Bài đăng : Chủ nhật 22 Tháng Tám 2010 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 22 Tháng Tám 2010
Việt Nam cần thay đổi chiến lược nếu muốn vươn lên thành nước công nghiệp
Thành phố Hồ Chí Minh trung tâm kinh tế của Việt Nam
REUTERS/Kham
Trọng Nghĩa RFI
Trong thời gian hơn hai thập niên qua, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển từ một nước nghèo lên thành một quốc gia có tăng trưởng kinh tế thuộc loại nhanh nhất Châu Á. Việt Nam đã mở được cánh cửa bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình, và hy vọng trở thành một quốc gia công nghiệp vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phân tích được hãng tin Pháp AFP hôm nay trích dẫn, thì cao vọng đó có thể biến thành ảo vọng nếu Việt Nam không kịp thời thay đổi chiến lược phát triển. Một trong những thách thức quan trọng đặt ra là làm sao tạo ra được một đội ngũ công nhân lành nghề đông đảo, đồng thời nâng cao được chuẩn mực khoa học và công nghiệp còn non yếu tại Việt Nam.
Về thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, tất cả các chuyên gia đều ghi nhận là từ hơn mười năm nay, đất nước này đã quen thuộc với tốc độ tăng trưởng trên 6% hoặc 7%, thậm chí 8%. Vào năm ngoái, mức tăng 5,32% của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã được cho là tỷ lệ tồi tệ nhất trong thập kỷ này.
Song song với đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, mức GDP bình quân theo đầu người cũng tăng vọt. Theo ước tính nêu lên trong một bản báo cáo do Ngân hàng Thế giới và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vừa thực hiện, thì từ không đầy 100 đô la vào năm 1990, thu nhập bình quân của người Việt Nam sẽ lên đến khoảng 1.200 đô la vào năm nay 2010. Tỷ lệ hộ gia đình nghèo đã giảm từ 58% vào năm 1993 xuống còn 12,3% trong năm 2009.
Nương theo hướng đi lên đó, Việt Nam hy vọng sẽ gia nhập được vào đội ngũ các nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Hà Nội do Ngân hàng Thế giới và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức hôm 18/08 vừa qua, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra dự báo rằng mức GDP bình quân theo đầu người của Việt Nam vào năm 2020 sẽ lên đến khoảng từ 3.000 đến 3.200 đô la.
Thế nhưng, theo Ngân hàng Thế giới, sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới đây có thể bị ảnh hưởng từ hai nhóm quốc gia cạnh tranh với mình : một bên là các nước nghèo hơn, nơi chi phí nhân công thấp hơn Việt Nam, và một bên kia là những nước giàu hơn, có nhiều sức sáng tạo hơn với lực lượng lao động có chất lượng cao hơn.
"Việt Nam đang đứng ở một ngã ba đường quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế và xã hội của mình". Bà Victoria Kwakwa, đại diện thường trú của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cho biết như trên tại cuộc hội thảo ngày 18/08. Theo bà, trong thập kỷ tới, Việt Nam có thể tăng cường được "nhịp độ tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội để gia nhâp hàng ngũ các nước công nghiệp hóa thịnh vượng ", nhưng cũng có thể bị đình đốn trên "mặt trận kinh tế và xã hội".
Giáo sư Đỗ Hoài Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cũng nhấn mạnh : " Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức ác liệt để thoát khỏi cái bẫy của "thu nhập trung bình". Đối với ông Nam, các cản trở trên con đường phát triển của Việt Nam còn rất nhiều : cơ sở hạ tầng, các khu đô thị và nông thôn chưa phát triển, nền kinh tế "thiếu chuyên môn hóa và sức cạnh tranh", lực lượng công nhân lành nghề quá ít, trong lúc các chuẩn mực về khoa học và công nghệ còn thấp so với khu vực.
Theo một tài liệu của Ngân hàng Thế giới và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thì động lực của chính sách Đổi mới vào năm 1986 hiện đã "bị hụt hơi" : kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, ngành công nghiệp, thường do các tập đoàn nhà nước lớn độc quyền, thì có thể thiếu năng động, còn cơ sở hạ tầng như giao thông vận tải lại đang kém phát triển.
Theo AFP, trong toàn cảnh kinh tế xã hội hiện nay của Việt Nam, các chuyên gia thường xuyên đánh giá nền giáo dục là cản lực khác cho sự vươn lên của Việt Nam. Nhìn chung, giáo dục Việt Nam còn ở mức rất thấp so với tiêu chuẩn quốc tế, lại bị tệ nạn tham nhũng đục khoét, và không thích hợp với nhu cầu đào tạo lực lượng lao động lành nghề mà đất nước đang cần.
Bên cạnh đó, cản lực có thể đến từ đường lối kiểm duyệt thông tin, kiểm soát mạng Internet, hiện tượng chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng gia tăng giữa thành thị và nông thôn, giữa người Kinh chiếm đa số với các dân tộc thiểu số, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu vùng xa.
Kinh nghiệm nhiều nước láng giềng của Việt Nam cho thấy là việc chuyển từ vị trí một nước thu nhập trung bình lên cấp quốc gia công nghiệp phát triển không phải là dễ. Giáo sư Lê Kim Sa, thuộc Trung tâm Phân tích và Dự báo của Viện Khoa học Xã hội, trong bản báo cáo hôm 18/08 đã nêu lên ví dụ của Malaysia, Philippines, hay Thái Lan. Họ đã trở thành các quốc gia có thu nhập trung bình từ hàng chục năm nay, nhưng hiện vẫn chưa vào được nhóm nước công nghiệp có thu nhập cao.
tags: Châu Á - Kinh tế - Phân tích - Việt Nam
=======================================
==========================================================
No comments:
Post a Comment