Trân Văn, phóng viên RFA
Tổng cục 2 là cách gọi tắt cơ quan đặc trách tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam và kể từ năm 2004 đến nay, ba từ “Tổng cục 2”nhắc nhiều người nhớ đến một scandal, tuy ầm ĩ nhưng vẫn chưa có hồi kết.
AFP photo
Lần thứ nhì, đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư bày tỏ sự phản đối của ông đối với việc khai thác bô xít tại Tây Nguyên.
Phần âm thanh
Tải xuống âm thanh
Email bản tin này
Hồi thượng tuần tháng 6, chỉ trong vòng hai ngày, tướng Võ Nguyên Giáp – một nhân vật được xem như “khai quốc công thần” của nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay – đã gửi liên tiếp hai lá thư, lập lại một yêu cầu từng được ông nêu ra từ đầu năm 2004, đó là những nhân vật cao cấp trong Đảng và chính quyền đương nhiệm, cần giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến Tổng cục 2 thuộc Bộ Quốc Phòng.
Scandal “Tổng cục 2”
Đã và đang có những dấu hiệu cho thấy “Tổng cục 2” không còn đơn thuần là một scandal về những thủ đoạn tàn độc mà một số cá nhân, phe nhóm trong Đảng CSVN sử dụng để triệt hạ đối thủ của mình, nhằm thâu tóm quyền lực.
Các tình tiết trước, trong và sau scandal “Tổng cục 2” chỉ ra một nguy cơ khác, đáng ngại hơn đối với vận mệnh quốc gia.
Tiền thân của cơ quan tình báo quân đội Việt Nam hiện nay là Phòng Tình báo Quân ủy hội, thành lập vào tháng 10 năm 1945, do ông Hoàng Minh Đạo phụ trách. Sau một sắc lệnh được ban hành vào tháng 3 năm 1946 về tổ chức Bộ Quốc Phòng, tháng 3 năm 1947, Phòng Tình báo Quân ủy hội được chuyển thành Cục Tình báo, còn được gọi là Cục Quân báo hoặc gọi tắt là Cục 2.
Trong 48 năm sau đó, Cục 2 vẫn chỉ là một cơ quan trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thế rồi đến năm 1995, Cục 2 được nâng lên thành Tổng cục 2, với tên gọi chính thức là Tổng cục Tình báo Quốc phòng và từ vị trí phụ thuộc, Tổng cục 2 được chuyển thành cơ quan ngang hàng với Bộ Tổng Tham mưu.
Vai trò của Tổng cục 2, được ông Nông Đức Mạnh, khi ấy đang là Chủ tịch Quốc hội, hợp pháp hoá bằng Pháp lệnh Tình báo ban hành vào tháng 12 năm 1996. Sau đó, pháp lệnh vừa kể được ông Võ Văn Kiệt chi tiết hoá, bằng Nghị định 96, ban hành vào tháng 9 năm 1997.
Pháp lệnh Tình báo đã đưa Tổng cục 2 thoát ra khỏi sự kiểm soát của Bộ Quốc Phòng khi xác định: “Lực lượng tình báo Việt Nam là một trong những lực lượng trọng yếu, tin cậy của Đảng và nhà nước, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ (gọi tắt là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước)”.
Và Nghị định 96 đã phá vỡ mọi giới hạn về vai trò và hoạt động của Tổng cục 2, khi nhấn mạnh: “Đối tượng và mục tiêu của lực lượng tình báo thuộc Bộ quốc phòng là những nơi có tin tức, tài liệu liên quan đến nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Trong đó đặc biệt chú ý đến các quốc gia, tổ chức và các cá nhân ở trong nước và ngoài nước có âm mưu hoạt động, đe doạ chống lại Đảng CSVN, Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”
Cũng vì thế, Tổng cục 2 trở thành một cơ quan, liên tục bị các công thần như: ông Phạm Văn Xô – một trong những lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, cựu Phó Ban Tổ chức Trung ương hoặc những cán bộ, sĩ quan cao cấp của Đảng CSVN, chính quyền Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam như:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – cựu Bộ trưởng Quốc Phòng, người thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng Chu Huy Mân - cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, cựu Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đại tướng Nguyễn Quyết - cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, cựu Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh - cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Thượng tướng Phùng Thế Tài - cựu Phó Tổng tham mưu trưởng. Thượng tướng Lê Ngọc Hiền - cựu Phó Tổng tham mưu trưởng. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo – cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Quân sự. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp – cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương. Trung tướng Đồng Văn Cống - cựu Phó Tổng thanh tra Quân đội.
Trung tướng Lê Tự Đồng - cựu Viện phó Học viện Quân sự cấp cao. Trung tướng Phạm Hồng Sơn - cựu Viện phó Học viện Quân sự cấp cao. Trung tướng Nguyễn Hoà – cựu Trưởng Đoàn Chuyên gia Quân sự tại Lào.
Thiếu tướng Nguyễn Tài - cựu Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Nguyễn Văn Thi - cựu Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Tư lệnh Miền... cùng với rất đông cán bộ lão thành cách mạng, sĩ quan cấp tá, đòi phải kiểm tra toàn diện, xử lý triệt để.
Siêu quyền lực
Tổng cục 2 đã hoạt động ra sao và đã làm những gì khiến các công thần, những trụ cột của chế độ phẫn nộ đến như vậy?
Trong nhiều thư được gửi liên tục cho Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, những nhân vật vừa kể đã nêu ra vai trò, ý đồ của một số người tham gia nâng Cục 2 thành Tổng cục 2 và biến Tổng cục 2 thành một cơ quan “siêu quyền lực”, khiến Tổng cục 2 trở thành hiểm họa.
Trong đó, có hai sai phạm bị xác định là “siêu nghiêm trọng” và được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần: Vụ Sáu Sứ và vụ T4.
Ông Bùi Tín - cựu Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, người theo dõi rất sát các diễn biến liên quan đến Tổng cục 2, tóm tắt về vụ Sáu Sứ:
“Vụ Sáu Sứ còn gọi là vụ Năm Châu, xảy ra từ Đại hội 7, năm 1991. Vụ đó do bàn tay của Tổng cục 2, bố trí cho một số Đảng viên lâu năm ở miền Nam là Năm Châu và Sáu Sứ ra Hà Nội, mục đích để giăng bẫy ông Võ Nguyên Giáp, rồi từ đó, kết luận là ông Võ Nguyên Giáp bè phái, tham quyền, có ý đồ tập trung một số tay chân của mình để lật đổ Bộ Chính trị và chính quyền hồi đó.
Thế nhưng tất cả những chuyện này là chuyện dựng đứng. Do đó mà ông Giáp yêu cầu phải làm rõ vụ Năm Châu và Sáu Sứ. Lúc ấy, họ cho rằng ông Giáp có ý định giành quyền Tổng bí thư và được ông Trần Văn Trà tiếp sức. Ông Trần Văn Trà định là giành chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Thế nhưng tất cả những cái đó đều là sự bịa đặt của Lê Đức Anh, của Nguyễn Chí Vịnh, của Đỗ Mười,để làm hại ông Võ Nguyên Giáp. Đấy là tóm tắt vụ Sáu Sứ với Năm Châu. Cả ông Năm Châu, bà Sáu Sứ đều đã chết rồi.”
Vụ T4 cũng có tính chất tương tự, ông Bùi Tín kể tiếp:
“Vụ T4 là vụ Nguyễn Chí Vịnh, cầm đầu Tổng cục 2 bịa đặt rằng họ đã đặt được một gián điệp của Việt Nam vào cơ quan CIA và điệp viên đó có bí danh là T4. T4 thông báo danh sách những người đã cộng tác với CIA, đã tiếp xúc với CIA, đã làm tay sai cho CIA.
Danh sách đó dài lắm. Nó lên tới hơn 20 người. Trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà rồi những người lúc bấy giờ đang còn tại chức như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, bà Võ Thị Thắng,..
Mục đích của họ là gì? Mục đích của họ là bôi nhọ những người đó, rồi Tổng cục 2 cùng với Lê Đức Anh và Đỗ Mười được nước láng giềng lớn giúp đỡ làm một cuộc đảo chính, lật đổ hết và dựng lên một chính quyền mới, một Bộ Chính trị mới, một Ban Chấp hành Trung ương hoàn toàn mới và hoàn toàn là tay sai của Bắc Kinh.
Đó là mưu đồ của T4 và cũng đã bị ông Giáp tố cáo, yêu cầu phải giải quyết một cách triệt để.”
Theo nhiều tài liệu, Sáu Sứ và T4 chỉ là hai trong hàng loạt sai phạm đã xảy ra tại Tổng cục 2 và sự phẫn nộ trong hàng ngũ các công thần, những trụ cột của chế độ đã buộc Đảng CSVN phải tính đến việc xem xét toàn diện các sai phạm này vào năm 2005.
Kết qủa xem xét, xử lý ra sao? Chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp và tường trình trong bài kế tiếp.
No comments:
Post a Comment