Việt Long, phóng viên RFA
2010-09-24
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã trình bày trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 65 những việc Hoa Kỳ đã làm trong 20 tháng qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc diễn văn tại Đại hội đồng LHQ lần thứ 65 tổ chức tại trụ sở LHQ-New York hôm 23/9/2010
Vậy Hoa Kỳ đã làm gì để đối phó với cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu, bảo vệ nước Mỹ, mưu tìm hòa bình cho Trung đông, và mô hình một thế giới mà Hoa Kỳ muốn góp sức xây dựng? Việt-Long lược thuật bài diễn từ của Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ đã cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu, khởi đầu bằng việc cải tổ hệ thống tài chính Mỹ Wall Street. Nền kinh tế thế giới đã được giữ vững lại bên bờ suy thoái. Hoa Kỳ chống bảo hộ mậu dịch, khai triển nhiều phương thức mở rộng thương mại giữa các nước, và sẽ cố gắng không ngưng nghỉ để toàn thế giới được thịnh vượng hơn lên, không chỉ riêng cho người Mỹ.
Hoa Kỳ cũng đã tăng cường cuộc chiến chống Al Qaeda, đồng thời giảm cường độ cuộc chiến ở Iraq. 100 ngàn quân Mỹ đã được rút khỏi nơi này, trong khi Mỹ và đồng minh trở lại chú trọng tới Afghanistan. Nơi đây Mỹ và đồng minh thi hành một chiến lược nhằm phá vỡ đà chiến đấu của lực lượng Taliban đồng thời giúp xây dựng một chính phủ và quân đội Afghanistan vững mạnh có thể tự đảm trách nhiệm vụ an ninh của chính họ.
Mục tiêu hòa bình
Về nền an ninh thế giới, Tổng thống Mỹ nói Iran là thành viên duy nhất của hiệp ước chống bành trướng vũ khí mà đã không biểu lộ ý hướng hoà bình trong chương trình hạt nhân của họ. Iran đã chịu hậu quả. Nói rõ hơn, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế vẫn tìm cách giải quyết những khác biệt với Iran, cánh cửa ngoại giao rộng mở cho Iran bước vào, nhưng chính phủ Iran phải biểu tỏ quyết tâm rõ rệt và đáng tin cậy, xác nhận với thế giới về ý hướng hòa bình của chương trình hạt nhân của họ.
Hoa Kỳ cũng kiên định trong mục tiêu hoà bình. 12 tháng qua, Mỹ cùng Palestine và Israel đã trải qua con đường khúc khuỷu, sau những nỗ lực của chính Tổng thống Obama. Đến nay điều đáng hài lòng là ba phía theo đuổi cuộc đối thoại trực tiếp. Những phe chuyên phản đối ở cả Palestine lẫn Israel đang nỗ lực phá hỏng tiến trình ấy. Lời lẽ cay đắng, ý tưởng bi quan, họ cho rằng không thể có hòa bình. Tuy nhiên tiến trình hòa bình phải thành công, để người Palestine có được niềm tự hào và phẩm cách trong một quốc gia của chính họ, và người Israel chỉ có được sự chắc chắn và nền an ninh khi các quốc gia láng giềng có chủ quyền và ổn định quyết tâm cùng nhau tồn tại. Thế giới phải đóng góp vào tiến trình ấy.
Cuộc xung đột Israel-Á Rập cũng xưa cũ như định chế Liên Hiệp Quốc này. Nhưng lần này mọi nước Liên Hiệp Quốc hãy nghĩ đến những thiếu nữ Palestine không muốn niềm ước mơ chẳng được bay cao, và những thiếu niên Israel muốn ngủ yên không còn ác mộng của những trái hỏa tiễn pháo kích.
“Hãy gợi lại lời giáo huấn về bao dung nằm trong trái tim của ba tôn giáo vĩ đại cùng coi Jerusalem là thánh địa. Làm được như vậy, khi trở lại đây sang năm, thế giới sẽ có được một quốc gia thành viên mới của Liên Hiệp Quốc, một quốc gia Palestine độc lập, có chủ quyền, sống hoà bình với Israel."
Vấn đề nhân quyền
Nhưng nhân quyền vẫn luôn luôn bị thách đố, trong mọi quốc gia và cả trên thế giới. Sự đàn áp bạo ngược vẫn còn đó, dù là việc Taliban giết các cô gái cố đi học, hay chế độ Bắc Hàn nô lệ hoá người dân của họ, hay một tổ chức vũ trang ở Congo-Kinshasa dùng hành vi cưỡng hiếp làm một vũ khí chiến tranh.
Thời kỳ kinh tế khó khăn cũng thường gây khó khăn cho nhân quyền. Ngày nay có nơi gạt nhân quyền sang bên vì sự ổn định ngắn hạn, hay vì quan niệm sai lầm rằng phát triển kinh tế cần đến sự hy sinh quyền tự do. Nhiều nhà lãnh đạo hủy bỏ giới hạn các nhiệm kỳ. Nhiều nơi đàn áp xã hội dân sự. Nạn tham nhũng ăn mòn nền kinh doanh và nền quản trị, cai trị tốt đẹp. Những cuộc cải tổ dân chủ bị trì hõan vô hạn định.
Mỗi nước đều theo đuổi con đường dựa trên nền văn hoá của riêng mình. Nhưng lịch sử đứng về phía tự do; nền tảng vững chắc nhất của tiến bộ nhân loại dựa trên những nền kinh tế cởi mở, những xã hội cởi mở, và những nhà nước cởi mở. Nói cho gọn, đó là dân chủ được trao cho mọi người công dân của các nước, hơn cả mọi hình thức chính quyền. Hoa Kỳ đang cố hình thành một thế giới bảo bọc những sự cởi mở ấy.
Ở mọi nơi trên thế giới đều có những hứa hẹn đổi mới để các nhà nước cởi mở hơn và có trách nhịêm hơn. Nay là lúc phải kiến tạo trên những tiến bộ đó. Đã đến lúc mọi nước thành viên Liên Hiệp Quốc phải cho quốc tế được quan sát những cuộc bầu cử, gia tăng Quỹ dân chủ của Liên Hiệp Quốc. Phải tăng cường lực lượng hoà bình Liên Hiệp Quốc để trách vụ được thành đạt và thảm họa bạo lực được ngăn ngừa, công lý được thi hành. Định chế này cũng cần có trách nhiệm hơn vì thách đố của thế kỷ mới đòi hỏi những phương cách mới để phục vụ cho quyền lợi chung.
“Hãy gợi lại lời giáo huấn về bao dung nằm trong trái tim của ba tôn giáo vĩ đại cùng coi Jerusalem là thánh địa. Làm được như vậy, khi trở lại đây sang năm, thế giới sẽ có được một quốc gia thành viên mới của Liên Hiệp Quốc, một quốc gia Palestine độc lập, có chủ quyền, sống hoà bình với Israel.
Tổng thống Obama
Sự thành lập Liên Hiệp Quốc tự nó đã là chứng cứ của sự tiến bộ của con người. Xin nhớ, trong những thời kỳ nguy ngập hơn ngày nay rất nhiều, những bậc tiền nhân đã chọn nguồn hy vọng đoàn kết hơn là chọn sự dễ dãi của mầm chia rẽ, và đã hứa hẹn với các thế hệ tương lai rằng phẩm giá và sự bình đẳng của con người sẽ là chính nghĩa chung.
Ngày nay thế giới phải thành toàn lời hứa ấy. Và dù phải đương đầu với những thế lực đen tối sẽ thử thách mối quyết tâm chung, Hoa Kỳ luôn luôn tin rằng con người có thể chọn lựa một lịch sử tốt hơn.
Qua lịch sử về những con người tạo dựng thành phố này người ta có thể thấy được bằng chứng sống động rằng tất cả mọi người đều có được cơ hội đồng đều, rằng những gì đoàn kết chúng ta lại như những con người thì vĩ đại hơn nhiều so với những gì có thể chia rẽ con người, và mọi người ở mọi nơi trên thế giới này đều có thể chung sống hoà bình.
No comments:
Post a Comment