Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
Chỉ vài giờ sau khi từ trại giam về đến Huế, mặc dù tình trạng sức khoẻ không được tốt và còn mệt mỏi, Linh Mục Nguyễn Văn Lý vẫn ưu tiên trả lời phỏng vấn RFA.
Hình do thân nhân LM Lý gửi đến RFA
Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Tòa Tổng Giám Mục Huế hôm 15-3-2010.
Đỗ Hiếu: Xin chúc mừng LM Nguyễn Văn Lý vừa được trở về với xã hội bên ngoài và gia đình sau nhiều năm bị giam cầm. Linh Mục có cảm tưởng ra sao khi nghe quyết định là được phóng thích ạ?
LM Nguyễn Văn Lý: Trước hết xin chào ông Đỗ Hiếu và kính chào tất cả quý vị, tất cả bà con, bạn hữu. Lời đầu tiên là tôi xin cảm ơn tất cả quý vị, bà con và bạn hữu đã nhiều năm hiệp thông, cầu nguyện và giúp đỡ cho tôi nhiều. Tiện đây thì qua quý vị tôi cũng xin kính gửi lời cảm ơn tất cả bà con bạn hữu xa gần, những người tôi đã biết cũng như những người tôi chưa biết đã quan tâm giúp đỡ tôi rất nhiều và giúp đỡ gia đình tôi cũng rất nhiều trong bao nhiêu năm tháng qua. Bây giờ được trở lại với xã hội thì trước hết là tôi xin kính chào tất cả quý vị.
Tình trạng sức khỏe kém
“Tôi đã bị tai biến mạch máu não 3 lần. Lần thứ nhất là vào tháng 5-2009, lần thứ hai vào tháng 7 và lần thứ ba vào tháng 11. Ba lần thì mỗi lần lại nặng thêm.
LM Nguyễn Văn Lý
Đỗ Hiếu: Thưa Linh Mục, ngoài những lời cảm ơn gửi đến tất cả những người biết mặt và không biết mặt thì LM Lý có điều gì muốn đặc biệt nhắn gửi quý khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do trong và ngoài nước ạ?
LM Nguyễn Văn Lý: Hiện giờ thì xin cảm ơn tất cả quý vị và bà con, bạn hữu. Tôi cũng chưa có sẵn một cái ý kiến gì để thưa gửi cả, thì cũng chắc phải vài ngày nữa. Tuy nhiên, mặc dù tôi cũng đang yếu mệt, khi đi ra khỏi trại là 4 giờ sáng thì tôi lại phải thức dậy khoảng 2 giờ sáng để dâng lễ rồi kinh nguyện cho xong, thì đi 4 giờ sáng mà xe chạy liên tục về đến Huế đây thì khoảng 5 giờ chiều. Từ hồi chiều đến bây giờ thì cũng nhiều bạn bè nghe tin đến thăm nên tôi cũng đang mệt, chưa dám nói gì nhiều. Tuy nhiên, tôi có thể trả lời một vài câu hỏi mà quý vị có thể quan tâm, muốn biết, thì ưu tiên xin mời ông Đỗ Hiếu đặt câu hỏi gì mà tôi có thể trả lời được gì thì tôi trả lời về tất cả các vấn đề.
Đỗ Hiếu: Xin cảm ơn LM Lý. Trước hết thì thính giả cũng như là những người quan tâm đến cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo, dân chủ - nhân quyền của LM thì muốn được nghe LM nói về sức khoẻ của mình trong lúc này ạ.
Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Tòa Tổng Giám Mục Huế hôm 15-3-2010. Hình do thân nhân LM Lý gửi đến RFA. LM Nguyễn Văn Lý: Tôi đã bị tai biến mạch máu não 3 lần. Lần thứ nhất là vào tháng 5-2009, lần thứ hai vào tháng 7 và lần thứ ba vào tháng 11. Ba lần thì mỗi lần lại nặng thêm, riêng lần thứ ba này thì người ta đưa lên trên Hà Nội, vào Bệnh Viện 198 của Bộ Công An. Tại đây người ta xét nghiệm thì người ta thấy có hai đoạn mạch cảnh hai bên cổ thì bị xơ vữa nhiều chỗ, nhiều tụ huyết, nhưng mà cái quan trọng hơn là ở trên hậu chẩm của não bên trái đã có một khối u rộng khoảng 2 centimet và người ta hồ nghi rằng chính vì cái khối u này nó chèn ép một số thần kinh thành ra chân phải và tay phải bị liệt.
Sau 4 tháng điều trị thì hiện giờ chân phải có bớt đôi chút nhưng mà vẫn chưa cử động bình thường, còn riêng tay phải thì đã có thể cầm được thìa để ăn cơm nhưng chưa cầm bàn chải đánh răng và chưa cầm bút được, nhưng vẫn có thể đưa tay lên đưa tay xuống để tập thể dục cũng được. Phục hồi lần sau thì chậm hơn lần trước, thành ra lần này đã 4 tháng rồi mà mức độ phục hồi thì nó không bằng lần thứ hai. Riêng về khối u trên não trái thì người ta cũng không nói cho mình biết u đó là u ác tính hay lành tính, và người ta cũng không muốn đụng vào để điều trị vì sợ có khi tai biến gì nguy hiểm, cho nên họ muốn để cho gia đình và Giáo Hội trách nhiệm điều trị chuyện này thì hay hơn.
Cho nên cách đây 3 tháng rưỡi thì họ đã gửi cho gia đình viết thư đề nghị để đưa về mà điều trị, gia đình cũng thương cho nên gia đình làm cái thư đề nghị thì chắc quý vị cũng có biết rồi. Khi đó người ta gửi cho gia đình làm thì họ cũng bảo yêu cầu là đừng cho tôi biết kẻo sợ tôi không đồng tình, nhưng mà sau khi tôi biết thì tôi cũng chiều theo gia đình là gia đình có muốn đưa về điều trị thì cứ đưa về.
Đỗ Hiếu: Xin cảm ơn Cha đã dành thời giờ để nói về sức khỏe. Cha cũng cho phép được hỏi một vài vấn đề khác mà Cha hằng theo đuổi và quan tâm, đó là vấn đề tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, dù là biết Cha mới rời khỏi trại giam ít tiếng đồng hồ thôi, thì xin Cha vui lòng trình bày tóm tắt về quan điểm của Cha về những điều mà chúng tôi vừa nêu ạ.
LM Nguyễn Văn Lý: Về vấn đề này thì như quý vị đã biết là chúng ta đã lập đi lập lại rất nhiều và về phía nhà nước Việt Nam cũng lập đi lập lại rất nhiều, đôi bên thì quan điểm khác nhau. Để có thể đề cập đến trọng tâm vấn đề này thì có lẽ để lần khác, vì nếu nói đi nói lại những chuyện như xưa nay đôi bên đều nói thì có lẽ tất cả chúng ta đều hiểu cả rồi là đôi bên quan điểm khác nhau, nhìn từ góc độ khác nhau, vậy để nói lên những điểm đặc sắc mà chúng ta có thể quan tâm đến hoặc là hy vọng có thể cải thiện được cái gì thì những chuyện này có lẽ để một lần khác rồi tâm trí tôi nó ổn định hơn thì hy vọng sẽ đề cập đến hữu ích hơn.
Còn bây giờ tôi chỉ có nói qua một chút quan điểm của tôi về chuyện tại sao nhà nước tạm đình chỉ thi hành án để cho gia đình đưa tôi về và quan điểm của tôi về cái bản án của tôi như thế nào. Chuyện đó là chuyện vừa tầm của tôi đề cập mà cũng nằm trong sự quan tâm trước mắt của quý vị.
Không chấp nhận bản án
“Tôi không bao giờ chấp nhận bản án đã kết án tôi, cho nên suốt 3 năm nay tất cả các giấy tờ liên quan, dầu một giấy nhỏ nhất chỉ là một giấy mua hàng thôi, mua quà, mua thức ăn hàng ngày thôi, tôi cũng vẫn ký là "tù nhân lương tâm".
LM Nguyễn Văn Lý
Đỗ Hiếu: Dạ, xin mời Linh Mục ạ.
LM Nguyễn Văn Lý: Trước hết là như quý vị đã biết bản án kết án tôi nó không phù hợp với công luận quốc tế hiện nay và cũng không được văn minh, vì cách đây hơn 160 năm ông Karl Marx viết Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản và bộ Tư Bản Luận tại Luân Đôn thì ông vẫn được bình yên để viết, và giả như ông viết bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản rồi ông bị bắt thì làm sao lại có các đảng cộng sản tiếp theo được, nhưng bây giờ có những người Việt Nam làm việc tương tự như vậy thì bị bắt chứng tỏ rằng luật pháp Việt Nam hiện nay mà về lãnh vực đó thôi thì lạc hậu hơn thời ở Luân Đôn cách đây 160 năm.
Rồi nhóm Nguyễn Ái Quốc ở Pháp đầu thế kỷ 20 gồm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, cụ Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, sau này là Nguyễn Tất Thành nữa, ra báo Le Paria và viết nhiều tác phẩm khác ngay giữa thủ đô Paris, nhưng thực dân Pháp không bắt.
Và ngay tại Việt Nam cụ Huỳnh Thúc Kháng ra báo Tiếng Dân, rồi cụ Nguyễn Thế Truyền ra báo Tiếng Chuông Rè, tương tự như thế ngay tại Việt Nam, ngay ở Miền Nam, cũng không bị bắt. Và một số đảng viên đảng cộng sản Việt Nam hoạt động tại Miền Nam lúc bấy giờ mà không bạo động, chỉ dùng giấy bút thôi, thì cũng không bị bắt. Như vậy xét về mặt này, luật pháp Việt Nam hiện nay lạc hậu hơn các thời thực dân Pháp tại Việt Nam. Và rõ ràng nhất là tại thủ đô Paris
Vì lẽ đó mà tôi không bao giờ chấp nhận bản án đã kết án tôi, cho nên suốt 3 năm nay tất cả các giấy tờ liên quan, dầu một giấy nhỏ nhất chỉ là một giấy mua hàng thôi, mua quà, mua thức ăn hàng ngày thôi, tôi cũng vẫn ký là "tù nhân lương tâm". Không bao giờ tôi không sửa lại những cái từ đề là "phạm nhân" trên các giấy tờ của nhà nước Việt Nam hết. Chính vì vậy bây giờ nếu như họ đề nghị tôi là tạm đình chỉ thi hành án để về chữa bệnh thì tôi không bằng lòng, vì tạm đình chỉ thi hành án tức là mình có chấp nhận bản án. Còn nếu như đề nghị đình chỉ hẳn thì tức là mình cũng chấp nhận bản án. Họ biết như vậy cho nên họ không trực tiếp đề xuất với tôi mà họ trình bày với gia đình tôi để họ đánh vào cái việc lo âu của gia đình là mong ước chữa bệnh cho tôi, để cho gia đình tự ý đề xuất. Khi gia đình đã đề xuất thì tôi cũng chiều theo vì tôi thấy gia đình cũng có ý thương mình, tình nghĩa sâu đậm, cho nên tôi nói gia đình muốn đưa về thì cứ đưa về. Nhưng mà gia đình đưa về thì gia đình không đề cập gì đến bản án, chỉ có đề cập rằng đang bị bệnh như vậy thì muốn được đưa ra ngoài điều trị cho có điều kiện hơn thôi.
Đối với tôi thì họ đã có ám chỉ viết như thế cách đây khoảng 3 tháng rưỡi, nhưng mà diễn biến để mà thông báo cho tôi biết là họ bằng lòng cho tôi ra ngoài thì tôi mới chỉ biết chiều hôm qua thôi, tức là chiều 14-3, theo giờ Việt Nam đấy, ngày chiều Chủ Nhật. Còn hôm nay thì đã là ngày Thứ Hai, ngày 15-3 rồi.
Đỗ Hiếu: Cảm ơn Linh Mục về những điều đó. Trước khi tạm biệt thì xin LM dành cho Đài chúng tôi được một câu hỏi cuối, đó là trong thời gian tới thì LM dự kiến sẽ có những hoạt động gì ạ?
LM Nguyễn Văn Lý: Trước mắt thì tôi phải chấp nhận sự điều trị của Tòa Giám Mục Huế và gia đình, còn liên quan đến công việc của tôi thì tôi cũng cần phải có một thời gian để tiếp xúc lại với xã hội, xem coi thử hiện nay xã hội đang quan tâm những chuyện gì và diễn tiến như thế nào đã, chứ tôi chưa có một chủ định gì cả, là bởi vì mình như từ trong hang mới bước ra ngoài ánh sáng thì chưa nắm rõ hư thực làm sao.
Cả 3 năm nay thì gia đình có thăm gặp cũng đâu có nói gì đến chuyện xã hội nhiều và tôi đọc báo trong tù thì cũng chỉ được đọc tờ Nhân Dân và tờ Pháp Luật của nhà nước thôi, và hàng ngày thì cũng có coi phần thời sự ở trong truyền hình. Như vậy tôi không biết trong 3 năm nay thì thế giới bên ngoài như thế nào và cộng đồng người Việt chúng ta trong nước ngoài nước đang có những chuyển biến như thế nào, vì vậy mà trước mắt thì phải điều trị bệnh tật của mình, thứ hai là cũng cần phải có một thời gian để làm quen lại với cuộc sống xã hội bình thường đã .
Đỗ Hiếu: Đài Á Châu Tự Do chúng tôi xin cảm ơn LM Nguyễn Văn Lý đã dành cho Ban Việt Ngữ cuộc trao đổi chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Linh Mục rời khỏi trại giam. Kính chúc Linh Mục bình an, may mắn và mạnh khỏe.
LM Nguyễn Văn Lý: Xin cảm ơn anh Đỗ Hiếu và tất cả quý vị, bà con, bạn hữu rất nhiều. Xin cầu nguyện cho nhau luôn. Xin cảm ơn.
Theo dòng thời sự:
•Linh mục Nguyễn Văn Lý được trả tự do
•Sức khỏe LM Nguyễn Văn Lý sa sút trong tù
•Tòa Tổng giám mục Huế và trường hợp LM Nguyễn Văn Lý
•Linh mục Nguyễn văn Lý đã được đưa về trại giam
•Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi trả tự do cho LM Nguyễn Văn Lý
No comments:
Post a Comment