31 tướng lãnh, cán bộ, và một ký giả ngoại quốc.
Nguyễn Ðạt Thịnh
Một công dân Việt Nam đau đớn đem quốc hiệu Việt Nam đặt tên cho nỗi tủi nhục “không được quyền nói” của minh: ông nói nỗi buồn của ông là “nỗi buồn mang tên Việt Nam”.
Ông viết: “Tôi biết rằng đối với tôi và những người bạn đã tham gia cuộc biểu tình tưởng niệm 34 năm ngày Hoàng Sa bị mất vào tay Trung Quốc ngày 19 tháng Giêng 2008 (19.1.1974-19. 1.2008) - một cuộc biểu tình ngắn ngủi trước khi bị dập tắt nhanh chóng, nỗi buồn lớn nhất, sự chua xót lớn nhất đó là vì sao chúng ta không được phép lên tiếng? Nỗi buồn đó tôi cũng đã đọc thấy trong những đôi mắt ngơ ngác của những em sinh viên học sinh trong những ngày 9.12, 16.12 vừa qua khi những cuộc biểu tình của sinh viên học sinh và một số văn nghệ sĩ phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm lược Trường Sa, Hoàng Sa đã bị cản trở, làm khó dễ và sau đó là đủ mọi biện pháp đã được áp dụng để ngăn chặn ngay từ đầu. Vì sao? Vì sao chúng ta không được phép lên tiếng ngay cả khi lẽ phải thuộc về dân tộc ta? Có những lúc tình cờ đôi mắt ngơ ngác của một em sinh viên nào đó rơi trúng vào tôi, tôi nhìn thấy nỗi buồn trong đôi mắt em như em cũng đọc thấy sự chua xót trong tôi, và càng chua xót hơn nữa là cả hai cùng có câu trả lời nhưng không thể nói lên lời. Thôi em ơi hãy về nhà lo học hành, làm một đứa con ngoan của ba mẹ thậm chí không lo học hành cứ vui chơi tiêu xài tiền của ba mẹ thời gian và tuổi trẻ của chính mình, tham gia vào mấy chuyện này làm gì, không có lợi. Còn tôi ơi, tôi cũng nên đi về nhà làm công việc của mình lo kiếm tiền lo kiếm danh, tham gia vào mấy chuyện này làm gì không có lợi.”
Ông không ký tên, xin gọi ông là Việt Nam .
Thưa ông vô danh, tôi không ở trong quốc nội, tôi không ký tên được vào những kiến nghị phản đối Việt Cộng, tôi không được xuống đường cùng với ông và anh em sinh viên, nhưng xin ông hiểu là ngoài hải ngoại, chúng tôi vẫn làm mọi việc có thể làm để yểm trợ phong trào đấu tranh trong quốc nội.
Góc nhìn thứ nhì về Việt Cộng được trình bày trong lá thư (ngày 29-8-2010) gửi Bộ Chính trị và các Uỷ viên Trung ương Đảng, do các Tướng Nguyễn Nam Khánh, Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Trọng Vĩnh và nhiều người được gọi là những nhà “cách mạng lão thành”
Lá thư viết về những trọng tội của Nguyễn Tấn Dũng và phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, như sau, “trong kiến nghị trước, chúng tôi đã nêu những khuyết điểm của 4 đồng chí Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa để các đồng chí tự kiểm điểm trước ban chấp hành Trung Ương xem xét.
1- Về đồng chí Nguyễn Tấn Dũng: Ngoài những sai lầm và bất cập mà lần trước chúng tôi đã nêu, nay chúng tôi nêu thêm một vấn đề mới: Đó là liên quan đến vụ Vinashin. Như báo cáo của Ban kiểm tra đã nêu Phạm Thanh Bình lộng quyền, dối trá, làm nhiều việc sai trái, làm thất thoát đến 86.000 nghìn tỷ đồng của nhà nước thì đã rõ. Theo chúng tôi Bình phải bị truy tố và xử lý theo pháp luật. Nhưng Phạm Thanh Bình mới chỉ là tội phạm trực tiếp, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới là người chịu trách nhiệm lớn: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lập ra tập đoàn Vinashin, Thủ tướng giao cho Phạm Thanh Bình nắm, Thủ tướng rót tiền nhà nước cho Vinashin, Vinashin là tập đoàn trực tiếp do Chính phủ quản lý, Phạm Thanh Bình bổ nhiệm con, em, vợ vào những chức vụ quan trọng, Thủ tướng cũng không biết hoặc phó mặc, Phạm Thanh Bình làm ăn thua lỗ, báo cáo dối Thủ tướng có biết không? Đến nay, Vinashin nợ 80.000 tỷ, số tiền khổng lồ đi đâu? Xuống sông, xuống biển hay vào túi những ai? Trong khi không có tiền để xây một cái cầu nhỏ cho con em đồng bào dân tộc đi học, phải leo dây qua sông, nhiều lúc rớt xuống sông. Không xây thêm được một số trường mầm non công để đồng bào phải xếp hàng dài, chen chúc chạy thi nhau để xin một chỗ cho con …và còn bao nhiêu công việc bức thiết khác. Thủ tương cơ cấu lại Vinashin để trốn tránh trách nhiệm.
2- Về Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Với cương vị Phó Thủ tướng thường trực, đồng chí cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về vụ Vinashin.
Bản hài tội rất dài do 31 nhân vật Việt Cộng ký tên, trong số này có 11 tướng lãnh Việt Cộng, số còn lại mang cấp đại tá, hoặc cán bộ cao cấp trong đảng.
Người viết lên góc nhìn thứ ba về Nguyễn Tấn Dũng là anh Roger Mitton, trên báo Washington Times, số ra ngày mùng 2 tháng Chin 2010, tên bài báo là “Odious Dung”, được một vị dịch là (Nguyễn Tấn) DŨNG đáng tởm!
Mitton viết, “Tuần trước, tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập lực lượng công an Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi ngành công an tiếp tục đàn áp không ngừng nghỉ những tổ chức chính trị non nớt nào đang đe doạ sự thống trị của chế độ cộng sản đang trị vì.
Ông đã kêu gọi tập thể những ban ngành lực lượng an ninh trong nước chống lại "những âm mưu xảo quyệt của các lực lượng thù địch và ngăn chặn việc thành lập tổ chức chính trị đối lập nhằm đe doạ chính quyền chúng ta."
Hiến pháp Việt Nam ngăn cấm việc thành lập bất cứ một tổ chức chính trị nào ngoại trừ Đảng Cộng sản Việt Nam . Nên nhớ đến điều này khi ta trừng phạt Miến Điện kế bên, nơi chuyên đàn áp những đảng đối lập nhưng ít nhất cũng cho phép chúng tồn tại.
Vài ngày trước khi ông Dũng đưa ra lời kêu gọi hôi thối này, một lần nữa, ảnh hưởng của nó đã được thể hiện rõ rệt khi công an bắt giữ giáo sư Phạm Minh Hoàng, một giảng viên về toán ứng dụng tại trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.”
Lời khuyến khích của Dũng giải thích “nỗi buồn Việt Nam” của ông Việt Nam trong lá thư đầu tiên của baì báo này, trả lời kiến nghị của 11 tướng lãnh Việt Cộng và 20 nhân sĩ, đảng viên cộng sản, sĩ quan cao cấp, và làm cho một anh phóng viên Mỹ xếp chế độ Việt Cộng và hạng tàn nhẫn hơn cả chế độ quân phiệt tại Miến Ðiện.
Dấu hỏi phải nêu lên là liệu chế độ công an trị Việt Cộng còn sử dụng sức mạnh của công an để giữ cho sức ép trong nồi xúp de (chaudière) không nổ tung được bao lâu nữa?
Nguyễn Ðạt Thịnh
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment