Thursday, September 23, 2010
Người Việt - Thứ Sáu - 24 Tháng 9, 2010
Cuối cùng, Mỹ hùng dũng trở lại tái phối trí Biển Ðông
Kỳ 1
Lý Kiến Trúc (Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí)
Xuất Chiêu Chiến Hạm Nộ Kình Ngư
Thủy Chiến Phong Ba Mãn Ðình Hồng
Ngày 19 tháng 1 năm 1973 tại Paris, hiệp ước đình chiến chiến tranh Việt Nam đã được 4 bên: Mỹ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ký kết, “từ thời gian đó cho tới gần đây, nước Mỹ vẫn giữ thái độ đứng ngoài mọi tranh chấp giữa hai nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Vùng Biển Ðông là địa bàn tranh chấp giữa hai nước cộng sản đó.”
“...Năm 1974, sau khi Kissinger đã ký hiệp định Paris để rút quân, chính phủ Mỹ coi những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng không dính líu đến họ. Vào năm 1974, chính phủ Mỹ có thể đã nhìn trước thấy trước sau miền Nam sẽ bị cộng sản chiếm. Họ không thể vì bênh vực một quốc gia sắp rơi hoàn toàn vào tay một chính quyền cộng sản mà đi gây thêm rắc rối với Trung Quốc, một nước mà họ đang ve vãn để cùng hợp tác chống Nga Xô!”
“...Ai cũng phải tức giận trước thái độ làm ngơ vô tình của Hạm Ðội Thứ Bẩy của Mỹ khi không cho tầu đi cứu vớt các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam . Không biết họ có lý do kỹ thuật nào để từ chối hay không; nhưng thái độ đó không thể nào tha thứ được.” (1)
Nhưng cuối cùng, không thể làm ngơ được mãi, Ngoại Trưởng Hillary Clinton qua câu tuyên bố lịch sử tại ARF-Hà Nội, Mỹ đã hùng dũng trở lại Biển Ðông với tư thế của một cường quốc Thái Bình Dương.
30 năm trước, Quốc Hội Mỹ quá chán nản chiến tranh Việt Nam , lạnh lùng bỏ rơi Ðông Dương và Biển Ðông. 30 năm sau, Mỹ trở lại vùng đất vùng biển vùng trời đầy kỷ niệm, bức tranh vân cẩu năm xưa liên tục qua tay chủ này sang chủ khác.
Một cách nhìn khác, cơn bệnh khao khát tài nguyên thô của các quốc gia công nghiệp nhất là về dầu khí ngoài khơi đã thi nhau lục lọi đại dương. Biển Ðông không thoát khỏi bàn tay của Trung Cộng.
Dù khó có thể dựa trên nguồn thông tin nào về những gì còn đang tiềm ẩn dưới đáy Biển Ðông như trữ lượng dầu, khí đốt, khoáng sản đáy biển, hay nguồn cá, hải sản khổng lồ, nhưng quan trọng hơn cả vào thời điểm này là móng vuốt của Trung Cộng đối với nền an ninh khu vục, bao trùm con đường lưu thông vận chuyển hàng hóa từ Ðông Bắc Á xuống Nam Á xuyên qua Biển Ðông vòng qua Malacca Ấn Ðộ Dương thông đến Âu Châu và Trung Ðông.
Con đường này Ðô Ðốc Robert Willard nhận định: “Thương mại của Mỹ tại khu vực này lên tới 1,300 tỷ đôla/năm.” Dưới góc độ phát triển thương mại kinh tế và hiện đại hóa xứ sở, Hoàng Sa, Trường Sa trở thành tiền đồn canh gác và kiểm soát con đường vận chuyển 80% hàng hóa đổ vào Trung Cộng, nước đông dân nhất thế giới, thứ nhì là Indonesia trong vùng Ðông Nam Á.
Nhiều lãnh đạo đã nhìn thấy vấn đề Biển Ðông từ thế kỷ trước. Thời chiến tranh Việt Nam có câu ngạn ngữ: “Ai chiếm được Tây Nguyên, người đó sẽ làm chủ Ðông Dương.” Theo tôi, đối với Biển Ðông: “Ai chiếm được Hoàng Sa, Trường Sa, người đó sẽ làm chủ Biển Ðông.”
Cố TT Nguyễn Văn Thiệu chính là người mất ăn mất ngủ bao nhiêu ngày đêm khi buộc phải từ bỏ “kế hoạch tái chiếm” Hoàng Sa do Ðại Tướng Cao Văn Viên thúc đẩy, (sẽ đề cập đến phần sau). Với đầu óc của một nhà quân sự, hẳn ông đã nhìn xa trông rộng rồi đây các nước Brunei, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Trung Cộng và Ðài Loan giành nhau chủ quyền đảo, đá, giành nhau dầu hỏa, giành nhau đặc quyền kinh tế, nổi cộm nhất là ở biển, quần đảo Trường Sa, nên ông phải “nghe lời” bỏ kế hoạch “tái chiếm.”
Các vụ tranh chấp có lúc ngấm ngầm, có lúc công khai vũ lực. Ngoài Brunei là nước duy nhất không có sự hiện diện quân sự trên các hòn đảo, còn lại Trung Quốc, Ðài Loan, Việt Nam, Malaysia và Philippines đều có binh lính đóng quân trên những hòn đảo mà các nước này đều tung ra nguồn gốc lịch sử, đồ bản, thậm chí duy trì quân đội liên tục, biện minh cho chủ quyền của mình.
Nói gì thì nói, với vô số bằng chứng lịch sử và nguồn gốc người Việt hiện diện trên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, ngay cả Bạch Long Vỹ, đảo Nga Sơn Thanh Hóa với sự tích Dưa Hấu An Tiêm truyền tụng trong dân gian bị Vua Hùng Vương đời thứ 18 đầy ra đảo hoang, không thể nào chối cãi được dấu vết của người Việt cổ tồn tại trên đó. (2)
Nối liền Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc Việt với bãi Bắc Luân, đảo Bạch Long Vỹ vẫn còn được nhắc tới những nhức nhối sâu kín bên trong.
**
Tháng 11 năm 2000, Tổng Thống Bill Clinton cùng với phu nhân Hillary đến Việt Nam ăn phở Bắc ở Saigon, ăn tiệc với Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu ở Hà Nội, Bill là tay chơi kèn saxo có hạng, khen saxophonist Trần Mạnh Tuấn thổi tuyệt diệu, Bill cao hứng ngâm Kiều. Kiều rằng:
“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.”
Ý của Bill như thế nào thì tùy người mà ngẫm.
Ðùng một cái, ngày 19 tháng 11 năm 2003, đúng 30 năm sau Hiệp Ðịnh 1973 Paris, chiến hạm USS Vandergrift trang bị đến tận răng trọng pháo tà tà “Sam đến thăm em một chiều mơ Saigon.” Ai mời chú Sam đến với chiến hạm? Ðảng CSVN mời!
Thời đó là thời của TBT Lê Khả Phiêu, (cựu TBT Ðỗ Mười cố vấn), Thủ Tướng Phan Văn Khải, Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Mạnh Cầm, sau là Nguyễn Duy Niên.
Ðùng một cái, ngày 14 tháng 11 năm 2007, lần đầu tiên sau chiến tranh VN, hai chiến hạm USS Patriot và USS Guardian từ Thái Bình Dương tiến vào Vịnh Bắc Bộ, neo đậu tại cảng Hải Phòng thăm mấy em Bắc kỳ nho nhỏ. Sau những cái ôm hôn thắm thiết, Ðảng CSVN (đánh cho Mỹ cút) đã hân hoan mời chiến hạm Hoa Kỳ trở lại Việt Nam . Ðường chiến hạm từ Nam Bắc tiến! (Miền Nam luôn luôn đi trước về sau!)
Suốt từ 2003 đến nay, nối đuôi theo chiến hạm Vandergrift, Patriot và Guardian, hàng hàng lớp lớp chiến hạm đồng minh như Úc, Tân Tây Lan, Nhật, Ấn Ðộ, Pháp, Anh lũ lượt ra vào biển Ðông như đi chợ để Quốc Tế Hóa Biển Ðông. (Thay vì như ngày xưa đưa mấy trăm ngàn bộ quân chiến đấu vì lý tưởng tự do vào chiến trường Việt Nam , đông nhất là thời Tướng Westmoreland, cuộc chiến vì lý tưởng tự do thay mầu da trên xác chết chuyển dần sang giai đoạn Việt Nam Hóa chiến tranh để rồi tàn lụi.)
Không có một cơ sở nào biện chứng cho việc tại sao học thuyết Quốc Tế Hóa Biển Ðông do Bộ Chính Trị Việt Nam đề xuất lại đưa ra vào thời điểm này, lại được Ngoại Trưởng Hillary hoan nghênh nhiệt liệt, dù biện pháp song phương và đa phương đã được Việt Nam và Trung Cộng sử dụng như một kỹ thuật hội đàm trong các cuộc mật đàm. Chính sách ngoại giao của Việt Nam và Hoa Kỳ đã gặp nhau từ lúc nào? Tôi cho rằng từ thời Phan Văn Khải gặp George W. Bush năm 2005.
Thế nhưng viễn ảnh của học thuyết Quốc Tế Hóa có chủ tâm mang lại hòa bình cho khu vực hay không (trên lý thuyết); Thứ trưởng Quốc Phòng VN Nguyễn Chí Vịnh khẳng định chủ trương 3 không (3), tung ra màn khói chính trị, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Xếp của Nguyễn Chí Vịnh là Ðại Tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng có vẻ nhũn nhặn hơn: “Giữ nguyên hiện trạng để không làm phức tạp thêm tình hình.”
Thật sự, tình hình không phải bây giờ mới phức tạp, Ðông Dương và Biển Ðông đã phức tạp nhiều phen, nhất là sau Hiệp Ðịnh Paris và Hiệp Ước Thượng Hải.
Liệu Nguyễn Chí Vịnh, Phùng Quang Thanh có khả năng ngăn chận được sự bùng nổ bất thường một khi các đàn anh chưa gặp nhau trên bàn cờ quốc tế Biển Ðông. Liệu Mỹ-Tầu có gây chiến nhau không. Họ diễu võ dương oai, tập trận lớn chuẩn bị cho cuộc hành quân trên chiến trường biển cả đã quá quen thuộc, tới một lúc nào đó họ có thể “choảng” nhau để đòi được cái gì đó ở Biển Ðông thì “lợi ích quốc gia” Việt Nam ta sẽ ra sao? Vai trò chính trị của chủ tịch ASEAN luân phiên năm nay sẽ thử thách rất lớn về nhân sự lãnh đạo trong kỳ đại hội đảng sắp tới.
Từ hai cảng mốc Saigon và Hải Phòng, chiến hạm Hoa Kỳ đã đặt những cột mốc quan trọng cho chiến dịch “Hùng dũng trở lại biển Ðông,” (tất nhiên với sự đồng tình của Việt Nam). Việt Nam đã quay ngược chiều kim đồng hồ với đồng chí Chủ Nghĩa Xã Hội khiến Trung Cộng nổi giận phát động rầm rộ về cái gọi là “sự bội phản của Việt Nam,” y như sau 1975, Việt Nam đã quay phắt lại với Trung Cộng để ký hiệp ước an ninh với Liên Xô.
Cốt lõi của “sự bội phản của Việt Nam ” không phải là sự phản bội. Sau khi Ðỗ Mười (1993) và Lê Khả Phiêu (1997) thân hành qua Tầu ký với Trung Cộng Hiệp Ước Biên Giới Trên Bộ ngày 30 tháng 12 năm 1999 và Hiệp Ước Phân Ðịnh Vùng Ðánh Cá Vịnh Bắc Việt ngày 25 tháng 12 năm 2000, Việt Nam đã hớ nhiều quá rồi. Bừng con mắt dậy thấy còn một con. Bút chưa ráo mực lịch sử, muộn còn hơn không, Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng đã đảo ngược lịch sử mở đường khai thông cho chiến hạm Mỹ hùng dũng trở lại tái phối trí Biển Ðông dưới chiêu bài Quốc Tế Hóa.
Ðứng về góc độ quốc phòng chính trị của nước ta, khi đặt bút ký Hiệp Ước Biên Giới Trên Bộ (dù biết đã mất một số điểm cao), quân ta tự an ủi “Nam Quốc Sơn Hà Nam Ðế Cư,” nhưng đau khổ cho nước nhỏ đối với nước lớn bên cạnh, “Tiệt Nhiên Ðịnh Phận tại Bắc Kinh”! Hiệp ước biên giới này có thể là hệ quả của hai cuộc chiến đẫm máu 1979 và 1988, nguyên nhân xa và gần để Ðặng Tiểu Bình lớn tiếng “dạy cho Việt Nam một bài học,” nhưng nó chưa hẳn là sự xung đột về đất đai, nguồn gốc chủng tộc hay nguồn gốc lãnh thổ, mà hay chăng còn bàng bạc xung đột về quan hệ chiến lược quốc tế.
Học thuyết quan hệ quốc tế thời cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn ngả sang Liên Xô và Ðông Âu nhiều hơn từ thời chiến tranh Việt Nam, dù Trung Cộng có viện trợ dồi dào cho cuộc chiến, quan hệ Việt-Trung vẫn ngấm ngầm va chạm, nhất là ở các vị trí quân sự chiến thuật chiến lược dọc theo biên giới Việt-Trung. Lê Duẩn từng nổi tiếng trong Bộ Chính Trị là nhân vật chống Tầu hăng nhất. Chính Lê Duẩn là người nổ ra phát súng chiến dịch Hồ Chí Minh trong lúc Trung Cộng bảo khoan từ từ cứ giữ nguyên hiện trạng ở vĩ tuyến 17.
Hiệp Ước Phân Ðịnh Vùng Ðánh Cá Vịnh Bắc Việt tháng 12 năm 2000 thực chất là hiệp ước khoanh vùng Vịnh Bắc Việt để lập “Vành Ðai Xanh” phòng thủ cho đảo Hải Nam mà Trung Cộng đang bí mật xây dựng căn cứ hải quân Tam Á, nơi ẩn náu của hạm đội tầu ngầm nguyên tử không chế Biển Ðông. Tự hào về lực luợng hải quân, Trung Cộng từng rêu rao anh nào muốn vào hải giới này thì phải “xin phép” tôi!
Thế cho nên mới có chuyện Impeccable!
“Sự bội phản” của Việt Nam càng gặp phải cay đắng hơn nữa khi công luận nhân dân Việt Nam trong ngoài phẫn nộ lên án Ðỗ Mười và Lê Khả Phiêu cúi đầu bán đất, bán nước cho Tầu với một giá rẻ mạt. (Noi gương Ðỗ Mười và Lê Khả Phiêu, lãnh đạo các cấp trong bộ máy chính quyền hiện nay thi nhau cho Trung Cộng “đấu thầu” tài nguyên Việt Nam với giá rẻ như bèo và kéo dài tới 50 năm. Tin báo chí Việt Nam trong nước cho biết hiện nay Trung Cộng đã có 743 dự án đầu tư tại 53 trên 63 tỉnh thành Việt Nam . Bao nhiêu phần trăm huê hồng cho các cuộc đấu thầu giả dạng này? Vậy mà cai thầu quân Ngô và quân Tham vẫn chưa hài lòng.)
***
Cấu trúc an ninh biển Ðông lật sang một trang mới
TT Barack Obama đã chán ngấy cái cảnh làm người hùng thời hậu chiến Iraq, Afganistan, Isarel, Pakistan; thực tế, ông đang nỗ lực giải kết cuộc chiến Trung Ðông để chứng minh rằng ông là người của giải Nobel Hòa Bình 2009, dù Hoa Kỳ đang trải cơn suy trầm kinh tế, ông vẫn vận dụng công lực của Hoa Kỳ để trở lại Thái Bình Dương. Hạm đội nguyên tử hùng hậu của Hoa Kỳ hành quân ở Bắc Á, kéo xuống Nam Á, vẫy vùng Thái Bình Dương, đóng đô ở Biển Ðông. Obama, người hùng thời chiến đang đối diện với đối thủ Hồ Cẩm Ðào.
Phác họa ra chiến tranh không thể không nhắc lại chuyện máu đổ ngày xưa; sáng ngày 19 tháng 1 năm 1974, trận thủy chiến lịch sử giữa Hải Quân VNCH và Trung Cộng diễn ra vỏn vẹn có 30 phút, bất phân thắng bại, nhưng cố TT Nguyễn Văn Thiệu trước khi lưu vong đã để lại cho hậu thế một “bàn cờ quyền lợi Biển Ðông,” động lực của bàn cờ này là quần đảo Hoàng Sa (4). Hoàng Sa ví như “cái bánh ngọt pha đường cát vàng,” xơi cái bánh ngọt thì dễ, chứ nuốt cái bánh đá san hô thì như cái gân gà. Diện mạo của Biển Ðông thay đổi lớn từ máu VNCH-Hoàng Sa, lại càng biến đổi nữa khi máu bộ đội hải quân loang trên bãi biển đảo Gạcma.
Bước chuyển biến mới trong chính sách ngoại giao về an ninh, kinh tế, chính trị của Mỹ đối với Ðông Nam Á xuyên qua các động thái hải quân bắt đầu từ các cuộc hành quân Biển Ðông, có thể nói, Mỹ trở lại Ðông Nam Á từ Biển Ðông. Chính sách này có phải là nhân quả hữu thường vì cái chuyện “Mỹ không thể cứu vớt các chiến sĩ hải quân Việt Nam .” Bản chất người Mỹ đâu có bạc bẽo như vậy. Vậy thì, Mỹ tính gì ở Biển Ðông?
Thời gian có xóa nhòa đi mối hận mang xuống tuyền đài chưa tan, nhưng nay dường như ai cũng ít nhiều “mát gan mát ruột.” Hôm 24 tháng 9 năm 2008, Ðại Sứ CSVN Lê Công Phụng khẳng định: “Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam ” (5). Hôm 8 tháng 8 năm 2010, hàng không mẫu hạm nguyên tử George Washington neo đậu đúng vào cái chỗ mà cách đây 36 năm, 58 chiến sĩ Hải Quân VNCH hy sinh bảo vệ biển đảo quê hương (6). Việt Nam cho xây chùa ở Trường Sa cúng oan hồn bộ đội hải quân hy sinh năm 1978.
Riêng tặng HKMH George Washington câu tục ngữ Việt:
“Thức đêm mới biết đêm dài
Ở lâu mới biết người nào có nhân!”
“Tài liệu Quốc Phòng Hoa Kỳ cho thấy, tổng cộng lực lượng của ba Hạm Ðội Bắc Hải, Ðông Hải, và Nam Hải của HQTQ, chỉ bằng một Hải Ðoàn Hạm Ðội Xung Kích (Carrier Strike Group) của HQHK - và HQHK có ba Hải Ðoàn Hạm Ðội Xung Kích ở Tây Thái Bình Dương. HQHK cho biết họ không lo ngại khả năng vũ khí của HQTQ trên mặt nước, như chiến đỉnh, hàng không mẫu hạm, pháo hạm, không lực hải quân. ... Hoa Kỳ quan tâm về những vũ khí Trung Quốc đang thử nghiệm và áp dụng dưới mặt nước, như mìn dưới nước, thủy lôi, và tàu ngầm.” (7)
Chú thích:
(1) Ngô Nhân Dụng: Mỹ tính gì ở Biển Ðông? Bình luận chính trị trên báo Người Việt Thứ Ba, 8 tháng 6, 2010.
(2) Lĩnh Nam Chích Quái, Mai An Tiêm là một nhân vật truyền thuyết thời Hùng Vương thứ 18. Mai An Tiêm vốn là nô bộc, được vua tin yêu cho làm quan, trở nên phú quý. Sau vì kiêu ngạo, Vua đày vợ chồng An Tiêm ra đảo hoang, tương truyền nay là vùng Nga Sơn, Thanh Hóa, Bắc Việt. Tại đây, An Tiêm cùng vợ chăm chỉ làm ăn, gây được giống dưa hấu quý, nhiều người tìm đến trao đổi, tiếng đồn khắp xa gần. Vua xuống chiếu gọi về cho phục chức cũ. An Tiêm được coi là ông tổ của nghề trồng dưa hấu ở Việt Nam .
(3) Ðó là “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.”
(4) Một chi tiết mà tôi đọc được 1 bài viết của cựu Thiếu Tá Nguyễn Văn Tý đăng trên đặc san Pháo Binh Nam Cali năm 2010, viết về phản ứng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về trận thủy chiến Hoàng Sa. Bài viết này liên quan đến các nhân chứng như: Ðại Tá Ðại Tá Võ Văn Cầm, chánh văn phòng của Tổng Thống Thiệu tại Dinh Ðộc Lập; Ðại Tướng Cao Văn Viên và Ðại Tá Nguyễn Kỳ Nguyện, chánh văn phòng của Ðại Tướng Viên; Thiếu Tá Nguyễn Văn Tý, trưởng ban Văn Thư của Văn phòng Tham mưu trưởng Liên Quân VNCH tại Bộ Tổng Tham Mưu.
Chính Ðại Tướng Cao Văn Viên đã lập kế hoạch tái chiến Hoàng Sa trình lên TT Thiệu, nhưng Ðại Tá Võ Văn Cẩm, chánh văn phòng của TT Thiệu khi trả lời cho Bộ Tổng Tham Mưu qua điện thoại, yêu cầu Thiếu Tá Nguyễn Văn Tý trình lại cho ÐT Viên, nguyên văn TT Thiệu nói là: “Bạn không đồng ý, anh nghe rõ không!”
So về thiệt hại thì VNCH chìm hộ tống hạm HQ10 Nhật Tảo, hạm trưởng Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà tử trận, HQ16 trọng thương, 58 sĩ quan và thủy thủ hy sinh; ngược lại, Trung Cộng chìm hai chiến hạm trong đó có một soái hạm chỉ huy, viên Hải Quân Ðề Ðốc Trung Cộng chết chìm theo soái hạm này. Như vậy, quân ta thắng chứ không thua. Bỗng nhiên, lệnh từ đâu đâu dọa dẫm, Mig và hạm đội Tầu nó đang kéo xuống kia kìa! Rút! Ông Thiệu phải bỏ Hoàng Sa. Tại sao ông lại bỏ Hoàng Sa trong khi thủy chiến đang đồng cân sức? Ðây là một nghi án của lịch sử chiến tranh Việt Nam .
Ngày 29 tháng 9 này là ngày giỗ cố TT Nguyễn Văn Thiệu, ở dưới suối vàng chắc ông đang mỉm cười: Mấy “chú” đã phụ tình “qua,” rồi mai đây đến cuối cuộc tình, mấy “chú” sẽ rơi vào “bẫy” của “qua” mà thôi. Cái “bẫy” của ông là cái bánh Hoàng Sa chính là cái bánh đá san hô mà Trung Cộng đang nhai.
(5) Lê Công Phụng, đại sứ Ðặc mệnh Toàn quyền tại Hoa Thịnh Ðốn tuyên bố với nhà báo Lý Kiến Trúc ngày 24 tháng 9, 2008: “Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam.”
(6) Tin quốc tế phổ biến trên tất cả các cơ quan truyền thông, phục vụ và làm việc trên George Washington có rất nhiều sĩ quan, thủy thủ người Mỹ gốc Việt.
(7) Nguyễn Kỳ Phong, BBC.
Tro ve dau trang
=====================================
===============================================
No comments:
Post a Comment