Thái độ ngạo mạn của Bắc Kinh đối với «các nước nhỏ» dám ủng hộ quan điểm của Mỹ về Biển Đông nhân Diễn đàn ARF tháng 07/2010 đã gây phẫn nộ ở nhiều nước ASEAN. Trong bài ‘’Trung Quốc cần chứng tỏ chủ trương trỗi dậy hiền hòa’’ (China needs to show its rise is benign), Goh Sui Noi biên tập viên cao cấp nhật báo Singapore The Straits Times cho rằng Trung Quốc cần phải xét lại hành động của mình đối với khu vực để chứng minh rằng họ thực sự tiến hành chính sách vươn lên hài hòa như đã từng tuyên bố.
Nếu như có một biểu tượng cho sự thù địch hiện nay giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, thì đó chính là hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington của Mỹ.
Mới chỉ vào tháng mười một 2009, siêu hàng không mẫu hạm này đã đi vào Hòang Hải mà không làm dấy lên cơn thịnh nộ của Bắc Kinh. Thế nhưng, khi con tàu này lại có kế hoạch vào Hòang Hải để tiếp tục hàng loạt các cuộc tập trận hỗn hợp hải quân Mỹ-Hàn Quốc, thì lần này Trung Quốc lại phản đối.
Tàu George Washington dự kiến tham gia một cuộc tập trận hỗn hợp vào tháng trước cũng trong vùng biển này. Nhưng vì Trung Quốc phản đối, cuộc tập trận đã phải dời sang vùng biển Nhật Bản. Tuy nhiên, ngày 05 tháng tám, bộ Quốc phòng Mỹ thông báo là siêu hàng không mẫu hạm có thể sẽ tham gia các cuộc tập trận sắp tới diễn ra ở cả hai nơi, Hoàng Hải và biển Nhật Bản.
Các cuộc tập trận hỗn hợp được lên kế hoạch nhằm đáp trả vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng ba, mà Bắc Triều Tiên bị cáo buộc là thủ phạm. Nhưng Trung Quốc lại có cái nhìn khác về các cuộc tập trận này – coi đó là nhắm vào họ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối “các hoạt động có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc”. Hải quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở gần khu vực biển Hoa Đông vào tháng trước, trước khi có cuộc tập trận Mỹ-Hàn Quốc
Hoàng Hải là một khu vực nhạy cảm đối với Trung Quốc. Chiến tranh Trung-Nhật 1894-1895 đã kết thúc với sự thất bại của nhà Thanh Trung Quốc khởi đầu ở vùng biển này. Và quân đội của Liên minh Tám Quốc gia đã qua Hoàng Hải tiến vào, đánh bại quân đội nhà Thanh ở Bắc Kinh vào năm 1900.
Cuộc tranh chấp gần đây trên các vùng biển này phản ánh mối quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và Mỹ. Nó bắt đầu vào tháng giêng với phản ứng giận dữ của Trung Quốc qua việc hủy bỏ các trao đổi quân sự cấp cao giữa hai nước, sau khi Mỹ thông báo bán một lô mới vũ khí cho Đài Loan.
Tình hình lại không khá hơn khi Bắc Kinh đã từ chối lên án Bắc Triều Tiên trong vụ chìm tàu Cheonan. Thật vậy, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg đã nói rằng, nếu như các cuộc tập trận hải quân chung quanh bán đảo Triều Tiên không nhắm vào Trung Quốc, thì các hành động này là kết quả của việc “Trung Quốc ủng hộ Bắc Triều Tiên và thái độ không sẵn sàng tố cáo những hành động gây hấn của Bắc Triều Tiên”.
Mọi việc đã đi xa hơn khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thông báo rõ ràng tại Diễn đàn khu vực Asean (ARF) ở Hà Nội vào tháng trước (07/2010) về việc Mỹ can dự trở lại vào vùng Đông Nam Á và bác bỏ những đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Bà coi quyền tự do hàng hải nằm trong “lợi ích quốc gia” của Mỹ và sẵn sàng tạo thuận lợi cho việc lập ra một quy tắc ứng xử cho khu vực.
Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ, coi những bình luận của Ngoại trưởng Mỹ như một cuộc tấn công Trung Quốc và nói rằng họ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm quốc tế hóa vấn đề. Trung Quốc nói sẽ giải quyết tranh chấp với từng quốc gia riêng lẻ trong khu vực trong khuôn khổ song phương, một cách tiếp cận mà một số người cho rằng đó là cách "chia để trị".
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng chỉ trích phát biểu của bà Clinton, tờ China Daily tố cáo Hoa Kỳ có "ý đồ gây rối tại các quốc gia đang có tranh chấp về lãnh thổ” với Trung Quốc.
Nhưng thực tế là Hoa Kỳ sẽ không thể mạo hiểm trục lợi nếu như vùng biển này đã không bị khuấy đục một chút. Điều đáng nói là không chỉ có một mình bà Clinton đã nêu vấn đề biển Hoa Nam (Biển Đông) tại diễn đàn ARF. Mười một quốc gia khác cũng đã làm như vậy.
Cũng cần nói là hồi đầu tháng này, tàu George Washington đã đến Việt Nam trong khuôn khổ cuộc tập trận hỗn hợp hải quân kéo dài một tuần giữa hai cựu thù. Việt Nam và các nước khác trong khu vực đang tìm cách phát triển quan hệ với Hoa Kỳ như là một hàng rào chống lại Trung Quốc. Tuyên bố của Trung Quốc hồi tháng ba rằng Biển Hoa Nam (Biển Đông) là một 'lợi ích cốt lõi, ngang tầm với Tây Tạng và Đài Loan, sẽ càng làm cho các nước này hốt hoảng.
Mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng họ cam kết vươn lên một cách hòa bình, nhưng có nhiều điểm không rõ ràng ngay cả trong số các nhà phân tích Trung Quốc : Trung Quốc sẽ trỗi dậy ra sao hoặc Trung Quốc sẽ làm gì một khi sức mạnh của họ gia tăng trên toàn cầu. Trong những tháng gần đây, các hành động của Trung Quốc trên thế giới - bao gồm cả việc ngăn chặn một thỏa thuận về biến đổi khí hậu vào tháng mười hai năm ngoái - cũng như trong khu vực chỉ làm tăng thêm các lo âu.
Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn để cho thấy rằng sự trỗi dậy của họ là hiền hòa. Nói những điều đe dọa như "Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là các nước nhỏ, và đó là một thực tế ', như bộ trưởng bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã phát biểu tại ARF, chắc chắn không phải một trong những phương cách nên làm. Mặt khác, xúc tiến thành lập một quy tắc ứng xử cho biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) để có thể giải quyết các vấn đề, như tranh chấp lãnh thổ, trong khuôn khổ đa phương hơn là song phương sẽ là một trong phương cách.
Về phần mình, các nước trong khu vực cần phải cùng nhau đứng lên chống lại người láng giềng khổng lồ. Sẽ là thảm hoạ nếu họ chia rẽ thành khối ủng hộ Trung Quốc và khối ủng hộ Mỹ. Họ muốn có sức mạnh của Mỹ trong khu vực để cân bằng lại uy lực của Trung Quốc - nhưng sự cân bằng chỉ có thể được thực hiện khi các đối thủ cạnh tranh có quan hệ hữu nghị với nhau. Cuộc đối đầu giữa hai quốc gia sẽ đặt các nước trong khu vực vào vị trí không dễ chịu do việc phải đứng hẳn về một trong hai phe.
Các nước trong khu vực có thể tự giúp mình bằng cách thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn giữa các đối thủ. Hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng Asean cộng 8 – một diễn đàn an ninh khu vực bao gồm bộ trưởng Quốc phòng các nước Asean cùng Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và New Zealand, lần đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 10 – sẽ tạo cơ hội cho các quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ và Trung Quốc gặp nhau.
Có cả hai nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào năm tới cũng là một động thái tốt, bởi vì diễn đàn này sẽ tạo cơ sở cho hai cường quốc gặp nhau đúng vào thời điểm mà họ cảm thấy khó mà làm được việc này. Ví dụ, chuyến đi thăm Mỹ ở cấp nhà nước của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong năm nay chưa chắc sẽ diễn ra do quan hệ giữa hai bên đã xấu đi trong những tháng gần đây.
Do vậy, việc siêu hàng không mẫu hạm George Washington qua lại trong vùng biển khu vực thì vẫn yên tâm hơn nhưng có lẽ tốt nhất vẫn là không cần đến sự hiện diện này.
No comments:
Post a Comment