Thanh Quang, phóng viên RFA
2010-09-30
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates sẽ tới Hà Nội vào tháng 10 này để tham dự hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và 8 nước đối tác.
AFP PHOTO/Jim Watson
Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates (phải) tiếp đón Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tại Ngũ Giác Đài hôm 15-12-2009.
Giữa lúc Hoa Kỳ xem chừng như kiên quyết xúc tiến quyền lợi chiến lược của họ tại vùng Đông Nam Á trong khi Trung Quốc cũng bày tỏ quyết tâm khống chế gần trọn Biển Đông, thì Tổng trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates cam kết sẽ tới Hà Nội vào tháng 10 sắp tới để tham dự hội nghị giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và 8 nước đối tác, kể cả Hoa Kỳ.
Một bước tiến mới
Câu hỏi được nêu lên là sự hiện diện của Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates tại Việt Nam như vậy có gì đáng nói, nhất là so với những chuyến đi Việt Nam trước đó của các Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ William Cohen và rồi Donald Rumsfeld? Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại Học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ nhận xét:
“Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates đi Việt Nam trong giai đoạn Việt Nam có rất nhiều tiến bộ, đến nỗi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói là với tiến độ “chóng mặt”.
GS Nguyễn Mạnh Hùng
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Các chuyến đi này khác nhau nhiều lắm. Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates đi Việt Nam vào tháng 10 này phát xuất từ lời hứa đưa ra ở hội nghị Singapore hồi tháng 7 rồi.
Nếu so sánh với các Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ trước đó thì chúng ta thấy Tổng trưởng Quốc phòng William Cohen vào năm 2000 đã bị Hà Nội hoãn lại rất nhiều lần trước khi cho ông Cohen vào. Hà Nội rất chần chừ trước khi tiếp vị Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ này.
Rồi đến khi Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld đến Việt Nam vào năm 2006, thì mãi cho tới 2 năm sau đó, hai bên mới đồng ý với nhau thúc đẩy quan hệ quốc phòng trên mọi cấp bậc. Mãi 2 năm sau kể từ thời điểm 2006 như vừa nói thì mới có cuộc đối thoại đầu tiên mà Việt Nam gọi là đối thoại chiến lược, còn phía Mỹ gọi là Đối thoại An ninh Chính trị Quốc phòng.
Còn kỳ này Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates đi Việt Nam thì đã có nhiều chuyện xảy ra rồi – một cách dồn dập. Trước hết là hội nghị chiến lược hồi tháng 7 mà Mỹ gọi là Đối thoại Quốc phòng An ninh và Chính trị, lên tới lần thứ 3 rồi. Đến tháng 8 thì có hội nghị đầu tiên gọi là Hội nghị Đối thoại Chiến lược Quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam.
Tới bây giờ là tháng 9 thì chúng ta thấy Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, có sang Mỹ. Rồi tháng sau ông ấy lại đi. Như vậy chúng ta thấy mỗi một tháng cuộc gặp gỡ 2 bên cứ thế mà tăng lên. Tức là Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates đi Việt Nam trong giai đoạn Việt Nam có rất nhiều tiến bộ, đến nỗi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói là với tiến độ “chóng mặt”. Quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ nóng lên.
ộ trưởng Quốc phòng Robert Gates (trái) cùng với Đô đốc Mike Mullen trong một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, Washington DC, hôm 23-09-2010. AFP PHOTO / Saul Loeb.
Thanh Quang: Thưa Giáo Sư, theo giới thạo tin ở Washington thì sau khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tới thăm Mỹ vừa qua, Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert Gates đánh giá rằng tướng Phùng Quang Thanh là người cởi mở. Liệu cái nhìn tích cực như vậy của Ngũ Giác Đài đối với người điều hành quốc phòng Việt Nam có ý nghĩa gì không, liên quan sự hợp tác quân sự giữa 2 bên?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Có chứ. Như chúng ta thấy đầu tiên rất là lưỡng lự khi Hà Nội hoãn bao nhiêu lần trước khi Tổng trưởng Quốc phòng William Cohen đến Việt Nam. Rồi khi ông Cohen thăm Việt Nam vào năm 2000, mãi 3 năm sau đó thì Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam lúc ấy là tướng Phạm Văn Trà mới viếng thăm Hoa Kỳ đáp lễ. Thành ra đến khi Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đến Mỹ, trong cuộc họp, người ta nói ông cởi mở là chuyện dĩ nhiên vì tình hình Việt Nam đã khác rồi. Chính sách, chính trị khác rồi, cho phép tướng Thanh cởi mở hơn.
Từ đó đến nay, rất nhiều diễn tiến 2 bên, những cuộc viếng thăm 2 bên càng ngày càng nhiều hơn. Và khi quan hệ quốc phòng tốt đẹp hơn thì các quan hệ khác cũng tốt đẹp. Chính Ngoại trưởng Clinton cũng sang thăm Việt Nam vào mùa Hè qua, và bà sẽ trở lại Việt Nam nữa, tức đi đi lại lại dồn dập. Trong khi đó, tháng vừa có, có tướng Vịnh, rồi phái đoàn kinh tế Việt Nam sang Mỹ. Đồng thời của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang đây làm đồng chủ tịch với Tổng thống Obama trong hội nghị giữa ASEAN và Mỹ.
Chúng ta cũng thấy là cuộc họp tháng 7 vừa rồi lần đầu tiên nói tới vấn đề Biển Đông. Rồi trong cuộc họp tháng 8, vấn đề Biển Đông cũng được nói ra công khai. Tức Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu đi gần với nhau hơn về điều gọi là “quyền lợi chiến lược”.
Ngăn chận hiểm họa Phương Bắc
“Trung Quốc quan tâm đến chuyện này nhưng không có lý do chính đáng để chận đứng mối quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ.
GS Nguyễn Mạnh Hùng
Thanh Quang: Thưa Giáo Sư, có lẽ một trong những điểm chủ chốt ở đây là hiểm họa từ Phương Bắc. Theo nhận định của Giáo Sư thì sự hiện diện của Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Việt Nam giữa lúc mối quan hệ quân sự giữa 2 nước xem chừng như ngày càng mở rộng có thể giúp Việt Nam ngăn chận hiểm họa từ Phương Bắc ra sao?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Điều đó chỉ một phần nào thôi. Chúng ta thấy vấn đề này là vấn đề toàn thể vùng biển Đông Nam Á. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều nói rằng sự hiện diện của Mỹ ở vùng này là yếu tố ổn định. Nói là nói vậy thôi chứ khi Việt Nam và Mỹ đứng gần nhau thì thì Bắc Kinh không thích.
Trung Quốc quan tâm đến chuyện này nhưng không có lý do chính đáng để chận đứng mối quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ. Cho nên chúng ta thấy quan hệ Việt-Mỹ thực sự tốt nếu tiến hành đến nơi đến chốn. Và điều này sẽ làm cho Bắc Kinh tính toán kỹ lưỡng hơn khi thực sự xâm lấn Việt Nam. Nhưng Trung Quốc vẫn có thể ra tay trước khi quan hệ Việt-Mỹ được tiến hành đến nơi đến chốn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (phải) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh bắt tay tại cuộc họp song phương bên lề hội nghị an ninh hàng năm, ở Singapore ngày 04 tháng 6 năm 2010. AFP PHOTO. Thanh Quang: Theo Giáo Sư thì hội nghị giữa các Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN và 8 nước đối tác tại Hà Nội vào tháng tới như vừa nói có thể mang lại triển vọng ra sao cho hòa bình, ổn định trong khu vực?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Như tôi vừa trình bày thì tất cả các nước, kể cả Trung Quốc, đều nghĩ là sự hiện diện cũa Mỹ trong vùng sẽ tạo thêm ổn định. Kỳ trước hội nghị ASEAN cộng những nước đối tác là không có mặt Mỹ. Tại vì mấy nước ASEAN sợ Trung Quốc nên không dám làm thế. Bây giờ Trung Quốc hung hăng quá nên ASEAN mới mở rộng ra, mời cả Nga lẫn Mỹ vào.
Đây là yếu tố tốt vì nó giúp trung hòa sự lấn lướt hoàn toàn của Trung Quốc. Ngày xưa chỉ có mấy nước ASEAN với Trung Quốc thì Trung Quốc là số 1. Bây giờ sự hiện diện của Hoa Kỳ tất nhiên sẽ làm giảm áp lực của Trung Quốc đối với các nước nhỏ. Còn vấn đề ổn định khu vực có lâu dài hay không thì tùy thuộc vào sự đoàn kết của các nước ASEAN, và sự tính toán của Trung Quốc.
Thanh Quang: Cảm ơn Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng.
No comments:
Post a Comment