TÙ CẢI TẠO --- Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
TÙ CẢI TẠO
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
Hai tháng sau khi cưỡng chiếm
Miền Nam, tháng 6-1975, Đảng Cộng Sản áp dụng chính sách tập trung các quân nhân, công chức, cán bộ phục vụ chế
độ Việt Nam Cộng Hòa trong các trại lao động khổ sai mệnh danh là trại cải tạo.
Theo các tài liệu nghiên cứu và sưu tầm tại các cơ quan có thẩm quyền từ Hoa Kỳ
đến Âu Châu thì có đến một triệu tù cải tạo
đã bị giam giữ mà không bị truy tố và kết tội bởi tòa án. Ước chừng 165 ngàn tù cải tạo đã bỏ mình tại nơi rừng
thiêng nước độc từ Nam chí Bắc. (Wikipedia,
the free encyclopedia)
Ngoài ra còn có rất nhiều
trí thức văn nghệ sĩ cũng đã bị giam giữ và hành hạ tại các trại tập trung như
Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sĩ Tế, Nguyễn Viết Khánh, Thanh Tâm Tuyền,
Cung Trầm Tưởng, Thanh Thương Hoàng, Trần Dạ Từ, Duyên Anh v..v… dưới danh
nghĩa “biệt kích văn nghệ” và “sĩ quan
biệt phái”.
Bên cạnh chính sách “học
tập cải tạo” còn có những vụ đàn áp trí thức văn nghệ sĩ và các tu sĩ trong mật
trận “tòa án luật pháp”.
Thay vì để ban phát công lý cho người
dân và bảo vệ con người về sinh mạng, tự do, danh dự và tài sản, tòa án và luật
pháp đã được sử dụng như những công cụ đàn áp khủng bố để bắt giam độc đoán
những người đấu tranh ôn hòa cho tự do, dân chủ, công lý và nhân quyền.
Từ 1975 đến 1977, có ít nhất 14 luật sư đã bị kết án
và giam giữ tại trại cải tạo vì đã đứng lên tố cáo nhà cầm quyền vi phạm tự do
nhân quyền. Tháng 12-1975 Luật
Sư Nguyễn Khắc Chính bị kết án tù chung thân trong vụ án Vinh Sơn. Trước đó,
ngay sau khi Saigon thất thủ, Luật Sư Trần
Chánh Thành đã quyên sinh vì không muốn sống trong ngục tù CS, dầu chỉ trong một
ngày. Năm 1976, sau khi bị di
chuyển từ trại cải tạo Long Thành trong Nam, Luật Sư Trần Văn Tuyên đã tử tiết tại trại cải tạo Hà Tây ngoài Bắc.
Cùng với Luật Sư Trần Văn
Tuyên, vị thủ lãnh sau cùng của Luật Sư Đoàn Saigon, hai vị thủ lãnh sau cùng của Luật Sư Đoàn Huế là các Luật
Sư Vũ Đăng Dung và Lý Văn Hiệp cũng lâm
quốc nạn. Thũ Lãnh Lý Văn Hiệp bị kết án và giam giữ 12 năm tù về tội tuyên
truyền chống chế độ. Thủ Lãnh Vũ Đăng Dung cũng bị giam giữ 6 năm tại trại cải
tạo Xuân Lộc vì đã cùng Luật Sư Trần Danh San hoạt động trong Ủy Ban Nhân Quyền
Việt Nam.
Đồng thời với việc ban
hành Hiến Chương 77 tại Tiệp Khắc, ngày 23-4-1977, tại khuôn viên Nhà Thờ Đức
Bà Saigon, Luật Sư Trần Danh San tuyên đọc bản “Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Người Việt Nam Khốn Cùng”. Anh bị
giam giữ 10 năm tại trại cải tạo cùng với các Luật Sư Nguyễn Hữu Giao và Trần
Nhật Tân. Thủ Lãnh Vũ Đăng Dung cùng các Luật Sư Triệu Bá Thiệp và Vũ Hùng
Cương bị giam 6 năm; Các Luật Sư Nguyễn
Quý Anh và Nguyễn Hữu Doãn bị giam 18 tháng. Từ 1975 Luật Sư Ca Sĩ Khuất Duy
Trác đã bị giam 12 năm, 6 năm về tội “sĩ quan biệt phái”, và 6 năm về tội tuyên truyền chống chế độ.
Trong số 14 luật sư bị đọa
đày tù hãm, đến 1995, 6 vị đã ra người
thiên cổ: Trần Văn Tuyên, Vũ Đăng Dung, Lý Văn Hiệp, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hữu
Giao và Nguyễn Hữu Doãn.
THÁNG 4-1980:
ĐÒI PHÓNG THÍCH TÙ CẢI TẠO
Trong Mùa Quốc Hận tháng
4-1980, tại tiền đình Tòa Thị Chính San Francisco, nhân danh Hội Luật Gia Việt
Nam tại California, Luật Sư Nguyễn Hữu Thống đọc bản Thông Điệp Ngày Quốc Hận gởi
Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Trong
chuyến công du và thăm viếng đồng bào tại Thái Lan, để trả lời câu chất vấn của
báo Bangkok Tribune về việc Đảng Cộng Sản Việt Nam bắt giam trái phép tại các
trại cải tạo hàng trăm ngàn trí thức văn nghệ sĩ, quân nhân, công chức và cán bộ
Việt Nam Cộng Hòa, Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ
ngụy biện rằng: “Những phần tử ngụy quân ngụy quyền này đáng lẽ đã bị thanh toán đồng loạt. Tuy nhiên do chính
sách khoan hồng của Đảng và Chính Phủ, chúng tôi chỉ tập trung họ trong các trại
cải tạo để giáo dục họ về đường lối chính sách quốc gia thay vì phải thẳng tay
trừng trị”.
Để phản bác luận điệu ngoan cố này, Luật Sư Nguyễn Hữu Thống tuyên đọc bản Thông Điệp Ngày Quốc Hận 1980 để cảnh
giác Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ, về một số
nguyên tắc pháp lý căn bản được
coi là nền tảng tổ chức và sinh hoạt tại các quốc gia văn minh trên thế giới. Đó
là quyền của người dân được suy đoán là vô tội, quyền không bị tra tấn hành hạ,
quyền được tỵ nạn chính trị và quyền tự do xuất ngoại.
Theo Điều 11 Tuyên Ngôn
Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, mọi người đều được quyền suy đoán vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong
một phiên xử công khai tại tòa án với đầy đủ bảo đảm cho quyền biện hộ. Không
ai có thể bị giam giữ và lưu đầy về một tội hình sự do những điều đã làm, nếu
những điều này không cấu thành tội hình sự
chiếu luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế như Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền
và Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị. Đã từng hành nghề, Luật
Sư Nguyễn Hữu Thọ chưa thể quên nguyên tắc suy đoán vô tội của người dân. Quyền
này phải được áp dụng cho hàng trăm ngàn quân-cán-chánh và trí thức văn nghệ sĩ
Việt Nam Cộng Hòa. Những người này không phạm tội hình sự nào. Họ chỉ tự vệ chính đáng khi thi hành nghĩa vụ công
dân để bảo vệ đất nước và chế độ Cộng Hòa Dân Chủ chống chiến tranh xâm lược do
phe Quốc Tế Cộng Sản phát động qua Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngày nay, vì địa vị và
không tưởng nên lãng quên nguyên tắc này, Luật Sư Thọ là kẻ lầm đường lạc lối
đã phản bội lời tuyên thệ khi gia nhập Luật Sư Đoàn Saigon, cam kết thượng tôn
Luât Pháp, bảo vệ Công Lý và Nhân Quyền.
Chiếu Điều 5 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, mọi người đều có quyền tự do thân thể và an ninh thân thể nên
không thể bị tra tấn hành hạ. Giữa thập niên 1860, khi cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ kết
thúc, những người thắng trận Miền Bắc đã không bắt giam, hành hạ, nhục mạ hay
tước đoạt tự do, tài sản của đồng bào thất trận Miền Nam.
Chiếu các Điều 14 và 13 Tuyên Ngôn Quốc Tế
Nhân Quyền: “Khi bị đe dọa đàn áp, về chính trị, người dân có quyền tìm nơi tỵ
nạn, và được hưởng quyền tỵ nạn tại các quốc gia khác”. “Ai cũng có quyền tự do
đi lại và tự do cư trú và quyền xuất ngoại và hồi hương”. Ngày nay Chính Phủ Hà
Nội đã tước đoạt quyền tự do xuất ngoại của hàng trăm ngàn thuyền nhân vượt biển đã phủ nhận cái sống để cầm cái chết ra đi. Hơn
nữa hàng chục ngàn tù cải tạo có thân nhân tại hải ngoại, đã hoàn tất thủ tục
đoàn tụ gia đình, nhưng hồ sơ của họ vẫn bị Nhà Nước ếm nhẹm hay bác bỏ vô cớ.
Vì
vậy Hội Luật Gia Việt Nam tại California bằng Thông Điệp này, long trọng cảnh
giác Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam về các nguyên tắc pháp lý và đạo lý nêu trên. Đồng thời khuyến cáo Luật Sư
Nguyễn Hữu Thọ hãy dùng thẩm quyền, nếu có, của mình để:
1. Tôn trọng Quyền Sống,
Quyền Tự Do Thân Thể và An Ninh Thân Thể của người dân bằng cách Phóng Thích Tất Cả Các Tù Nhân Chính Trị
.
2. Tôn trọng Quyền Tỵ Nạn Chính Trị và Quyền Tự Do Xuất Ngoại để các tù nhân chính trị được đoàn tụ với các thân nhân tại quốc ngoại qua Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự.
Cựu Kim Sơn ngày Chủ Nhật
27 tháng 4, 1980
Hội Luật Gia Việt Nam tại
California
Bản Thông Điệp Ngày Quốc
Hận1980 đã được thông tri cho các chính giới Hoa Kỳ và các đài truyền thanh quốc
tế như BBC. Bốn năm sau Bản Thông Điệp Ngày
Quốc Hận 1980 của Hội Luật Gia, năm 1984 Tổng Thống Reagan cũng tố cáo Chính Phủ
Hà Nội đã bắt giam độc đoán các tù nhân chính trị Việt Nam, đồng thời yêu cầu Hà
Nội phóng thích tất cả các tù cải tạo còn bị giam giữ để họ được xuất cảnh và tái
định cư tại Hoa Kỳ.
Ngày 30-7-1989, tại Hà Nội, Hoa Kỳ và Việt Nam ký Hiệp Ước để
cho phép các cựu tù nhân chính trị lập thủ tục nhập cảnh Hoa Kỳ trong Chiến Dịch
Nhân Đạo HO (Humanitarian Operation).
VỪA ĐÁNH VỪA
ĐÀM.
Cộng Sản đánh trí thức văn nghệ sĩ và quân cán chánh Việt
Nam Cộng Hòa và đã giam giữ độc đoán hàng trăm ngàn người tại các trại cải
tạo. Cộng Sản đánh tư sản trong chính
sách “cải tạo công thương nghiệp” để
tịch thâu các cơ sở kinh doanh thương mại và các xí nghiệp công kỹ nghệ của người
dân thành phố.
Cộng Sản đánh nông dân trong chính sách “hợp tác hóa nông nghiệp” để tước đoạt ruộng đất của tư nhân và đầy ải người
dân trong các nông trường tập thể mệnh danh là “vùng kinh tế mới”.
Song song với chiến dịch
đánh chiếm, Cộng Sản phát động chiến dịch hòa đàm để yêu sách và đòi hỏi. Chính
Phủ Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Hà Nội và trả Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa 3.3 tỉ mỹ kim để tái thiết hậu chiến chiếu Hiệp Định Paris 1973. Đòi thiết lập bang giao để xin Hoa Kỳ thừa nhận chính phủ Cộng Sản. Yêu
sách này đi trái truyền thống đạo lý và Chủ Thuyết Stimson theo đó Hoa Kỳ không
thừa nhận các quốc gia thiết lập bằng
xâm lăng võ trang.
Năm 1931 khi Nhật Bản
dùng võ lực đưa Phổ Nghi lên làm vua tại cái gọi là “Mãn Châu Quốc”, Hoa Kỳ
không thừa nhận Mãn Châu và Chính Quyền Phổ Nghi.
Về pháp lý, chiếu Điều 15 Hiệp Định Paris 1973 “sự thống nhất
nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở thương
nghị và thỏa hiệp giữa Miền Bắc và Miền Nam, không bên nào cưỡng ép bên nào, không
bên nào thôn tính bên nào, thời gian thống nhất sẽ do hai Miền Nam Bắc Việt Nam
đồng thỏa thuận”(theo nguyên tắc nhất trí). Theo giới am hiểu, Tổng Thống Nixon hứa sẽ viện
trợ tái thiết Nam Việt 1 tỉ, Bắc Việt 1 tỉ và Miên, Lào mỗi nước 500 triệu mỹ
kim, tổng cộng 3 tỉ mỹ kim. Dầu sao lời cam kết tái thiết 3 tỉ mỹ kim nếu có
cũng không được qui định thành văn trong Hiệp Định Paris 1973. Do đó Hoa Kỳ
không có nghĩa vụ pháp lý phải thi hành
một lời hứa bên lề hội nghị. Trong mọi trường hợp, vì Bắc Việt đã vi phạm thô bạo
Điều 15 Hiệp Định Paris bằng xâm chiếm võ trang, nên họ không có quyền đòi Hoa
Kỳ phải tái thiết hậu chiến riêng cho Bắc
Việt là kẻ đã xé bỏ Hiệp Định Paris hai năm sau khi Hiệp Định còn chưa ráo
mực chiếu nguyên tắc “Nghĩa Vụ Đồng Bất Thi Hành” (Exceptio
Non Adimpleti Contractus).
TỪ ODP ĐẾN H.O.
Với sự tháo chạy của đồng
minh tại Việt Nam, năm 1975, phong trào vượt biển bỏ nước ra đi đã diễn ra kinh
hoàng và thê thảm trong một phần tư thế kỷ.
Theo cuốn Wikipedia số
tháng 4-2011, từ cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 2000, tổng số các “thuyền nhân vượt biển” (boat
people) là 2 triệu người trong đó hơn 500 ngàn người đã bỏ xác dưới đại dương.
Về mặt trách nhiệm Việt
Cộng là chánh phạm. Hoa Kỳ cũng có mặc cảm phạm tội vì đã rũ áo ra đi sau khi lôi
kéo Việt-Miên-Lào vào Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai. Nhân loại văn minh vô
cùng xúc động về những thảm họa chết chóc
của hàng chục triệu con người tại Đông Nam Á.
Vấn đề thuyền nhân vượt
biển là một vấn đề quốc tế đòi hỏi một giải pháp quốc tế. Do đó, ngày 30-5-1979,
Hà Nội đã ký với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc Bản Cương Lĩnh Thỏa Ước về Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (Memorandum
of Understanding of an Orderly Departure Program).
Và, ngày 20-7-1979, với sự tham dự của 46 quốc gia hội viên Liên Hiệp
Quốc (trong đó có Việt Nam), Cao Ủy Tỵ Nạn
Liên Hiệp Quốc thiết lập Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (ODP: Orderly
Departure Program).
Theo phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hơn
160 ngàn người Việt Nam sẽ có cơ hội được xuất cảnh mà không phải lủi trốn ra
đi để chịu biết bao khổ ải với bão tố, hải tặc và kình ngư.
Mặc dầu vậy đến năm 1989,
nghĩa là sau một thập niên, chỉ có khoảng 75 ngàn người đi theo diện ODP. Và trong thời gian này
vẫn có hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ nước ra đi trên những con thuyền cũ kỹ chở
quá tải. Có tàu chở tới 400 thuyền nhân vượt biển trong cuộc hành trình vượt
240 cây số về phía Đông để tới đường thủy đạo của các thương thuyền quốc tế. Như
vậy Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự thiết
lập năm 1979 đã không hoàn thành nhiệm vụ.
Mưởi năm sau, ngày 30-7-1989 Hà Nội ký Thỏa Ước với Hoa Kỳ
để thúc đẩy và phát triển Chương
Trình Ra Đi Có Trật Tự (ODP) bằng Chiến Dịch Nhân Đạo (HO:
Humanitarian Operation). Cho các cựu tù cải tạo và gia đình được xuất cảnh và tái định
cư tại Hoa Kỳ theo lời yêu cầu của Tổng Thống Reagan năm 1984.
Những Con
Số Thống Kê
Sau đây là tóm lược một vài
con số thống kê về Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (ODP), và Chiến Dịch Nhân Đạo
(HO). Tài liệu tham chiếu là các bản phúc trình của Phó Ngoại Trưởng Lawrence
Eagleburger và Phụ Tá Phó Ngoại Trưởng Robert Funseth hồi tháng 6 và tháng 11-1989
khi Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (ODP), và Chiến Dịch Nhân Đạo
(HO) đã được thông qua.
Ngoài ra còn có những phúc trình của Bộ Ngoại
Giao, và của các chuyên viên và giám đốc
ODP Hoa Kỳ (US ODP) tại Bangkok, Đà Lạt và
Hà Nội. Trong phạm vi ngoài chính quyền còn có rất nhiều bản tin như của
Wikipedia, của các cơ quan báo chí và trường đại học Nam Cali như Los Angeles
Times và San Diego University:
-
Tháng
6-1989 Robert Funseth cho biết năm 1979 khi Chương Trình ODP được ban hành, có 30 quốc
gia nhận tiếp đón những người tỵ nạn Đông Dương. Và sẽ có hơn 160 ngàn người Việt Nam được xuất cảnh hợp pháp theo sự ước tính
của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc.
-
Tháng
6-1989 Lawrence Eagleburger cho biết từ 1975 đến tháng 6-1989 có trên 1 triệu 500 ngàn người tỵ nạn Đông Dương đã được định cư tại các quốc gia đệ tam,
trong đó hơn 900 ngàn người được nhận
là cư dân Hoa Kỳ.
-
Theo
Robert Funseth, năm 1985 có 7,000 tù cải
tạo còn bị giam giữ. Đến năm 1989 số
tù cải tạo giảm còn 200 người.
-
Vẫn
theo Robert Funseth, từ 1975 đến 1989 (trong 14 năm) chỉ có 3000 người (gồm 600 tù cải tạo và 2400 thân nhân) được nhập cảnh Hoa Kỳ.
-
Theo
Los Angeles Times, tính đến năm 1990 số người tỵ nạn Việt Nam ra khỏi nước
là 850,000 người, trong đó 800,000 người
được định cư tại Hoa Kỳ.
-
Năm 1991 con số này lên tới hơn
một triệu người theo văn khố của Đại Học San Diego.
-
Theo
US ODP, năm 1992 là năm tích cực nhất với 220,000 người được xuất cảnh và tái định cư tại Hoa Kỳ, trong đó có 56,000 tù nhân chính trị.
-
Từ
năm 1979 đến năm 1993 (trong 14 năm) có 67,400 người được xuất cảnh
và tái định cư tại Hoa Kỳ, trong đó
có 10,100 tù cải tạo nội trong năm 1993.
-
Theo
US ODP, đến tháng 6-1994 có 97,240 tù cải tạo đã được xuất cảnh và
tái định cư tại Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có 80
ngàn tù cải tạo đang chờ được phái bộ
Hoa Kỳ phỏng vấn.
-
Trong
bản Phúc Trình gởi Quốc Hội, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết dến tháng 8-1997
(sau 18 năm ban hành Chương Trình ODP 1979) có nửa triệu người Việt Nam, kể cả các tù nhân chính trị, đã được xuất cảnh
và tái định cư tại Hoa Kỳ.
-
Theo
tài liệu của Đại Học San Diego thì đến năm 1997, tổng số những người Việt
Nam bỏ nước ra đi là hai triệu ba trăm
ngàn.
-
Theo Wikipedia tổng số tù cải tạo bị giam giữ là khoảng 1 triệu người, trong đó 165,000 người
đã tử tiết.
Và tổng số thuyền nhân vượt biển là 2 triệu người,
trong đó 500,000 người đã tử vong.
Theo
Robert Funseth kể từ 1979 là năm thiết lập Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (ODP),
trong hai năm kế tiếp 1980-1981 chỉ có 2,220
người xuất cảnh. Đến năm 1985 con số lên tới 13,371 người, ngang
với số thuyền nhân vượt biển.
Tuy nhiên trong 3 năm
sau, từ 1986 đến 1989, Hà Nội kiếm cớ đình chỉ hiệp thương, không phỏng vấn và
cũng không cấp chiếu khán xuất cảnh cho tù cải tạo.
Mãi đến tháng 7-1989 khi ký Hiệp Ước Việt-Mỹ thiết
lập Chiến Dịch Nhân Đạo H.O. Hà Nội mới hợp tác. Lúc này có 18,000 tù cải tạo (bị giam giữ từ 5 năm
trở lên) được tái định cư tại Hoa Kỳ cùng thân nhân với tổng số là 72,000 người. Tính trung bình mỗi gia đình tù cải tạo có
4 người: 2 vợ chồng và 2 người con (lý tưởng là 1 trai, 1 gái).
VINH DANH
TÙ CẢI TẠO.
“Trong những cuộc thương
thảo sơ khởi, vì hai bên không hy vọng đạt được một giải pháp chính trị toàn bộ,
nên tất cả những quyết nghị tiên khởi dẫn
đến việc ký kết Thỏa Ước đều thuộc phạm vi Chiến Dịch Nhân Đạo (H.O). Từ đó,
danh xưng H.O. được Cộng Đồng Việt Mỹ sử dụng để chỉ những cựu tù nhân chính trị
Việt Nam hiện sinh sống tại Hoa Kỳ.
Đối với tôi, danh xưng H.O. biểu tượng cho lòng dũng cảm,
tinh thần phục vụ và hy sinh. Thực sự, tất
cả những H.O. đều là những anh hùng trong thời đại chúng ta”.
(Trích văn thư của Tướng
John W. Vessey ngày 10-6-1997 gửi Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam tại
Minnesota)
VINH DANH
QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA
Tháng tư 1973, Quân Lực Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi
Việt Nam. Tháng tư 1975, Quân Đội Bắc Việt xâm chiếm Miền Nam Việt Nam bằng võ
lực. Mặc dầu vậy, Tướng William Westmoreland Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt
Nam đã nhận định như sau: “Chúng ta (Hoa Kỳ) không thất trận tại Việt
Nam. Nhưng chúng ta đã không giữ lới cam kết với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Thay mặt Quân Lực Hoa Kỳ, tôi xin tạ lỗi với các bạn cựu chiến binh Quân Lực
Miền Nam Việt Nam vì chúng tôi đã bỏ rơi các bạn”
(On behalf of the United
States Armed Forces, I would like to apologize to the veterans of the South
Vietnamese Armed Forces for abandoning you guys)...
Trong cuốn “No More Vietnams” Tổng Thống Richard Nixon quan niệm rằng: “Từ tháng 2-1968 (Tết Mậu Thân) đến tháng
10-1972 (sau Mùa Hè Đỏ Lửa), Bắc Việt đã thực sự thua trận, nhưng họ làm ra vẻ thắng trận, trong
khi Việt Nam Cộng Hòa đã thực
sự thắng trận...
“Hoa Kỳ đã phản bội Đồng Minh và đã thất bại
trong việc thực thi những điều cam kết bảo vệ Độc Lập Tự Do của Việt Nam Cộng
Hòa. Đây là sự phản bội và thất bại
không tiền khoáng hậu trong Lịch Sử Hoa Kỳ”.
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
(Thuyền nhân vượt biển trưa ngày 30 tháng tư 1975.
Từ đó đến nay vẫn
chưa có dịp về thăm quê hương)
Tháng 6-2011
|
No comments:
Post a Comment