Thanh Quang, phóng viên RFA
2010-09-09
Ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng mối quan hệ quốc phòng lên cấp thứ trưởng, Tướng Nguyễn Chí Vịnh đã đề cao sự phát triển quốc phòng Bắc Kinh, cam kết chính sách quốc phòng “3 không” của VN, khiến công luận mạnh mẽ chỉ trích.
AFP photo
Bà Hillary Clinton và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hà Nội hôm 23/7/2010
Khôn khéo hay nhu nhược?
Nhưng hồi đầu tháng 9 này, qua bài viết tựa đề “Một cách nhìn khác về Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Quốc Phòng”, nhà bình luận Trần Bình Nam hiện sống tại California, cho rằng Nguyễn Chí Vịnh đã thi hành công tác ngoại giao, chính trị của Bộ Chính trị đảng CSVN một cách hoàn hảo, xứng hợp với chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng của ông. Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, ông Trần Bình Nam giải thích:
Tôi không có ngạc nhiên gì khi thấy có một số báo chí và một số nhà bình luận hải ngoại chỉ trích Tướng Nguyễn Chí Vịnh, là vì ông ta từng mang tiếng là thân Trung Quốc, đã trở thành cái nhãn hiệu của ông ta. Nhưng mà nếu chúng ta tạm quên cái nhãn hiệu đó để mà quan sát và phân tích cái động thái và lời lẽ của ông qua cuộc họp báo tại Băc Kinh ngày 25 tháng 8 vừa rồi thì chúng ta phải công nhận là trước những câu hỏi hắc búa của báo giới, ông Vịnh đã trả lời rất khôn khéo và rất ngoại giao. Nội dung các câu trả lời của ông Vịnh đã xác định được cái lập trường của Chính Phủ Việt Nam là không thiên về phe nào trong hai phe Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Thanh Quang: Trong thời gian gần đây ngày càng có nhiều dấu hiệu khá rõ nét và đáng ngại là giới lãnh đạo Hà Nội tỏ ra quá mềm yếu, không bảo vệ được ngư dân Việt Nam, rồi sẵn sàng nặng tay đối với người dân dám công khai phản đối Phương Bắc ngang ngược lấn lướt Việt Nam, nhưng qua bài viết vừa nói của ông thì ông lưu ý rằng có dấu hiệu từ nhiều năm qua họ - tức cấp lãnh đạo chóp bu của Đảng CSVN - trăn trở tìm một con đường thoát nanh vuốt của Trung Quốc, xin ông giải thích về điểm này ạ.
“...nhưng mà đôi khi khéo quá thì cũng trở thành nhu nhược như chúng ta đã thấy, Hà Nội có vẻ nhu nhược đối với Trung Quốc trong các vụ tranh đất, tranh biển, vụ nhượng mỏ bô-xít...
Ông Trần Bình Nam
Ông Trần Bình Nam: Vâng, có một điều mà chúng ta cần nhận thấy là cái thế lực nhỏ đôi khi rất là khó khăn, nhất là giữa nước nhỏ như Việt Nam chúng ta mà bên cạnh một nước lớn như nước Trung Quốc đang vươn lên để trở thành siêu cường, thì nước nhỏ cạnh nước lớn như vậy muốn yên thân thì phải khôn khéo, giống như khi ông cha chúng ta trong quá khứ có lúc rất là mạnh có thể đánh Trung Quốc nhưng mà vẫn phải khôn khéo với Trung Quốc như thường.
Và nhất là càng phải khôn khéo khi mà không có một đối trọng nào với Trung Quốc bên cạnh, nhưng mà đôi khi khéo quá thì cũng trở thành nhu nhược như chúng ta đã thấy, Hà Nội có vẻ nhu nhược đối với Trung Quốc trong các vụ tranh đất, tranh biển, vụ nhượng mỏ bô-xít, vụ ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt nạt và không được bảo vệ một cách thích đáng, vụ Hoàng Sa - Trường Sa, v..v.
Nhưng mà dưới cái bề ngoài rắc rối mọi bề đó chúng ta cũng ghi nhận được là Hà Nội cũng đã từng trăn trở tìm con đường thoát hiểm. Về vấn đề này thì giữa năm 2008 ông Giáo Sư Carl Thayer, thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng Úc Châu, có phổ biến một tài liệu, mà theo nội dung tài liệu đó thì các hoạt động tìm đường thoát hiểm của Việt Nam đối với Trung Quốc được bắt đầu ngay sau khi Việt Nam tái thiết lập bang giao trong tư thế cầu cạnh Trung Quốc, sau khi Khối Liên Xô sụp đổ, không còn chỗ dựa vào năm 1991. Và sự tìm đường thoát hiểm này chuyển biến theo một nhịp độ nhanh hơn kể từ Đại Hội X của Đảng CSVN năm 2006, nhất là sau chuyến thăm viếng của Tổng Thống Bush và Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO).
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. Photo courtesy of vietnamsaigoc.multilly Theo tài liệu đó, nói về nỗ lực thoát hiểm về ngoại giao thì từ tháng 11-1991 khi Việt Nam tái thiết lập bang giao với Trung Quốc cho đến năm 2004 thì Việt Nam đã nỗ lực tối đa tìm kiếm đồng minh và làm thân với nhiều nước trên thế giới, thí dụ như là Ấn Độ, Liên Bang Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Nam Dương (Indonesia), Singapore, Nhật Bản, Úc, ngay cả những nước rất là nhỏ như Miến Điện (Myanmar), Ukraine, Ba Lan, v.v. và đặc biệt là trong láng giềng của mình thì Việt Nam thắt chặt quan hệ quốc phòng với các nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), nhất là với Thái Lan và Phi Luật Tân (Philippines). Còn về mặt quốc phòng thì rõ ràng Việt Nam từ thời điểm 1991 đã bắt đầu lo trang bị vũ khí và mua khá nhiều vũ khí của Nga, và chẳng những của Nga mà còn mua vũ khí của Do Thái, của Nam Hàn (Hàn Quốc).
Và khởi điểm từ Đại Hội X của Đảng CSVN, nhất là khi Tổng Thống Mỹ George W. Bush đến Hà Nội dự hội nghị thưởng niên APEC năm đó và sau khi Việt Nam vào WTO, theo tài liệu của GS Carl Thayer, thì trong nội bộ giới lãnh đạo Hà Nội đã xuất hiện hai khuynh hướng, một khuynh hướng bảo thủ tức là khuynh hướng cảnh giác chính sách diễn biến hòa bình của Hoa Kỳ, và một khuynh hướng khác gọi là khuynh hướng hội nhập đã chủ trương hòa mình nhanh chóng vào kinh tế toàn cầu, mà trong đó Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng.
Và mới đây nhất, từ tháng 7, sau hội nghị ARF tại Hà Nội, khi mà Ngoại Trưởng Hillary Clinton đến đó và công bố chính sách mới của Hoa Kỳ tại Biển Đông, nhìn những động thái của Việt Nam thì thấy ngay rằng Việt Nam hết sức là phấn khởi trong sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ, chứng tỏ rằng Việt Nam có sự trăn trở tìm đường thoát hiểm khỏi Trung Quốc. Và đến thời điểm này thì rất là thuận lợi là tại vì bây giờ đã có thêm một đồng minh Hoa Kỳ, tuy nhiên vì quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ nhưng mà hai bên có những quyền lợi với nhau và vì vậy cho nên họ có một sự hợp tác và thỏa thuận với nhau trong các công việc chung.
Thanh Quang: Trở lại chính sách ba không mà Việt Nam cam kết với Bắc Kinh, gồm (1) không tham gia các liên minh quân sự hoặc là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, (2) không cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, và (3) không dự vào nước này để chống nước kia.
Theo ông, chính sách quốc phòng ba không đó liệu có gây trở ngại cho sự hợp tác quân sự Việt - Mỹ không, và có mở đường cho Bắc Kinh dễ lấn chiếm Việt Nam hơn hay không?
Ông Trần Bình Nam: Tôi không nghĩ như vậy. Chúng ta nên nhớ rằng trong thời gian Chiến Tranh Lạnh, các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước nhỏ phải sắp hàng dưới hai chiếc dù, hoặc là chiếc dù Liên Bang Xô Viết, hoặc là chiếc dù Hoa Kỳ, vì vậy cho nên trong thời gian đó cái việc liên minh quân sự là cái việc nó rất là thông thường, nhưng mà sau khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt 20 năm qua thì trên thế giới chúng ta thấy rằng vấn đề liên minh quân sự rất ít được đặt ra vì không có nhu cầu đó, cho nên hiện giờ mình nhìn chính sách ba không của Việt Nam thì cái chính sách này hoàn toàn không có tính chất gì chống Hoa Kỳ cả, mà nó chỉ là một chính sách thực tế, phù hợp với thực trạng thế giới hôm nay mà thôi.
Chính sách "ba không" đó theo tôi nhận xét là một chính sách cân đối, khôn ngoan, phù hợp với thế đứng và quyền lợi của Việt Nam hiện nay. Việt Nam không cần phải chính thức liên minh quân sự với Hoa Kỳ mới được bảo vệ. Nếu mà bị Trung Quốc tấn công một cách vô cớ thì Việt Nam với lời yêu cầu chính thức, Hoa Kỳ và thế giới vẫn có thể đến giúp đỡ như thường.
Và chúng ta để ý cách phát biểu của ông Nguyễn Chí Vịnh khi mà ông nói về chính sách "ba không" thì ông đã nói như thế này "Về phần Việt Nam, chúng tôi sẽ không bao giờ trở thành đồng minh quân sự của Mỹ", nhưng mà ngay sau đó ông nhấn mạnh ngay rằng "không chỉ với Mỹ mà Việt Nam sẽ không trở thành đồng minh quân sự với bất kỳ quốc gia nào".
Rõ ràng ý của ông Nguyễn Chí Vịnh là chính sách "ba không" là không với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, và do đó chính sách này không thể được xem là chính sách chống Hoa Kỳ mà cũng không nên xem đây là chính sách thân Trung Quốc. Cái chính sách "ba không" nó không gây trở ngại cho các chương trình trao đổi quân sự hiện có giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và cũng không có tạo thêm điều kiện nào dễ dãi để cho Bắc Kinh lấn chiếm Việt Nam cả.
Phát triển quốc phòng hay quân sự?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (phải) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh bắt tay tại cuộc họp song phương bên lề hội nghị an ninh hàng năm, ở Singapore ngày 04 tháng 6 năm 2010. AFP PHOTO / Carolyn KASTER / POOL Thanh Quang: Và sau cùng, thưa ông, khi lên tiếng với Đài Tiếng Nói Việt Nam thường trú tại Bắc Kinh thì Tướng Nguyễn Chí Vịnh có nói rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có quan hệ đại cục tốt đẹp cho nên trước sự phát triển của Trung Quốc, trong đó có phát triển quốc phòng, Việt Nam ủng hộ và vui mừng, sự ủng hộ ấy phát xuất từ mong muốn và niềm tin rằng Trung Quốc sẽ không sử dụng sức mạnh của mình để làm phương hại tới chủ quyền và lợi ích của các nước khác, và cũng không sử dụng sức mạnh ấy làm phương hại tới hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.
Thưa ông, liệu sự mong muốn và niềm tin như vậy của Tướng Nguyễn Chí Vịnh có mâu thuẫn với thực tại là Trung Quốc đã và đang gây phương hại tới chủ quyền và lợi ích của Việt Nam và sẵn sàng sử dụng sức mạnh khiến đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới không ạ?
Ông Trần Bình Nam: Vâng, tôi nghĩ cái lời mà ông Nguyễn Chí Vịnh dùng là "mong muốn và tin tưởng" một nước lân bang có nền quốc phòng vững mạnh để bảo vệ hòa bình, thì tôi nghĩ đó chỉ là ngôn ngữ ngoại giao thông thường thôi, không có tính cách gì gọi là xu phụ hay là làm yếu kém tư thế của Việt Nam. Hơn nữa, khi mà nói về sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc có thể đóng góp cho những công việc hữu ích của thế giới thì ông có nói rằng ông mong muốn Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh quốc phòng này mà tham gia tích cực vào các việc cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm họa.
“Trong ngôn ngữ ngoại giao thì "phát triển quốc phòng" và "phát triển quân sự" có ý nghĩa rất là khác nhau. Phát triển quốc phòng có thể bao gồm các lãnh vực ngoại giao, kinh tế, quân sự và nó có tính tự vệ, trong khi phát triển quân sự thì nó có tính phóng tầm sức mạnh ra ngoài và đe dọa lân bang.
Ông Trần Bình Nam
Ông nghĩ rằng đó quả thực là một điều tốt cho cả Trung Quốc lẫn khu vực. Cái việc mà dùng sức mạnh quốc phòng như vậy thì nó thật hữu ích cho hòa bình thế giới và ổn định khu vực như là chúng ta nhớ Hoa Kỳ đã từng làm, đặc biệt trong vụ sóng thần tsunami đánh vào Indonessia và Thái Lan cách đây vài năm, Hoa Kỳ đã triển khai quân đội để tiếp tế lương thục, mùng mền cho các nạn nhân ở đó. Và Việt Nam, theo cách phát biểu của ông Nguyễn Chí Vịnh, chỉ mong muốnTrung Quốc sử dụng sức mạnh quốc phòng như vậy mà thôi.
Nhân đây tôi cũng muốn nói rộng một điều là trong câu trả lời của ông Nguyễn Chí Vịnh thì ông dùng từ là "phát triển quốc phòng của Trung Quốc" và "quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc", nhưng mà rất tiếc trong bản tin sớm nhất bằng Anh Ngữ của Tân Hoa Xã cũng phổ biến ngày trong ngày hôm đó, ngày họp báo, tức ngày 25 tháng 8, thì Tân Hoa Xã đã cố tình viết chệch ra là "phát triển quân sự" và làm cho dư luận thế giới hiểu lầm quan điểm của Việt Nam.
Trong ngôn ngữ ngoại giao thì "phát triển quốc phòng" và "phát triển quân sự" có ý nghĩa rất là khác nhau. Phát triển quốc phòng có thể bao gồm các lãnh vực ngoại giao, kinh tế, quân sự và nó có tính tự vệ, trong khi phát triển quân sự thì nó có tính phóng tầm sức mạnh ra ngoài và đe dọa lân bang. Qua sự cầm nhầm chữ này trong bản tin Anh Ngữ của Tân Hoa Xã thì rõ ràng là Trung Quốc cố ý nhập nhằng để cho thế giới thấy Việt Nam chỉ "ba không" với Hoa Kỳ nhưng lại ủng hộ sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Tôi nghĩ đây là một sự cầm nhầm cần phải được đính chính.
Thanh Quang: Xin cảm ơn nhà bình luận Trần Bình Nam.
================================================
==========================================================================
No comments:
Post a Comment