêng biệt của Miên Du Đà Lạt ». Tiếp theo Miên Du Đà Lạt bày tỏ cảm tưởng : « Rất trân trọng những tấm lòng của ban tổ chức như Bác sĩ Phan Khắc Tường, Nhà thơ Đỗ Bình… đã bỏ công sức để giữ gìn nền văn hóa Việt Nam và cũng rất xúc động khi bên ngoài trời mưa gió mà trong gian phòng ấm cúng này, đông đảo chật ních người, tất cả đều im lặng để lắng nghe những dòng nhạc của Văn cao mà Kim Thu vừa mới diễn đạt. Và lời kết Miên Du Đà Lạt đã đọc bài thơ Buồn tàn Thu tặng người Paris :
Trời vội tàn Thu, lại chớm Đông
sương mơ buổi sáng lạnh trong lòng
Giăng giăng mây tím, chiều nghiêng nắng
Thăm thẳm trời xanh gió chuyển phong
Hoa khép cánh buồn thôi nở nụ
Lá lìa cành rụng ngập ven sông
Ta, người, tan hợp như mây gió
Như lá hoa tàn, chẳng đợi mong!».
ca sĩ Tuyết Dung, Miên Du Đà Lạt, nhà thơ Nguyễn Thuỳ, nhạc sĩ nguyễn Minh Châu, ca nhạc sĩ Văn Tấn Phước, ca nhạc sĩ Linh Chi
Xin Hãy Cho Nhau Nụ Cười nhạc phẩm của Miên Du Đà Lạt với hòa âm của Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu đã được giọng ca của Tuyết Dung trình bày rất truyền cảm. Và tiếng đàn của Nhạc sĩ Phạm Đình Liên tiếp nối với bài Malaguena, nhạc của Albeniz. GsTs Phạm Đình Liên, song song với việc học thời còn trẻ, đã học đàn guitare cổ điển do bà Ida Presti hướng dẫn. Bà là một danh thủ về đàn guitare đứng hàng thứ hai trên thế giới sau Andres Ségovia.
Cũng nhân dịp này, nói về nhạc tiền chiến Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã phát họa một bối cảnh lịch sử và xác định khoảng thời gian khai sinh của dòng nhạc mới : « …Dòng nhạc trữ tình lãng mạn này đã ra đời giữa hai cuộc thế chiến và song hành với vận mệnh của đất nước cho đến ngày chia đôi Nam-Bắc (20-07-1954). Làn sóng tư tưởng tự do của Âu Tây lan tràn đến thuộc địa, tiếp xúc với nền văn hóa cổ truyền của dân tộc theo triết lý của Khổng, Lão tử. Những thành phần trí thức ưu tú đón nhận, và chịu ảnh hưởng của phong trào lãng mạn trong thi ca Pháp qua những tác phẩm của Lamartine, Alfred de Musset… Do đó nền tân nhạc ban đầu có tính cách ngoại lai thể hiện qua các bài hát với « lời ta theo lối tây ». Những nhạc sĩ tiền phong như Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước chủ trương rằng dầu theo âm hưởng dân tộc hay Tây Phương, bài hát phải là sáng tác với lời và nhạc hoàn toàn Việt Nam. Các nhà phê bình lại cho rằng tân nhạc Việt Nam bắt đầu bằng buổi biểu diễn trước công chúng ở Hà Nội ngày 09-06-1938 của ông Nguyễn Văn Tuyên. Cũng vào khoảng 1938, với chủ đích truyền bá tân nhạc Việt Nam, có hai nhóm chính được thành lập là nhóm Myosotis của Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước, nhóm Tricéa gồm có Văn Chung, Lê Yên và Doãn Mẫn. Từ năm 1939 còn có nhóm Đồng Vọng do Hoàng Quý đảm nhiệm, tiên phong của dòng nhạc hùng gồm các nhạc sĩ : Hoàng Quý, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Canh Thân, Tô Vũ… Nhóm Tổng Hội Sinh Viên của Lưu Hữu Phước với những ca khúc hùng tráng khơi dậy lòng yêu nước. Nhưng nhạc tiền chiến thực sự chỉ được phổ biến trong giai đoạn 1945-1946 cho đến 1954 với những ca khúc cổ động tinh thần chống thực dân, được sáng tác cùng lúc với những bản nhạc mang âm hưởng trữ tình lãng mạn …».
Để nói về lời thơ, ý nhạc trong cái đẹp của nhạc tiền chiến, nhà thơ Đỗ Bình đã đưa ra một vài nét về sự thành công của nhạc phẩm Trăng Mờ Bên Suối :
«Thơ và nhạc là hai nghệ thuật riêng biệt nhưng rất khắn khít nhau làm say đắm lòng người. Thơ là nghệ thuật của «lờì», nhạc là nghệ thuật của «âm thanh».... Âm nhạc là một môn nghệ thuật dùng âm thanh làm ngôn ngữ để diễn đạt tư tưởng và tình cảm con người. Nói đến ca khúc, người ta thường có thói quen nghe nhạc qua cảm âm dựa trên lời ca mà ít chú ý đến thẩm âm, phần cấu trúc gồm giai điệu, tiết tấu, hay cách phối khí hòa âm « Thơ phổ nhạc là nghệ thuật đem thêm âm hòa với âm thanh sẵn có trong thơ, hoặc thay đổi âm thanh của thơ chuyển thể thành những nốt nhạc để hát ...».
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã nắm bắt được tính nhạc trong thơ để cho nhạc phẩm đẹp cả ý và lời, nên liên tiếp qua ba thế hệ vẫn còn được nhiều người ưa thích ». Ca sĩ Ngọc Xuân trình bày nhạc phẩm này với giọng ca rất trong sáng.
Miên Du Đà lạt và nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên
Những chiếc lá vàng được gắn lên tường trang hoàng cho gian phòng thêm tràn đầy khung cảnh mùa thu, và ca sĩ Ngọc Châu đã trình bày tình khúc Mùa Thu Cho Em nhạc của Ngô Thụy Miên trong khoảng không gian ấm cúng đó. Quả nhiên thơ và nhạc là hai bộ môn nghệ thuật tuy khác nhau, nhưng luôn luôn thắm thiết hòa hợp với nhau nên khi Giáo sư Ts âm nhạc Quỳnh Hạnh đệm đàn và tiếng sáo của nhạc sĩ Trần Tam Nguyên vừa trổi lên, tiếng hát của Phạm Đăng và giọng diễn ngâm của nghệ sĩ Thúy Hằng bay bỗng với nhạc phẩm có tính cách bán cổ điển, Nguyệt Cầm, nhạc Cung Tiến và thơ Xuân Diệu. Liền tiếp theo đó lại nghe Hình Ảnh Một Đêm Trăng của Văn Phụng do Linh Chi và ca sĩ Ngọc Hiền trình bày theo lối hát bè song ca, cách hòa âm thật tài tình. Linh Chi tốt nghiệp nhạc viện Saigon về bộ môn violon, từng hợp tác với các ban nhạc Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Khắc Cung, Phạm Trọng Cầu… Trong đôi mắt của những người đang trân trọng lắng nghe như chìm vào một khoảng không gian của những năm tháng xa xưa nơi quê nhà yêu dấu, với ban nhạc Tiếng Tơ Đồng thường xuyên do Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà… trình bày. Sân khấu với ánh đèn màu hồng hắt lên trần và nhiều màu sắc xanh, tím, đỏ xoay chung quanh, khách ngồi vẫn đông đảo, chật ních che kín lối đi, một khung cảnh thật ấm áp thơ mộng nhưng không khỏi ngậm ngùi khi nhớ đến những người mà, 20 năm trước đây, cũng sân khấu ấy, cũng gian phòng này, chật ních người với chủ đề Thi Nhạc Mùa Thu, nhiều nhà văn như An Khê, Duyên Anh,… nhà thơ Bằng Vân Trần văn Bảng, nhà thơ Hương Bình Cao Văn Chiểu, nhà thơ Hàm Thạch Nguyễn Xuân Nhẫn, Nhà thơ Lương Giang Phạm Trọng Nhân, nhà thơ Phượng Linh Đỗ Quang Trị, Nhạc sĩ Xuân Lôi, nhạc sĩ Mạnh Bích,và gần đây nhất nữ điêu khắc gia Anh Trần… đã không còn nữa ! Lại còn cảm thấy bùi ngùi tha thiết khi nhìn những mái đầu đã bạc, với một số ít người trẻ, đang lắng nghe giọng ngâm trầm ấm của nhà thơ Đỗ Bình qua bài Tống Biệt Hành nổi tiếng hay nhất của thi sĩ Thâm Tâm mang đầy hào khí của người trai. Giọng ngâm gần gũi với Hoàng Thư, Quách Đàm ngày nào. Và khi Nhà thơ Vân Hải diễn ngâm Bài Hát Mùa Thu của thi sĩ Đinh Hùng do nhạc sĩ Quỳnh Hạnh và Nhạc sĩ Jules Tambicanou đệm đàn, trong lòng mọi người không khỏi nhớ tiếc chương trình Thi Văn Tao Đàn những chiều nào, tối nào vào mỗi tuần trên đài phát thanh Saigon. Những giọt mưa ngoài trời vẫn tỉ tê, như để biểu đồng tình với Nhạc sĩ Đặng Thế Phong cho Hải Yến trình bày nhạc phẩm Giọt Mưa Thu. Nhạc sĩ Đặng Thế Phong chỉ để lại cho đời có ba nhạc phẩm : Đêm Thu 1940), Con Thuyền Không Bến (1941), Giọt Mưa Thu (1942).
Gs Quỳnh Hạnh với hai nghệ sĩ trẻ tuổi sử dụng những nhạc cụ cổ truyền đàn Đáy, đàn Tranh, đàn Bầu
Sau đó Giáo sư Quỳnh Hạnh đã giới thiệu cùng thính giả cây đàn đáy, đàn và hát một bản dân ca miền Trung : Giận Mà Thương. Giáo sư đã bỏ nhiều công lao thu thập những bản nhạc cổ truyền đã thất lạc và hướng dẫn các em học đàn bầu, đàn tranh một bộ môn âm nhạc thuần túy Việt Nam. Nhạc sĩ Minh Mạch cũng vừa đàn và hát nhạc phẩm Dạ Khúc của Nguyễn Mỹ Ca. Đây là một nhạc phẩm tuyệt vời trong làng tân nhạc Việt nam có gần thế kỷ nay. Trở lại sân khấu ca sĩ Tuyết Dung một lần nữa trình bày nhạc phẩm Thu Hát Cho Người của Vũ Đức Sao Biển, một nhạc phẩm để đời đã nổi tiếng ngay từ thu năm 1968 do Hà Thanh hát trên đài phát thanh. Tiếp theo ca sĩ Minh cầm trình bày bài Trách Người Đi của nhạc sĩ Đan Trường. (Được biết nhạc sĩ Đan Trường hiện cư ngụ tại Pháp năm nay đã ngoài 90 tuổi, nổi tiếng với bài Trách Người Đi) phần đệm nhạc do guitare của nhạc sĩ Phạm Đình Liên. Tiếp theo là bài Tình Khúc Thứ Nhất, thơ của Nguyễn Đình Toàn, nhạc của Vũ Thành An. Đây là một trong số những ca khúc phổ thơ hay nhất. Cũng như bài Nguyệt Cầm, Dạ Khúc, Thu Hát Cho Người.vv…dành cho loại nhạc thính phòng. Bài Tình Khúc Thứ Nhất được sự diễn tả rất truyền cảm của Thúy Hằng, hòa với tiếng guitare lả lướt của Đỗ Bình.
Tiếp nối phần thứ hai trong chương trình : Tác Phẩm và Tác giả. Nhà thơ Đỗ Bình nói qua : Đôi Nét Về Những Dòng Nhạc Sau Tiền Chiến, và giới thiệu Vài Nét Về Nhạc sĩ Anh Việt Thanh:
“…Vào năm 1968 Nhạc sĩ Anh Việt Thanh đã từng được giải nhì quốc gia về sáng tác những bài chiến đấu ca với nhạc phẩm : Đón Xuân Trên Đồng… Nhạc sĩ Anh Việt Thanh vốn sinh trưởng trong một gia đình nghệ sĩ, có người bà con xa là Nhạc sĩ Anh Việt Thu, tác giả những nhạc phẩm nổi tiếng một thời như : Giòng An Giang, Hai Vì Sao Lạc, 8 Điệp Khúc, Người Đi Ngoài Phố… nhạc sĩ Anh Việt Thanh vì quý Anh Việt Thu nên đã dùng bút hiệu: Anh Việt Thanh.
Nhạc sĩ Anh Việt Thanh nằm trong nhóm sáng tác của khối chính huấn CTCT cùng với các nhạc sĩ Võ Đức Thu, Phạm Minh Cảnh, Trầm Tử Thiêng, Minh Nhật, Tô Kiều Ngân, THX… Anh từng mở những lớp dạy nhạc, và từng làm phó giám đốc phát hành Trung Tâm Nhã Ca. Những nhạc phẩm từng vang bóng được nhiều ca sĩ tài danh thời đó trình bày như : Lệ Thu, Khánh Ly, Mai lệ Huyền, Hùng Cường , Thanh Hùng.. vv… Qua các nhạc phẩm : Đời Người Con Gái, Ngày Xưa Em Nói, Cho Nhau Chiều Thứ Bảy, Lính Thích 33, Tình Khúc Cho Người Cô Đơn »….
các văn nghệ sĩ của Câu Lạc Bộ Văn Hoá VN Paris
Các tác giả thay phiên nhau giới thiệu tác phẩm của mình, ca nhạc sĩ Phạm Đăng với Một Thoáng Hương Phai, Nhạc sĩ Jules Tambicanou tiếng đàn tuyệt vời và cách diễn tả sống động với Tình Theo Mây Trắng, lời Chí Tâm, Nhạc sĩ Jules Tambicanou cũng đàn và hát bài thơ phổ nhạc Rồi Một Mai của MC kiêm Nhà thơ Vân Hải, Nhạc sĩ Văn Tấn Phước làm vui nhộn hội trường với nhạc phẩm Paris Paris, chương trình thêm hào hứng với giọng diễn ngâm của MC kiêm họa sĩ Nguyễn Đức Tăng qua bài thơ của Miên Du Đà Lạt : bài Rồi Mai Đây. Nhạc sĩ Bảo Đức trình bày Cô Láng Giềng của Hoàng Quý, Nhạc sĩ Bửu Khôi với nhạc phẩm Xuân Mộng Ảo phổ thơ Đinh Hùng trích trong tập Đường Vào Tình Sử. Tiếp theo, Ca sĩ Oanh Oanh trình bày nhạc phẩm Mùa Thu Mây Ngàn của Từ Công Phụng để gửi đến quý khán thính giả, khách mộ điệu, mặc dù tuổi bà đã cao nhưng vẫn đến tham dự vì tấm lòng yêu văn học nghệ thuật. (Nghe nói vào những năm 1949 đến1953 bà thường hát trên đài phát thanh Pháp Á). Nhà thơ Phương Du trở lại chương trình với bài thơ Bả Giàu Sang của Phương Du, viết theo thể hát nói, do chính tác giả trình bày. Cuối chương trình có một nhà thơ cao niên là cụ Tào Văn Trạch lên đọc một bài thơ viết ngay lúc ấy để gửi tặng Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris.
Thời gian qua mau, lại nhớ tới Thu Tao Ngộ năm vừa qua, với rất nhiều những thân hữu văn nghệ sĩ phương xa mà không khỏi bâng khuâng… MC Nguyễn Đức Tăng tuyên bố bế mạc chương trình vào lúc 19 giờ.
Nguyễn Mây Thu (Paris)
Miên Du Đà lạt và nhà thơ Nguyễn Mây Thu
Xin Hãy Cho Nhau Nu Cuoi
Miên Du Dà Lat
========================================
=============================================================
No comments:
Post a Comment