Trân Văn, thông tín viên RFA
2010-09-12
Cách nay 6 tháng, Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ đã từng khiến dư luận xôn xao, khi ông đề nghị “loại bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng và thay vào đó là Chủ nghĩa Dân tộc”.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Tổng Bí thư ĐCSVN Nông Đức Mạnh (P), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (T), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (thứ hai từ trái) tại Hà Nội hôm 20 tháng 5 2010
Mới đây, Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ loan báo sẽ đốt thẻ Đảng nếu sau Đại hội lần thứ 11, Đảng vẫn không từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Vì sao một trí thức, từng là cựu chiến binh, có 30 năm tuổi Đảng, thành viên của một gia đình từng là cơ sở nuôi dưỡng, che giấu các lãnh tụ của Đảng CSVN trước tháng 8 năm 1945 lại suy nghĩ và quyết định hành động như thế? Trân Văn có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ.
Dứt khoát ly khai nếu ...
Trân Văn: Thưa ông, chúng tôi được biết ông vừa tuyên bố sẽ đốt thẻ Đảng trước hàng ngàn sinh viên, thông tin này có đúng không?
“Tôi tuyên bố đốt thẻ Đảng chỉ sau khi, trong Đại hội lần thứ 11 này, Đảng CSVN vẫn lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng.
Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ
Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ: Tôi xin cải chính một chút, tôi tuyên bố đốt thẻ Đảng chỉ sau khi, trong Đại hội lần thứ 11 này, Đảng CSVN vẫn lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng. Tôi sẽ đốt thẻ, nếu như sau Đại hội, Đảng không vứt bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin và thay vào đó là Chủ nghĩa Dân tộc lành mạnh, không cực đoan của Hồ Chí Minh làm một bước đệm quan trọng.
Nếu không có điều kiện đốt thẻ Đảng của tôi trước hàng ngàn sinh viên thì tôi có thể chụp ảnh, quay phim cảnh tôi đốt thẻ và tôi sẽ viết cho những sinh viên Việt Nam, những thanh niên Việt Nam.
Tôi phải nói điều đó vì người ta sẽ cho tôi vào Bệnh viện Tâm thần Bạch Mai và quay phim, chụp ảnh rằng: “Đấy là một thằng tâm thần”. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả những kế hoạch đó. Tôi được biết tất cả những kế hoạch đó thông qua một người bạn của tôi ở Bộ Công an.
Căn nguyên của những bất cập
Trân Văn: Thưa ông, hồi tháng 3 vừa qua, trong thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tuy ông đề nghị loại bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng và thay vào đó là Chủ nghĩa Dân tộc, song ông cũng khẳng định sẽ tuyệt đối trung thành với dân tộc Việt Nam, tuyệt đối trung thành với Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập.
Vì sao chỉ trong vòng sáu tháng, một trí thức, một cựu chiến binh từng cầm súng tham gia giải phóng miền Nam, một đảng viên có 30 năm tuổi Đảng như ông lại chuyển từ “tuyệt đối trung thành với Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập” sang “đốt thẻ Đảng”?
Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ. photo courtesy of niemtinvietnam.net Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ: Sáu tháng là một khoảng thời gian khá dài cho người luôn luôn đau đáu nghĩ về dân tộc, nghĩ về đất nước để mà đánh giá lại toàn bộ những gì mà tôi cảm nhận được.
Đầu tiên tôi thấy rằng, cần phải có một Đảng cực mạnh và đó là Đảng CSVN để mà lãnh đạo dân tộc này như là thời đầu tiên của Hàn Quốc, của Singapore. Thế nhưng cái Đảng cực mạnh đó phải là Đảng có Bộ Chính trị cực giỏi, cực kỳ có đức, nghĩ đến đất nước này, nghĩ đến dân tộc này.
Lúc đầu, tôi còn rất tin tưởng, thế nhưng, sau này, nhìn vào quá trình vận động trong sáu tháng vừa rồi, tôi thấy rằng họ không đủ bản lĩnh để kiên cường với một lũ tham nhũng. Bọn tham nhũng không tin gì vào Chủ nghĩa Mác-Lênin đâu. Chúng nó đang lợi dụng tất cả.
Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ nếu sau Đại hội Đảng lần thứ 11 mà người ta không loại bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, nguyên nhân sâu xa gây ra tất cả những thứ mà chúng ta đang thấy hiện nay.
Thế nào là “truyền thống”?
Trân Văn: Chúng tôi được biết, cụ thân sinh của ông đã từng là người nuôi dưỡng nhiều lãnh tụ của Đảng CSVN như: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt,… còn ông thì là một Đảng viên có 30 năm tuổi Đảng. Điều đó cho thấy, nhiều thế hệ, nhiều thành viên trong gia đình của ông đã tự nguyện gắn kết, phục vụ Đảng CSVN. Thế thì tại sao ông lại quyết định từ bỏ Đảng? Khi tuyên bố “đốt thẻ Đảng”, ông có nghĩ đến truyền thống gia đình?
Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ: Tôi xin trích một lời của Engels, có thể là tôi không nhớ thật chính xác. Câu đó như thế này: Truyền thống là kinh nghiệm của các bậc tiền bối. Chúng ta học tập ở truyền thống rất nhiều điều nhưng không thể lấy nó làm kim chỉ nam cho mọi hành động.
“Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ nếu sau Đại hội Đảng lần thứ 11 mà người ta không loại bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, nguyên nhân sâu xa gây ra tất cả những thứ mà chúng ta đang thấy hiện nay.
Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ
Tôi rất ấn tượng về câu nói đó. Đến giờ thì tôi thực thi đúng điều mà Enghels nói khi mà ông ta còn trẻ.
Bố tôi là một người cực kỳ yêu nước nhưng mà cực kỳ công bằng.
Ông có thể hy sinh tính mạnh để bảo vệ những người đặc biệt ưu tú của dân tộc như: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... Lúc bấy giờ, dưới con mắt của bố tôi, của mẹ tôi thì họ là những người cực kỳ yêu nước và giải phóng cho dân tộc này, chứ không hề có chút nào gọi là Mác-Lênin ở đây cả…
Sau Cách mạng thành công, có một lần ông được mời dự “gia đình có công với cách mạng” ở Hội trường Ba Đình, rồi lui về làm vườn và dặn những đứa con của ông rằng: Chúng mày không được làm chính trị!
Có lẽ ngay từ lúc đó, ông đã hiểu những thứ mà ông không thích.
Truyền thống của gia đình tôi là truyền thống yêu nước. Bố tôi được kết nạp Đảng năm 1939. Khi mà tôi hỏi Chủ nghĩa Cộng sản là gì thì ông cười và nói: Mày đọc “Dế mèn phiêu lưu ký”…
Đấy! Tôi không phản bội lại truyền thống gia đình nhà tôi. Gia đình nhà tôi là một gia đình quyết tử cho đất nước này độc lập và tự do.
Trân Văn: Cám ơn ông Đỗ Xuân Thọ.
No comments:
Post a Comment