BÀ NGÔ ĐÌNH NHU, LỆ THỦY, TRÁC, THANH, ĐÁN.doc
423K Download
Thưa quý Diễn Đàn
Thưa quý ông Trần Hữu Phái, Trần Bá Đàm, Vũ Linh Châu, Nguyễn Phước Đáng...
Thưa ông Ngô Đình châu,
Nghe các ông bàn kể về đời sống bà Ngô Đình Nhu tôi rất vui, vì rất đúng, xin cám ơn. Tôi cũng xin mạn phép đóng góp một câu chuyện có tính cách kỷ niệm về bà Nhu và gia đình bà cùng quý ông cho vui nhé.
Nguyên sau khi bà Nhu lập Hội Phụ Nữ Liên Đới, bà đi khắp các tỉnh lập Chi Hội. Do đó bà lên Ban Mê Thuột và kéo mạ tôi đi theo bà (vì ba tôi là Dân biểu BMT) về các làng nói chuyện cùng bà con nữ giới.
Một hôm bà Nhu đi cùng vài bà đến gia đình ba mạ tôi ở ngay tại hãng SCIB (Société Commerciale et Industrielle de Banmêthuột) để cùng họp bàn tính trước khi lên đường đi công tác miền quê. Họp xong mạ tôi bảo tôi ra chào bà Nhu. Bà Nhu hỏi thăm về học hành của tôi và tỏ ra rất vui vẻ trẻ trung.
Tôi trông thấy bà bối chải đầu tóc cao lên, giày dép ăn mặc choàng khăng tơ lụa sang trọng; các bà khác kể cả mạ tôi cũng diện áo nhung áo gấm. Tôi mới bộc trực nói rằng :
- Con thấy phu nhân cố vấn cùng các bà đây kể cả mạ con nữa, về các làng thăm đàn bà con gái miền quê Ban Mê Thuột, mà ăn mặc sang quá e có bất tiện không? (Mặc dầu bà Nhu còn trẻ tôi vẩn xưng con cho lịch sự). Bà Nhu trố mắt hỏi tôi :
- Vậy thì theo em phải ăn mặc làm sao ?
- Nếu ăn mặc theo cách dân giả mà vẩn đẹp thì gần gủi và tâm lý hơn với đàn bà miền quê. Mạ tôi thò tay bấm tay tôi.
- Em có ý kiến hay, hay lắm... bà cười vui vẻ. Thật là hậu sanh khả úy. Học nhanh, lớn nhanh rồi làm việc với chúng tôi.
Sau chính biến 1/11/1963, tại Paris bà Nhu khóc lóc đau khổ, mặt mày sưng húp tả tơi trông rất thểu nảo. Bà chụp hình trông dễ sợ, treo đầy đường Paris. Sau đó bà Nhu có mua một cái nhà nho nhỏ 2 tầng. Hai tầng cho thuê lấy tiền mấy mẹ con sống. Trên cùng là tầng không có trần nhà mà Tây gọi là mansarde, mấy mẹ con bà ở; mùa đông rất lạnh, mùa hè lại rất nóng. Tôi chơi với Lệ Thủy nên biết rõ là mẹ con bà Nhu sống rất bình dân, cần kiệm.
Vậy mà dư luận cho là bà Nhu ôm nhiều tiền ra ngoại quốc làm giàu như các bà phu nhân khác. Thình thoảng tôi mời hai chị em Ngô Đình Lệ Thủy và Ngô Đình Trác đến nhà ăn cơm nói chuyện với vợ chống tôi.
Tôi còn hình kỷ niệm vợ chồng tôi chụp chung với Lệ Thủy và Trác. Từ trái sang mặt : Cha Toán DCCT, Tôn Thất Đán, chồng tôi, tôi mặt áo đầm đen và áo khoát đỏ, Lệ Thủy mặc áo dài bông xanh, bên cạnh Lệ Thủy là cô bạn bác sĩ chung của tôi và Lệ Thủy. Chính trong bữa cơm hôm ấy, Lệ Thủy nỗi xùng la lên và đòi bắn Nguyễn Cao Kỳ. Tôi lấy làm lạ, nghĩ phải có nguyên do gì ghê gớm lắm đây, nhưng chưa tiện hỏi thì hết hỏi được. Lệ Thủy vốn là Đại úy thuộc Bán quân sự, có tài bắn súng.
Paris 1965, từ trái: Cha Toán DCCT, Tôn Thất Đán, chồng Thanh, Thanh, Ngô Đình Lệ Thủy, Ngô Đình Trác, bà Bs. Nicole bạn học của Thanh
Cô đầm bạn chung của tôi và Lệ Thủy cùng làm bác sĩ thường trú với tôi tại Longjumeaux cách Paris 18 cây số. Sở dỉ tôi nhắc đến cô đầm nầy là có nguyên do. Hôm đó Lệ Thủy lái xe đi thăm cô đầm tại bệnh viện Longjumeaux, tôi thì đã từ giả bệnh viện cùng chồng đi dạy học Canada.
Trên đường lái xe trở về Paris Lệ Thủy bị tai nạn. Khi tôi trở lại Paris dò hỏi kỷ về vụ tai nạn chết người, thì được biết Lệ Thủy đi bên lề phải đàng hoàng, nhưng chiếc xe lớn mà ông tài xế say rượu đã chồm lên xe em. Có người cho đây là một dự tính giết người gian ác; tôi vẩn phân vân, có lẻ nào ? Không biết đâu là sự thật.
Tôi rất đau buồn về cái chết của cô bạn trẻ. Nhưng tôi cũng được an ủi vì Lệ Thủy có một đời sống trong sạch và giữ đạo tốt lành; em có làm thơ về Chúa. Đời sống đạo đức của Ngô Đình Lệ Thủy và cả của Ngô Đình Trác và các em tất phải là phản ảnh đời sống của cha mẹ.
Vậy mà dư luận cứ nói xấu bà Nhu ngoại tình với ông tướng nầy tướng nọ, ông Nhu thì bất lực, hút thuốc phiện giải khuây, ác ơi là ác. Đời là vậy. Đến tháng Sáu năm 2001, đi thăm bệnh cha linh hướng của tôi là Đức Hồng Y Nguyễn đình Thuận tại La Mã trong hai tuần. ĐHY có nhờ một nữ tu lo nơi ăn chốn ở cho tôi nên hiện tôi còn giữ mấy cái hình chụp với chị nữ tu và chụp với ĐHY Thuận trước khi lên máy bay trở lại Canada.
Trong thời gian ở lại Rôma cho ĐHY uống thuốc, tôi có hỏi thăm ĐHY về gia đình bà Nhu. ĐHY nói với tôi rằng mấy đứa con bà Nhu trách bà đã phát ngôn bừa bãi gọi "Phật Giáo là một Hiệp hôi và phản loạn" mà gia đình tan nát, giòng họ Ngô Đình mang tiếng xấu nên chúng nó không sống chung với bà, đều ra sống riêng. Tôi nghe mà thất kinh, không ngờ con cái bà Nhu sáng suốt cũng có ý nghĩ như tôi, và chúng rất yêu mến gia đình giòng họ như vậy. Tôi có hỏi ĐHY có hay thăm bà Nhu không, và ngày ĐHY chịu chức Hồng Y, bà Nhu có đến dự không ? ĐHY nói rằng ngài không dám đến thăm bà Nhu, vì sợ bà Nhu sẽ họp hành tuyên bố nầy nọ với báo chí làm phiền cho ngài. Ngày Lễ Phong chức Hồng Y của ngài, bà Nhu đòi được ngồi ghế danh dự, ĐHY không chấp nhận, nên bà Nhu không đến dự.
Tôi cũng xin kề một kỷ niệm với cha ĐC linh hướng của tôi mà nay ngài đã lìa trần đã 8 năm rồi. Số là tôi có dự định làm một việc táo bạo, nên tôi xin ý kiến của ĐHY về chuyện đời sống của một LM mà tôi và nhiều bà sẽ phải tố cáo với tòa Tổng giám mục tại Montréal. ĐHY nói với tôi : "Thanh con ơi, con hãy can đảm mà làm việc con nghe. Đều cần nhất là con phải có lòng bác ái, và chuyện đó phải là một sự thật." Lời ngài nhẹ nhàng khoan thai đầy tin tưởng làm sao, tôi tưởng chừng như còn nghe giọng nói của ĐHY phảng phất đâu đây!
Rôma 2001: Ma soeur với Thanh
Rôma 2001: Thanh, ĐHY Thuận
Rôma 2001: ĐHY Thuận và Thanh
Cám ơn quý vị kiên nhẩn nghe câu chuyện kỷ niệm của tôi.
Kính
Thanh
2010/8/25 Huu Phai Tran <->
Kính thưa quý Diễn Đàn.
Tiếp theo nhận định của quý ông Trần Bá Đàm, Vũ Linh Châu, cụ Nguyễn Phước Đáng ... về danh từ "Đệ Nhất Phu Nhân: giành cho bà Ngô Đình Nhu. "Ngoài chức vụ dân biểu Quốc Hội, bà Nhu còn là chủ tịch Phong trào "Phụ nữ Liên đới”. *Khi tiếp quốc khách, bà Nhu đóng vai trò Đệ nhứt Phu nhân vì Tổng thống độc thân".* Tôi xin phép tác gỉa Ngô Đình Châu được chuyển một số phân đoạn viết về bà Ngô Đình Nhu, có in trong quyển " Chính Biến 1-11-1963 & Tổng Thống Ngô Đình Diệm" lên các Diễn Đàn với tiêu đề như sau :
*Bà NGÔ ĐÌNH NHU khuê danh TRẦN LỆ XUÂN *
Bà Trần Lệ Xuân sinh năm 1924, thường được gọi là bà Ngô Đình Nhu. Bà Ngô Đình Nhu là một gương mặt phụ nữ then chốt trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, cho đến khi anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị thãm sát năm 1963, đến nay tên tuổi bà vẫn còn được nhắc đến.
Bà Trần Lệ Xuân sinh tại Huế, nhưng cũng có tài liệu ghi là bà sinh tại Hà Nội. Bà là cháu gái vua Đồng Khánh và là ái nữ của luật sư Trần Văn Chương. Lúc nhỏ bà học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, và đã tốt nghiệp tú tài Pháp.
Năm 1943 bà kết hôn với ông Ngô Đình Nhu và theo đạo Thiên Chúa giáo. Bà là dân biểu, là chủ tịch Hội "Phụ nữ Liên Đới". *Các hội viên thường gọi là bà Ngô Đình Nhu là bà Cố vấn và bà được coi như là Đệ nhất Phu nhân (First Lady) của Việt Nam Cộng Hòa,* vì Tổng thống Ngô Đình Diệm không lập gia đình.
Khi Quốc Vương và Hoàng Hậu Thái Lan qua thăm Việt Nam, thì bà Nhu đóng vai "tiếp viên của Quốc Gia" (Hotesse) để nghênh đón Hoàng Hậu Thái về Dinh Độc Lập viếng thăm Tổng Thống Việt Nam theo nghi lễ rồi trở về Dinh Gia Long nghỉ. Tổng Thống Việt Nam cũng đến Dinh Gia Long để đáp lễ, cùng đi theo có bà Ngô Đình Nhu. Lúc trở ra, bà Nhu đi ngay phía sau Tổng Thống, nên bị viên sĩ quan hầu cận cản lại và nói:
- "Bà không được đi cùng. Xin lui bước lại, vì theo nghi lễ bà phải đi sau Tổng Thống 5 phút". Bà Nhu đã nổi giận phản đối. Nhưng viên sĩ quan hầu cận đã dẫn chứng theo "sách" và biện minh:
- "Bà đâu có phải là vợ của Tổng Thống mà được phép trở về Dinh cùng một lúc. Tôi phải theo nghi lễ của ông Hoàng Thúc Đàm đề ra mà thi hành nhiệm vụ. Vậy bà hãy chờ Tổng Thống về Dinh trước, rồi năm phút sau bà mới được ra về". Bà Nhu nổi giận mà cũng đành phải chịu.
...............
Trong tháng 10 năm 1963, bà Ngô đình Nhu cùng con gái Ngô Đình Lệ Thủy đi Hoa Kỳ và Roma với dự định sẽ vạch trần âm mưu lật đổ Tổng Thống Ngô đình Diệm của chính phủ Mỹ, của Tổng thống Kennedy và CIA trước công chúng Mỹ.
Ngày 1 tháng 11 năm 1963 bà Ngô Đình Nhu và con gái đang trú ngụ tại khách sạn sang trọng Wilshire Hotel ở Beverly Hill, California thì được tin cuộc đảo chính đã xảy ra: chồng và anh chồng bà bị giết chết.
Ngày 15 tháng 11 năm 1963, bà và con gái Lệ Thủy rời khỏi Los Angeles để đi Roma sinh sống, sau khi phát biểu: "Tôi không thể cư ngụ ở Mỹ, vì lý do đơn giản chính phủ của họ đã đâm sau lưng tôi."
Ngày 9 tháng 5 năm 1975 khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình NBC, bà đã tố cáo chính quyền Kennedy can thiệp vào Nam Việt Nam là "nhằm tạo thanh thế và sự ủng hộ cho Đảng Dân chủ (Hoa Kỳ)".
Những năm đầu thập niên 1990, bà Ngô Đình Nhu sống tại vùng Riviera Pháp và thường chỉ trả lời phỏng vấn nếu được trả tiền. Hiện nay, bà đang sống một mình và viết hồi ký tại 1 trong 2 căn hộ thuộc quyền sở hữu của bà, trên tầng 11 trong tòa nhà cao tầng gần tháp Eiffel, quận 15, thủ đô Paris - Pháp Quốc và cắt đứt mọi quan hệ với các nhân vật chính trị. Hai căn hộ này theo bà cho biết là của một nữ bá tước tỉ phú Capici người Ý trao tặng, mặc dù hai người chưa từng gặp nhau.
Dù là phu nhân của Cố Vấn và là em dâu của Tổng Thống. Nhưng bà không ham vui hưỡng thụ, mà luôn luôn dùng thì giờ cống hiến, phục vụ công ích cho Quốc gia. dân tộc trên mọi lãnh vực. Bà là người ham hoạt động năng nổ, không màng đến chuyện tích lũy tiền bạc làm giàu có. Tôi nhớ có một lần tôi hỏi xin bà tiền để mua máy chụp hình bà trả lời:
- " Tôi làm gì có tiền dư giả, khi cái máy chụp hình bị hư, tôi cũng phải đưa ra hiệu Hạ Long ở đường Pasteur để sửa, mà chưa có thanh toán đó".
Xin nói thêm là ông Phạm văn Trước, chủ hiệu bán máy chụp hình Hạ Long rất thân với tôi, ông có bà con với hiệu chụp hình Long Biên.
Vào khoảng tháng 10 năm 1954, lúc Thủ Tướng Ngô Đình Diệm gặp sự khó khăn với Pháp và bọn tay sai của Pháp, bà đã kín đáo giúp Thủ Tướng giải quyết những cuộc khủng hoảng. Bà ngấm ngầm tổ chức một cuộc biểu tình đả đảo Pháp và để ủng hộ Thủ Tướng Diệm. Đoàn biểu tình này đã bị công an Bình Xuyên chận lại tại Bùng Binh Sài Gòn (chợ Bến Thành).
Năm 1956 bà ra ứng cử Dân Biểu Quốc Hội và trúng cử. Tại Hội trường Quốc Hội, bà kêu gọi và vận động các phu nhân của quí ông trong Liên Đoàn Công Chức Cách Mạng hãy tham gia Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới do bà lãnh đạo, để góp phần vào công cuộc chống Cộng Sản, xây dựng quốc gia giàu manh, phồn vinh.
Năm 1957, có một số phụ nữ tham gia ứng cử Quốc Hội, gồm các bà Ngô Đình Nhu, Hồ Thị Chi, Nguyễn thị Minh, Nguyễn Kim Anh, Phan thị Nguyệt Minh, Nguyễn thị Vinh, Ngô thị Hoa, Huỳnh ngọc Nữ, Nguyễn thị Xuân Lan. Bà Xuân Lan hiện cư trú tại Maryland, (bà là dì ruột vợ tôi), bà biết rất rõ con người và lề lối làm việc của bà Ngô Đình Nhu).
Và trong khoảng thời gian này Bà đã tổ chức Thanh Nữ Cộng Hòa và Phụ nữ Bán Quân Sự. Hai tổ chức này được võ trang, huấn luyện quân sự nhằm mục đích bảo vệ xóm làng, nhất là các Ấp Chiến Lược ở nông thôn.
Trong thời gian làm Dân Biểu, Bà đã soạn thảo hai Đạo luật và đưa ra Quốc Hội biểu quyết, đó là:
1 - Luật Gia đình, nghĩa là gia đình chỉ một vợ một chồng, không chấp nhận ly dị.
2 - Luật Bảo vệ Luân Lý và Thuần Phong Mỹ Tục, nhằm giáo dục thanh thiếu niên, chống hút sách, rượu chè, bài bạc, mãi dâm, trong sạch hóa xã hội.
Kể từ tháng 12-1957, Quốc hội VNCH họp bàn sôi nổi về dự án của Luật Gia đình. Đối với tín đồ Thiên Chúa giáo thì đời sống lứa đôi chỉ có một vợ một chồng và không được ly dị, thì vấn đề đa thê không cần đặt ra.
Nhưng xã hội Việt Nam không phải là xã hội phương Tây và dân chúng Việt Nam không phải tất cả đều là tín đồ Thiên Chúa giáo, cho nên Luật này trên lý thuyết thì hay song thực tế không phù hợp với bản chất và nếp sống của quảng đại quần chúng lúc bấy giờ. Hơn nữa giới âm thầm phản đối chính là giai cấp tướng tá và công chức cao cấp, cũng như những công kỹ nghệ gia giàu có, phần lớn các vị này đều bị kẹt nếu không có vợ bé thì cũng có lén lút giao du với bồ nhí.
Bà Nhu đưa ra lý luận "Đã đến lúc người phụ nữ đứng lên, bình đẳng với người chồng ngay trong phạm vi gia đình, và chỉ chấp nhận một vợ một chồng thôi... những kẻ hư hỏng không ra gì mới lấy vợ nhỏ rồi bỏ phế gia đình". Bà Nhu vẫn tin là mình đi đúng đường lối với chủ trương cách mạng xã hội, giải phóng phụ nữ của thế giới. Trước hết "giải phóng" từ gia đình, để từ đó ra ngoài xã hội. Lý luận và chủ trương của bà nghe xuôi tai và hợp lý. Nhưng điều căn bản là cải tạo xã hội, không phải chỉ bằng một biện pháp ban hành ra một vài đạo luật.
Bà Ngô Đình Nhu là người có tài thực, có thiện chí, song vì tính chủ quan cũng đã đủ làm cho bà trở thành đối tượng cho bao nhiêu điều phẩm bình, dị nghị đàm tiếu. Ngay cả thiện chí và lòng hăng say xây dựng những điều tốt đẹp trong luân lý, cũng đã bị "đồng viện" của bà Nhu trong Quốc hội ngấm ngầm phản đối và dân chúng thì thờ ơ.
Bộ Luật Gia đình đã gây sôi nổi trong dư luận một thời. Thực tế thì Luật ấy cho đến khi ban hành và thực thi cũng không tạo được một tác dụng lớn lao nào trong tầng lớp dân chúng. Phản ứng của dân chúng đối với Luật gia đình không có gì đáng quan tâm, vì luật pháp hãy còn hết sức xa vời so với quảng đại quần chúng Nam Việt Nam. Dù có luật hay không luật, đời ống vợ chồng trong giới bình dân đều dựa trên căn bản tình cảm "yêu nhau giá thú bất luận tất".
Nhưng đối với giới thượng lưu và nhất là giới tướng tá và công chức cao cấp tuy ngoài mặt hân hoan chào mừng Luật Gia đình, nhưng trong lòng đau đớn không ít và chính mấy giới này đã góp công không nhỏ trong việc tạo dựng "dư luận xấu" về bà Nhu.
Một số quan tòa xuất thân từ hàng quan lại thuộc địa, trở thành nạn nhân thứ nhất của Luật gia đình. Có ông Tòa hai ba vợ... như vậy thì trách chi không oán ghét bà Nhu. Bà Nhu thường bàn luận với mấy cộng sự viên của ông Cố vấn chính trị như thế này "Kinh nghiệm trong gia đình nội ngoại của tôi, tôi biết quá rõ. Ai có vợ nhỏ thì đang trong sạch cũng trở thành tham nhũng, gia đình chia rẽ, rồi dòng con này, dòng con kia cứ lung tung lộn xộn". Khởi từ kinh nghiệm này, bà Nhu quyết thanh toán chế độ đa thê, mà bà nghĩ rằng nếu hoàn thành là bà đã giải phóng cho nữ giới cái thảm cảnh gia đình vợ nọ con kia (chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng).
Trước diễn đàn Quốc hội năm 1957, cũng đã có nhiều dân biểu mạnh dạn lên tiếng công kích dự án Luật này. Bà coi mấy ông dân biểu không đi đến đâu cả.
Vì rằng bà cũng biết rõ chân tướng của các ông (Đời tư lẫn đời công cũng chẳng có gì đẹp đẽ). Trong một phiên họp vào khóa đầu năm 1959, bà Nhu công khai đả kích một số dân biểu ngay tại diễn đàn Quốc hội và cho rằng "Ai chống đối Luật Gia đình chỉ là những kẻ ích kỷ hèn nhát muốn lấy vợ lẽ".
Cứ vô tư mà xét thì Bộ Luật Gia Đình là một Bộ Luật Văn Minh, đã cởi trói cho Phụ Nữ và đem lại sự bình đẳng giữa Nam và Nữ . Bộ Luật này ra đời chính là để Bảo Vệ Hạnh Phúc gia đình , xoá đi cái tục lệ hủ lậu "Trai Năm Thê Bảy Thiếp. Gái Chính Chuyên Một Chồng", ấy vậy mà thiên hạ cũng xuyên tạc đủ điều.
Ngoài những việc trên bà Ngô Đình Nhu còn thành lập các Ký Nhi Viện, nhằm giúp đỡ các phụ nữ có nơi gửi con, yên tâm ra việc làm ngoài xã hội.
Vì các Đạo luật do Bà đưa ra tuy rằng rất tốt đẹp, nhưng không "phù hợp" với một số người có chức quyền, thành thử dư luận đến với bà không được thuận lợi tốt đẹp, trái lại còn nhiều tiếng xấu đến với bà. Từ đó chúng ta phải công tâm nhìn nhận bà là người phụ nữ xuất chúng, can đảm khi hoạt động chỉ nghĩ đến quyền lợi quốc gia. Bằng chứng là trong lúc Phật giáo rầm rộ đấu tranh, ông bà Trần Văn Chương đã trách cứ con gái là thiếu lễ độ với Phật Giáo, bà đã thẳng thắn trả lời với cha mẹ. Sau đó ông bà Trần Văn Chương đã xin từ chức Quan Sát viên tại Liên Hiệp Quốc, bà đã lên tiếng phê bình Ông bà Trần Văn Chương và cho đó là hành động “đâm sau lưng chiến sĩ".
Bà Trần Lệ Xuân là người rất trọng danh dự và đạo lý, luôn luôn tự hào là con gái của một gia đình trâm anh thế phiệt. Lúc ông cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát, bà mới 39 tuổi, còn rất xinh xắn trẻ đẹp. Vậy mà Bà đã thủ tiết nuôi con thờ chồng. Mặc dù đã trải qua hơn 40 năm sống ở trời Âu, nhưng bà vẫn giữ gìn được nền nếp giáo dục cao quý của người phụ nữ Việt Nam, nuôi dạy dỗ con cái lễ độ, biết vâng lời mẹ.
Bà còn là con người thẳng thắn, không vì tình cảm gia đình mà thiên vị coi thường luật pháp. Tôi còn nhớ năm 1956 tôi khám phá ra một đường dây chuyển tiền cho Hà Nội do Bà Phan Lệ Quyên, vợ Nha Sĩ Trần Văn Thái, em ruột Đại Sứ Trần Văn Chương, là chú ruột bà Nhu. Tôi đã bắt hai vợ chồng ông Nha sĩ Thái và bà mẹ đem về giam cùng bà Công Xuân Bách. Ông Công Xuân Bách biết được bèn kêu điện thoại cho ông cố vấn Ngô đình Nhu, ông cố vấn kêu tướng Phạm Xuân Chiểu hỏi:
- Ai bắt vụ này ? Tướng Chiểu nói là:
- Ông Ngô Đình Châu.
Sau đó, ông Cố vấn có hỏi tôi là tại sao không trình trước khi bắt ? Tôi đáp lúc đó ông Cố Vấn đang ở Đalat, trình lên vụ này e mất thời gian tính nên không kịp trình. Việc bắt giam gia đình người chú ruột của mình là do tôi, bà Nhu biết rất rõ. Nhưng khi gặp tôi, bà vẫn hỏi han như không có chuyện gì xảy ra.
Dư luận còn nóí rằng Bà Nhu chỉ lo cho gia đình riêng mà không lo gì cho công việc chung của đất nưóc là sai. Vì có một lần khi tôi sang thăm cụ Phủ Thông, thì bà Nhu cũng tới thăm Cụ Phủ ( cụ Phủ là Bà Nội của Bà Nhu ).
Trong lúc mọi người đang trò chuyện thì bà Đặng Trịnh Kỳ nhà ở kế bên cũng qua thăm, giả lả chào hỏi bà Nhu rồi bắt đầu nói với bà Nhu :
- Chị làm ơn can thiệp dùm cho tôi lấy lại căn nhà mà nhà nước trưng dụng đã lâu quá rồi. Bà Nhu nghe xong bèn thẳng thắn trả lời:
- Bây giờ thím đã có nhà ở rồi mà thím còn đòi có thêm nhà nữa. Nếu ai cũng như thím thì Chính Phủ lấy nhà đâu để làm việc ?Nói xong câu đó bà Nhu có vẻ giận, bèn vào chào Cụ Phủ Thông và ra xe về. Xem như vậy thì bà Nhu đâu có phải chỉ nghĩ đến gia đình mà không lo việc nước.
Bà Nhu thì ngoài tính tình ngay thẳng, nóng nảy bà còn rất bạo miệng .Năm 1960 trong ngày lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng, được tổ chức tại Vườn Tao Đàn, tôi được lệnh theo bảo vệ vàchụp hình lưu niệm. Tôi còn nhớ trong bài diễn văn hôm ấy Bà đọc có câu:
- "Chiếc áo không làm nên thày tu "
Và sau buổi lễ đó có Cha vô mách với Tổng Thống cho rằng Bà Nhu đã xúc phạm tới các Cha. Tổng Thống bèn cho kêu Bà Nhu qua để giải thích và bắt Bà Nhu phải xin lỗi các Cha , song Bà Nhu cứng đầu không chịu xin lỗi mà còn đứng giải thích cho đó là câu nói từ ngàn xưa, vả lại không phải chỉ các Cha mới là thày tu mà các Thượng tọa, Đại đức cũng là thày tu mà họ đâu có phản ứng và bắt bẻ gì ?
Tổng Thống bèn đuổi bà Nhu ra khỏi phòng, bà còn lỳ đứng nói với các Cha nữa, làm Tổng Thống giận lấy luôn chiếc gạt tàn thuốc lá liệng bà Nhu, may lúc đó có Trung úy Đức thuộc Binh chủng Thiết giáp, thường được gọi là Đức đen ( một trong những Tùy viên) giơ tay ra chộp được, lúc đó bà mới chịu lui ra khỏi phòng .
Nói tóm lại, không riêng gì ông Ngô Đình Nhu đã bị làm cái đinh cho dư luận xuyên tạc, mà bà Ngô đình Nhu cũng không tránh khỏi chuyện đó.
Vì chính trị có nhiều đòn phép dơ bẩn thâm độc, nên lắm lúc dân chúng cũng không chuẩn đoán được những tiếng đồn đãi xấu xa, được khởi xướng từ bọn Cộng Sản hay từ những chánh khách sa lông xôi thịt, đã tung ra hỏa mù dày đặc về những tiếng đồn không tốt cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Hoàn toàn là những chuyện bịa đặt để đóng góp vào việc hạ bệ chế độ, mà số người tin là có thật không phải là ít, kể cả giới khoa bảng và đại khoa bảng trên toàn cõi cả nước. Sau đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, phải sống đời tha hương, bà góa phụ Ngô Đình Nhu đã đủ tư cách chứng minh cụ thể, cho những tin đồn vô đạo đức ấy, chẳng qua là để bôi bẩn gia đình bà, vì mưu đồ chính trị hoặc từ Cộng Sản mà ra.
Như vậy là dư luận đã không nhìn thấy rõ những công việc tốt đẹp của Bà Nhu đã làm. Trái lại còn có ác ý khi tung ra nhiều tin tức nhằm giảm uy tín cùng bôi nhọ danh dự của bà. Những tin tức do những kẻ đố kỵ phao tin thất thiệt vu khống nhiều chừng nào thì càng làm tăng thêm sự mến phục của những người hiểu biết và bè bạn bà con về sự đứng đắn thanh cao, đã bảo vệ được danh dự bản thân và dòng họ Ngô Đình và thủ tiết thờ chồng, nuôi con cho thành tài ở nơi xứ người.
Khi được hỏi cách cư xử của Tổng Thống đối với bà Ngô Đình Nhu, nhủ danh Trần Lệ Xuân, ông Quách Tòng Đức, làm Đổng lý Văn phòng cho Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho biết: "ông cụ có vẻ nể và ủng hộ bà Nhu" trong việc tổ chức Phong trào Phụ nữ Liên đới và vận động Quốc Hội ban hành Bộ Luật Gia Đình cấm ly dị và đa thê. Tổng thống cho rằng bà Nhu hành động như vậy là giúp cải tổ xã hội. Tuy nhiên có người lại cho rằng Bộ Luật Gia đình nhằm mục tiêu riêng là ngăn luật sư Nguyễn Hữu Châu ly dị với bà Trần Lệ Chi, chị ruột bà Nhu.
Ngoài chức vụ dân biểu Quốc Hội, bà Nhu còn là chủ tịch Phong trào "Phụ nữ Liên đới”. *Khi tiếp quốc khách, bà Nhu đóng vai trò Đệ nhứt Phu nhân vì Tổng thống độc thân.* Tuy bất bình về những lời tuyên bố bốc đồng, châm dầu vào lửa của người em dâu trong vụ Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11.6.1963 (đặc biệt với câu “monks’ barbecue”), Tổng Thống không công khai phủ nhận, vì ngại đụng chạm đến ông Nhu trong một giai đoạn đang rối như tơ vò. Chính ông Ngô đình Nhu, với tánh hay nhường nhịn vợ cho yên nhà yên cửa, cũng không kiểm soát nổi lối phát ngôn bốc đồng, thiếu tính toán lợi hại trong phương diện chính trị của vợ mình.
Bà Nhu hiện nay có một cuộc sống kín đáo, đơn sơ, chú tâm về tâm linh trong tinh thần tôn giáo. Bà thường qua lại giữa Paris và Rome và tất cả con cái đều thành đạt. Các con: Ngô Đình Trác, tốt nghiệp kỹ sư canh nông, 56 tuổi (2008), lấy vợ người Ý, có 4 con (3 trai, 1 gái). Ngô Đình Quỳnh, tốt nghiệp ESSEC (Trường Kinh tế và Thương mại Pháp), hiện làm cho một công ty Mỹ tại Bruxelles, Bỉ. Ngô Đình Lệ Thủy, trưởng nữ, mất vì tai nạn giao thông tại Paris năm 1968. Ngô Đình Lệ Quyên, tiến sĩ Luật Đại học Roma, không nhập quốc tịch Ý tuy có chồng người Ý. Con trai 7 tuổi (2007) mang họ mẹ trên giấy tờ là: Ngô Đình Sơn.
Như vậy, thực tế đã cho thấy rõ ràng: những kẻ xuyên tạc, bôi bác bà Ngô Đình Nhu chỉ vì mục đích thù nghịch về chính trị, về tín ngưỡng mà thôi. Thực ra nếu vô tư mà xét thì phải dành một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử cho bà Ngô Đình Nhu, khuê danh Trần Lệ Xuân vì tinh thần chống Cộng Sản, chống thực dân Pháp và vì tinh thần tích cực phục vụ nhân dân trong lãnh vực chính trị cũng như xã hội.
Trần Hữu Phái xin cảm ơn sự kiên nhẫn đọc của quý vị .
Trân trọng kính chào
Trần Hữu Phái
( ĐNQ)
No comments:
Post a Comment