Việt Hà, phóng viên RFA
2010-03-12
Ngày 9/3, dân biểu David Wu, dân biểu Chris Smith, tổ chức Nhà báo không biên giới và tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, đã họp báo giới thiệu dự luật và nhóm quan tâm về tự do internet toàn cầu.
Tự do internet toàn cầuMở đầu buổi họp báo công bố sáng kiến tự do internet toàn cầu, dân biểu David Wu thông báo ông và dân biểu Chris Smith công bố việc hình thành và mục đích của nhóm quan tâm về tự do internet như sau:
David Wu: Ngày hôm nay, tại Hạ viện dân biểu Chris Smith và tôi công bố việc ra mắt nhóm quan tâm về tự do internet toàn cầu để thúc đẩy sự tự do bày tỏ quan điểm trên internet. Nhóm quan tâm sẽ cung cấp cho quốc hội những thông tin về vấn đề tự do internet toàn cầu và sẽ là một diễn đàn để các thành viên trong quốc hội, cơ quan hành pháp, và các nhà công nghiệp Hoa Kỳ có thể gặp gỡ thảo luận về cách để cải thiện sự tự do trên mạng và đề cập đến các tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu mà các công ty cần phải có khi hoạt động trong các môi trường cực kỳ khó khăn.
“Dự luật lần này được đưa ra quốc hội sẽ cung cấp cho các công ty hoạt động trong ngành công nghệ thông tin sự hậu thuẫn từ chính phủ mà họ cần khi đàm phán với các chính phủ đàn áp.
Dân biểu Chris Smith
Dân biểu David Wu cũng giới thiệu dự luật liên quan đến tự do internet. Ông nói:
David Wu: Tôi cũng xin giới thiệu dự luật chống lại sự kiểm duyệt trên mạng. Dự luật tự do internet 2010 thiết lập một cơ chế để bảo vệ và tuyên truyền về tự do internet. Cơ chế này sẽ có các hỗ trợ và giải thưởng dành cho các công ty tư nhân, các trường đại học, cơ sở nghiên cứu để phát triển các công nghệ nhằm đánh bại việc đàn áp và kiểm duyệt internet.
Lên tiếng tại buổi họp báo, dân biểu Chris Smith nói rằng nguyên nhân của việc thành lập nhóm quan tâm và dự luật về tự do internet toàn cầu là do chính phủ một số nước như Trung Quốc, Iran gần đây đã gia tăng nỗ lực nhằm đàn áp các tiếng nói ôn hòa bày tỏ quan điểm về tôn giáo, và chính trị trên internet bằng cách sử dụng các biện pháp như kiểm duyệt, ngăn chặn việc truy cập website, giám sát người truy cập. Ông dẫn chứng đến việc chính phủ Trung Quốc đã sử dụng các phương tiện này để đàn áp cuộc biểu tình ở Tây Tạng năm 2008, ở Tân Cương năm 2009 và việc chính phủ Iran đàn áp những người biểu tình chống lại kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở nước này hồi hè năm ngoái.
Dân cử Chris Smith và dân cử David Wu tại buổi họp báo giới thiệu dự luật tự do internet toàn cầu. Photo courtesy of Chris Smith website. Điều đáng quan tâm là, ngày càng có nhiều nước theo chân Trung Quốc, sử dụng các biện pháp để hạn chế tự do internet, ví dụ như Iran, hay Belarus.
Dân biểu Chris Smith cũng nhận định là các công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin trên internet hiện không đủ mạnh để có thể tự mình chống lại những áp lực từ phía các chính phủ bắt họ phải tuân thủ việc kiểm duyệt internet, điển hình và trường hợp của hãng Google hồi cuối năm ngoái. Ông nói:
Chris Smith: Kể từ năm 2006 đến giờ, và đặc biệt là trường hợp của công ty Google gần đây với chính phủ Trung Quốc cho thấy là thiếu sự hậu thuẫn của chính phủ Hoa Kỳ các công ty công nghệ thông tin không đủ mạnh để đứng lên đương đầu với các chính phủ yêu cầu họ phải kiểm duyệt internet. Họ bắt buộc phải tham gia vào việc giám sát, kiểm duyệt internet. Vì thế dự luật lần này được đưa ra quốc hội sẽ cung cấp cho các công ty hoạt động trong ngành công nghệ thông tin sự hậu thuẫn từ chính phủ mà họ cần khi đàm phán với các chính phủ đàn áp.
Dân biểu Smith đã đưa ra phần quan trọng trong dự luật này đó là việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hàng năm sẽ xác định các nước không có tự do internet, những nước hạn chế việc bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa trên internet về các vấn đề tôn giáo và chính trị. Các công ty IT của Mỹ sẽ phải báo cáo về cho Bộ Ngoại giao những yêu cầu mà các nước yêu cầu họ phải kiểm duyệt hay giám sát việc tìm thông tin trên internet của người sử dụng. Các công ty IT cũng phải giữ các thông tin cá nhân của người dùng ở nước khác để tránh việc chính phủ của nước đàn áp internet có thể tiếp cận được thông tin này và bắt bớ những người bất đồng chính kiến. Các công ty cũng phải báo cho Bộ Trưởng Tư pháp khi họ được yêu cầu phải cung cấp cho chính phủ các nước đó các thông tin của người truy cập và Bộ trưởng tư pháp có quyền quyết định các công ty không tuân thủ các yêu cầu này nếu cho rằng nguyên nhân mà các chính phủ đó đưa ra là không hợp lý.
Chính phủ Mỹ sẽ can thiệp?
Dự luật cũng ngăn chặn các công ty sử dụng các biện pháp để chặn đường truy cập vào các website của chính phủ Hoa Kỳ như đài VOA và RFA. Ông nói:
“Liên quan đến Việt nam thì tôi thấy là Yahoo đã làm một điều đúng là để các thông tin cá nhân của người truy cập ngoài tầm với của chính phủ.
Dân biểu Chris Smith
Chris Smith: Nếu Trung Quốc hay Iran yêu cầu họ phải lọc các từ tìm kiếm, thì họ có thể chỉ đến đạo luật này và nói rằng luật pháp Hoa Kỳ không cho phép thực hiện điều đó. Nếu cảnh sát internet của chính phủ can thiệp vào e-mail của các nhà hoạt động, và yêu cầu công ty phải trao các thông tin cá nhân cho họ, công ty có thể thông báo cho Bộ Trưởng Tư pháp, người có quyền đem sức nặng của chính phủ Mỹ vào vấn đề này.
Dân biểu Chris Smith cho biết dự luật đã sẵn sàng để đưa ra bỏ phiếu ở Hạ viện vào tháng 10 tới.
Dự luật cũng được nhiều tổ chức và công ty ủng hộ, bao gồm Google, tổ chức nhà báo không biên giới, tổ chức ân xá quốc tế, tổ chức nghiên cứu Laogai, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, Freedom House, ủy ban bảo vệ các nhà báo, chiến dịch quốc tế cho Tây Tạng, tổ chức Wei Jingsheng và một số tổ chức khác. Dân biểu Smith tin rằng dự luật được bỏ phiếu thông qua dễ dàng ở Hạ viện mặc dù có những vận động hành lang và chính trị ngăn trở.
Khi được hỏi liệu dự luật có được nhiều công ty IT của Mỹ hậu thuẫn, dân biểu Smith cho biết ngoài một số công ty lớn như Google hay Yahoo, thì vẫn có một số công ty vẫn khá im lặng trong vấn đề này. Yahoo ngày càng cho thấy những dẫu hiệu cởi mở hơn. Ông dẫn chứng về trường hợp của Việt nam:
Chris Smith: Liên quan đến Việt nam thì tôi thấy là Yahoo đã làm một điều đúng là để các thông tin cá nhân của người truy cập ngoài tầm với của chính phủ. Và vì thế chúng ta hy vọng là một vài điều mà các công ty đã làm sẽ trở thành thông lệ chứ không phải là ngoại lệ nữa.
Lên tiếng tại buổi họp báo, bà Clothilde Le Coz, Giám đốc tổ chức nhà báo không biên giới tại Washington DC nhấn mạnh sự cần thiết của dự luật nhằm bảo vệ quyền lợi của các công dân mạng và cũng để bảo vệ cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bà nói:
Clothilde Le Coz: Hiện trên thế giới có 120 người sử dụng mạng bao gồm cả bloggers bị giam giữ trong tù bởi vì họ đã viết trên mạng. 72 người trong số đó ở Trung Quốc, trong đó có 4 người bị bắt có bằng chứng có sự tham gia của công ty Yahoo. Năm 2004, một trong số họ là ông Sử Đào bị kết án 10 năm tù bởi vì ông đã viết trên internet và gửi cho bạn mình. Chúng ta hy vọng là ông có thể được thả sau 4 năm nữa và chúng ta cũng hy vọng điều gì đó cần phải làm để bảo vệ các công ty Hoa Kỳ khi hoạt động tại nước ngoài, bởi vì khi họ hoạt động ở nước ngoài thì họ phải tuân thủ luật pháp địa phương, và đó chính là điều đã diễn ra ở Trung Quốc và trường hợp của ông Sử Đào.
Đại diện của tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế phát biểu tại buổi họp báo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự luật này và cho rằng ngoài các công ty như Google, Microsoft, yahoo đã ký ủng hộ dự luật này, còn có các công ty khác nữa sẽ theo gương để bảo vệ tự do internet.
Dân biểu Chris Smith cho rằng với dự luật này cùng với sự ra đời của nhóm quan tâm, Hoa Kỳ đang là nước đi đầu trong việc kêu gọi bảo vệ tự do internet. Ông tin rằng các nước phát triển khác ở châu Âu cũng đang lắng nghe và xem xét những gì mà Hoa Kỳ đang làm.
Kết thúc buổi họp báo, các dân biểu David Wu và Chris Smith đều bày tỏ tin tưởng rằng dự luật đã sẵn sàng và các công ty IT lớn của Mỹ cũng sẵn sàng để vào cuộc vì sự tư do internet trên toàn cầu.
Việt Hà tường trình từ Washington.
===========================================
====================================================
No comments:
Post a Comment