Hạm trưởng Jeffrey Kim bắt tay sĩ quan Hải quân Việt Nam khi tàu Hoa Kỳ vào cảng Tiên Sa.
Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ vừa loan báo các hoạt động hợp tác với hải quân Việt Nam, kéo dài trong một tuần bắt đầu từ 08/08.
Các hoạt động dồn dập trong vùng Biển Đông, theo giới phân tích, chắc chắc sẽ gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.
Sự kiện mở đầu là việc một nhóm quan chức quốc phòng Việt Nam được ch̉ơ ra thăm hàng không mẫu hạm USS George Washington, đậu cách bờ biển Đà Nẵng chừng 200 hải lý, để chứng kiến hoạt động thao diễn của nhóm tàu tấn công đi kèm tàu sân bay này tại Biển Đông.
Đây là lần thứ hai các sỹ quan Việt Nam được chở ra thăm quan hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, lần trước vào tháng Tư năm ngoái.
Một thông cáo của Hạm đội 7 cho biết các hoạt động trao đổi hợp tác tiếp theo trong chương trình bao gồm "tập huấn phi tác chiến như kiểm soát thiệt hại, tìm kiếm cứu nạn, trao đổi kỹ năng..."
Khu trục hạm USS John S. McCain (DDG 56) theo chương trình đã cập cảng Đà Nẵng vào thứ Ba này 10/08, trong khi ba tàu thuộc nhóm tấn công của USS George Washington là USS Curtis Wilbur (DDG 54), USS Chung-Hoon (DDG 93), và USS McCampbell (DDG 85) vẫn còn neo đậu ngoài hải phận quốc tế cho tới hết thời gian diễn ra các sự kiện.
Tàu mang tên cha của Thượng nghị sỹ John McCain, USS John S. McCain mang theo thủy thủ đoàn 270 người, sẽ ở Việt Nam bốn ngày với các hoạt động truyền thống như thăm hỏi xã giao, thi đấu thể thao...
Báo chí quốc tế đăng hình Hạm trưởng Jeffrey Kim (người Mỹ gốc Hàn) bắt tay sĩ quan Hải quân Việt Nam khi tàu Hoa Kỳ vào cảng Tiên Sa.
Đáng ra một khu trục hạm khác, USS Avenger, cũng sẽ tới Đà Nẵng cùng lúc với tàu USS John S. McCain, nhưng đã hủy chuyến vì lý do "bận việc".
Quá trình hợp tác
Theo hải quân Hoa Kỳ, tàu chiến của nước này đã có nhiều chuyến thăm đến Việt Nam trong những năm gần đây, trong đó hai chuyến vào năm 2008, hai chuyến năm 2009.
Trong tháng 2 và 3 năm 2010, tàu tìm kiếm cứu hộ USNS Safeguard (T-ARS 50) và tàu USNS Richard E. Byrd (T-AKE 4) đã được sửa chữa tại xưởng đóng tàu Cam Ranh (cảng Hòn Khói, vịnh Vân Phong).
Khu trục hạm USS John S. McCain đã vào cảng Đà Nẵng
Các hoạt động dồn dập trong những ngày nay được bình luận là đánh dấu sự trở lại trong cam kết của Hoa Kỳ tại khu vực, và chiến lược đa phương hóa quan hệ quốc phòng và đối ngoại của Việt Nam.
Phát biểu với BBC từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy nói việc Hoa Kỳ "quay trở lại Biển Đông là quyết định đáng hoan nghênh".
Tuy nhiên, ông Dy cảnh báo Việt Nam "không nên xem thường thái độ của phái diều hâu ở Trung Quốc".
Thông thường, Hà Nội khá kín tiếng và tìm cách cân bằng trong quan hệ, nhất là với các nước có thể làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.
Nhưng những động thái gần đây cho thấy Việt Nam đã xích lại gần Mỹ một cách mạnh bạo.
Hãng thông tấn Pháp AFP dẫn lời giới học thuật cho rằng Việt Nam cuối cùng cũng đã quyết định đối diện với phản ứng của Trung Quốc, mà họ cho rằng chắc chắn sẽ được Bắc Kinh đưa ra.
Tháng trước, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ sẵn sàng tham gia tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông vì việc bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế tại khu vực là "quyền lợi quốc gia" của Mỹ; Trung Quốc đã tổ chức tập trận hải quân và không quân tại đây.
Lần này, khi chiến hạm Hoa Kỳ đậu sừng sững ngoài khơi Việt Nam trong nhiều ngày, chưa biết Trung Quốc sẽ có phản ứng thế nào.
============================================
=====================================================================
No comments:
Post a Comment