Nguyễn Xuân Nghĩa
Dân Chủ tanh bành, nhưng có khi Cộng Hoà gẫy cánh...
Cử tri Hoa Kỳ đang có phản ứng mạnh với hệ thống chính trị hiện nay.
Qua các đợt đầu phiếu đặc biệt để thay thế một Nghị sĩ đã tham chính năm ngoái, hoặc để tuyển chọn một ứng cử viên trong cuộc bầu cử tháng 11 này, họ đều có khuynh hướng tuyển chọn một khuôn mặt mới. Phản ứng đó có lợi cho đảng Cộng Hoa đang ở trong vị trí đối lập. Nhưng dường như nếu làn sóng đáy có thể quét đảng Dân Chủ vào bờ thì cũng làm đảng Cộng Hoà bị vỡ đôi.
Ta sẽ nói về phong trào phản kháng xưng tên "Tea Party" đang làm đảng Cộng Hoà điêu đứng.
Bốn năm trước, cột báo này đã viết về hiện tượng gẫy cánh của đảng Cộng Hoà vì phe bảo thủ về đạo đức ở bên trong bị bể làm hai, hai cánh bay hai hướng.
Một cách vắn tắt, đảng Cộng Hoà thường được gọi là "bảo thủ" so với khuynh hướng thiên tả hay cấp tiến của đảng Dân Chủ. Nhưng khối bảo thủ ấy gồm có ít nhất ba thành phần. Thứ nhất, tự do về kinh tế (và kỷ luật về ngân sách) với chủ trương thu hẹp tầm can thiệp của nhà nước; thứ hai là thành phần cứng rắn về an ninh nên chủ chiến hơn chủ hoà; và thứ ba là thành phần bảo thủ về xã hội, với tinh thần sùng chuộng tôn giáo, đề cao kỷ cương gia đình và chống lại tinh thần phóng túng xã hội, như quyền phá thai hay hôn nhân đồng tính.
Đảng Cộng Hoà bị khủng hoảng nặng khi xu hướng bảo thủ về xã hội và phong trào Thiên chúa giáo cực hữu trở thành lực lượng có khả năng gạn lọc các ứng viên ngay từ cấp sơ bộ. Trong khi đó, nước Mỹ đang lâm chiến và thành phần cứng rắn về an ninh, một trong ba cột trụ của đảng, bị đẩy vào thế yếu trước phong trào phản chiến. Khi đó, trong nội bộ Cộng Hoà đã có tranh luận. Một thiểu số cực đoan trong thành phần bảo thủ xã hội nhất quyết không thay đổi lập trường và coi chuyện phá thai hay đồng tính là "hòn đá thử vàng". Những người còn lại trong thành phần đó thì có khuynh hướng tương nhượng, với lý do là phải đắc cử đã thì mới có cái thế về chính trị - làm luật - để chặn đà bành trướng của trào lưu phóng túng xã hội.
Như mọi khi, sự phân hoá và phản ứng gần như tự sát về chính trị trong đảng Cộng Hoà đã khiến đảng này liên tục thất cử.
Ngày nay, trong cuộc bầu cử tới đây, vấn đề đạo lý xã hội hết là đề tài chính vì bị chìm trong nạn suy trầm kinh tế, thất nghiệp, bội chi ngân sách, gia tăng công trái và sự phình nở quá đáng của chính quyền. Nhưng đảng Cộng Hoà vẫn lại gẫy cánh và tuần qua cho thấy sự phân hoá nội bộ vì phong trào Tea Party. Phong trào này đã cướp diễn đàn Cộng Hoà tại vòng sơ bộ và loại bỏ các ứng viên do bộ máy đảng đề cử để đưa lên khuôn mặt mới, dù ứng viên đó ít hy vọng thắng cử và còn có thể giúp cho đảng Dân Chủ giữ được đa số tại Thượng Viện. Tiêu biểu là trường hợp Delaware, một tiểu bang gần như là thành đồng của đảng Dân Chủ. Nữ ứng viên Christine O'Donnel loại bỏ chánh khách kỳ cựu của đảng Cộng Hoà là Michael Castle và sẽ đụng ứng viên Dân Chủ trong thế yếu hơn, nên mất hy vọng chiếm lấy ghế của Nghị sĩ Joe Biden đã trở thành Phó Tổng thống.
Khi ấy, tranh luận lại xảy ra. Nên bảo vệ nguyên tắc lý tưởng hay là nên dung hòa để chiếm được đa số đã, rồi sẽ dùng luật lệ đẩy lui làn sóng bao cấp của đảng Dân Chủ và chính quyền Obama? Đấy là một cách nhìn, một đề tài khá hấp dẫn.
Nhưng thật ra, có lẽ chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng rất lạ mà lại khá cổ điển trong xã hội Hoa Kỳ. Bài này sẽ mở đầu việc tìm hiểu về hiện tượng ấy.
Từ cả thập niên rồi, các cuộc khảo sát dân ý cho biết là tỷ lệ những người Mỹ tự xưng là thiên tả (liberal) ở khoảng 20%, chừng hơn 30% tự xưng là ôn hòa và 40% là bảo thủ. Có thể là phản ứng bảo thủ quá đáng về xã hội, sự mệt mỏi về chiến tranh và nhất là tinh thần kiêu mạn trong đảng Cộng Hoà đang nắm đa số khiến cử tri ôn hoà dồn phiếu qua đảng Dân Chủ và dẫn đến trận động đất năm 2006, nhồi theo cuộc tổng tuyển cử năm 2008 khiến đảng Dân Chủ thắng lớn.
Nhưng, chuyện ấy chưa đáng chú ý bằng hai sự kiện: một phần ba cử tri Hoa Kỳ tự nghĩ mình là ôn hoà và thành phần tự xưng là bảo thủ thật ra còn đông hơn thành phần tự xưng là thiên tả. Chìm bên dưới là sự kiện thứ hai: một số cử tri khá đông đảo lại không hài lòng với cả hai đảng. Năm 1992, một nhân vật thứ ba, tỷ phú Ross Perot đã chiếm 19% số phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống, khiến ứng viên Cộng Hoà là George H. Bush (ông Bush cha) thất cử. Nhưng ứng viên Dân chủ là Bill Clinton chỉ đắc cử với 43% số phiếu mà thôi.
Chúng ta thường quên mất chừng một phần năm các cử tri bất mãn với cả hai đảng, có khi họ còn đòi lập ra một đảng thứ ba, như đảng Cải cách của Perot. Một số không ít của thành phần này đang lao vào phong trào "Tiệc Trà", ban đầu tưởng là để đẩy lui đảng Dân Chủ bao cấp mà bây giờ còn để đặt ra luật chơi mới cho đảng Cộng Hoà. Nếu không khéo xử, đảng Cộng Hoà sẽ bị phong trào Tiệc Trà chia mất phiếu và mất cơ hội phục thù.
Nhưng, nếu phong trào này lại ngày một lớn mạnh, thì chính là đảng Cộng Hoà sẽ biến chất, và điều ấy mới làm xã hội Hoa Kỳ thay đổi....
Chúng ta không nên đơn giản - do bị ảnh hưởng của truyền thông thiên tả - mà cho rằng phong trào Tea Party chỉ quy tụ loại Mỹ ruộng, Mỹ trắng, Mỹ đấm ngực, quá khích, kỳ thị, v.v... Hình như họ đang kết hợp thành phần dân chúng bất mãn với chính quyền và cả các chính khách chuyên nghiệp trong hai đảng. Mà hiện tượng này thật ra đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử, lần đáng chú ý nhất mà không là duy nhất là vụ Ross Perot tại Texas đã đánh văng ông Bush 41 ra khỏi toà Bạch Cung năm 1992.
Trong những kỳ tới, ta sẽ tìm hiểu thêm về hiện tượng khá ly kỳ này....
NGUYỄN XUÂN NGHĨA
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment