Tờ South China Morning Post hôm 06/08 đăng tải bài viết của ký giả Greg Torode của tờ này, bình luận về chuyển hướng trong quan hệ giữa Asean và Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông.
Tác giả Torode nhận xét các cuộc họp gần đây nhất của khối Asean tại Hà Nội đang báo hiệu một loạt thay đổi về mặt chiến lược diễn ra đối với Bắc Kinh.
Theo đó, dường như có sự thống nhất hành động khi mà Hoa Kỳ tại diễn đàn ở khu vực hồi tháng Bảy lên tiếng cứng rắn về quyền lợi, quan tâm và nguyên tắc của mình ở Biển Đông, trong khi các nước ASEAN có vẻ đã tìm ra được những cách thức mới để ứng phó với Trung Quốc.
Những nỗ lực kín đáo lâu nay của TQ nhằm giữ cho chủ đề Biển Đông không được đưa vào chương trình nghị sự có thể sẽ trở nên vô vọng
Greg Torode
"Không ai tiên đoán được các cuộc họp lần này lại quan trọng như thế nào với việc xác lập lại tầm nhìn ở khu vực," một nhà cựu ngoại giao Asean được tác giả bài báo, trích thuật nói.
"Mọi người đang chờ xem Trung Quốc sẽ đáp trả ra sao sau khi 'tiêu hóa' xong những gì đã xảy ra và ít nhất trong vài tháng nữa câu chuyện sẽ rất thú vị," vẫn theo nhận định của nhà ngoại giao trong bài báo.
Tờ nhật báo bằng tiếng Anh này nhắc lại việc nhiều thành viên khối Asean có mặt trong số 12 quốc gia, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông ngay tại Diễn đàn khu vực ASEAN gồm 27 thành viên, diễn đàn chính thức duy nhất về an ninh ở Đông Á.
Tác giả nhận xét việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì bực tức, phản ánh một sự chuyển biến mạnh mẽ và sự khác biệt giữa các hội nghị lần này với những cuộc họp trước trong những năm gần đây.
Hội nghị bộ trưởng quốc phòng khối Asean được nhóm họp hồi đầu tháng Năm tại Hà Nội.
Trước đây, người ta từng chứng kiến "áp lực hậu trường của Bắc Kinh" nhằm ngăn cản các quốc gia thành viên Asean thiết lập thảo luận quan trọng chính thức về tranh chấp Biển Đông.
Bắc Kinh, như nhiều nhân vật nội bộ trong khối Asean cho biết, đã thành công trong phương pháp 'chia để trị', khi thắt chặt các mối quan hệ riêng rẽ với từng nước và rồi "hạn chế mong muốn hành động thống nhất với tư cách một khối" của họ trong đàm phán với cường quốc trên Biển Đông này.
Cảnh báo
Bài báo trên South China Morning Post còn lưu ý chi tiết Tổng thống Barack Obama sẽ chủ trì cuộc gặp với mười đối tác ASEAN và đưa nội dung này vào lịch trình mới được sửa đổi tại thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN sắp diễn ra vào tháng tới.
Khi đó vào tháng 10, các Bộ trưởng quốc phòng của tám cường quốc khu vực, bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, sẽ nhóm tại Hà Nội, theo sáng kiến của Việt Nam, để gặp gỡ các đối tác ASEAN của họ trong cuộc họp diễn ra lần đầu tiên thuộc loại hình này.
"Những nỗ lực kín đáo lâu nay của Trung Quốc nhằm giữ cho chủ đề Biển Đông không được đưa vào chương trình nghị sự, như vậy có thể sẽ trở nên vô vọng," bài viết nhận định. Ở Hà Nội, bà Hillary Clinton cho biết an ninh và giải pháp cho an ninh ở Biển Đông là 'quan tâm quốc gia' của Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Diễn đàn Asean vừa qua ở Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo gián tiếp nhắm vào Trung Quốc, theo đó bà cho biết, Hoa Kỳ nhìn nhận việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông là một "mối quan tâm quốc gia" của cường quốc này.
Vẫn theo bà ngoại trưởng, Washington sẽ dành chỗ cho một "ưu tiên ngoại giao" tạo ra những nỗ lực nhằm biến thỏa thuận không ràng buộc giữa Trung Quốc và Asean về Biển Đông thành một "thực thể có ý nghĩa hơn".
Bài viết còn ghi nhận hai bước đi của Washington, trong đó, Hoa Kỳ một mặt đạt được sự đồng thuận của Asean qua các cuộc họp gần đây, để cùng với Nga, đưa hội nghị thượng đỉnh thường niên Đông Á của khối này thành một diễn đàn rộng lớn hơn với sự có mặt của cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc bên cạnh Trung Quốc.
Mặt khác, như ở Hà Nội, Hoa Kỳ đề xuất mở rộng hợp tác với các thành viên Asean ở hạ vùng sông Mekong và sẽ cử ra một đặc sứ làm việc với nhóm này nhằm ký các thỏa thuận hợp tác chính thức, đồng thời thử mời Miến Điện, nước độc tài quân sự, tham dự một khuôn khổ mới, nhằm mở rộng chính sách ngoại giao Hoa Kỳ - ASEAN.
Trong thời gian nắm cương vị lãnh đạo khối, Hà Nội đã tạo ra những nước đi mở rộng hơn trong những tháng gần đây
Greg Torode
Ngoài ra, Nhật Bản, vẫn theo quan sát của bài báo, đang "lặng lẽ hun đúc sâu sắc mối quan hệ ngoại giao lâu năm nay của mình với Asean" trong cường quốc kinh tế Đông Bắc Á này cũng "gia tăng các quan ngại về tình hình Biển Đông".
Cây viết thời sự bình luận thêm về các động thái của Việt Nam đối ngoại với Bắc Kinh, thông qua các diễn đàn khu vực và các tiếp xúc song phương, đa phương với các cường quốc khác.
"Hà Nội đã và đang nhanh chóng thắt chặt các mối quan hệ với Washington và các cường quốc khác trong khu vực, kể cả Ấn Độ và Nga, trong khi cho thấy một năng lực mới về lãnh đạo ở khu vực mà chỉ một vài năm trước đây không ai có thể tưởng tượng được."
Theo Torode, Việt Nam "hiện đang được xem như một thành lũy đương đầu lại Trung Quốc" trong khối Asean, kèm theo đó là việc nước này 'hơn bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực, cảm thấy chủ quyền lãnh thổ đang bị đặt dưới sự đe dọa khi đồng thời cố gắng chống lại sự hiện diện ngày một gia tăng của hải quân Trung Quốc".
Nghi ngại
Ngoại trưởng TQ, Dương Khiết Trì được cho là đã 'gặp bất ngờ' trước thái độ mới của Mỹ và Asean về Biển Đông.
Bài báo cũng nhắc tới nguyên nhân khác làm Hà Nội lo ngại trước Bắc Kinh, mà nổi lên là việc nước láng giềng to lớn này được cho là "bắt giữ hàng trăm ngư phủ của Việt Nam" và "có nhiều động thái phản đối nhằm ngăn cản, hoặc gây sức ép" để các hãng dầu quốc tế phải cắt đứt các thỏa thuận hợp tác tìm kiếm dầu mỏ với Hà Nội.
"Trong thời gian nắm cương vị lãnh đạo nhóm theo nhiệm kỳ luân phiên..., Hà Nội đã có những nước đi mở rộng hơn trong những tháng gần đây."
Khép lại bài viết, tác giả nhận định :"Không bao lâu chức chủ tịch Asean sẽ được chuyển sang cho Indonesia - quốc gia lớn nhất ở Đông Nam Á, vốn đang thắt chặt ngày một mạnh mẽ hơn quan hệ với Hoa Kỳ."
Mặc dù những lời lẽ ngoại giao trong những năm qua, Trung Quốc hiện đang đối diện một mối quan hệ láng giềng hoàn toàn khác
Greg Torode
"Và mặc dù sức ép ngầm của Bắc Kinh, trong khi không là một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa, Indonesia luôn tỏ ra tích cực trong việc hỗ trợ các cuộc thảo luận ở khu vực."
"Tuy nhiên, các quan chức của nước này cũng đang lên tiếng gia tăng nghi ngờ về sự tăng trưởng của Trung Quốc và lo lắng về sự hiện diện sâu của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông."
Bài viết kết luận với nhận định xung quanh việc tháng trước Indonesia đã bày tỏ quan ngoại trước Liên Hiệp Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, liên quan tới nhiều nước trong khối Asean:
"Đây là một điều nhắc nhở rằng, mặc dù luôn có những lời lẽ mang tính ngoại giao trong những năm qua, Trung Quốc hiện đang đối diện với một mối quan hệ láng giềng hoàn toàn khác," bài báo của South China Morning Post viết.
No comments:
Post a Comment