HUY PHƯƠNG, Aug 23, 2010
Tini Trần là một cô bé Việt Nam đến Hoa Kỳ vào đầu tháng 5, năm 1975, lúc cô chỉ mới ba tuổi rưỡi, ngày nay đã trở thành một người nổi tiếng trong ngành truyền thông Hoa Kỳ vì hiện nay cô là thông tín viên của hãng Thông Tấn AP (Associated Press) tại Bắc Kinh. Cái tên Trần Thiên Hương do cha mẹ cô đặt ngày nay đã không còn ai gọi đến, nhưng trong làng ký giả quốc tế, không ai không biết tới cô gái Việt Nam nhỏ con, gan lì đang nhận một nhiệm vụ khá quan trọng tại Đông Nam Á. Không những cô phụ trách cho hãng thông tấn Hoa Kỳ lớn nhất tại Trung Cộng mà còn hiện diện khắp nơi, từ Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Pakistan, Mã Lai đến Afganistan, Kuwait và tại Iraq trong những ngày Hoa Kỳ mở trận chiên tấn công vào cứ điểm Falluja, Baghdad, để đem về những nguồn tin xác thật, ghi nhận tại chỗ rất giá trị. Bài của Tini Trần thường trực hiện diện trên những tờ báo lớn của nước Mỹ như Washington Post, Wall Street Journal, San Jose Mercury News, Los Angeles Times, Baltimore Sun, Chicago Tribune, Houston Chronicle, Sacramento Bees… và hằng trăm tờ báo khác trên khắp lục địa Hoa Kỳ.
Tini Trần và chiến trường Iraq.Photo do Tini Trần cung cấp
Tini Trần và chiến trường Iraq.Photo do Tini Trần cung cấp
Thân phụ của Tini Trần là Bác Sĩ Trần Văn Thuần, bác sĩ y khoa hành nghề tại Houston và mẹ là Công Huyền Tôn Nữ Mỹ Chương, bà du học ở Iowa từ năm 1963, và về nước năm 1968. Tini Trần sinh tại Saigon vào tháng 6, năm 1971, và cuối tháng 4, năm 1975, theo gia đình được di tản ra Đệ Thất Hạm Đội, đến Subic Bay rời đi Guam và được đưa về định cư tại Alabama. Tini Trần đã học qua nhiều trường trung, tiểu học tại các tiểu bang Alabama, Mississsipi và Texas. Lúc thân phụ của Tini đưa gia đình về định cư và mở phòng mạch tại Houston, sau do Tini bắt đầu theo học đại học, ngành báo chí tại University of Texas tai Austin. Tuy vậy khi thấy Tini thích ngành báo chí thì gia đình nghĩ rằng đây chỉ là một sở thích nhất thời của cô nên khuyến khích Tini hoc thêm ngành luật hành chánh cũng tại đại học này.
Tini Trần tốt nghiệp cử nhân báo chí ưu hạng vào mùa Thu năm 1994, sau đó cô được tuyển dụng ngay cho tờ báo Tennessian tại tiểu bang Tennessee, xuất bản tại thủ phủ Nashville. Nhân tháng 5, năm 1995 là tháng kỷ niệm miền Nam rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt, ban biên tập tờ báo nay cử cô đi Việt Nam cùng với phóng viên ảnh Nancy Rhoda để làm một thiên phóng sự tại Việt Nam sau hai mươi năm Saigon sụp đổ.
Tini Trần và chiến trường Iraq.Photo do Tini Trần cung cấp
Tini Trần và chiến trường Iraq.Photo do Tini Trần cung cấp
Bài báo “Return to Việt Nam” dài 43 trang của cô đã làm chấn động báo giới tại Hoa Kỳ và được nhiều tờ báo mua đăng lại. Có thể nói là chưa có một phóng viên Mỹ nào đi sát thực tế, và có khả năng viết về những vấn đề sâu kín mà ngay chính quyền Cộng Sản Việt Nam lúc bấy giờ cũng không muốn các phóng viên ngoại quốc tò mò để mắt tới. Trong khi chính phủ Việt Nam muốn nói đến thành tích dân sinh thì cặp mắt của Tini Trần và ống kính của phóng viên ảnh đã đi vào những xóm lao động, những bệnh viện, những sinh hoạt của đám trẻ nghèo khó bên những đống rác lớn của Saigon. Lúc bấy giờ Việt Nam chưa cởi mở đến độ cho một phóng viên báo Mỹ đến “thăm dân cho biết sự tình” mà chỉ muốn báo chí nói lên những thành tích và chủ trương của chính phủ, do đó Tini Trần và phóng viên ảnh đã đóng vai một Việt Kiều và du khách để đi đây đó và quan sát tận nơi để hoàn thành một bài viết giá trị, một mẫu mực khó tìm của lối viết phóng sự.
Trong giới truyền thông Hoa Kỳ cũng có lối chào mời “mua đào bán kép” như trong giới cải lương ở quê nhà, do đó mà sau bài phóng sự “Return to Việt Nam” này, Tini Trần đã được nhiều tờ báo mời hợp tác với mức thù lao hứa hẹn rất cao, nhất là hai tờ báo xuất bản trong hai địa phương có nhiều người Việt định cư nhất là tờ Los Angeles Times và tờ San Jose Mercury News. Trong thời gian này, Tini Trần thú nhận là tiếng Việt của mình còn yếu nên có thể gặp phải những trở ngại trong khi di làm phóng sự về sinh hoạt cộng đồng Việt Nam tại địa phương, nên cuối cùng Tini đã chọn tờ San Jose Mercury News vì tại Bắc Cali này, Tini Trần có gia đình bà ngoại và các dì, cậu… có thể cố vấn cho Tini những vấn đề Việt Nam mà cô chưa hiểu một cách sâu sắc. Mặc đầu đã biết Tini Trần về cộng tác với Mercury, Los Angeles Times đã “chiêu dụ” bằng cách mời cô tham quan các cơ sở của tờ báo trong một tuần và lo tất cả chi phí cho cô tại Los Angeles, đồng thời cũng hứa hẹn một mức lương cao hơn tờ Mercury. Tini Trần đã chấp nhận lời mời xuống Nam Cali thăm viếng cơ sở của tờ Los nhưng cuối cùng vẫn giữ ý định ở lại San Jose.
Cộng tác với San Jose Mercury hai năm, Tini Trần đòi hỏi tờ báo này phải để cho cô sang Việt Nam, nhưng vì tờ báo chưa đáp ứng nhu cầu của cô, nên Tini Trần về cộng tác với Los Angeles Times vì chủ biên của tờ này hứa cho cô đi làm phóng sự tại Việt Nam ba tháng. Trong thời gian làm tại Los Angeles, vào cuối năm 1999, Tini Trần cũng đã lăn lộn với nhóm phóng viên của tờ L.A. Times tại khu phố Bolsa để theo dõi và tường thuật vụ Trần Trường và bài tường thuật này đã được một giải thưởng báo chí.
Phải nói là năm 1995 sau khi về Việt Nam và hoàn tất phóng sự “Return to Viet Nam,” Tini Trần đã thấy rõ đời sống của dân chúng, phong cảnh cũng như văn hóa Việt Nam Việt Nam, cô yêu thật sự quê hương mình, nơi mà cô đã theo cha mẹ bỏ ra đi từ lúc mới lên ba. Tini Trần đã đạt được hai mơ ước của mình, một là trở thành một người phóng viên báo chí và hai là được làm việc ngay trên quê hương Việt Nam. Làm việc ở đâu cô cũng muốn nhận những công việc tại Việt Nam, do đó khi hãng thông tấn AP mời cô về cộng tác và đưa cô về Việt Nam làm việc, cô không ngần ngại nhận lời và đã ở đó trong một thời gian dài 5 năm. Ngoài khả năng về nghề nghiệp, Tini Trần là một phóng viên năng nổ, không ngại khó khăn, luôn luôn hoàn thành nhu cầu của hãng đặt ra và cô có những nhận xét được công nhận là sâu sắc. Ban Giám Đốc AP tại New York rất biết tới khả năng của cô và muốn đề bạt cô lên những chức vụ cao hơn và muốn đưa cô đi làm Trưởng Văn Phòng ở các nước khác.
Chỉ vài tháng sau, Tini Trần trở thành Trưởng Văn Phòng AP tại Việt Nam.
Tini Trần quan niệm đây là quê hương mình, đồng bào mình, được sống, hiểu và phục vụ quê hương là điều tốt nhất. Chính trong thời gian làm việc và sinh sống tại Việt Nam, Tini Trần được học hỏi và thông cảm thêm về con người và đời sống Việt Nam, bổ khuyết cho những gì thiếu sót khi cô rời Việt Nam ra đi lúc còn quá nhỏ. Dù thế nào, thì phương tiện sinh sống ở Việt Nam, nhất là tại Hà nội không tốt bằng tại Mỹ, nhưng cô không hề muốn rời nhiệm sở, xa những công việc hằng ngày của một phóng viên mà cô đã yêu thích.
Vào cuối tháng 2, năm 2003, Tini được New York biệt phái sang Kuwait trong khi chờ đợi Mỹ sẽ tấn công vào Iraq. Bốn tuần trong lửa đạn, giao tranh và khủng bố đã làm cho bố mẹ và gia đình cô rất lo lắng. Đến tháng 3, Tini loan báo cho gia đình biết là cô phải ở lại trận địa lâu hơn vì Hoa Kỳ sắp tấn công vào cứ điểm Falluja. Trong thời điểm này vô số bài viết của Tini Trần đã được chuyển đi và trở thành những tin chiến sự hàng đầu trên các báo chí Hoa Kỳ. Sau bốn tháng ở Baghdad, cô đã sang Jordan và báo tin về nhà cho biết cô đã hoàn tất nhiệm vụ, nghỉ ngơi ở Siri Lanka và sắp trở về Hà Nội. Chỉ trong thời gian 4 năm, người phóng viên AP tên Tini Trần đã làm nhiệm vụ tại 22 quốc gia.
Trong cuộc đời làm phóng viên tại Việt Nam, Tini Trần đã tiếp xúc nhiều với cảnh nghèo khó của quê nhà, trẻ em thiếu ăn, đi học không có giày mang, trời lạnh không có đủ áo ấm. Tini thương Việt Nam là thương nỗi nghèo khó, bất hạnh đó và luôn luôn khuyến khích các em cô, hai gái một trai đã tốt nghiệp đại học tại Mỹ, ráng dành thời gian tham gia các công tác thiện nguyện để giúp đồng bào nghèo khổ ở Việt Nam. Do đó các em Tini Trần đã tham gia các tổ chức N.G.O. (Non-goverment-organization) và về nước giúp đồng bào nghèo. Quan điểm của Tini Trần là Việt Nam cần phát triển giáo dục và cải tiến xã hội để nâng cao kiến thức và đời sống của dân chúng.
Cuộc đời của một phóng viên thường trú tại một quốc gia và đôi khi lại trở thành một phóng viên chiến trường bất đắc dĩ như trong nhiều lần cô đã dến Baghdad đầy lửa đạn. Từ năm 2003 đến năm 2005 Tini đã đi Iraq 5 lần, cô luôn luôn xông xáo, năng nổ đi lại và người ta ít gặp cô ở văn phòng, mặc dù chức vụ của cô là Văn Phòng Trưởng AP tại Việt Nam.
Mùa Thu 2006, Tini đã trở về Mỹ, theo một học bổng Fellowship ở Harvard. Để có thể hoạt động cho AP, Tini đã phải theo học tiếng Mandarine 6 tháng tại Mỹ và 3 tháng tại Đài Loan trước khi đi nhận nhiệm sở mới.
Ngày 19 tháng 9, năm 2009 vừa qua, cô Tini Trần đã lập gia đình với Edward Wong, hiện là thông tín viên của tờ New York Times tại Bắc Kinh. Wong cũng tốt nghiệp báo chí tại Đại Học California, Berkeley, và có mặt tại Iraq từ những năm 2003 với vai trò phóng viên báo chí. Tin mới nhất cho biết, Tini Trần đang được AP biệt phái qua Kabul để làm phóng sự tại chiến trường Afganistan, trong dịp Tổng Thống Obama cho tăng quân đến chiến trường này.
Các giải thưởng về báo chí của Tini Trần
2005 Associated Press Managing Editors Award – Deadline Reporting AP staff coverage of Asian tsunami
2000 – National Headliners Award – 1st Place Coverage of a Major News Event AP coverage of 25th Anniversary of Fall of Saigon, “Vietnam Legacy” – Associated Press Managing Editors Award – Enterprise Reporting AP coverage of 25th Anniversary of Fall of Saigon, “Vietnam Legacy”
1999 Los Angeles Times – Top of the Times Award Beat Coverage & Investigative Reporting
1995 – Associated Press Managing Editors Award, 1st Place Non-Deadline Writing “Return to Vietnam” Series, The Tennessean – Asian American Journalists Association Award – 2nd Place Asian American Issues “Return to Vietnam” Series, The Tennessean – Green Eyeshade Investigative Awards, Finalist
No comments:
Post a Comment