Bài tham luận : VIỆT NAM: CƠ HỘI VÀ HƯỚNG ĐI, được viết rất công phu và xúc tích,
cuả một Cựu Tù Nhân Chính Trị,
đã bị đọa đày hơn 10 năm trong ngục tù cộng sản: Ông Nguyễn Cao Quyền.
Được biết Ông Nguyễn Cao Quyền là một Cụu Đại Tá Quân Pháp, Thẩm phán Toà Án Quân Sự của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa...
Tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ từ năm 1990. Hiện đã hưu trí, Ông tiếp tục viết sách, báo và tích cực tham gia những sinh hoạt tranh đấu dân chủ cho quê hương.
Xin mời Quý Vị đọc bài tham luận và thẩm định...
BMH
Washington, D.C
============================================
NGUYỄN CAO QUYỀN
Tháng 9 năm 2010
Nhìn vào lịch sử từ hậu bán thế kỷ 19 đến nay ta thấy Việt Nam đã bị cai trị bởi hai nền đô hộ chồng chéo. Nền đô hộ thứ nhất của thực dân Pháp kéo dài tử Hòa Ước Patenôtre (1884) đến Hiệp Định Genève (1954). Nền đô hộ thứ hai của các đế quốc cộng sản Liên Xô và Trung Quốc, bắt đầu từ khi Việt Minh cướp chính quyền từ năm 1945, đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Trong giai đoạn này, dân tộc ta đã có nhiều cơ hội để giành lại độc lập nhưng những cơ hội đó đã bị bỏ lỡ mặc dầu lòng yêu nước và tinh thần hy sinh lúc nào cũng sôi sục trong tâm khảm của tất cả những người con dân đất Việt.
Giờ đây một cơ hội khác lại mở ra, khiến chúng ta phải kiểm điểm lại dĩ vãng để tránh lầm lẫn thêm lần nữa và sáng suốt lựa chọn một lối đi vào một tương lai tươi sáng cho dân tộc và tổ quốc.
Lòng yêu nước của người Việt dưới thời thực dân Pháp.
Nhà Nguyễn truyền ngôi đến hết đời vua Tự Đức thì mất quyền tự chủ. Năm 1885 khi vua Hàm nghi bất hợp tác với Pháp, rời kinh đô Huế và bỏ trốn đến một vùng hẻo lánh tỉnh Quảng Trị thì Phong Trào Cần Vương (Phò Vua) nổi lên.
Đinh Công Tráng lập chiến khu Ba Đình (Quảng Trị), Phan Đình Phùng lập chiến khu Ngàn Truồi (Hà Tĩnh), Nguyễn Thiện Thuật lập chiến khu Bãi Sậy (Hưng Yên) và Hoàng Hoa Thám lập chiến khu Yên Thế (Bắc Giang). Quan trọng nhất là chiến khu Ngàn Truồi của Cụ Phan Đình Phùng. Cụ tự đúc súng đạn đánh Pháp trong nhiều năm. Sau khi Cụ mất (1896) thì Phong Trào Cần Vương coi như chấm dứt. Tuy nhiên cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việi Nam vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tiếp theo là Phong Trào Duy Tân của Cụ Phan Chu Trinh. Cụ bị thực dân Pháp đầy ra Côn Đảo, rồi cho sang Paris nhờ sự can thiệp của Hội Nhân Quyền. Từ Paris Cụ truyền bá tư tưởng dân chủ vào trong nước. Đây là điểm khởi phát của cuộc cách mạng dân chủ trường kỳ của dân tộc. Cụ về nước và mất năm 1926.
Rồi đến Phong Trào Đông Du. Đầu thế kỷ 20, cách mạng dân chủ tại Trung Quốc và tin Nhật Bản chiến thắng Nga đã đem lại cho giới nho sĩ Việt Nam sự tin tưởng dân tộc có thể tự giải phóng. Mang nặng hoài bão này các cụ Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thượng Hiền. Nguyễn Quyền, dấy lên Phong Trào Đông Du, gửi thanh niên sang du học bên Nhật. Phong trào phát triển mạnh. Thực dân Pháp ký kết với Nhật một hiệp ước đuổi sinh viên Việt Nam ra khỏi nước.
Bị trục xuất khỏi Nhật, cụ Phan Bội Châu và các thanh niên du học chạy qua Thái Lan mở nông trại ở Ban Thầm, huấn luyện cán bộ và nuôi chí phục quốc. Ít lâu sau, cụ và các đồng chí sang Tầu. Sau khi Cách Mạng Tân Hợi thành công (1911), cụ Phan giải tán Duy Tân Hội và lập ra Việt Nam Quang Phục Hội (VNQPH, 1912) với tôn chỉ đánh Pháp và thiết lập Cộng Hòa Dân Quốc Việt Nam. Tư tưởng và hoạt động chống Pháp của cụ được người trong nước hưởng ứng nồng nhiệt.
Năm 1914 cụ Phan thành lập Tâm Tâm Xã làm hạt nhân vận động cách mạng, trong đó có Nguyễn Hải Thần, Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu…Năm 1923, ở Hàng Châu Cụ chuyển hóa VNQPH thành Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng vẫn giữ Tâm Tâm Xã (TTX) ở Quảng Châu.
Hành động đầu tiên của TTX là “Tiếng bom Sa Diện” của chiến sĩ quyết tử Phạm Hồng Thái, làm cả thế giới rung động. Ngày 19/6/1924 Phạm Hồng Thái tung lưu đạn ám sát hụt vợ chồng toàn quyền Đông Dương Merlin, rồi nhảy xuống sông Châu Giang tự tử. Xác ông được chính quyền Tôn Dật Tiên an táng tại Hoàng Hoa Cương cạnh mộ của 72 liệt sĩ Trung Hoa hy sinh trong Cách Mạng Tân Hợi.
Giữa lúc VNQDĐ đang hoạt động có kết quả thì cụ Phan Bội Châu bị Hồ Chí Minh và Lâm Đức Thụ lập mưu bán cho Pháp. VNQDĐ phải ngưng hoạt động. Trong nước, sinh viên bãi khóa năm 1925 khi cụ Phan bị bắt. Sau một thời gian lắng dịu để tránh bị thực dân đàn áp, phong trào yêu nước lại trỗi dậy và phát trỉển thành Việt Nam Quốc Dân Đảng (quốc nội).
Người thủ xướng và lãnh đạo VNQDĐ quốc nội là Nguyễn Thái Học, một sinh viên trường sư phạm. Năm 1929 đảng của ông có tới 1500 đảng viên, trong số này hơn 100 người là binh lính của chính quyền thực dân tình nguyện theo cách mạng. Ngày 10/2/1930 VNQDĐ phát động khởi nghĩa bị thất bại. Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị thực dân đưa lên máy chém. Ngày 17/7/1930 mười ba chiếc đầu cách mạng rơi tại Yên Bái sau khi hô to “ Việt Nam Muôn Năm”. Cô Giang, đồng chí và ý trung nhân của đảng trưởng Nguyễn Thái Học cũng tự kết liễu đời mình bằng súng lục.
Sau ngày tang Yên Bái, một số đảng viên trốn sang Tầu. Năm 1941 Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội được thành lập tại Liễu Châu Trung Quốc với các lãnh tụ Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Trương Bội Công, Nghiêm Kế Tổ, Nông Kinh Dầu. Sau này, khi Nhật đầu hàng Đồng Minh trong Thế Chiến II, họ lại về nước chiến đấu chống Việt Minh cộng sản để tiếp tục con đường cách mạng dân tộc dân chủ.
Trong nước, vào khoảng thời gian từ 1931 đến 1945, một số đảng phái quốc gia mới thi nhau thành lập: Đại Việt Quốc Dân Đảng củaTrương Tử Anh; Đại Việt Duy Dân Cách Mạng Đảng của Lý Đông A; Đại Việt Dân Chính của Nguyễn Tường Tam; Đại Việt Quốc Xã của Nguyễn Xuân Tiếu; Việt Nam Phục Quốc Hội của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để; Đảng Việt Nam Quốc Gia của Hồ Văn Ngà. v..v. Bên cạnh đó nhiều nhóm chính trị cũng xuất hiện dưới hình thức tôn giáo như Cao Đài, Hoà Hào.
Tất cả những đảng và đoàn thể tôn giáo nói trên đều có mặt trong nước khi chính phủ Trần Trọng Kim thâu hồi nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ từ tay người Nhật.
Lòng yêu nước nói trên đã bị Hồ Chí Minh sang đoạt.
Sau khi cướp được chính quyền tại Nga năm 1917, Lenin nghĩ ngay đến việc đánh phá các cường quốc tư bản tại thuộc địa của họ qua sự thành lập Quốc Tế Cộng Sản. Hồ Chí Minh được tên gián điệp Nga Mannuilsky tuyển dụng và huấn luyện rất sớm để đưa về họat động tại Đông Dương và vùng Đông Nam Á.
Ngày 29/9/1924 Hồ nhận lệnh của Ban Chấp Hành Quốc Tế Cộng Sản QTCS đi Quảng Châu (Trung Quốc) dưới danh nghĩa là thông ngôn của phái bộ Borodin. Đây là chuyến công tác đầu tiên của gián điệp Vương Sơn Nhi, tên giả của Hồ chí Minh lúc bấy giờ.
Đến Quảng Châu Hồ được Cục Viễn Đông QTCS trao cho danh sách đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng của cụ Phan Bội Châu. Sau đó Hồ được giới thiệu với Lâm Đức Thụ, (mật thám của Pháp), rồi qua Thụ làm quen với nhóm Tâm Tâm Xã. Nhóm này gồm có Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Quang Đạt, Vương Thúc Oánh, Lương Quốc Long, Trương Văn Lềnh và Lâm đức Thụ. Những người này được Hồ tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, hướng dẫn làm cách mạng vô sản, tổ chức đảng và lãnh đạo quần chúng công nông.
Các đảng phái quốc gia lúc đó, đều lâm vào cảnh túng thiếu, nên đã nhìn tổ chức cộng sản như một môi trường có nhiều phương tiện hơn để hoạt động. Hồ sang đoạt TTX và VNQDĐ của cụ Phan Bội Châu một cách dễ dàng vì được QTCS yểm trợ tài chính. Sau khi thâu tóm TTX và VNQDĐ trong tay, Hồ và Lâm Đức Thụ lên phương án bán cụ Phan Bội Châu cho Pháp, lấy tiền lập đảng. Loại xong cụ Phan, Hồ tổ chức “Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội” với Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ. Tổ chức này là hạt nhân cộng sản và tuyệt đối tuân theo cương lĩnh của Đệ Tam Quốc Tế.
*
Năm 1935 áp lực của Quốc Xã Đức và Chủ Nghĩa Quốc Gia Cực Đoan Nhật bắt đầu đè nặng lên Đế Quốc Liên xô. Để giảm nhẹ áp lực này, QTCS lại phái Hồ Chí Minh sang công tác lần thứ hai tại Hoa Nam.
Tháng 9/1938 Hồ sang Trung Quốc. Khi tới biên giới, Hồ tìm đến căn cứ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Diên An và ở lại làm việc cho Diệp Kiếm Anh đến hết năm 1939. Sau đó Hồ xuống Quế Lâm để lãnh đạo Ban Hải Ngoại của Đảng Cộng Sản Đông Dương. Lúc này, Ban Hải Ngoại, ngoài Hoàng Văn Hoan, Vũ Ánh và Phùng Chí Kiên còn được tăng cường thêm Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và hơn 20 người khác.
Trong thời gian ở Quế Lâm, thi hành lệnh của QTCS, Hồ thành lập “Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội” gọi tắt là Việt Minh. Thật ra cái tên này là của một tổ chức đã có sẵn do cụ Hồ Học Lãm dựng lên. Cụ Lãm là một đoàn viên cũ trong tổ chức của cụ Phan bội Châu. Hồ Chí Minh sang đoạt VNĐLĐMH nhưng lại mời Hồ Học Lãm đứng ra chủ trì để dựa vào đó mà hoạt động.
Hoạt động ở Quế Lâm đến 1940 thì Hồ Chí Minh và các đồng chí về Tĩnh Tây. Đầu năm 1941 Phùng Chí Kiên, Vũ Ánh, Lê Quảng Ba được phái về Cao Bằng tổ chức cơ sở hạ tầng. Tháng 2/1941 sau khi căn cứ Pác Bó hoàn tất Hồ Chí Minh mới chịu rời Trung Quốc về nước. Tại đây trong phiên họp 19-19/5/1941 của Đại Hội 8 Ủy Ban Trung Ương ĐCSĐD,“Mặt Trận Việt Minh” chính thức ra đời. Hồ chủ trì đại hội này với tư cách đại diện của QTCS.
Khu vực hoạt động của Việt Minh trải dài tại vùng biên giới Bắc Việt theo các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn. Phương cách hoạt động rập theo khuôn mẫu của cộng sản Trung Quốc. Nguồn kinh tế của họ là do các phân đội thu góp cung cấp. Trung ương Việt Minh ra lệnh mỗi hộ dân phải nộp 50 Đồng và 50 ký gạo mỗi tháng , đó là chưa kể các tài sản ăn cướp của những người bị họ tùy tiện buộc tội là “Việt gian”.
Việt Minh cướp chính quyền và phá hỏng nền độc lập thu hồi từ tay Nhật.
Năm 1945 là thời gian kết thúc Thế Chiến II. Để đề phòng cuộc tổng phản công của Đồng Minh tại Á Châu, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9/3/1945. Sau cuộc đảo chính này, Nhật tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam và để vua Bảo Đại tại vị.
Ngày 17/4/1945 nội các Trần Trọng Kim được thành lập. Đây là chính phủ dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Tuy chỉ tại chức có 4 tháng nhưng nội các của thủ tướng họ Trần đã lảm được nhiều công việc trọng đại cho đất nước. Thành tích quan trọng hơn cả là việc thu hồi độc lập cho tổ quốc. Ngày 20/7/1945 toàn quyền Nhật Tsuchihashi đồng ý trả lại ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Ngày 8/8/1945 người Nhật trao trả nốt Nam Bộ cho chính quyền trung ương.
Lịch sử ghi công thủ tướng Trần Trọng Kim trong việc thu hồi trọn vẹn lãnh thổ của tổ quốc từ tay người Nhật mà không tốn một giọt máu. Nhưng ngay sau khi được thu hồi, nền độc lập này đã bị Việt Minh phá hỏng và hậu quả là đất nước đã bị điêu linh trong chiến tranh, giết chóc và thù hận. Điều không may này đã xảy ra là vì hồi đó, từ vua quan cho đến thờng dân, không một ai biết thế nào là cộng sản.
Ngày 17/8/1945 Tổng Hội Công Chức Hà Nội , theo lệnh của thủ tướng, tổ chức một cuộc biểu tình để ủng hộ nhà vua. Trong cuộc biểu tình, vài cán bộ cộng sản dùng súng lục chiếm diễn đàn và biến cuộc biểu tình thành một cuộc tuần hành trên đường phố ủng hộ Việt Minh. Ngày 19/8/1945 cờ đỏ sao vàng của Việt cộng bay khắp mọi nơi. Ngày 25/8/1945 vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình, Hồ Chí Minh tuyên bố với thế giới Việt Nam là một nước độc lập với quốc hiệu là “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”.
Sau khi quân đội Trung Quốc rút khỏi miền Bắc, ngày 6/3/1946 Việt Minh ký với thực dân Pháp Hiệp Định Sơ Bộ cho phép lực lượng viễn chinh Pháp lên bờ tiến vào Hà Nội. Hiệp định này công nhậnViệt Nam là một quốc gia có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng nằm trong Liên Hiệp Pháp.
Mặc dầu quy chế chính trị do Hiệp Định Sơ Bộ mang lại, thua kém xa nền độc lập mà thủ tướng Trần Trong Kim đã đạt được cho tổ quốc, nhưng Hồ Chí Minh vẫn ký vỉ ba lý do: lý do tứ nhất là để lấy uy danh chính nghĩa với quốc tế; thứ hai là để “dụ địch vào sâu trong nội địa” rồi phá địch bằng chiến tranh tiêu hao theo kiểu của cộng sản; thứ ba là để có thời gian tiêu diệt các lực lượng quốc gia yêu nước, nhằm mục đích nắm độc quyền cai trị sau này. Đây là một tiêu lệnh căn bản mà bất cứ một cán bộ QTCS nào cũng phải thuộc nằm lòng và áp dụng khi được giao phó công tác.
Chiến dịch diệt trừ đối lập do Võ Nguyên Giáp chỉ huy bắt đầu ngay sau khi Hồ Chí Minh sang Paris ngày 31/5/1946. Các trụ sở của VNQDĐ và VNCMĐMH bị triệt hạ. Các chiến khu của hai đảng này ở trên 20 tỉnh miền Bắc và miền Trung bị tiêu diệt. Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh phải bỏ chạy sang Tầu. Các lãnh tụ khác như Trương Tử Anh (ĐVQDĐ), Lý Đông A (ĐVDD), Khái Hưng (VNQDĐ) mất tích.
Tại miền Nam các thủ lãnh Đệ Tứ Quốc Tế như Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Lương Đức Hiệp, Phan Văn Chánh, Trần Văn Thạch bị thủ tiêu. Nhiều lãnh tụ khác như Hồ Văn Ngà, Huỳnh Văn Phương, Dương Văn Giáo và hai vợ chồng bác sĩ Hồ Văn Ký cũng bị giết. Bùi Quang Chiêu bị bắt với bốn người con mang đi mất tích. Giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ bị giết cùng với 20.000 người. Phối thượng sư Trần Quang Vinh tư lệnh quân đội Cao Đài cũng bị bắt nhưng trốn thoái.
Hiện nay đang có sự tranh cãi về công lao của các chiến thắng Cao Bằng (1950) Nghĩa Lộ (1952), Sầm Nứa (1953) và Điện Biên Phủ (1954) trong cuộc chiến “chín năm”, giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc cho rằng cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Minh sở dĩ đạt thắng lợi là nhờ công lao của Trung Quốc, không những về viện trợ vũ khí mà còn về chiến lược và chiến thuật. Bắc Kinh kể công của các tướng Tàu, Vi Quốc Thanh, Trần Canh và Lã Quý Ba , trong khi Hà Nội lại muốn dành công lao cho Võ Nguyên Giáp.
Trung Quốc có lý do để nhận một phần công lao nhưng không phải là công lao lớn nhất. Yếu tố quyết định thắng lợi tại các trận đánh nói trên (đặc biệt đối với trận Điện Biên Phủ) là lòng yêu nước của người Việt lúc đó chỉ biết chiến đấu và hy sinh vì dân tộc và tổ quốc. Trong bối cảnh một cuộc chiến hoàn toàn do ngoại nhân cung cấp vũ khí và điều khiển về các mặt chiến thuật và chiến lược, thực tế này cho chúng ta thấy đây là một sự sang đoạt lòng yêu nước của nhân dân nhằm phục vụ lợi ích của ngoại bang. Và thủ phạm của sự sang đoạt này là Hồ Chi Minh và đồng đảng.
Những cơ hội bị bỏ lỡ
Nếu Hồ Chí Minh không phải là cấp thừa hành của QTCS thì Việt Nam đã tránh được những cảnh cốt nhục tương tàn đầy máu và nước mắt, gây nên hận thù truyền kiếp giữa lòng dân tộc. Trong thời kỳ có quyền sinh sát trong tay, ông Hồ đã bỏ qua hai cơ hội khả dĩ tránh cho dân tộc những thảm cảnh chiến tranh hoàn toàn vô ích.
Cơ hội thứ nhất xảy ra vào giai đoạn kết thúc Thế Chiến II. Đúng lúc Nhật Bản sắp đầu hàng thì tại Hội Nghị Yalta (tháng 2/1945), tổng thống Hoa Kỳ F.D Roosevelt đưa ra chính sách ủy trị (trusteeship) đối với các nước Đông Dương. Phong trào giải thực như vậy là do ý muốn và sáng kiến của Hoa Kỳ chứ không phải bắt nguồn từ cuộc chiến chống Pháp như Việt Minh vẫn xảo trá tuyên truyền.
Những người Mỹ (OSS) sang giúp Việt Minh vào thời gian này có lần đã đề nghị bỏ cờ đỏ sao vàng nhưng bị Hồ Chí Minh từ khước. Sư kiện này đã khiến Hoa Kỳ quay lưng lại với họ Hồ. Nếu Hồ chấp thuận thì một Ủy Ban Ủy Trị LHQ đã tạm thời quản lý đất nước để giúp Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ và Pháp đã không thể nào quay lại Đông Dương. Chiến tranh tất yếu đã không thể xảy ra.
Cơ hội thứ hai xảy ra năm 1956. Đang lúc Đảng Lao Động miền Bắc chuẩn bị tấn công ,miền Nam thì Đại Hội 20 Đảng Cộng Sản Liên Xô họp vào tháng 2/1956. Trong ngày bế mạc đại hội này Nikita Khruschev đọc bài diễn văn hạ bệ Stalin và đưa ra chính sách “sống chung hòa bình”. Theo chủ trương này, đầu năm 1957 Liên Xô đề nghị hai miền Nam Bắc Việt Nam cùng vào Liên Hiệp Quốc. Hồ Chí Minh, một lần nữa, quyết liệt phản đối. Nếu họ Hồ chấp thuận thì hai miền đất nước đã có cơ hội thi đua phát triển trong hòa bình để đi đến thống nhất.
Hai thập niên sau khi Hồ Chí Minh qua đời, một cơ hội thứ ba lại xuất hiện nhưng cũng vẫn bị những kẻ kế nghiệp họ Hồ bỏ lỡ. Những ngày cuối năm 1989 là thời gian đánh dấu sự tan rã của hệ thống đế quốc cộng sản tại Đông Âu. Honecker bị bắt, Ceaucescu bị xử tử khiến các lãnh tụ cộng sản Việt Nam lo sợ và tranh cãi gay gắt trong Bộ Chính Trị.
Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch cho rằng sự sụp đổ ở Đông Âu là do nguyên nhân tự phát. Nhóm bảo thủ, như Nguyễn Văn Linh, thì lý luận ích kỷ và thiển cận như sau: “Trung Quốc dù bành trướng hay bá quyền vẫn là một nước XHCN và Việt Nam cần hàn gắn lại tình đoàn kết với Trung Quốc thì mới có hy vọng khôi phục lại phong trào cộng sản thế giới”.
Với nhãn quan thiển cận và đầy ảo vọng này, tháng 5/1990 Hà Nội cho thứ trưởng ngoại giao Đinh Nho Liêm sang Hoa Lục để đánh tiếng việc trở lại với Bắc Kinh. Để khảo nghiệm mức độ quy phục của CSVN Bắc Kinh cho mời Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười sang Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, để gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng vào ngày 3/9/1990 .
Năm 1991 Đế Quốc Liên Xô sụp đổ. Giữa năm 1991, Đại Hội Đảng lần thứ 7 của CSVN họp khẩn cấp để tìm biện pháp đối phó với sự thay đổi nhanh chóng trước mặt. Tất cả các lãnh tụ trong Bộ Chính Trị nhận thấy phải bằng mọi cách cầu hòa với Trung Quốc để làm nơi nương tựa. Hai tuần lễ sau Đại Hội Đảng, tổng bí thư Đỗ Mười gặp đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy ngỏ ý muốn cử “đặc phái viên” sang Bắc Kinh để thông báo diễn tiến về kết qủa của Đại Hội 7, một hành động quy phục tương tự như đi sứ cầu phong. Điều này khiến Bắc Kinh hài lòng và chấp thuận.
“Đoàn đại diện đặc biệt” của Việt Nam gồm có Lê Đức Anh, chủ tịch nước, Hồng Hà, bí thư trung ương đặc trách đối ngoại và Trịnh Ngọc Thái, phó ban đối ngoại đảng. Khi được nghe báo cáo Giang Trạch Dân và Lý Bằng đồng ý ngay, và rất hoan hỷ về tin Nguyễn Cơ Thạch bị loại bỏ. Ngày 5/11/1991 Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt được mời sang Bắc Kinh ký thông cáo chung chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Bước quy phục Bắc triều năm 1990 tại Thành Đô ngoải mục đích chính yếu là để cứu vớt sinh mạng của Đảng còn nhằm mục đích nuôi dưỡng hy vọng vào sự “hồi sinh” của phong trào cộng sản thế giới do Trung Quốc lãnh đạo. Nhưng hy vọng đó chỉ có thể là ảo vọng. Ngày nay không còn ai nghĩ chiến tranh là phương thức được ưa chuộng để giải quyết sự thù nghịch và thực hiện ý đồ bành trướng. Mà dù cái hiện tượng “hồi sinh” đó là có thật thì cũng chỉ là một trạm nghỉ chân trên con đường độc đạo đưa nhân loại đến nền văn minh hiện đại mà bản chất của nền văn minh mới này là TỰ DO và DÂN CHỦ.
Chọn một hướng đi
Thập niên cuối cùng của Thiên Niên Kỷ thứ hai cần được nhân loại ghi nhận như một dấu mốc lịch sử quan trọng. Dấu mốc này nhắc nhở thời điểm chủ nghĩa xã hội “không tưởng” của Marx đã hoàn toàn thất bại trong lịch sử văn minh của loài người.
Xu thế tiến hóa của loài người không phải là chủ nghĩa tư bản, cũng không phải là chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa tư bản hiện đại, do tiếp thu một số ưu điểm của chủ nghĩa xã hội đã tự điều chỉnh để đi tới nền kinh tế hỗn hợp về chế độ sở hữu. Chủ nghĩa xã hội rút tỉa những bài học cần thiết từ chủ nghĩa tư bản cũng đã chuyển chế độ công hữu sang nền kinh tế hỗ hợp.
Mô hình kinh tế hỗn hợp của “chủ nghĩa tư bản mới”, mệnh danh là “Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội” (DCXH), phát sinh từ trong lòng chủ nghĩa tư bản. Quan hệ giữa hai chủ nghĩa này là quan hệ kế thừa và phát triển chứ không phải lật đổ và tiêu diệt.
Chủ Nghĩa Dân Chủ Xà Hội đã bước ra vũ đài lịch sử với bộ mặt mới, thành tựu mới, thực tiễn mới và lý luận mới. Cho nên Chủ Nghĩa DCXH đang được loài người ưa chuộng và đang đưa loài người vào người một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng.
Cuối thế kỷ 20, các chính đảng DCXH đã cầm quyền qua tranh cử, phần lớn tại các quốc gia Âu Châu. Trong 15 nước Liên Âu hiện tại, có 13 nước do các đảng DCXH hoặc công đảng cầm quyền. Ở Mỹ nhóm DSA (Democratic Socialist of America) gồm 61 nghị sĩ. Những nhà DCXH chủ trương theo đuổi một con đường dựa trên bốn kinh nghiệm qúy báu của nền văn minh nhân loại: nền dân chủ nghị viện, nền kinh tế theo chế độ sở hữu hỗn hợp, cơ chế thị trường xã hội và định chế phúc lợi toàn dân.
Dưới con mắt của thế giới hiện nay, nền DCXH của Thụy Điển là mô hình thành công nhất. Với mô hình này Thụy Điển từ một nước nông nghiệp nghèo nàn đã trở thành một nước giàu có, công bằng nhất, liêm khiết nhất và ổn định nhất thế giới.
Chủ nghĩa DCXH là con đường hòa bình, đầy lý tính, không áp đặt, không tuyên truyền quảng cáo, chỉ có sức hấp dẫn nêu gương. Con đường này không làm hại lợi ích của bất cứ giai cấp nào, tầng lớp nào, không đe dọa an ninh của bất cứ quốc gia, khu vực nào nên đang được thế giới quan tâm. Lịch sứ đang phát triển như vậy. Chủ nghĩa DCXH đang trở thành con đường loài người cùng chấp nhận, và rất đáng được Việt Nam nghiên cứu để noi theo.
*
Vào lúc này, một cơ hội mới lại mở ra. Hoa Kỳ đang có nhu cầu hợp tác với Việt Nan như một đồng minh chiến lược tại vùng Đông Nam Á để kiểm soát và ngăn chặn âm mưu bành trướng của Trung Cộng.
Hoa Thịnh Đốn đã chính thức công bố là Mỹ sẽ trở lại vùng này và trở lại vào thời điểm này, thì chỉ giản dị là trở lại Việt Nam. Trở lại Việt Nam là một nhu cầu chiến lược vì Hoa kỳ không thể để cho Trung Quốc ức hiếp Việt Nam. Làm như vậy Hoa Thịnh Đốn đang mở ra cho Hà Nội một cơ hội để thoát khỏi bàn tay của Bắc kinh.
Đồng minh với Hoa Kỳ sẽ có lợi cho Việt Nam về mọi mặt, kể cả để có thể sống chung hoà bình với Trung Quốc. Điều này ai cũng trông thấy, Tuy nhiên, vấn đề là quan hệ hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ lại mâu thuẫn với chế độ độc tài đảng trị. Ban lãnh đạo Đảng vẫn ngoan cố chống lại nhu cầu hợp tác này nhưng nhân dân và mọi cấp lãnh đạo khác trong hệ thống chính quyền đều đã trở thành chống Trung Cộng.
Cách đây hai thập kỷ, để kéo dài mạng sống của Đảng, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã lặn lội sang Thành Đô để quy phục Bắc Triều. Ngày nay sự sống còn của Đảng, một lần nữa lại được đặt ra. Lần này sự lựa chọn bắt buộc phải đi theo một hướng khác nếu đảng CSVN không muốn sụp đổ ngay tức khắc do sự phát nổ từ trong nội bộ đảng.
CHÚ THÍCH
Bài tham luận này được viết với một số chi tiết lấy ra từ cuốn biên khảo :
VIỆT NAM TRONG CHIẾN TRANH TƯ HỮU
của tác giả Nguyễn Cao Quyền
sẽ được ra mắt ngày Thứ Bẩy 16/10/2010 từ 1:00 PM đến 4;00 PM
tại James Lee Community Center
2855-A Annandale Road, Falls Church, VA 22042
Tác giả trân trọng thông báo.
No comments:
Post a Comment