Nhận định của Tư lệnh Mỹ về tình hình Châu Á-Thái Bình Dương
2010-03-26
Mới đây tại thủ đô Washington, Tư lệnh các Lực lượng Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard gặp gỡ các ký giả và trao đổi về tình hình tổng quan khu vực này.
RFA PHOTO
Tư lệnh các Lực lượng Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard.
Quanh Thái Bình Dương hiện có hơn 3 tỉ rưỡi người đang sinh sống trên 36 quốc gia, bao trùm hơn phân nửa bề mặt trái đất với những nền kinh tế đang phát triển đầy sôi động. Đây cũng là nơi có nhiều diễn biến nóng bỏng về chính trị, quân sự, chiến lược, liên quan chặt chẽ đến quyền lợi và sự quan tâm của Hoa Kỳ.
Bảo vệ hòa bình và ổn định
Bộ Tư Lệnh Lực lượng Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục phát huy vai trò từ trước tới nay là bảo vệ hòa bình và ổn định cho khu vực này. Hiện nay Hoa Kỳ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác chiến lược với các quốc gia đồng minh và đối tác chiến lược mới trong khu vực để duy trì an ninh và thịnh vượng trong vùng.
“Về vấn đề khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và Shin-ka-ku ở biển Đông Trung Hoa, kể cả phần lãnh hải dọc biên giới Trung Quốc và Ấn Độ. Chúng ta nên giải quyết một cách ôn hòa.
Đô đốc Robert Willard
Trong buổi họp báo, Tư lệnh các Lực lượng Hoa Kỳ Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard trình bày như vậy về tình hình an ninh hiện nay của khu vực, sự hiện diện của Lực lượng Hoa Kỳ và sự hợp tác chiến lược với các đối tác trong khu vực nhằm giữ vững an ninh phát triển cho các quốc gia trong vùng.
Đô đốc Willard đề cập đến năm nhiệm vụ trọng yếu hiện nay mà Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ phải quan tâm đối phó. Thứ nhất, quan hệ hợp tác chiến lược với các quốc gia đồng minh trong khu vực như: Nhật Bản, là nước đồng minh chiến lược quan trọng có nhiệm vụ duy trì ổn định ở vùng Đông Bắc Á; kế đến là Nam Hàn với hơn 50 năm hợp tác để bảo đảm sự an ninh khu vực bán đảo Triều Tiên; Thái Lan, Philippines là hai nước đồng minh lâu đời với Hoa Kỳ. Và tất nhiên cũng phải kể tới Australia. Các nứơc đối tác chiến lược gồm có Indonesia, Ấn Độ, và một số quốc gia khác trong khu vực.
Vấn đề quan tâm kế tiếp mà Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương chú trọng đến trong khu vực này là công tác chống khủng bố. Các phần tử khủng bố Hồi giáo hiện vẫn đang hoạt động ở miền Nam Philipin, Indonesia, hay tại Ấn Độ với các hoạt động khủng bố mới xảy ra vài tháng trước đây ở thành phố Mumbay. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng quan tâm đến những vấn đề bất ổn khác của khu vực như: việc vận chuyển mua bán ma túy, tệ nạn buôn bán người, hải tặc… Đây là những thách thức đặt ra không chỉ đối với Bộ Tư Lệnh các Lực Lượng Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương, mà còn là nhiệm vụ mà các đơn vị khác, và những quốc gia trong khu vực phải giải quyết.
Trung Quốc hiện đại hóa quốc phòng gây lo ngại cho nhiều nước, ảnh chụp năm 2009. AFP Photo.
Quan hệ Mỹ-Trung là mối quan tâm thứ ba của Hoa Kỳ ở khu vực này.
Kế đến là quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Ấn Độ và Mỹ. Đây là mối hợp tác quan trọng để bảo đảm an ninh ở Nam Á.
Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng là Bắc Hàn. Hoa Kỳ và nhiều nước khác đều nỗ lực để bán đảo Triều tiên trở thành khu vực phi hạt nhân.
Bên cạnh những trọng trách nặng nề đó, Bộ Tư Lệnh các Lực lượng Hoa Kỳ Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng có những cơ hội trao đổi, hợp tác rất tích cực trong một khu vực năng động và có nhiều tiềm năng.
Quan hệ Trung Quốc
“Ông Từ Tài Hậu mời tôi đi thăm Trung Quốc, nhưng mọi việc bị gián đoạn do vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan. Hoa Kỳ mong cuộc hội đàm song phương với Trung Quốc sớm được tái tục.
Đô đốc Robert Willard
Việc Trung Quốc phát triển và tăng cường khả năng quân sự khiến nhiều người lo ngại. Điều này làm cho Hoa Kỳ thấy rõ tầm quan trọng trong việc duy trì đối thoại với Trung Quốc về lĩnh vực quân sự, và an ninh quốc phòng. Vấn đề này hiện đang bị ngưng trệ vì việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.
Tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn muốn tiếp tục thảo luận với Trung Quốc về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Theo Đô Đốc Willard thì cả Mỹ và Trung Quốc đều được lợi ích nếu hai bên tiếp tục cuộc đối thoại. Ông nói:
“Lần tiếp xúc gần đây nhất của tôi với phía Trung Quốc là cuộc gặp gỡ Thượng Tướng Từ Tài Hậu của Quân uỷ Trung Ương Trung Quốc, khi ông này sang thăm và làm việc với Bộ trưởng Gates tại thủ đô Washington. Cuộc đối thoại của chúng tôi rất tích cực. Chúng tôi đã thảo luận về những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Ông Từ cũng đồng ý rằng quân đội Hoa Kỳ và quân đội Trung Quốc có những lợi ích chung trong các lĩnh vực như: cứu trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, chống hải tặc, chống phổ biến vũ khí nguy hiễm. Ông Từ Tài Hậu mời tôi đi thăm Trung Quốc, nhưng mọi việc bị gián đoạn do vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan. Hoa Kỳ mong cuộc hội đàm song phương với Trung Quốc sớm được tái tục.”
Liên quan đến khu vực Biển Đông và việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở phần lãnh hải này. Đô đốc Willard nhấn mạnh:
Bản đồ vùng biển Nam Trung Hoa và vùng biển Đông Trung Hoa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. RFA Photo from Google Map. “Về vấn đề Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở khu vực biển Nam Trung Hoa và biển Đông Trung Hoa, Hoa Kỳ đã từng có mặt ở khu vực này từ lâu. Mọi người đều biết rằng, trao đổi thương mại thông qua các đường dây viễn liên ngầm dưới biển hay các phương tiện thông tin liên lạc trên không qua khu vực này trị giá trên cả ngàn tỉ đô la mỗi năm. Hoa Kỳ có nhiệm vụ bảo vệ các đường dây viễn liên này, để tất cả mọi người có thể sử dụng. Đó là lợi ích mà các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ rất quan tâm. Và đó cũng là lợi ích của cả Trung Quốc. Khu vực như biển Nam Trung Hoa và biển Đông Trung Hoa là mối quan tâm đặc biệt của tôi, và của Bộ Tư Lệnh các Lực lượng Hoa Kỳ ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Tất cả mọi dân tộc đều có quyền hưởng thụ vùng biển, vùng trời, điều đó sẽ mang lại lợi ích cho cả khu vực.
Về vấn đề khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và Shin-ka-ku ở biển Đông Trung Hoa, kể cả phần lãnh hải dọc biên giới Trung Quốc và Ấn Độ. Tôi nghĩ vì lợi ích của tất cả chúng ta nên ai cũng đều mong muốn vấn đề được giải quyết một cách ôn hòa, thông qua các cơ chế đa phương như ASEAN.
Thực ra, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương không chỉ liên quan đến vấn đề Trung Quốc mà còn những vấn đề liên quan đến nhiều quốc gia khác nữa. Những vấn đề đó cần được giải quyết giữa các chính phủ, để có thể giải quyết một cách ôn hòa.”
Trong cuộc họp báo này Đô đốc Tư lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng đề cập đến một số vấn đề hiện nay như: quan hệ xuyên eo biển Đài Loan, vấn đề sắp xếp lại các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, và việc tái tục Hội nghị 6 bên về vấn đề giải giới hạt nhân của Bắc Hàn.
Quỳnh Như tường trình từ Washington
No comments:
Post a Comment