Nguyễn Ðạt Thịnh
Tôi muốn thảo luận về tình trạng lỗi thời của tướng Võ Nguyên Giáp trong vai trò chống lại áp lực quân sự của Trung Cộng. Cái tế nhị cỏn con của vấn đề là chỗ đứng của tôi, vài độc giả cho là tôi phải đứng vào thế chống ông Giáp vì ông là tướng Việt Cộng, nhưng thảo luận về cuộc tranh chấp hiện nay giữa Việt Cộng và Trung Cộng tôi lại không thể chống Việt Cộng, và nếu không thể đứng trung lập thì tôi còn phải nghiêng về phiá Việt Cộng để chống Trung Cộng.
Phải rào đón như vậy, tôi đã chứng tỏ đầy đủ là tôi cũng ngán cái dư luận thích dán nhãn của một số nhỏ người đồng hương. Rào đón ngần đó chắc cũng đã đủ, xin vào bài để thảo luận về lá thư thứ 3 của ông Giáp viết gửi cho ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng thời gửi cả cho Quốc hội và Chính phủ Việt Cộng.
Ông viết khá dài để không nói gì cả. Nguyên văn như sau:
“Thời gian qua, tôi đã có thư gửi đồng chí Thủ tướng và điện gửi cuộc Hội thảo khoa học về vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Vừa rồi, Văn phòng Trung ương theo chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban bí thư đã gửi cho tôi thông báo kết luận của Bộ Chính trị. Tôi đã đọc kỹ bản kết luận, xin có kiến nghị tiếp với Bộ Chính trị và lần này kiến nghị đến Ban Chấp hành Trung ương, đến Quốc hội và Chính phủ :
“Tôi hoan nghênh Bộ Chính trị đã lắng nghe ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và các nhà khoa học, đã chủ trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, nêu lên một số yêu cầu quan trọng như : Bảo đảm hiệu quả kinh tế, xã hội, sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại của thế giới, giải quyết nguồn điện, nguồn nước ; đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh quốc phòng cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường sinh thái, môi trường văn hoá, chưa chủ trương bán cổ phần cho tập thể và cá nhân người nước ngoài v.v... Và Bộ Chính trị đã thấy tầm quan trọng của chủ trương khai thác bô xít ở Tây Nguyên nên quyết định báo cáo Trung ương và Quốc hội.
“Tuy nhiên kết luận của Bộ Chính trị nói chung là vẫn tiếp tục tiến hành khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Trước mắt làm thí điểm ở Tân Rai – Lâm Đồng, xem xét đánh giá lại Dự án Nhân Cơ Đắc Nông, rồi từng bước triển khai theo quy hoạch.
“Vì vậy, tôi xin kiến nghị cụ thể như sau :
“Chủ trương khai thác chế biến bô xít ở Tây Nguyên là một vấn đề hết sức hệ trọng sẽ có tác động lớn đến môi trường sinh thái, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và đến phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
“Tôi đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội hãy nêu cao trách nhiệm to lớn của toàn Đảng, toàn dân thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo một cách dân chủ, khoa học. Chỉ quyết định khi đã biết được kết quả nghiên cứu phân tích đầy đủ, toàn diện các vấn đề đặt ra, lắng nghe ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, của cán bộ và nhân dân hơn nữa. Làm như vậy là để tránh được quyết định sai lầm, gây nên tai hoạ lớn cho đất nước.
“Mong Trung ương và Quốc hội phát huy dân chủ, bàn bạc kỹ lưỡng, có quyết định đúng đắn.
“Xin chúc các đồng chí mạnh khoẻ
“Chào thân ái,
“VÕ NGUYÊN GIÁP
“Hà nội 20-5-2009 ”
Ðọc đi đọc lại bức thư của ông Giáp, tôi không tìm thấy ông tướng đã đánh thắng Henri Navarre tại Ðiện Biên Phủ, và đánh lừa được William Westmoreland tại Sài Gòn. Giống nhiều ông lão bị bệnh lú lẫn, ông Giáp đi luẩn quẩn trong vườn hoa khoa học, dân chủ, những địa hạt mà một sĩ quan cấp úy trẻ thường giỏi hơn ông tướng già.
Nếu chỉ cần khuyến cáo “Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội hãy nêu cao trách nhiệm to lớn của toàn Đảng, toàn dân thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo một cách dân chủ, khoa học.
Tư cách của ông là viên tướng lớn nhất của Việt Cộng, là người đã chiến thắng Trung Cộng trong trận chiến 1979, ba chục năm trước. Nhìn ông duới góc cạnh đó tôi đã hy vọng ông quan tâm đến những đe dọa quân sự đến từ phía Trung Cộng khi ông đề cập đến vấn đề an ninh và quốc phòng trong câu, “Chủ trương khai thác chế biến bô xít ở Tây Nguyên là một vấn đề hết sức hệ trọng sẽ có tác động lớn đến môi trường sinh thái, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và đến phát triển ổn định, bền vững của đất nước.”
Tôi nghĩ giờ này trong khối óc lú lẫn của ông Giáp, bốn chữ “an ninh, quốc phòng” cũng chỉ quan trọng như những chữ “môi trường sinh thái, văn hoá, xã hội …”. Ðiều này có nghĩa là ông Giáp không thấy có đe dọa nào cả trên địa hạt quốc phòng?
Ông không thấy nhà nước Việt Cộng đang cố nhắm mắt làm ngơ trước sự tung hoành của hải quân Trung Cộng ngoài Biển Ðông; ông không thấy là nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập hải quân Trung Cộng đã phô trương sức mạnh hải quân, đưa ra một số chiến hạm tân tiến nhất trong cuộc diễu hành ngoài khơi Thanh Đảo?
Các tàu ngầm có trang bị nguyên tử của Trung Cộng lần đầu tiên được trình diện, không chỉ để kỷ niệm, mà còn để nhắc nhở vai trò siêu cường về hàng hải – và đe dọa Trung Cộng sẽ còn đóng vai trò quan trọng hơn trong tương lai.
Bọn lãnh đạo quân sự của Trung Quốc công khai thừa nhận họ muốn đóng các chiến hạm lớn hơn, tốt hơn cho những sứ mạng vượt xa khỏi vùng duyên hải Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho dù có những cải thiện trong những năm gần đây, giới phân tích nói hải quân Trung Quốc vẫn chưa có khả năng đọ được với các siêu cường hải quân khác của thế giới.
Bates Gill, một chuyên gia về quân sự TQ, nhận định: "Hải quân của Trung Quốc chưa thể nào so được với Hoa Kỳ - thậm chí cũng không hơn Nhật Bản".
Trung Cộng còn nói họ sẽ đóng hàng không mẫu hạm và tổ chức những hạm đội theo mô hình của hải quân Hoa Kỳ; để trấn an dư luận họ nói họ bành trướng hải lực chỉ nhằm mục đích tự vệ và bảo vệ các quyền lợi thương mại chứ không đe dọa an ninh của bất cứ quốc gia nào.
Hãng thông tấn Reuters dẫn lời Thiếu tướng Trương Đức Thuận, tư lệnh phó hải quân Trung Cộng, nói điểm đặc thù của Trung Quốc là có bờ biển dài và thương mại phụ thuộc nhiều vào hàng hải nên nước này buộc phải có một lực lượng hải quân hùng mạnh.
Tướng Thuận nói không nên coi sự tự tin và hải lực ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc là mối đe dọa đối với các quốc gia khác. Ông còn nói: "Ngay cả khi chúng tôi có hàng không mẫu hạm, chính sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ vẫn chỉ là tự vệ mà thôi".
Tôi không nghĩ tướng Giáp tin mục đích duy nhất của việc Trung Cộng bành trướng hải lực là tự vệ; ông là một tướng vô cùng trí trá, nhờ trí trá năm 1968 ông đã lừa được tướng Westmoreland đưa quân ra biên giới Việt Nam với Miên và Lào chờ đón đánh lực lượng tổng tấn công của địch. Cũng nhờ trí trá ông đã khiến tổng thống Lyndon B. Johnson tưởng Việt Cộng sắp toàn thắng tại Nam Việt, trong lúc chúng thua đến mức đem giết những nguời lính du kích cuối cùng.
Nhưng giờ này ông không nói gì cả về sự bành trướng hải quân Trung Cộng; ông tin là Trung Cộng chỉ mạnh để tự vệ chứ không nỡ hà hiếp những nước “anh em” cộng sản? Trung Cộng không đem chiến hạm vào Biển Ðông, chúng chỉ phái xuống đây 3 chiếc tầu chiến được tái trang bị thành những tầu “ngư chính”, được nói là vào lãnh hải Việt Nam để "bảo vệ các tàu đánh cá của Trung Quốc quanh các quần đảo Nam Sa và Tây Sa (Hoàng Sa và Trường Sa), đồng thời thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo trong Nam Hải".
Một trong 3 chiếc tầu này là chiếc 311, trọng tải 4,450 tấn, có vận tốc 37 cây số/giờ.
Việt Cộng nín khe không lên tiếng gì cả về việc 3 chiếc tầu “ngư chính” của Trung Cộng vào Biển Ðông.
Dù không đủ sức đối kháng, đuổi 3 chiếc tầu này ra khỏi vùng biển Việt Nam, tối thiểu Việt Cộng cũng phải lên tiếng phản đối để xác định vùng lãnh hải Việt Nam; chúng không nói năng gì cả, và thái độ im lặng của chúng là lời khuyến khích cho Trung Cộng lấn thêm một bước nữa.
Chúng dành độc quyền đánh bắt tôm cá trên Biển Ðông; báo Thanh Niên số ra ngày thứ tư 27 tháng 5/2009 đăng bài của tác giả Hiền Cư "Chuyện kể của những ngư dân bị tàu lạ tông chìm", cho biết: 3 giờ sáng ngày 5/20 khi tàu QNg-95348 TS do ngư dân Nguyễn Thanh Thu là chủ phương tiện và cũng là thuyền trưởng đang hoạt động ở tọa độ 10'59 độ bắc và 111'34 độ đông thì bị tàu lạ đâm chìm nhưng "chưa kịp nhận diện được tàu nào đâm cả".
Anh Bổn, một trong 26 ngư dân thoát nạn, nói: "...ai cũng biết tầu chúng tôi bị tàu khác đâm vào. Nói vậy vì chúng tôi biết chắc tàu mình không phải đi vào vùng có đá ngầm".
May mắn thoát chết nhưng con tàu đánh cá 90 CV của anh Nguyễn Thanh Thu trị giá hơn 1,2 tỷ đồng, gia sản cả đời dành dụm và vay mượn, nay đã nằm lại biển khơi.
Tờ Thanh Niên viết, “Căn cứ vào tọa độ mà con tàu bị đâm chìm (10'59 độ bắc và 111;34 độ đông) do anh Nguyễn Thanh Thu cung cấp, có thể khẳng định nơi này thuộc vùng chủ quyền kinh tế của Việt Nam, các nước Asean có liên quan đến vấn đề biển đảo trong vùng không hề có tranh chấp với chúng ta. Vì vậy con tàu lạ nào có thể ngang ngược coi đây là chủ quyền của họ để đi vào, không nói bạn đọc Việt Nam đều biết rất rõ.
- Những người quan tâm đến tình hình Biển Đông gần đây đều biết, ngày 14/3/2009 một nước có liên quan trong vùng đã quyết định cử đội tàu thuộc Cục đánh cá đi tuần tra tại Biển Đông (và ngày 23/5/2009 đội tàu này đã hoàn thành nhiệm vụ về cảng xuất phát).
Theo họ, các tàu này có quyền bắt giữ, xua đuổi hoặc kiểm tra tàu thuyền nước ngoài vi phạm pháp luật.
Trong đội tàu này có một chiếc vốn là quân hạm, có tải trọng 4450 tấn, dài 113,5 m rộng 15,5 m, tốc độ lớn nhất là 20 hải lý. Nói giả dụ, (xin nhắc lại là nói giả dụ thôi đấy!), chỉ cần khi đang chạy với tốc độ trên, con tàu to lớn vốn là chiến hạm này chỉ cần khẽ chạm vào là chiếc tàu 90 CV của anh Nguyễn Thanh Thu rồi đời rồi!”
Ông Giáp không biết chuyện anh Nguyễn Thanh Thu mất nghiệp, không biết cả chuyện tầu Trung Cộng kiểm soát vùng kinh tế đặc biệt của Việt Nam trên Biển Ðông; ông cũng không biết là hai ngày hôm sau thêm 3 chiếc ghe câu mực của ngư dân Việt Nam bị tầu Ngư Chính Trung Cộng đuổi trở vào bờ.
Trong lúc lãnh hải bị xâm chiếm bằng vũ lực, tướng Giáp --một ông tướng được dư luận thế giới coi là danh tướng-- ngồi bàn về chuyện môi sinh và xã hội, những chuyện ông không am tường bằng con, cháu ông.
Có thể tôi đã quá nghiêm khắc khi phê bình thái độ vô lo của tướng Giáp: dù sao ông ta cũng đã 98 tuổi, cái tuổi đang lú lẫn và sắp về với cỏ cây.
Nguyễn Ðạt Thịnh
===========================================
================================================
No comments:
Post a Comment