Posted on 27/08/2010 by yeuthaypmh 2 phản hồi
Phạm Minh Hoàng – người thầy truyền lửa cho sinh viên
Mình không còn học thầy Hoàng nữa, nhưng hôm vừa rồi nghe tin thầy bị bắt, tự dưng bao kỷ niệm về trường Bách Khoa và người thầy của mình ùa về.
Có lẽ đã có nhiều bài viết về thầy Hoàng trên mạng, mình không muốn nói điều chi to tát, chỉ muốn nói về con người rất thật của thầy giáo Phạm Minh Hoàng.
Hồi ấy đám sinh viên bọn mình có chung một nhận định : thầy rất dễ thương. Trong suốt những năm ngồi ghế nhà trường, chưa bao giờ mình gặp một người thầy đáng yêu và nhiệt tình với học trò như vậy. Thực ra, lâu lâu thầy cũng hay bực mình khi bọn mình không hiểu bài, nhưng vừa la xong thầy lại quên ngay, rồi kiên nhẫn giảng lại từ đầu.
Thầy mình chỉ tỏ ra nghiêm khắc trong công việc, trong cuộc sống bình thường, thầy là người rất hiền – thậm chí hiền như bột. Ai nói gì cũng chỉ biết cười. Ngoài giờ học, thầy đối xử rất thân tình với học trò. Những lúc ấy, mình thấy dường như không còn ranh giới khoảng cách thầy – trò nữa.
Nhớ hồi đi thực tập, đứa nào cũng lo lắng không biết làm, lại xa nhà. Thầy bèn lặn lội xuống tận Biên Hòa, Vũng Tàu để hướng dẫn, ai cũng cảm động.
Năm mình học, sinh viên đứa nào cũng nghèo, nên thường xảy ra chuyện trốn học, bỏ tiết để đi làm thêm, thậm chí để đi chơi. Nhưng riêng tiết thầy Hoàng thì hiếm khi xảy ra chuyện bỏ học.
Có thể thầy không phải là một giáo viên có phương pháp sư phạm hay nhất, nhưng sự nhiệt tình và cách nói chuyện chân tình của thầy khiến ai cũng muốn học. Mình nghĩ, dù thầy không phải là người khéo ăn nói, nhưng thầy là giảng viên biết truyền lửa cho học trò, giúp bọn mình yêu nghề hơn, thấy được sự cần thiết phải có kiến thức.
Trong giờ học, thầy luôn lồng vào bài học là những câu chuyện có thực, từ kinh nghiệm thực tế. Thỉnh thoảng thầy hay nói về vấn đề thời sự, những câu chuyện gợi lên lòng yêu nước… Hồi ấy mình còn quá trẻ, nhìn cuộc đời cái gì cũng màu hồng nên chưa hiểu rõ lắm. Nhưng dần dần qua thầy, mình suy nghĩ sâu hơn, biết nhìn thực tế về cuộc sống, để thấy những thực tại yếu kém trong xã hội.
Nhiều lần mình bắt gặp thầy lặng lẽ đứng trên tòa nhà B4, nhìn mọi thứ xung quang, có vẻ như luôn đăm chiêu suy nghĩ điều gì đó. Có lẽ thầy luôn suy tư để làm sao cho mọi thứ quanh mình được tốt đẹp hơn.
Năm ngoái, mình vô tình gặp lại thầy khi tham gia Hội thảo Biển Đông. Hôm ấy, nhiều lần mình chúng kiến thầy run run, mặt đỏ bừng khi nhìn về vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc đang bị chiếm đóng. Thầy luôn tỏ ra xúc động khi nói về lòng ái quốc.
Mình có thằng em, năm rồi cũng học thầy Hoàng, nghe kể hôm rồi có người xưng là Công An đến chỗ phòng trọ mà nó và các bạn thuê. Người này dụ dỗ, khuyên nhủ bọn sinh viên làm đơn tố cáo thầy Hoàng. Chẳng đưa nào chịu làm cái trò bất nhân ấy, có đứa còn nói thẳng, đại ý là : “Chắc ông nghĩ môn Mapple thầy Hoàng dạy là môn chế tạo bomb khủng bố chắc ?”
Dù có tham gia Đảng phái, hay một tổ chức nào đi chăng nữa, mình tin chắc chắn thầy Hoàng là một người trí thức yêu nước. Nói thầy mình là “khủng bố” là một sự vu khống bịa đặt.
Nhớ lại, hôm nhận bằng tốt nghiệp đại học, hành trang mà thầy chuẩn bị cho mình trước khi bước chân vào cuộc sống, đó là câu nói thầy dặn dò mình trước khi chia tay :
“Điều duy nhất dẫn đến chiến thắng của cái ác là những người tốt không làm gì cả”
Trong xã hội này, người tốt trong luôn bị thiệt thòi, ai dũng cảm lên tiếng thì bị tù đày.
Thật nghẹn ngào!
Mình nghĩ sống mà luôn ngẩng cao đầu mới xứng đáng.
Hôm nay, mình thực sự rất tự hào vì đã từng là học trò của thầy.
Không có lớp học, Thầy và trò kéo nhau ra bất cứ khoảng trống nào để học cho kịp chương trình, Thầy trò cùng ngồi đất, vui không thể tả – Một
kỷ niệm không thể quên về người thầy đáng kính (TDPMH)
Nguồn : http://ttxva.com/pham-minh-hoang-truyen-lua-cho-sinh-vien/
→ 2 phản hồi
Posted in Chi tiết về thày Phạm Minh Hoàng, Phản ứng của truyền thông, SV trường Bách Khoa
Tagged Phạm Minh Hoàng, TTXVangAnh, Đại Học Bách Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh
===============================================
=====================================================================
No comments:
Post a Comment