Nguyễn Ðạt Thịnh
Ngày thứ Tư 27 tháng 5, ông Võ Nguyên Giáp gửi thêm một lá thư nữa, lá thứ ba, để thúc giục bộ chính trị của đảng Việt Cộng ngừng kế hoạch khai thác bauxite mà ông gọi là một “quyết định sai lầm, gây nên tai hoạ lớn cho đất nước”.
Ðài BBC nói, “Bức thư được gửi đi vào ngày 20/5/2009 khi Quốc hội CSVN bước vào khoá họp thường lệ để thảo luận thông qua một số luật. Hiện quốc hội CSVN đang có một số cuộc bàn cãi và một số người đòi hỏi phải đưa vấn đề khai thác bauxite ra để quốc hội thảo luận và biểu quyết.”
Tôi không ngạc nhiên về số những cái lầm của BBC cho là quốc hội bù nhìn của Việt Cộng có quyền thảo luận và đi ngược lại quyết định của tổ chức có thực quyền quyết định là bộ Chính Trị Việt Cộng.
Ông Giáp không lầm lẫn như vậy, ông biết vai trò “cái triện cao su” của quốc hội, do đó ông không gửi thư cho quốc hội.
BBC tiếp tục triển khai quan điểm sai lầm của họ; cơ quan truyền thông này viết, “Trong cung cách hiện tại, chính phủ CSVN chỉ gửi tới quốc hội một bản báo cáo về kế hoạch này mà không “xin ý kiến” hay để quốc hội biểu quyết, lấy cớ dự án chưa tới một tỉ đô la, tức dự án nhỏ.
“Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, theo sự tường thuật của báo VietnamNet về phiên họp quốc hội CSVN ngày 26 tháng 5/2009, cho rằng hành vi của chính phủ là “lách luật”.
“Trong một lá thư chống lại các đề nghị của giới khoa học gia trong nước, hồi tháng Hai, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, đe nẹt rằng kế hoạch khai thác bauxite là “chủ trương lớn của đảng và nhà nước”.
“Điều này cho thấy sự mâu thuẫn của chế độ khi muốn sử dụng cái quốc hội của họ vào cái họ cần và cái quốc hội này không có thực quyền như hiến pháp đã tuyên xưng là “cơ quan quyền lực cao nhất nước”. (Xin lưu ý: câu văn lủng củng với 3 chữ “cái” này cũng như câu văn với 3 chử “số” vừa nêu trên, là “cái” văn chương của “cái” đài BBC)
Ông Giáp không lầm trong việc chọn chỗ gửi thư, nhưng ông lầm trong việc lựa chọn đề tài của lá thư; ông viết, “chủ trương khai thác chế biến bauxite ở Tây Nguyên rất hệ trọng”.
Bức thư này lập lại các ý kiến ông đã nêu trước đây khi cho rằng kế hoạch đó “sẽ có tác động lớn đến môi trường sinh thái, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đến phát triển ổn định bền vững của đất nứơc”.
Ông chê trách Bộ Chính Trị CSVN “nhiều vấn đề cho đến nay chưa đựơc nghiên cứu, phân tích đầy đủ” và kế hoạch khai thác bauxite “chưa có phương án rõ ràng, còn nhiều vấn đề bất cập”.
Từ nhận định như vậy, ông Giáp đòi hỏi phải dừng ngay kế hoạch khai thác bauxite chứ không phải chỉ khai thác theo kiểu “thí điểm”, một cách xoa dịu dư luận trong khi thực tế vẫn tiến tới.
Rất nhiều độc giả của ông đủ kiến thức để hiểu những góc cạnh môi sinh bị ô nhiễm, kinh tế bị suy đồi vì hàng chục ngàn công ăn việc làm mất vào tay những “chiến sĩ lao động” Trung Cộng, và nguy cơ văn hoá Việt Nam bị Bắc Phương hóa vì sự có mặt của một tập thể vài chục ngàn người Tầu sinh sống trên miền Cao Nguyên Nam Phần.
Nhưng không bao nhiêu người có đủ kiến thức chiến lược như ông Giáp để hiểu những đe dọa trên hai góc cạnh an ninh và quốc phòng mà ông Giáp nêu lên.
Nhưng điều đáng buồn là ông chỉ nêu lên thôi, không giải thích gì cả. Nguyên nhân nào khiến ông không viết thêm một câu nữa để phân tách hai vấn đề an ninh và quốc phòng.
Không thể giải thích thái độ bỏ lơ của ông bằng nguyên nhân bí mật quốc phòng, vì bí mật nằm trong những chi tiết phòng thủ, chứ không nằm trong một câu ngắn như “vài chục ngàn nhân công Trung Cộng sang làm việc tại Cao Nguyên có thể trở thành một đạo quân thứ 5 khó trừ diệt sau một vài năm để chúng có thuận lợi trong công tác ‘trồng người’.”
Sau lá thư thứ nhất của ông Giáp, Nguyễn Tấn Dũng có đến tư gia ông để gặp ông; có thể trong cuộc gặp gỡ này ông nói với Dũng về những nguy cơ an ninh và quốc phòng. Nhưng sau đó ông vẫn thấy có nhu cầu viết thêm lá thư thứ nhì, lá thư thứ ba nữa, thì nhu cầu đó biện minh là việc ông nêu ra không đạt được một quan tâm đúng mức của những người cầm quyền.
Nhưng trong lá thư thứ ba ông cũng không nói rõ hơn góc cạnh quân sự của kế hoạch bô xít, địa hạt sở trường của ông.
Tại sao?
Và tại sao ông cũng không nói gì cả về những thất thế chiến lược của Việt Nam trên Biển Ðông hiện nay. Trung Cộng đã đưa 3 chiếc tầu ngụy danh là tầu “ngư chính” hộ tống ngư dân Trung Cộng đánh cá tại Biển Ðông; những chiếc tầu nầy đã ủi chìm một chiếc tầu câu mực của ngư dân Việt Nam, và khoe là đã “thành công” trong việc đánh đuổi những ngư thuyền Việt Nam khác hành nghề trên biển Việt Nam.
Ông không tìm ra một giải pháp chiến lược nào giúp một hải lực Việt Cộng nhỏ bé hơn có thể ngăn cản được hải lực Trung Cộng ư?
Nếu không tìm ra được ông vẫn có bổn phận nói lên rõ ràng, minh bạch sự thất thế này. Tại sao ông nói 3 lần về một việc bô xít, mà vẫn không nói đủ, và tại sao ông không nói gì cả về cuộc hải chiến đã bắt đầu trên Biển Ðông, cuộc hải chiến mà hải quân Việt Cộng không có mặt, để mặc ngư thuyền Việt Nam đối đầu với 3 chiến hạm ngư chính của Tầu?
Tại sao?
Nguyễn Ðạt Thịnh
No comments:
Post a Comment