Việt Báo Thứ Hai, 9/13/2010, 12:00:00 AM
Đảng Dân Chủ sẽ đại bại - Và còn đại bại với Obama...
Nếu có một lời khuyên cho phe Dân Chủ thì mùng hai Tháng 11 này, họ nên... ở nhà. Thà là ngồi nhà vùng vằng tủi thân còn hơn là đi bầu mà vẫn đại bại.
Nhưng đây là một lời khuyên... thừa.
Bề nào, tỷ lệ dự tính đi bầu của các cử tri xưng danh Dân Chủ năm nay giảm nặng so với các kỳ bầu cử trước. Mọi cuộc thăm dò ý kiến đều nói như vậy.
Thông thường, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống, đảng của tổng thống thường mất phiếu vì cứ bị coi như chịu trách nhiệm về mọi sự phật ý lớn nhỏ của dân chúng. Lần này, người ta không chỉ có sự phật ý mà là bất mãn. Và bất mãn lan rộng vào các thành phần ôn hòa, độc lập và cả những người trước đây đã bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ và ông Obama. Nguyên do của sự phật ý là tình hình kinh tế chưa khả quan, thất nghiệp vẫn quá cao trong khi bội cho ngân sách và quốc trái thì vọt lên trời.
Nhưng, đảng Dân Chủ không chỉ bị thất cử - từ các đơn vị xôi đậu tới cả các quận hạt lâu nay là thành trì của đảng - vì vấn đề kinh tế. Còn bảy tuần đến ngày bầu cử, không ứng cử viên nào dám nhắc đến kế hoạch kích thích kinh tế nữa vì sợ bị mắng! Ngoài chuyện kinh tế, đảng Dân Chủ còn bị trừng phạt vì đã chiếm đa số tuyệt đối trong hai kỳ bầu cử 2006 và 2008, rồi chứng tỏ khả năng kiêu mạn và thủ đoạn cao độ.
Vì vậy, Quốc hội trong tay Dân Chủ mất tín nhiệm nặng, chỉ còn tỷ lệ tin tưởng khoảng 20%.
Chuyện bao che các dân biểu tham ô đã bị Quốc hội điều tra, đàn hặc và truy tố mà vẫn giữ được ghế ngồi chỉ là một phần. Cách giải quyết vấn đề quốc kế dân sinh rất tệ mới là phần chính. Quốc hội đã nhân vụ suy trầm kinh tế quyết định tăng chỉ không phải vài chục vài trăm tỷ mà cả ngàn tỷ, trong các đạo luật dầy ngàn trang. Nhồi bên trong là nhiều khoản chi béo bở cho địa phương mình. Quốc hội ấy không chỉ tăng chi mà còn mở rộng tầm kiểm soát lên rất nhiều lãnh vực sinh hoạt của dân chúng.
Một số ứng cử viên Dân Chủ đã thấy sợ, rồi phản ứng bậy vì suy đoán sai.
Họ suy đoán là đã gây bất mãn vì ủng hộ đường lối chánh sách của Tổng thống Barack Oabama. Vì vậy, nhiều người sợ bị nhiễm phóng xạ Obama bèn tránh xuất hiện bên cạnh Tổng thống khi Obama tới tận nơi vận động tranh cử cho họ. Nhiều người khác thì cố chứng minh rằng họ cũng đã có lúc bỏ phiếu chống lại một số đề nghị của Obama!
Phản ứng này sai vì tự thân họ đáng bị thất cử chứ không chỉ vì sát cánh với một ông tổng thống cực tả. Chính là việc Lưỡng viện Quốc hội thuộc hai khoá 110 và 111 đã thông qua hàng loạt đạo luật quy mô, vĩ đại và tốn kém, bằng thủ thuật chính trị-kể cả lấy công quỹ chi cho các địa phương để mua phiếu của giới dân cử-mới làm công chúng khó chịu.
Đâm ra, thay vì cải sửa lề thói chính trị xấu xa của đảng Cộng Hoà như hứa hẹn trước đó, đảng Dân Chủ đã đưa lề thói này lên một đỉnh cao hơn.
Tuần qua, khi lại phát động tranh cử (nữa), Obama cũng không làm khác các dân biểu nghị sĩ kia, là trình bày sự thể đen tối ngày nay như là di sản của vị tiền nhiệm và lỗi của phe Cộng Hoà. Lý luận này coi thường cử tri - vốn cũng nên coi thường vì quả thật nhiều cử tri không hiểu gì cả. Xin mở ngoặc đơn với vài lời giải thích về chuyện đó để khỏi mang tiếng thiên vị.
Một vị tổng thống, dù là Mỹ, cũng chẳng thể gây ra nạn suy trầm kinh tế. Nó là hiện tượng chu kỳ kinh doanh thường xảy ra sáu bảy năm một lần, mỗi lần trên dưới một năm. Mà tổng thống cũng không gây ra bội chi ngân sách. Chỉ vì thẩm quyền chi thu ngân sách thuộc về Quốc hội, chủ yếu tại Hạ viện là nơi xuất phát các đề nghị công chi trong dự luật tài chánh. Tổng thống chỉ có khả năng tiêu cực là dùng quyền phủ quyết, nếu vượt nổi hàng rào rất cao là hai phần ba số phiếu.
Nếu nhớ lại thì Tổng thống Bill Clinton lãnh di sản của hai vị tiền nhiệm khi Chiến tranh lạnh kết thúc nên có thể giảm chi quốc phòng - và hưởng "cổ tức hoà bình". Nhưng sau khi đắc cử, chủ trương thiên tả của ông lại giúp đảng Cộng Hoà chiếm lại Hạ viện năm 1994, lần đầu tiên từ 40 năm. Chính là Quốc hội đó đã triệt để giữ kỷ luật công chi nên mới đạt thặng dư ngân sách, lần đầu tiên từ 25 năm.
Qua thời George W. Bush, Hoa Kỳ bị vụ suy trầm 2001 - xảy ra từ nạn bể bóng đầu tư thời Clinton - rồi khủng bố 9-11 và lâm chiến, trong khi Quốc hội đã lại đổi chủ từ năm 2006. Trách nhiệm rất lớn của Bush là không dám phủ quyết các dự luật ngân sách với công chi quá mạnh của Quốc hội Dân Chủ. Nhưng ông có liêm sỉ là không đổ lỗi cho người tiền nhiệm về nạn suy trầm kinh tế 2001, vụ khủng bố 9-11 hay vụ khủng hoảng của các tổ hợp bất lương như Enron vào cuối năm 2001.
Thí dụ thứ hai là vụ khủng hoảng tài chánh.
Việc giải toả kiểm soát nghiệp vụ tài chánh là quyết định của Chính quyền Clinton năm 1999. Việc dung dưỡng thói tật kinh doanh nguy hại của hai doanh nghiệp bán công là Fannie Mae và Freddie Mac là của đảng Dân Chủ - chống lại đề nghị cải cách của Bush năm 2004. Ông Bush có lỗi là không đẩy mạnh hơn việc cải tổ ấy và đảng Cộng Hoà sai lầm là không cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng này, dù trước đó, từ năm 2003, Thống đốc Ngân hàng Trung ương là Alan Greenspan cũng đã báo động. Từ nhiều năm trước, cột báo này cũng đã đề cập tới chuyện ấy, trước khi thiên hạ biết Obama là ai.
Nhưng không phải ngẫu nhiên mà hai cơ sở đáng phá sản này lại chi tiền rất bộn cho các dân biểu nghị sĩ Dân Chủ. Thật ra, hai ổ tham nhũng ấy cũng chỉ làm như các đại gia Wall Street, là tung tiền mua chuộc các chính khách, mà đa số là Dân Chủ - kể cả Nghị sĩ Barack Obama.
Đảng Cộng Hoà đáng thất cử năm 2006 vì không tôn trọng kỷ luật ngân sách như đã cam kết và cũng sinh bệnh kiêu mạn, làm ẩu, gây quá nhiều tai tiếng. Nhưng mọi chuyện ngày nay không thể do đảng này chủ động gây ra. Ông Bush cũng vậy, không thể bị chửi vì tội tiêu xài vô trách nhiệm của đảng Dân Chủ trong Quốc hội từ đầu năm 2007 tới nay.
Vì vậy, Obama nói gì thì nói, đảng Dân Chủ đang làm dân Mỹ nhìn lại đảng Cộng Hoà với nhiều... tin tưởng hơn. Nhiều người Mỹ gặp sự thất vọng của kẻ mua hớ - buying remorse - và sẽ có phản ứng, cho dù truyền thông báo chí trong dòng chính vẫn thiên về đảng Dân Chủ và tường trình chưa đầy đủ về sự thất vọng này.
Về thống kê thì thành phần xưng danh Cộng Hoà thường ít hơn đảng Dân Chủ. Vậy mà trong kỳ bầu cử tới, nội cái danh hiệu Cộng Hoà cũng dẫn trước Dân Chủ 10 điểm, là điều chưa từng thấy bao giờ. Làm gì với niềm tin ấy của dân chúng là chuyện của đảng Cộng Hòa, và không thuộc phạm vi bài viết.
Phạm vi bài viết là về Barack Obama.
Ông ta còn tỷ lệ ủng hộ rất thấp - sự kiện hiếm hoi của một tổng thống chưa hoàn tất phân nửa nhiệm kỳ đầu. Hoá ra vọt lên như sao băng và rớt xuống cũng nhanh không kém. Nhưng dù sao, mức ủng hộ 44-46% này vẫn còn gấp đôi tỷ lệ tin tưởng của dân Mỹ vào Quốc hội trong tay Dân Chủ! Vì vậy, đảng Dân Chủ đừng trách Obama mà nên nhìn lại cái tội chủ quan duy ý chí của mình.
Bây giờ mới nói về Barack Obama.
Khi ông tranh cử cùng Nghị sĩ Hillary Clinton trong vòng sơ bộ của đảng Dân Chủ, người viết đã gọi ông là "Cậu bé quàng khăn đỏ". "Cậu bé" vì Obama có kinh nghiệm rất mỏng chứ không vì tuổi tác. Năm 1992, ông Bill Clinton đắc cử tổng thống ở tuổi rất trẻ là 46 - trẻ thứ ba trong các tổng thống Mỹ - nhưng sau khi đã làm thống đốc từ năm 1978, và lần lượt thắng bốn ứng viên Cộng Hoà để tái đắc cử. Obama không có kinh nghiệm ấy.
Obama được đảng Dân Chủ thổi lên như pháo bông năm 2004 và vừa lên làm Nghị sĩ Liên bang có bảy tháng thì đã lo tranh cử tổng thống sau một quá trình gọi là xây dựng cộng đồng và nghị sĩ tiểu bang. Những hoạt động ấy rất đáng ngợi khen nhưng từ đó mà đi tranh cử Tổng thống thì vấn đề kinh nghiệm về điều hành phải được đặt ra.
Và bảo rằng "quàng khăn đỏ" vì ông có chủ trương cực tả - không chỉ thiên tả như Bill Clinton.
Với người viết, màu da của Obama không là vấn đề. Ai không đồng ý với chủ trương cực tả này cũng chẳng thể có tội kỳ thị da màu như nhiều người vẫn nhập nhằng xuyên tạc. Thật ra, nếu Đại tướng Colin Powell không lạnh cẳng rút lui thì ông đã là ứng viên da đen đầy hy vọng của đảng Cộng Hoà trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1996 - chứ không đến lượt Nghị sĩ Bob Dole.
Bây giờ nhìn lại sau 19 tháng cầm quyền của Obama thì cách đánh giá như vậy coi bộ không đúng.
Vì còn quá nhẹ.
Obama là người thông minh, có tài hùng biện. Nhưng, yếu tố thắng lợi ban đầu là ông được phe cực tả trong đảng Dân Chủ bốc qua đầu Hillary Clinton vào tháng Sáu năm 2008 để thành ứng cử viên của đảng. Ta không nên quên vòng sơ bộ khét lẹt ấy và vai trò của Ted Kennedy cùng cánh tả của đảng Dân Chủ đã muốn trừng phạt Hillary về tội trung dung của Bill.
Ban tham mưu tranh cử của Obama cũng thuộc loại xuất sắc - hơn hẳn đối thủ là Nghị sĩ John McCain - và biết chụp lấy thời cơ là vụ khủng hoảng tài chánh bùng nổ hôm 15 Tháng Chín năm 2008. Sự ngờ nghệch của McCain trong mấy tuần hoảng hốt sau đó làm nốt phần vụ còn lại: thổi lên kỳ vọng lớn vào Obama giữa cơn khủng hoảng tâm lý của nước Mỹ.
Rồi dẫn tới "Hội chứng Obamê" - "Obamaniac" - hiện tượng tâm thần khiến thiên hạ tung hô mà khỏi xét vào lý lịch hay nội dung chương trình hành động. Tờ Newsweek còn sánh Obama với Thượng đế!
Điều đáng nói là sau khi nhậm chức, Obama quả nhiên tiến hành việc "cải tạo xã hội" - theo nghĩa của Hà Nội sau 1975 - trong tinh thần cực tả, bao cấp và tin tưởng vào khả năng "phổ độ" của Chính quyền. Từ đó, chính quyền và bộ máy nhà nước mở rộng sự can thiệp vào rất nhiều lãnh vực, kinh tế, kinh doanh, ngân hàng, y tế, môi sinh, v.v... Nạn suy trầm sản xuất và thất nghiệp cao không là ưu tiên.
Nhưng, trong khi bành trướng chế độ bao cấp này ở bên trong nước Mỹ, Obama cũng lại là "Người vái tứ phương" ở bên ngoài. Một nghịch lý lý thú mà ít ai chịu chú ý.
Nhìn lại thì ông đã cố gắng hoà giải với các chế độ hung đồ công khai coi Mỹ là kẻ thù - gần nhất và hề nhất là Venezuela. Lại như muốn xin lỗi cả thế giới Hồi giáo qua các bài diễn văn tại Cairo của Egypt và Ankara của Turkey (loại thí dụ này nhiều lắm, xin khỏi kể hết ở đây). Ông ra tối hậu thư cho Iran rồi lùi, đấu dịu với Liên bang Nga - chuyện "reset the button" của danh hài thủ vai Phó Tổng thống Joe Biden - và hai lần đỡ đòn cho Trung Quốc về tỷ giá đồng Nhân dân tệ - chống lại áp lực của Quốc hội Dân Chủ, v.v...
Nếu Hoa Kỳ còn chứng tỏ một chút gân cốt về đối ngoại thì đấy là nhờ Ngoại trưởng Hillary Clinton, nhân vật khéo léo tránh xa những tai tiếng về đối nội của Chính quyền Obama.
Mà không chỉ vuốt ve các đối thủ, Obama xẵng giọng với các đồng minh truyền thống của Mỹ. Ngẫu nhiên sao lại là các nước tư bản Tây phương, dẫn đầu là nước Đức. Có cái gì đó không ổn...
Bây giờ nhìn lại thì có lẽ người ta đã hiểu sai hoặc đánh giá sai Barack Obama. Ngày nay, hơn phân nửa dân Mỹ (55%) tin rằng Obama là người theo chủ nghĩa xã hội, với Hoa Kỳ thì đây là lời kết án rất nặng. Nhưng, chuyện quàng khăn đỏ như vậy không sai, mà... vẫn chưa đúng.
Obama không chỉ là kẻ viễn mơ còn tin vào giải pháp hoang tưởng đã phá sản của Marx và các nước xã hội chủ nghĩa. Tổng thống Mỹ không chỉ là người quàng khăn đỏ. Chủ nghĩa xã hội hay vai trò bao cấp của nhà nước chỉ là phương tiện cho một cái gì khác...
Cái đó là cái gì?
Thiếu thời, Barack Hussein Obama Junior (hay Obama II) sống ngoài nước Mỹ lục địa tổng cộng 17 năm. Thời gian đó gồm có giai đoạn ở Hawaii và được một nhà thơ da đen đảng viên Cộng sản dìu dắt, hoặc phiêu dạt ở Indonesia, Pakistan và ghé thăm lục địa Phi Châu nhiều lần. Từ bên ngoài, ông nhìn vào Hoa Kỳ với giác độ khác với dân Mỹ, trắng đen, tư sản hay lao động, ngoan đạo hay phóng túng, bảo thủ hay cấp tiến, lý tưởng hay lý tài...
Ông nhìn nước Mỹ với con mắt của "Thế giới thứ ba", các quốc gia nạn nhân chế độ thuộc địa Tây phương. Trong Đệ tam Thế giới đó, có quê hương của người cha, Barack Hussein Obama Senior (hay Obama I), một nhân vật thuộc bộ tộc Luo tại Kenya, đa thê, nghiện ngập, mắc bệnh tâm thần và thù ghét trật tự Tây phương đến xương tủy.
Thần tượng của người cha không chỉ có Karl Marx và tuyên ngôn giải phóng mà còn có những người như lãnh tụ Kwame Mkrumah của xứ Ghana hay Frantz Fanon, tác giả của "Les Damnés de la Terre" - Những kẻ khốn khổ trên ruộng đất - cuốn sách không phải viết về chuyện cải cách ruộng đất mà về chủ nghĩa thực dân, với lời tựa nổi tiếng của Jean Paul Sartre.
Với nhiều nhà tư tưởng của chủ nghĩa Đệ tam Thế giới, cách mạng chống bọn thực dân da trắng là sứ mệnh thiêng liêng vì chế độ thuộc địa ấy chưa cáo chung, và chủ nghĩa "thực dân mới" vẫn là hiện thực. Nó thoát xác thành chủ nghĩa đế quốc, với những âm mưu mờ ám của tài phiệt, doanh gia, thị trường, v.v... Nó làm ung thối ngay các nước thực dân đế quốc.
Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, trí thức thiên tả Âu Châu và Á Phi đã từng lý luận như vậy mà đa số dân Mỹ không biết và có lẽ cũng chẳng cần biết.
Ngày nay, chủ nghĩa đế quốc hay thực dân mới ấy đang kết tinh vào Hoa Kỳ.
Siêu cường toàn cầu này đang khống chế cả thế giới về kinh tế lẫn ngoại giao và quân sự nhưng bên trong đã bị ung thối, bị "tha hoá" - chữ của cánh tả để nói về khái niệm "vong thân" của Marx. Vì vậy, muốn hoàn thành sứ mạng giải phóng nhân loại thì trước tiên phải giải trừ cái căn tính "thực dân mới" ngay trong lòng xã hội Mỹ, một quốc gia thật ra chẳng có gì đáng là siêu hạng cả. Đó là giấc mơ của Obama I nay được Obama II thực hiện.
Cho nên ta đừng ngạc nhiên khi Tổng thống Obama phủ nhận cả đặc tính - hay đức tính - "exceptionalism" của Hoa Kỳ mà dân Mỹ tin là đương nhiên.
Cuốn hồi ký của Obama II có thổ lộ ảnh hưởng của Obama I ngay trên bìa, ở tựa đề mà thiên hạ không thèm hiểu. Đó là "Những giấc mơ từ cha tôi" - chứ không phải "Những giấc mơ của cha tôi". Obama là cánh tay nối dài thực hiện các giấc mơ đó từ người cha. Không phải giấc mơ của Mục sư Martin Luther King như nhiều người đã cả tin hiểu lầm.
Thành thử, chuyện "cải tạo xã hội" của cậu bé quàng khăn đỏ nhắm vào mục tiêu cao hơn là củng cố một nhà nước bao cấp. Đó là lột xác Hoa Kỳ. Từ trên đầu xuống. Hãy thử kiểm nghiệm lại mà xem...
Nhìn như vậy thì việc đảng Dân Chủ có thất cử năm nay chỉ là chuyện nhỏ!
No comments:
Post a Comment