Vũ Ánh/Việt Herald
(08/16/2010)
Cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây hứa hẹn nhiều gay cấn và thay đổi trong cán cân lực lượng giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Đó là mục tiêu mà cho đến nay, chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày đầu phiếu, các ứng cử viên của hai đảng đã dần dần lộ ra mục tiêu và đề tài tranh cử mà họ đang đeo đuổi.
Riêng trong cộng đồng Việt Nam ở Little Saigon, không khí tranh cử cũng bắt đầu rộn ràng với một vài khuôn mặt mới trong hàng ngũ ứng cử viên gốc Việt Nam trẻ tuổi dự tranh các cấp dân cử địa phương, tiểu bang, liên bang.
Gần như một thông lệ, cộng đồng gốc thiểu số nào cũng cần có tiếng nói của mình trong nghị trường địa phương. Nhưng khi những nghị viên gốc thiểu số ngồi vào ghế dân cử trong hội đồng thành phố thì điều này không có nghĩa là ông ta, hay bà ta chỉ đại diện cho quyền lợi của những người bầu cho mình. Ngược lại, người dân cử đó là đại diện cho quyền lợi của dân cả thành phố. Một người Mỹ dòng chính đắc cử có thể là chỉ do phiếu bầu của người Mỹ dòng chính, nhưng khi ngồi vào ghế nghị viên hội đồng thành phố, họ là đại diện cho tất cả cử tri đủ mọi sắc dân trong thành phố. Riêng tại thành phố Westminster, tính cách đại diện của các nghị viên hội đồng thành phố là một tiêu biểu rõ rệt nhất tại một thành phố có đông người Mỹ gốc Việt cũng như người Mỹ thuộc các sắc dân khác cư ngụ.
Cho tới nay, Hội Đồng Thành Phố Westminster có tới 3 nghị viên người Mỹ gốc Việt Nam, nhưng không phải vì chiếm đa số ghế trong nghị trường, các nghị viên này muốn làm gì thì làm bởi vì bên cạnh đó, đạo luật Brown Act là một cái thắng để kiềm chế bất cứ hành động nào của nhóm đa số muốn biến nghị trường thành độc quyền của mình, hoặc muốn biến hội đồng thành phố thành một công cụ chỉ phục vụ quyền lợi cho cộng đồng sắc dân mà mình là thành viên.
So với những cộng đồng sắc dân khác tại quận Cam, phải nói rằng chưa có cộng đồng nào hội nhập chính trị dòng chính nhanh như cộng đồng Việt Nam. Điều này một phần là nhờ vào sự dấn thân của những thành phần trí thức trẻ gốc Việt lớn lên ở Mỹ sớm ý thức được sự cần thiết phải đưa tiếng nói và nguyện vọng của đồng hương vào nghị trường, sớm ý thức được con đường tranh đấu ở nghị trường là phương thức tốt nhất xây dựng một cộng đồng vững mạnh.
Tuy nhiên, lâu dần lời kêu gọi "cử tri người Việt bỏ cho ứng cử viên gốc Việt" lộ ra nhiều điểm cần phải xét lại. Bởi vì một điều dễ hiểu, nếu như cử tri Mỹ gốc Việt Nam cứ nhắm mắt bỏ phiếu cho những người mang họ Việt Nam mà không cần biết tới khả năng của ứng cử viên, có nhiều phần trăm chúng ta sẽ có rất nhiều nghị gật trong hội đồng thành phố. Nếu chúng ta bầu nghị viên hay dân biểu vào nghị trường mà chỉ biết “yes” và không bao giờ biết nói “no” hoặc mạnh dạn giải thích cho cử tri tại sao mình lại làm như vậy thì thực tình mà nói điều này rất vô ích. Bất quá, những dân cử ấy chỉ có giá trị làm cảnh trong sinh hoạt nghị trường mà thôi.
Có cử tri rất dễ dãi khi nói: "À tôi thấy ông này, bà này can đảm dám cãi lại người Mỹ nên bầu cho họ". Chuyện cãi lại người Mỹ, cãi tay đôi, cãi to tiếng, dùng những lời lẽ gay gắt, chỉ tay vào mặt họ, theo tôi, không phải là lòng can đảm và thái độ thích hợp bất cử ở đâu. Dù là đối với người Mỹ dòng chính, người Mỹ gốc Việt, người Mỹ gốc Mễ, người Mỹ gốc Trung Hoa... thái độ tranh luận ôn tồn, lý lẽ vững vàng, cụ thể, không vu vơ sẽ có sức thuyết phục mạnh nhất ở nghị trường cũng như ở bất cứ nơi nào. Nóng giận và cực đoan sẽ phá hỏng mọi chuyện.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt Nam được xây dựng trên căn bản của người tị nạn Cộng Sản, nhưng không đồng nhất về thái độ hoặc hành động đối với người Cộng Sản. Không quyền lực nào, ngay cả quyền lực của liên bang Hoa Kỳ có khả năng đồng nhất hóa tư tưởng hành động của cộng đồng Việt Nam nói chung được. Cũng vì thế mà trong cộng đồng có nhiều đoàn thể khác nhau, khuynh hướng chính trị khác nhau. Mười năm trước đây, một vài tổ chức chống Cộng trong cộng đồng người Việt tị nạn đã có tham vọng đưa ra một vài cái khung về đường lối chống Cộng để những người khác noi theo, nhưng họ đã thất bại. Cũng không có gì khó giải thích sự thất bại của những tổ chức này. Trong cộng đồng, dù các thành viên đều là nạn nhân Cộng Sản, nhưng không nhất thiết họ phải là người chống Cộng. Tại sao lại không coi họ là người Quốc Gia không Cộng Sản? Trong tác phẩm “Dr Zhivago”, văn hào Nga Boris Pasternak có cần khẳng định lập trường chống Cộng đâu mà tác phẩm của ông đã trở thành một kiệt tác chống Cộng Sản và độc tài?
Trong giai đoạn đầu hội nhập chính trị dòng chính, cử tri Mỹ gốc Việt có thể dễ dãi bầu cho những ứng cử viên gốc Việt vào lúc đó còn hiếm hoi. Nhưng khi những ứng cử viên Mỹ gốc Việt ngày càng đông, lúc đó bắt buộc cử tri phải sử dụng việc sàng lọc cho kỹ để bầu những người đại diện xứng đáng cho mình.
Một dân cử gốc Việt có thể mới 24, 25 hay 30 tuổi thuộc thế hệ con cháu chúng ta, nhưng trong cuộc sống ngoài đời hay khi bước vào nghị trường họ phải được đối xử như một dân cử. Cử tri bỏ phiếu thì cử tri có quyền áp lực, nhưng cần phải ý thức nguyện vọng đệ đạt để yêu cầu người đại diện của mình tại nghị trường can thiệp có phải là nguyện vọng của số đông trong các cộng đồng và có phải là công ích không.
Tại Houston, tiểu bang Texas mới xảy ra một trường hợp của Nghị viên Hoàng Duy Hùng, một trường hợp mà tôi cho là điển hình cần thảo luận về những phương thức hoạt động đấu tranh và có cần thay đổi phương thức đó không hoặc khi một người thay đổi thì có phải là Việt gian không? Chuyện Nghị viên Hoàng Duy Hùng đi Việt Nam vì công vụ của thành phố Houston là chuyện công khai vì ông Hùng đã công khai hóa việc làm này bằng cách hỏi ý kiến đồng hương. Nhưng cũng chính việc làm này của Nghị viên Hoàng Duy Hùng đã trở thành trung tâm của một vụ phản đối trong cộng đồng người Việt ở Houston. Có người đã gọi hành động của nghị viên Hoàng Duy Hùng là Việt gian. Nhưng không phải vì thế mà không có ý kiến đồng tình và dư luận thầm lặng như thế nào thì chưa rõ.
Nhưng chuyến đi Việt Nam của nghị viên Hoàng Duy Hùng có phải là một chuyến du lịch và về Việt Nam để "vui hưởng" như bao nhiêu người Mỹ gốc Việt âm thầm trở lại quê hương cũ không? Trong cuộc phỏng vấn trước đây của nhật báo Người Việt, Nghị viên Hoàng Duy Hùng cho biết ông dự trù sẽ đi Việt Nam vào khoảng cuối tháng Chín hoặc tháng Mười năm nay với “tư cách là nghị viên Hội Đồng Thành Phố Houston và là Phó Chủ tịch Ủy Ban Quốc Tế Vận Chuyển Houston” vì “muốn tạo bộ mặt một thành phố cởi mở”. Chuyến đi Việt Nam theo lời nghị viên Hoàng Duy Hùng là “nghiên cứu đường bay từ Houston về Saigon, cụ thể là phi trường Long Thành”. Phi trường Houston trực thuộc thành phố Houston.
Nếu như nhà cầm quyền Việt Nam cấp chiếu khán nhập cảnh cho nghị viên Hoàng Duy Hùng thì đây là lần đầu tiên một dân cử gốc Việt, từng bị Hà Nội bỏ tù vì đấu tranh chống Cộng tại Việt Nam, nay thuộc cấp chính quyền địa phương Mỹ đi với một phái đoàn Mỹ đến Việt Nam để thương lượng nhiều vấn đề, trong đó có việc mở một đường bay trực tiếp từ Việt Nam tới Houston mà cả hai bên đều có lợi. Chuyến đi là công vụ và nhân danh quyền lợi của Hoa Kỳ trong đó có quyền lợi của người Mỹ gốc Việt.
Hai điểm cần nhấn mạnh trong chuyến đi của nghị viên Hoàng Duy Hùng: một, ông công khai loan báo công việc của ông, không lén lút và hai là: ông trở lại Việt Nam không phải để quỵ lụy nhà cầm quyền Việt Nam xin hưởng chút tư lợi cá nhân, như lời ông khẳng định nhiều lần. Ông cũng nói ông không thay đổi lập trường tranh đấu của người quốc gia mà chỉ thay đổi sách lược và chiến thuật chứ không hề đầu hàng hay rời bỏ con đường đấu tranh.
Trong 35 năm qua, người ta thấy trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, có nhiều người không muốn đối thoại với chính quyền trong nước, với Cộng Sản nhưng nhan nhản xảy ra những câu chuyện họ vẫn cứ phải nhờ nhân vật Mỹ này, dân cử Mỹ nọ chuyển lời cho cộng sản, đặt điều kiện về hồ sơ nhân quyền hay những vấn đề tự do dân chủ khác.
Ngay trước mắt cộng đồng Việt Nam ở Little Saigon, bà Dân Biểu Loretta Sachez cũng là người từng đến Việt Nam vì công vụ và mỗi lần đi, một số những nhà tranh đấu ở đây vẫn phải nhắn gởi bà những nguyện vọng. Mới đây nhất, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton đi Việt Nam dự hội nghị cấp vùng của ASEAN ở Hà Nội, bà đã cẩn thận lấy ý kiến của vị chủ trịch Phong Trào Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, BS Nguyễn Quốc Quân và nhận ý kiến qua lá thư của 16 dân cử Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền. Có ai gọi Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ và đoàn tùy tùng của bà là "Mỹ gian" không?
Khi ông Michael Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam trở về nước thăm cộng đồng Việt Nam tại Mỹ, ông công khai nói tới kế hoạch khai sáng đầu óc thanh niên Việt Nam bằng chương trình gia tăng sinh viên từ Việt Nam sang du học, người ta có thể chỉ trích ông nhưng có ai gọi ông là “Mỹ gian” không?
Khi Hải quân Trung Tá Lê Bá Hùng hạm trưởng tuần dương hạm tối tân USS Larsen thuộc Hải Quân Hoa Kỳ tiến vào cảng Đà Nẵng trong chuyến viếng thăm “hữu nghị với Việt Nam” thì được ca ngợi và không ai bảo ông là “Việt gian” được.
Tất cả những nhân vật nói trên đến Việt Nam, đi sứ ở Việt Nam là nhân danh quyền lợi của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Người ta chỉ có thể phản đối nhưng không thể lên án họ là "Mỹ gian" hay "Việt gian" được. Mỗi nhân vật kể trên có một con đường phục vụ nước Mỹ. Vậy thì tại sao đã có người vội vã kết án Nghị Viên Hoàng Duy Hùng là Việt gian? Như thế có phải là bất công không?
Trong đời mỗi một nhà tranh đấu cho một mục tiêu chân chính có những thực tế và trải nghiệm riêng mà mình phải đương đầu. Những trải nghiệm là những bài học và có thể từ những bài học ấy mà họ nhận ra được là phải thay đổi sách lược hay chiến thuật mới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Sự thay đổi đó có thể diễn ra âm thầm, nhưng tốt nhất vẫn là phải loan báo công khai, minh bạch. Nghị viên Hoàng Duy Hùng đã làm điều đó, theo tôi, chẳng có gì đáng trách ông ta cả.
Quyền lợi chính trị của cộng đồng người Việt và quyền lợi của nước Mỹ trong một vài trường hợp chỏi với nhau. Nhưng theo tôi, có những lúc và có những trường họp chúng ta lầm lẫn giữa công việc của một người tị nạn tranh đấu cho quê hương với công tác của một dân cử, vai trò được đặt ra để phục vụ "công chúng, địa phương sở tại, và quyền lợi chung của nước Mỹ".
Biểu tình chống Cộng, bất hợp tác với Việt Nam cũng chỉ là những phương thức nhằm đem lại tự do, dân chủ cho Việt Nam. Sự thay đổi phương thức cho thích hợp với mỗi giai đoạn của Nghị Viên Hoàng Duy không có gì có thể gọi là Việt gian được, trừ phi sự thay đổi là để phục vụ cho quyền lợi cá nhân và gia đình.
Vì thế, những dân cử trẻ tuổi gốc Việt sắp bước vào nghị trường cũng cần mạnh dạn suy nghĩ một cách nghiêm túc con đường của mình. Không ai có thể bắt mình phải theo mãi một sách lược hay chiến thuật tranh đấu cho quyền lợi của cộng đồng, tiểu bang và liên bang. Nhưng sự thay đổi, canh tân dù là chỉ để bước ra khỏi một lối mòn bao giờ cũng là một thử thách lớn, đòi hỏi sự cân nhắc, lựa chọn sáng suốt và bình tĩnh. Sau khi đã lựa chọn rồi, loan báo công khai và sẵn sàng đương đầu một cách ôn hòa với những phê phán. Cách đương đầu tốt nhất vẫn là giải thích một cách can đảm. (VA)
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment