Tiếp theo vụ Washington quyết định bán vũ khí cho Đài Loan, Tổng thống Obama tiếp lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, việc Thượng viện Mỹ công bố dự luật trừng phạt Trung Quốc liên quan đồng nhân dân tệ cho thấy Bắc Kinh đã thất bại trong chính sách ngoại giao đe doạ Mỹ.
Phải chịu áp lực trong năm bầu cử về vấn đề việc làm do tác động của thương mại, các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 16/3 đã công bố một dự luật sẽ áp đặt các hình phạt ngặt nghèo nếu Trung Quốc không định giá lại đồng Nhân dân tệ (NDT). Dự luật, nhận được sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, sẽ trừng phạt hành động thao túng tiền tệ như một hình thức trợ cấp không công bằng và có thể dẫn tới một loạt hành động trả đũa của Mỹ.
Tác giả dự luật này là Thượng nghị sỹ Chuck Schumer của đảng Dân chủ và Thượng nghị sỹ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa. Trước đó, năm 2005, hai thượng nghị sĩ này từng soạn thảo một dự luật tương tự nhằm áp mức thuế 27,5% đối với tất cả các mặt hàng của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Khi đó, dự luật này đã nhận được sự ủng hộ của 67 thành viên Thượng viện Mỹ.
Dự luật do Thượng viện đề xuất yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ xác định các nước không định giá gốc tiền tệ của mình và lên danh sách những nước thực hiện chính sách mất cân bằng trong tiền tệ. Đây là những nước sẽ phải chịu những biện pháp đáp trả của Mỹ, kể cả việc Bộ Thương mại áp thuế chống bán phá giá và chính phủ cấm mua hàng hóa hoặc dịch vụ (đối với những nước không phải là thành viên của Hiệp định thương mại giữa các chính phủ của Tổ chức Thương mại Thế giới- WTO).
Dự luật yêu cầu quan chức thương mại Mỹ tham vấn với chính phủ có đồng tiền bị phá giá để giải quyết bất đồng trong khuôn khổ WTO, đồng thời đề xuất Bộ Tài chính, Ngân hàng Dự trữ Liên bang của Mỹ và các ngân hàng trung ương khác xem xét các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Động thái trên diễn ra sau khi 130 nghị sĩ của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đẩy mạnh chỉ trích Trung Quốc trước cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ vào tháng 11, cáo buộc Bắc Kinh tạo lợi thế không công bằng trong thương mại khi duy trì đồng NDT ở mức thấp giả tạo. Nó cũng diễn ra sau một tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hồi cuối tuần rằng Bắc Kinh sẽ chống lại bất cứ áp lực nào của nước ngoài đòi tăng giá đồng NDT.
Nhiều nghị sỹ Mỹ đã tán thành với ước tính của một số nhà kinh tế cho rằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bị định giá thấp hơn giá trị thực từ 25% đến 40%.
Việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt đối với Trung Quốc được giới quan sát đánh giá là thất bại mới của Bắc Kinh trong chính sách ngoại giao “đe doạ” Washington.
Trước đó, tờ Sankei (Nhật Bản) phân tích về thất bại chính sách này sau hai vụ việc xuất hiện hồi đầu năm 2010.
Theo tác giả bài báo, ông Seki Hei, sau khi Chính phủ Mỹ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan hồi tháng 1 vừa qua, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối rất mạnh mẽ. Ngoài việc Bộ Ngoại giao gửi “kháng nghị nghiêm khắc”, các cơ quan khác như Bộ Quốc phòng, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại Chính hiệp… đều đồng loạt lên tiếng phản đối. Trung Quốc cũng đã thực thi một số biện pháp trả đũa như đình chỉ giao lưu quân sự với Mỹ và trừng phạt một số công ty Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc đặt mục tiêu phản đối mạnh mẽ để Mỹ hủy bỏ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng Washington không đáp ứng yêu cầu này. Ngược lại, trong khi Trung Quốc đang giận giữ, Mỹ lại tuyên bố Tổng thống Barack Obama tiếp thủ lĩnh tinh thần của Tây Tạng Dalai Lama vào giữa tháng 2. Bắc Kinh lại phản đối với thái độ giận dữ hơn. Trong 3 ngày liên tiếp, từ ngày 2-4/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo sẽ trả đũa. Tuy nhiên, phía Mỹ không đếm xỉa đến những lời đe dọa của Trung Quốc. Cùng với việc Nhà Trắng tuyên bố sẽ không thay đổi chương trình hội đàm, Phó Tổng thống Mỹ Biden ngày 14/2 còn nói ông tin chắc Mỹ sẽ vẫn nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc thông qua biện pháp chế tài đối với Iran. Phát biểu của ông Biden xem ra hoàn toàn xem nhẹ những lời đe dọa của Trung Quốc.
Ngày 18/2, bất chấp sự phản đối và cảnh cáo của Trung Quốc, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Dalai Lama vẫn diễn ra, trở thành sự kiện được cả thế giới chăm chú theo dõi. Ngày 19/2, Vụ trưởng Vụ báo chí Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc đã tuyên bố kháng nghị. Tuy nhiên, người ta thấy có nhiều điểm cần lưu ý trong lần kháng nghị này. Thứ nhất, khi Mỹ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan, Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng từ “phẫn nộ” để kháng nghị, nhưng lần này chỉ sử dụng từ “bất mãn”. Rõ ràng giọng điệu đã dịu bớt. Tiếp đó, những lời đe dọa “áp dụng biện pháp trả đũa” cũng hoàn toàn biến mất. Ở phần cuối kháng nghị, phía Trung Quốc nói rằng từ năm 1991, các đời tổng thống Mỹ cũng đã hội đàm với Dalai Lama và “cuộc hội đàm lần này không nằm ngoài thông lệ nên cũng không cần phải phản ứng mạnh”.
Nếu so với thái độ cứng rắn của Trung Quốc trước khi cuộc hội đàm diễn ra, đây là một sự thay đổi không thể tin nổi. Chính phủ Trung Quốc dường như đã tự đánh dấu chấm hết cho chính sách “ngoại giao đe dọa Mỹ” mà nước này đã thực hiện cho đến khi Mỹ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan, và âm thầm rút lại những tuyên bố đã đưa ra trước đó. Trước đó vài ngày, tàu sân bay Nimitz của Mỹ đã cập cảng Hong Kong theo đúng dự kiến mà không gặp phải sự phản đối của Trung Quốc.
Tất cả những sự việc trên cho thấy nếu Mỹ không nhượng bộ, Trung Quốc có thể sẽ phải đơn phương lùi bước. Nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc chiến ngoại giao với Mỹ lần này của Trung Quốc có thể đã hoàn toàn thất bại. Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng họ vẫn chưa có thực lực đủ để đối mặt trực diện với Mỹ, và Chính quyền Obama cũng hiểu rõ rằng phương sách nào hiệu quả nhất để đối phó với sự đe dọa của Trung Quốc.
Chưa biết sau thất bại mới này, Trung Quốc sẽ có tuyên bố “cứng rắn” đến mức nào?
Khánh An
No comments:
Post a Comment