Việt Long, phóng viên RFA
2010-11-30
Vụ Wikileaks thu thập và tiết lộ nội dung những điện văn nội bộ của ngành ngoại giao Hoa Kỳ được Bộ trưởng ngoại giao Italy Franco Frattini gọi là "vụ tấn công 911 vào ngành ngoại giao toàn thế giới".
Người sáng lập trang web Wikileaks, Julian Assange, tại Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva ngày 05 tháng 11 năm 2010.
Tin tức cho là nhiều quốc gia đang nháo nhào tìm cách đối phó với những thiệt hại do vụ tiết lộ tin mật gây ra. Những tiết lộ mới nhất được đăng trên The Guardian và New York Times cho thấy nhiều điều bất ngờ liên quan đến Trung Quốc, Bắc Hàn.
Điều tiết lộ mới nhất trên website của hai tờ báo The Guardian và The New York Times cho hay Trung Quốc đã mất kiên nhẫn đối với xứ đồng minh lâu đời là Bắc Hàn. Một số viên chức cao cấp ở Bắc Kinh đã mô tả chế độ Bình Nhưỡng là hành động như một đứa trẻ hư.
Phản ứng của các nước
Theo những điện văn nội bộ của ngành ngoại giao Hoa Kỳ mà WikiLeaks có được, Thứ trưởng ngoại giao Nam Hàn Chun Ung-woo cho biết hai viên chức cao cấp của Trung Quốc, mà tên tuổi được đổi đi trong tài liệu do WikiLeaks phổ biến, nói với ông rằng họ tin là bán đảo Triều Tiên nên được thống nhất dưới quyền cai trị của Nam Hàn.
Quan điểm này còn được cho là đang lan rộng thêm trong giới lãnh đạo ở Bắc Kinh. Điện văn do đại sứ Mỹ Kathleen Stevens gửi về bộ ngoại giao Hoa Kỳ hồi trước đây trong năm cho biết thứ trưởng Chun nói Bắc Hàn đã sụp đổ về kinh tế, và sẽ sụp đổ về chính trị chỉ hai hay ba năm sau khi lãnh tụ Kim Jong-il qua đời.
Thứ trưởng ngoại giao Nam Hàn cũng bác bỏ giả thuyết về một sự can thiệp quân sự của Trung Quốc một khi Bắc Hàn sụp đổ. Ông nhận định rằng quyền lợi chiến lược về kinh tế của Trung Quốc ngày nay nằm trong tay Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn, không phải là Bắc Hàn.
Những tiết lộ của WikiLeaks làm giới ngoại giao trên toàn thế giới điên đầu, nhưng có nhiều điều được dư luận quần chúng trên thế giới coi là những ngạc nhiên khá buồn cười, giống như mọi câu chuyện trong hậu trường ở mọi nơi trên trái đất. Một trong những chuyện tức cười đó là đại sứ Trung Quốc ở Kazakhstan từng nói với đại sứ Mỹ trong một buổi dạ tiệc ở nơi này rằng chủ tịch Hạ viện Mỹ Nanci Pelosi đã làm Bắc Kinh "sợ muốn chết" ngay lúc bà đang thăm Trung Quốc hồi năm ngoái và đòi tới thăm Tây Tạng. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Hà Á-phỉ đã từ chối chuyến thăm Tây tạng, và chuyến đi đó của bà Pelosi đã trôi chảy không xảy ra điều gì đáng kể.
Cũng liên quan đến Trung Quốc, có điện văn cho biết Bắc Kinh từng tỏ ý quan ngại với Hoa Kỳ về vấn đề cải tổ Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ chủ động. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phỉ nêu mối quan ngại này, nói rằng cơ chế Hội đồng Bảo An nên được giữ nguyên với 5 hội viên thường trực có quyền phủ quyết như hiện nay, và công chúng Trung Quốc khó lòng chấp nhận Nhật Bản làm một hội viên thường trực thêm vào đó. Ông họ Hà còn nói rằng giả dụ tăng con số này lên thành 10, thì cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đểu sẽ gặp rắc rối ngay.
Tài liệu mật bị tiết lộ cũng cho biết nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei đang bị ung thư không thể chữa trị, và sẽ qua đời trong vòng chưa tới một năm kể từ tháng 8 năm ngoái. Điện văn này do tòa lãnh sự Mỹ ở Istanbul gửi về nước lúc đó, dựa trên lời của một doanh gia có quan hệ gần gũi với cựu Tổng thống Iran Rafsanjani.
Liên quan tới Iran còn có một tin bị lộ được coi là tế nhị nhất. Đó là lời phát biểu của quốc vương Á Rập Xê-Út muốn Hoa Kỳ tấn công Iran để gọi là "chặt cái đầu con rắn" vì mối lo Iran có vũ khí hạt nhân.
Bên cạnh đó có nhiều chuyện đã và sắp được tiết lộ có thể làm nhiều chính phủ đỏ mặt, nhất là Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngỏ lời xin lỗi sâu xa về vụ tiết lộ này, trong đó có những trao đổi riêng tư trong ngành ngoại giao Mỹ về những nhận xét và đánh giá đối với các đối tác ngoại giao. Có lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ tỏ ra muốn giảm nhẹ tác động của sự kiện xấu hổ này. Bà tuyên bố, những điều tiết lộ về Iran chẳng làm ai ngạc nhiên cả.
Phát ngôn viên tòa Bạch ốc Robert Gibbs nói rằng Tổng thống Barack Obama khá phiền lòng về những tài liệu mật bị WiliLeaks tiết lộ, và chính phủ không loại việc sử dụng biện pháp pháp lý đối với người đưa tin ra ngoài.
Ngoại trưởng Mỹ cũng không đề cập tới website WikiLeaks, mà cho biết sẽ thi hành những biện pháp mạnh đối với những ai tiết lộ cho WikiLeaks.
Bà Hillary Clinton tuyên bố sự tiết lộ đó làm tổn hại nỗ lực của Washington trong công cuộc hợp tác với nhiều nước khác, nhưng bà tin tưởng rằng mối quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ sẽ được giữ vững trước mối thử thách do sự tiết lộ đem lại.
Ai đang trong tầm ngắm?
Báo chí Mỹ nhắc tới một quân nhân 23 tuổi, cựu nhân viên phân tích tình báo của quân đội Mỹ.
Đoạn phim này được WikiLeaks tiết lộ hồi tháng tư, và Bradley bị bắt, giam tại căn cứ Thuỷ quân lục chiến Quantico ở Virginia. Anh này còn bị kết tội đã tải hơn 150 ngàn tài liệu của bộ ngoại giao và tiết lộ ra ít nhất là một số điện văn mật trong số đó. Bradley có hành động này khi tham dự công tác tình báo của Lữ đoàn 2, Sư đoàn 10 Sơn cước hoạt động tại Iraq. Anh chàng đem khoe mọi việc với một người khác, thế là bị tố cáo và bị bắt ngay.
Giới ngoại giao trên thế giới cũng phải tiếp sức Mỹ làm giảm nhẹ sự tai hại động trời này.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Á Rập Xê-Út tuyên bố nước ông không quan tâm tới những chi tiết đó, và cũng không lưu ý đến tính xác thực của nguồn tin, nên không có gì bình luận.
Anh quốc tuyên bố tiếp tục cộng tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong mọi vấn đề, mặc dù báo chí cho biết sẽ tiết lộ những điều phê phán không hay của ngành ngoại giao Mỹ đối với Thủ tướng Anh David Cameron và cựu thủ tướng Gordon Brown.
Afghanistan xác định rằng mối quan hệ với Hoa Kỳ sẽ không bị ảnh hưởng vì những tiết lộ về Tổng thống Hamid Karzai, coi ông như con người yếu ớt và hoang tưởng, nhiều âm mưu, em ông là trùm tham nhũng và buôn ma túy.
Phát ngôn viên của Tổng thống Afghanistan nói nước ông không thấy có điều gì cụ thể, và chính phủ Kabul chờ xem còn gì thêm nữa trước khi nhận định.
Liên Bang Nga cũng tuyên bố chẳng có gì mới mẻ đáng nhận xét trong điều được coi là ý kiến của giới ngoại giao Mỹ rằng nước Nga là một xứ sở Mafia do Thủ tướng Putin cai trị chứ không phải do Tổng thống Medvedev. Một viên chức điện Kremlin còn nói giới ngoại giao Nga nhiều khi cũng bộc trực như vậy trong những lúc trao đổi riêng với nhau.
Phát biểu tương tự, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ Phillip Crowley nói giới ngoại giao khắp nơi đều là như thế, mọi quốc gia đều thu thập những tin tức từ đó hình thành chính sách ngoại giao.
Tòa Bạch ốc thì nói rằng từ bản chất, các báo cáo tại chỗ từ các nơi về Washington là thẳng thắn bộc trực nhưng không phải là hoàn toàn đầy đủ. Đó cũng chẳng phải là sự bày tỏ chính sách hay quyết định cho những chính sách sau cùng.
(Xem bản tin video sáng 30-11-2010)
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment