THỨ BA, 28 THÁNG 9 2010 21:00
VIẾT BỞI BÙI TÍN - VOA
Con đường gốm sứ ven sông Hồng. Hình: Wikipedia Commons
Đại lễ kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long được chuẩn bị đã 8 năm nay. Khi được biết mục đích của lễ kỷ niệm là nhắc lại lịch sử oanh liệt của đất nước ta thời nhà Lý đã dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay) mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ thịnh trị cho đất nước, ai là người Việt Nam lại không vui mừng.
Một kế hoạch rộng lớn có thể nói là hoành tráng được vạch ra. Nào là dựng một số tượng đài, từ tượng Lý Công Uẩn – Lý Thái Tổ - Người khai sáng ra Triều Lý, đến nâng cấp tượng Lê Thái Tổ, dựng tượng Thánh Gióng, dựng tượng đài phù điêu Hà Nội Kháng chiến; dựng Tháp Ngàn năm Thăng Long, khánh thành Công viên Hòa Bình ở Xuân Đỉnh - Từ liêm, có tượng đài Hòa Bình ở giữa; xây dựng một loạt công trình nh ư Bảo tàng Hà Nội ở Mễ trì - Từ liêm, Thư viện Thủ đô cùng Tủ sách Ngàn năm Văn hiến; xây dựng một số tuyến đường vành đai quanh Thủ đô, dựng công trình mỹ nghệ độc đáo Đường Gốm Sứ ven sông Hồng dài 4 kilômét, xây khu tổ hợp kiến trúc 65 tầng Liễu Giai – Đào Tấn, xây dựng Đại lộ Thăng Long dài 29 kilômét, làm mới đường Đội Cấn - Hồ Tây, đường Láng – Hòa Lạc…
Về văn hóa nghệ thuật, sẽ ra mắt một số bộ phim dã sử như: Trần Thủ Độ, Về đất Thăng Long, Khát vọng Thăng Long, Huyền sử thiên đô và quan trọng nhất là bộ phim dài 19 tập Đường tới thành Thăng Long do Tổng đạo diễn Trung Quốc Cận Đức Mậu chỉ đạo, nhà biên kịch Trung Quốc Kha Chương Hòa viết kịch bản. Về phim tài liệu, có phim Thành phố Rồng bay và Hà Nội 36 phố phường.
Đêm 2-10 là Đêm Đại nhạc hội Hà Nội tiến hành tại Nhà hát Âu Cơ, gồm có 32 ca khúc do 42 ca sỹ đã được tuyển lựa trình diễn.
Nổi đình đám nhất sẽ là lễ diễu binh và diễu hành tiến hành tại lễ kỷ niệm chính thức tại Quảng trường Ba Đình sáng 10-10, do 10 trực thăng chiến đấu mở đầu, bay cách mặt đất 80 mét.
Tối 10-10, từ 20 giờ là cuộc mít tinh trọng thể cấp nhà nước tại Quảng trường Ba Đình. Sau đó, Đêm hội văn hóa nghệ thuật và lễ bế mạc Đại lễ Kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Ngoài những công trình kỷ niệm và lễ hội kể trên, còn có nhiều hoạt động phong phú khác, như bắn pháo hoa, thắp sáng cầu Long Biên, Lễ hội Dời đô tái hiện cảnh dời đô bằng đường thủy từ Hoa Lư – Ninh Bình qua Phố Hiến – Hưng Yên đến bến Chèm – Hà Nội.
Tại đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, suốt trong 10 ngày từ 1-10 đến 10-10-2010, mỗi buổi sáng, có tái diễn lễ đăng quang của vua Lê Thái Tổ và sau đó là lễ nhà vua trả gươm cho Rùa thần. Các buổi lễ được tiến hành với 500 nghệ sỹ, trình diễn những bản hòa tấu cổ, hòa tấu trống hội, nhạc cung đình, các nhạc điệu Đăng đàn, Lục công hoa đăng…
Chưa bao giờ Hà Nội sôi nổi chuẩn bị những lễ hội to lớn, dài ngày, nhiều việc, tốn kém như Đại lễ kỷ niệm lần này. Chưa kể những chi phí theo ngân sách hàng năm, riêng chi phí thêm cho đại hội này ước tính lên đến 7 đến 8 tỷ đôla.
Nhưng điều làm cho người dân thủ đô, và người Việt trong và ngoài nước thiếu phấn hứng, vui vẻ, lạc quan là việc chuẩn bị về ý nghĩa tinh thần của lễ hội đã bị buông lỏng, không lột tả được niềm tự hào dân tộc, không biểu dương được ý chí tự lập tự cường, đúng vào lúc nền độc lập, tự chủ của nước ta bị đe doạ, toàn vẹn lãnh thổ bị xâm lấn uy hiếp. Đó là điều đáng chê trách, đáng tiếc nhất ở những người lãnh đạo và nhà đương quyền các cấp. Lẽ ra họ phải đề cao hào khí Thăng Long thời tự chủ, thì trái lại họ lại bị ám khí của thái độ ươn hèn phụ thuộc vây bủa và chỉ huy.
Một loạt câu hỏi lớn xoáy sâu trong lòng mọi công dân yêu nước chưa được giải đáp.
Vì sao lại lấy ngày 1-10, ngày quốc khánh Trung Quốc làm ngày khai mạc đại lễ hội, trong khi ngày này không có dính dáng gì đến việc dời đô ngàn năm trước? Đúng theo lịch sử thì phải lấy một ngày tháng 8-2010. Ai đề xướng ra ngày 1-10? Với lý lẽ ra sao ?
Vì sao công trình văn học nghệ thuật lớn nhất, tiêu tốn tiền nhất, có ý nghĩa chính trị - tinh thần hệ trọng nhất, được coi là chiếc Đinh Vàng Đại lễ hội là bộ phim dã sử Đường tới thành Thăng Long lại để cho phía Trung Quốc thực hiện hầu như toàn bộ, từ kịch bản, đạo diễn, dàn dựng, hậu cảnh, phục trang, hoá trang, đạo cụ…cho đến cả quần chúng.
Khi chiếu thử một số đoạn cho các quan chức xem, đã có phản ứng khó chịu, lắc đầu, phải ngừng phát hành để cắt xén, sửa chữa, nhưng không còn thời gian, vì bộ phim đã phạm sai lầm tận gốc. Nói thẳng ra là phải bỏ hẳn đi, phải làm lại từ đầu.
Tại sao nền điện ảnh dân tộc có hơn nửa thế kỷ phát triển, với những xưởng phim, bộ phim, đạo diễn, diễn viên, biên kịch không yếu kém, có hàng trăm huân chương, hàng chục giải thưởng quốc gia và quốc tế, lại hèn kém, không tự tin làm nổi một bộ phim thuần Việt.
Ta làm lấy bộ phim của ta, do ta viết kịch bản, đạo diễn ta chỉ huy, nghệ sỹ ta diễn xuất, với cảnh cây đa giếng nước ta, đền chùa ta, đồng ruộng ta, đồng bào ta, sỹ nông công thương ta, sỹ tử ta… dù cho kém cỏi đến đâu thì vẫn mang đậm hồn dân tộc ta, niềm tự chủ tự cường của ta. Sao ngành điển ảnh ta lại tự ty, hèn nhát, bạc nhược đến vậy.
Hay là các nghệ sỹ ta vẫn tự tin, muốn tự lực tự cường nhưng bị sự lãnh đạo bạc nhược ngăn cản, bị mua chuộc và bó buộc phải nhường cho những ông bạn vàng của họ ?
Hãy ngắm nhìn bức tượng Lý Công Uẩn ở cạnh Hồ Hoàn Kiếm, đến các em học sinh thủ đô đi ngang qua cũng thốt lên: đây là Tần Thủy Hoàng, đội mũ bình thiên, và một nhà văn thủ đô thốt lên khi chỉ vào tượng này: đây là Tần Thủy Hoàng đi kinh lý phương Nam.
Bỏ cũng dở, mà để cũng không yên, lại càng dở. Một số nhà nhân chủng học cho rằng hình dáng, kích thước cơ thể bức tượng không đặc tả mảy may những đặc điểm đo đạc, thống kê cơ thể học người Việt phương Nam. Đúng là ông Tàu 100 phần trăm, đến từ phương Bắc, với chiều cao ấy, vai rộng như thế, mũi, mắt, cằm như thế, với áo triều phục và mũ bình thiên như thế, không trộn vào đâu được. Rồi hôm khai mạc bức tượng sắp đến, sẽ là một nỗi đau cho người này, trò cười cho kẻ khác, nỗi nhục cho kẻ đương quyền…Một vết nhơ giữa thanh thiên bạch nhật, ai tẩy xóa được nữa!
Mời bạn vào mạng của một Blogger Trung Quốc, ngày 28-8 vừa rồi, viết bằng chữ Hán, đưa tin về bộ phim nói trên quay tại trường quay Hoành Điểm tỉnh Triết Giang, khẳng định một cách tùy tiện lếu láo rằng «Lý Công Uẩn là dân Trung Hoa, quê ở tỉnh Phúc Kiến, sang Việt Nam nhập cư ở thôn Cổ Pháp, Bắc Việt ».
Nhà sử học Lê Văn Lan, chủ tịch Hội nghiên cứu lịch sử VN, nhận xét rằng trong phim nói trên, phục trang đều xa lạ với người Việt ngàn năm trước, kiểu buộc tóc dựng ngược cũng là giả tạo.
Nhà thơ Bằng Việt, chủ tịch Hội liên hiệp Văn hóa nghệ thuật thủ đô vừa làm bài thơ với đầu đề Phim về Lý Công Uẩn, với 2 câu kết:
Tôi bèn tặc lưỡi: thôi, thuê quách diễn viên Hàn quốc
Thật ăn khách, bảnh trai, vào vai Lee Koong Wan! (tên tiếng Hàn)
Một bộ phim hoành tráng dài, 19 tập, màu sắc sặc sỡ, kèn trống inh ỏi, chỉ thiếu có một điều, lại là thiếu sót quyết định, đó là cái linh hồn sống, là Hồn dân tộc, không có nó, mọi sự là vô nghĩa.
Cũng là tất yếu thôi. Gần 20 năm trước, cuối năm 1991, sau cuộc họp cấp cao bí mật Việt – Trung ở Thành Đô, ông Nguyễn Cơ Thạch ngao ngán thốt lên: khởi đầu một thời kỳ Bắc thuộc nữa đây. Để ngay sau đó ông thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ từ khước chức ủy viên trung ương đảng và cả chức Bộ trưởng ngoaị giao vì nhận rõ bộ mặt gian xảo và dã tâm bành trướng của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh.
20 năm đã là quá đủ. Tổn thất thời gian, tài sản, sức lực, tiềm năng của đất nước, kể không xiết. Lãnh đạo là nhìn xa trông rộng, chỉ đường vạch lối cho đất nước, chọn bạn tốt mà kết thân, nhưng như tôi đã lẩy kiều trong một bài trước, 4 khóa Bộ chính trị đã:
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi !
Đúng vào lúc cực kỳ nguy hiểm này, các bạn bè dân chủ khắp thế giới đang giang tay bè bạn với nước ta, khuyên răn ta nên chọn cách sống hoà thuận với nước láng giềng lớn, không gây sự với họ, nhưng luôn ngẩng cao đầu, tự chủ, tự cường, dựa vững vào Liên Hợp Quốc, vào công lý quốc tế, kết thân thật tình với các nước dân chủ trong ASEAN, các nước Ấn Độ, Nhật Bản ở châu Á, các nước EU ở châu Âu, với Hoa Kỳ, Canada, Úc…Việt Nam ta sẽ biết tự tạo nên một thế mạnh chưa từng có về chất, để đất nước mở mày mở mắt với 5 châu 4 biển, để không ai có thể khinh nhờn, lấn lướt, hà hiếp được.
Đại lễ Ngàn năm Thăng Long có những vấp váp, đường đi nước bước sai lầm nghiêm trọng, làm mất niềm tin của toàn dân, nhưng lãnh đạo biết lắng nghe, biết giật mình, tỉnh ngộ, thì lại thành dịp may, từ đại vận hạn có thể chuyển thành đại hồng phúc cho nhân dân, tìm ra bí quyết để thống nhất dân tộc, phát triển vững bền quê hương, xây dựng xã hội thật sự dân chủ, bình đẳng văn minh và hạnh phúc.
Bỏ qua thời cơ vào dịp Ngàn năm một thuở và vào dịp tiếp thu góp ý của dân vào văn kiện Đại hội XI này, lãnh đạo sẽ vấp phải sự phẫn nộ gay gắt của toàn dân, của tầng lớp trí thức có trí tuệ và tâm huyết, của đảng viên có lòng yêu nước thương dân, của mọi công dân lương thiện, của cả cựu binh sỹ cũng như binh sỹ tại ngũ luôn gắn bó với nhân dân. Họ sẽ tự bịt chặt con đường thoát hiểm của chính họ và làm hại thêm cho đất nước.
Nguồn: VOA
Trích: http://vietvungvinh.org/index.php?option=com_content&view=article&id=1607:hao-khi-thang-long-thoi-tu-chu-hay-am-khi-thoi-bac-thuoc-moi&catid=46:chinh-tri-xa-hi&Itemid=82
Tro ve dau trang
===================================
====================================================
No comments:
Post a Comment