Mớ
Nguyễn Ðạt Thịnh
Mớ là nói trong cơn chiêm bao, những lời nói chỉ đi đôi với giấc mơ, không liên quan gì đến thực tế; nhiều bà vợ lợi dụng cơn mớ của chồng để điều tra xem chồng có tình ý với cô nào không.
Nhưng mớ không chỉ là hiện tượng cá nhân, một dân tộc cũng có thể mớ nói lên những nguyện vọng, mơ ước của mình; và đó là trường hợp đài phát thanh BBC: đài đã mớ khi phổ biến, hôm thứ Sáu mùng 5 tháng Ba, bài “Mỹ thành ‘đối tác chiến lược’ của Việt Nam?”, việc nhiều người mơ ước nhưng khó thành.
BBC cũng biết là việc Mỹ nhẩy vào Ðông Nam Á thủ vai trò quả cân đối trọng với Trung Cộng, thế lực đang hùng cứ Biển Ðông, là điều khó xẩy ra, do đó họ đánh dấu hỏi sau cái tựa để tránh cho bài báo tính xác nhận, nhưng dấu hỏi cũng không có nghĩa là hoài nghi.
BBC còn đem một nhân vậy không đủ uy tín, ông tiến sĩ Ðinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Cộng tại Hòa Lan, để dẫn chứng là ông ta từng nói trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo trong nước rằng Hoa Kỳ có khả năng duy trì ổn định tại vùng Đông Nam Á.
“Việt Nam cần Hoa Kỳ đóng vai trò đối trọng trong việc đương đầu với các tham vọng lẫn thách thức truyền thống và phi truyền thống trong khu vực”.
Tiến sĩ Thắng nói trong cuộc trả lời phỏng vấn mạng VietnamNet ngày 17/2, mà cả ông Thắng lẫn VietnamNet đều không dám minh định tham vọng đó là của Trung Cộng, và thách thức đó đến từ phía Tầu.
Có thể Hoa Kỳ cần vào Biển Ðông, cũng còn có thể Hoa Kỳ muốn vào Biển Ðông, nhưng họ không thể tự nhiên, vô cớ đưa Hạm Ðội 7 vào đó. Việc ông Thắng nói chỉ là quan điểm, hay ao ước riêng của cá nhân ông. Nhà nước Việt Cộng không đồng quan điểm với ông.
Do không đồng quan điểm nên chỉ một ngày sau khi đưa cuộc phỏng vấn lên mạng, VietnamNet âm thầm rút bài ra, không đăng nữa. BBC nói một số Website khác không cùng rút. Có thể họ chưa rút kịp.
Dĩ nhiên đối với người Việt yêu nước, cái mớ của BBC cũng có chỗ dễ thương, vì dù không cùng giường, nhưng BBC cũng chia với đa số người Việt Nam giấc mơ “Hoa Kỳ trở thành đối tác chiến lược của Việt Cộng” để đem tầu lớn, súng dài vào Biển Ðông đóng vai trò đối trọng với sức mạnh của hải quân Trung Cộng.
Góc nhìn của ông Thắng không có gì mới: ông cho là trên bình diện hải lực, Trung Cộng không gặp đối thủ xứng tay trên Biển Ðông; ông muốn nói những liên kết của Việt Cộng với Ấn Ðộ, với Nga, Nam Hàn, Nhật đều không phải là giải pháp tìm kiếm. Giải pháp đó chỉ có thể là Hoa Kỳ.
BBC và VietnamNet lôi thêm một chính khách không uy tín nữa ra dẫn chứng là điều họ mớ rất có thể không phải là mớ; chính khách thứ nhì là ông Raymond Burghardt, một cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Burghardt nói, "Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có chung nhiều lợi ích chiến lược, trong số đó có cả việc duy trì quân bình lực lượng ở Đông Nam Á".
Trong cơn mớ, hai cơ quan ngôn luận này không nhắc cho độc giả nhớ là ông Burghardt là đại sứ tại Việt Nam từ năm 2001. Họ còn lôi thêm một chính khách nữa: nghị sĩ Jim Webb, chủ tịch tiểu ban Đông Nam Á-TBD. BBC nói ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ từng tỏ ý quan ngại Trung Cộng gia tăng hoạt động quân sự tại Biển Đông thời gian gần đây.
Ông Thắng quả quyết với VietnamNet là chính trị gia Dân Chủ Mỹ muốn Hoa Kỳ có vai trò rõ ràng hơn trong tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải tại Biển Đông. Ông trích phát biểu của Jim Webb: “Hoa Kỳ cần xác định rõ ràng, chi tiết và cụ thể công việc bảo vệ chủ quyền của các quốc gia trong khu vực này.”
Ông Thắng nói nhu cầu tìm kiếm đồng minh từ phía Việt Nam là có thật, và nhu cầu từ phía Mỹ cũng có thật, rồi nóng ruột đặt câu hỏi, “sao cần nhau như vậy mà ‘quan hệ chiến lược’ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lại chưa xẩy ra?”
Ông Thắng xủ quẻ rồi phán mọi việc sẽ đến vào năm 2010, thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ nhân dịp 15 năm hai nước thiết lập bang giao (1995-2010) lại đúng vào thời điểm Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội 11 sẽ là một tín hiệu quan trọng cho thấy tầm nhìn toàn cầu của lãnh đạo hai nước.”
Ông nói, “cục diện thế giới và khu vực có quá nhiều yếu tố bấp bênh.”
Sự trỗi dậy (nhiều mặt) của Trung Quốc và Ấn Độ, theo ông Thắng, sẽ gây ra một số thay đổi lớn, “đến mức diện mạo của cái trật tự được kiến tạo và xây dựng từ sau thế chiến thứ hai sẽ không tồn tại nữa.”
Để đối ứng với tình trạng này, ông Thắng đề nghị Việt Nam khẩn trương “hoàn thiện khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước lớn,” coi các quan hệ này “là nền móng chắc chắn và bền vững trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập.”
Một diễn biến mang tính chất thời sự là việc ông Kurt Campbell trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ chuyên trách Á châu sang Việt Nam; khẩu khí của Campbell lại không có vẻ gì là khẩn trương.
Ông nói ông sang Việt Nam "để thảo luận một loạt vấn đề". Ðiều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ở Washington, Campbell nói muốn xây dựng quan hệ bền chặt với Mỹ, "Việt Nam cần cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình".
Khẩu khí này không cho thấy một khẩn độ quân sự nào trên Biển Ðông hết, vì chỉ khi nào nhẩn nha, vô sự Hoa Kỳ mới nói chuyện đòi nhân quyền cho Việt Nam. Ông bảo các dân biểu: "Tôi có thể nói rằng ch́úng ta có một sự phân đôi (trong quan hệ) với Việt Nam".
"Một mặt, đang có quan ngại thực sự về bước lùi trong các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo trong những năm gần đây. Mặt khác, chính quyền Việt Nam hiện nay đang muốn một quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ vì lý do chiến lược."
Ông Campbell gọi mâu thuẫn là “phân đôi”, rồi nói: "Sẽ rất khó có quan hệ như vậy nếu Việt Nam không có bước tiến rõ rệt để cải thiện tình hình trong nước".
Nói cách khác nhu cầu của Việt Cộng tạo lực lượng đối trọng với Trung Cộng trên Biển Ðông không chi phối chủ trương nhân quyền, một nguyên tắc chính trị của Hoa Kỳ; mà ngược lại nhân quyền đang trở thành yếu tố đòi hỏi của Hoa Kỳ để thoả mãn nhu cầu tự vệ của Việt Cộng.
Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích gay gắt các vụ bỏ tù đối kháng ở Việt Nam, qua các phiên tòa xử quý ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long hồi giữa tháng 01/2010.
Được biết ông Lê Công Định (người lãnh án 5 năm tù tội Hoạt động Lật đổ chính quyền) và ông Trần Huỳnh Duy Thức (15 năm tù vì cùng tội danh) đã nộp đơn kháng án. Hai ông Trung (7 năm tù) và Lê Thăng Long (5 năm tù) không kháng cáo.
Chưa rõ trong chuyến đi này ông Campbell có đề cập tới các trường hợp vừa nêu nhất là trường hợp ông Lê Công Định, người được phương Tây biết nhiều.
Ông Campbell cũng có dự tính thăm Lào, chỉ dấu cho thấy Hoa Kỳ muốn tìm hiểu sâu sắc hơnvề các nước cộng sản Đông Nam Á.
Chuyến đi Việt Nam của ông Campbell có thể tạo cho chúng ta đôi chút hy vọng, nhưng e là hy vọng này vẫn là cảnh mớ nói nhảm, vì một chuyến đi khác đã xẩy ra 2 tuần trước: chuyến đi của thứ trưởng quốc phòng Việt Cộng, tướng Nguyễn Chí Vịnh; ông ta đi sang Tầu.
Tân Hoa Xã, hãng tin của nhà nước Tầu nói ông Vịnh sang Tầu để hối thúc việc “tăng cường quan hệ quốc phòng Việt Cộng-Trung Cộng”. THX đặt câu này làm tựa cho bài báo tường thuật công tác của ông Vịnh.
Chỉ riêng cái tựa của bài báo đã chuyên chở đến 3 câu hỏi:
(1) Tại sao lại phải “tăng cường quan hệ quốc phòng”?
(2) và trên thực tế việc “tăng cường” được thực hiện như thế nào?
(3) để làm gì?
Xin lần lượt trả lời 3 dấu hỏi viết chung, và dấu kín vào một câu ngắn.
Trước nhất, nếu “tăng cường quốc phòng” là việc tìm thêm đồng minh, mua thêm tầu ngầm, khu trục, thì ngược lại việc “tăng cường quan hệ quốc phòng” lại đặt những phương tiện chiến tranh đó vào chung với những phương tiện chiến tranh của Trung Cộng, để sử dụng trong mục đích chung. Tầu-Việt chỉ có những mục tiêu quân sự đối chỏi chứ không có mục đích chung. Do đó đem quân lực Việt Cộng góp sức với quân lực Tầu để thực hiện mục đích chung của hai nước, chỉ là nói loanh quanh để che dấu thái độ đầu hàng của Việt Cộng.
Ðiều thứ nhì là Trung Cộng đã hóa giải mục đích quốc phòng cấp bách nhất của Việt Cộng là bảo vệ Biển Ðông và bảo vệ những hải đảo trong biển này, bảo vệ tài nguyên nhiên liệu nằm trong lòng biển, thành một công tác võ trang của cả hai nước; điều trái cẳng ngỗng là hai nước này cùng đang tranh dành vùng biển đó.
Ðiều thứ ba là mục đích của việc bỏ tất cả mọi phương tiện chiến tranh vào chung một tụ là để tất cả mọi chiến cụ của Việt Cộng đều chỉ tác động theo lệnh của tướng lãnh Trung Cộng, sau khi quan hệ quốc phòng Hoa-Việt đã tăng cường.
Tân Hoa Xã “Việt Nam hoá” việc “tăng cường quan hệ quốc phòng” bằng cách trình bầy là Trung Cộng không chủ trương việc này mà chính thứ trưởng Quốc phòng Việt Cộng Nguyễn Chí Vịnh tự ý đến thăm Trung Cộng để thúc đẩy hợp tác giữa hai quân đội, nhân kỷ niệm 60 năm quan hệ song phương.
Tân Hoa Xã cho hay ông Vịnh vừa hội kiến Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Trần Bình Đức hôm thứ Hai 03/01.
Họ gặp nhau tại trụ sở Bộ Quốc phòng TQ, tòa nhà Bát Nhất ở Bắc Kinh.
Nguyễn chí Vịnh
Hãng tin chính thức của nhà nước Trung Cộng nói hai bên đã thảo luận về phương hướng phát triển quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ quốc phòng.
Bộ trưởng Lương Quang Liệt được trích lời nói quan hệ Việt -Trung đang bước vào giai đoạn phát triển mới với sự hợp tác hiệu quả giữa quân đội đôi bên.
"Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đẩy mạnh trao đổi và cộng tác nhằm mục tiêu xã hội chủ nghĩa và các tiêu chí đối tác chiến lược."
Không ý thức được việc làm bán nước, bán biển Việt Nam cho Trung Cộng, tướng Chí Vịnh nói Việt Nam hy vọng sẽ thu gặt nhiều lợi ích từ quan hệ hữu nghị và hiệu quả giữa hai quân đội, vì an ninh khu vực.
Hai bên đồng ý sẽ tăng cường trao đổi quốc phòng trong năm 2010, năm được cả Trung Cộng lẫn Việt Cộng coi là năm hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.”
Quả là khiếp đảm: Trung Cộng giải giới nửa triệu quân Việt Cộng chỉ bằng một chữ ký của tướng Chí Vịnh.
Lần đầu tiên Hà Nội và Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao là vào năm 1950, một năm sau ngày Trung Cộng làm chủ lục địa Trung Hoa, nhưng liên hệ song phương bị gián đoạn sau 1975, vì Trung Cộng cáo buộc Việt Cộng là có mưu đồ tiểu bá Ðông Dương; quan hệ giữa đôi bên chỉ bình thường hóa từ năm 1991.
Tân Hoa Xã không cho biết chuyến thăm Trung Cộng của tướng Vịnh bắt đầu và kết thúc khi nào. Báo chí Việt Nam cũng không nhắc gì tới chuyến thăm này.
Đây là lần đầu tiên tướng Vịnh dẫn đầu một phái đoàn cao cấp của quân đội Việt Cộng thăm chính thức Bắc Kinh và hội đàm với giới lãnh đạo Quốc phòng Trung Cộng.
Chỉ qua một chuyến viếng thăm của tướng Vịnh, Trung Cộng giải quyết vấn đề Biển Ðông, Tầu hoá toàn thể quân đội Việt Cộng để hoá giải tất cả mọi nguy cơ chạm súng trên Biển Ðông.
Từ nay đoàn tầu “ngư chính” của Tầu sẽ đóng vai cảnh sát biển, giúp Việt Cộng giữ an ninh, trật tự trên toàn lãnh hải Việt Nam, giới hạn hoạt động ngư nghiệp của người dân chài Việt Nam vào vài chục cây số quanh bờ biển, và vào 9 tháng hành nghề mỗi năm.
Mùa nào luật Tầu cấm đánh bắt hải sản, mùa đó ngư dân Việt Nam đành kéo nhau ra đồng mót lúa về ăn cầm hơi.
Tất cả những mất mát hải phận, hải sản, và tài nguyên nhiên liệu lớn lao đó diễn ra vô cùng êm thấm, Trung Cộng không cần nổ một tiếng súng xâm lược nào cả. Và kỹ thuật của Tân Hoa Xã ngụy trang việc Việt Cộng đầu hàng bằng chữ nghĩa hoa mỹ còn giúp bọn trùm Việt Cộng vẫn cứ đeo mặt nạ làm người để cai trị gần một trăm triệu người Việt Nam.
Mục tiêu duy nhất của mọi nỗ lực quốc phòng Việt Nam là tự vệ chống Trung Cộng, hầu bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải. Ngoài Trung Cộng ra, đe dọa quân sự không đến từ bất cứ quốc gia láng giềng nào khác nữa cả.
Tướng Vịnh đã ký kết những hiệp ước “tăng cường quan hệ quốc phòng” với Trung Cộng thì còn nói chuyện ông Campbell, ông Burghardt, hay ông Thắng nữa làm gì. Chính vì đang đứng trước tình trạng Việt Cộng không mặn mòi với việc đối trọng hải quân Trung Cộng nữa, nên ông Campbell mới nói chuyện nhân quyền.
Người Việt hải ngoại cũng không nên mớ nữa: con đường duy nhất còn lại là lật Việt Cộng xuống. Cô Lê thị Công Nhân đã nói rất rõ: cô không hối tiếc việc cô làm, và cái giá tù tội mà cô đã trả; cô chỉ buồn vì cô mới làm được có 1 phần 90 triệu công việc cần làm, phần còn lại là việc của 87 triệu nguời quốc nội, và 3 triệu người hải ngoại.
Bắt tay vào việc đi thôi, đừng mớ nói nhảm nữa.
No comments:
Post a Comment