KHÔNG CÓ TRƯỜNG DẠY TRỞ THÀNH NHÀ VĂN - NHƯNG MUỐN LÀM NHÀ BÁO CHUYÊN NGHIỆP PHẢI ĐƯỢC HUẤN LUYỆN- ĐIỀU PHIỀN TOÁI CHO CỘNG ĐỒNG CHÚNG TA -CHƯA BIẾT CẦM BÚT ĐÃ LÀM CHỦ BÚT.
NGƯỜI CẦM BÚT VÀ...
ÐẠO ÐỨC NGHỀ LÀM BÁO
NGUYỄN CHÂU
tka23 post
Trong những ngày vừa qua, ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng từ Việt Nam sang trình diễn tại Mỹ, cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản đã biểu tình rầm rộ và đông đảo để bầy tỏ sự chống đối chiến dịch tuyên vận của cộng sản Việt Nam qua văn nghệ. Trong lúc đại bộ phận người Việt Tỵ Nạn không chấp nhận việc một ca sĩ bản thân là cán bộ cộng sản, lại có thái độ ngang ngược, thách thức cộng đồng tỵ nạn, thì có một số người làm báo, tự xưng là ký giả, đã tiếp tay cho ca sĩ này bằng cách tổ chức các cuộc họp báo để Ðàm Vĩnh Hưng có cơ hội tuyên truyền, thậm chí có người đã vượt đã khỏi chức năng nhà báo, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên đài BBC về việc Ðàm Vĩnh Hưng bị Lý Tống xịt hơi cay vào mặt, với một luận điệu đầy thiên kiến, có lợi cho cộng sản. Do đó, Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản đã họp, hội thảo và ra quyết định tẩy chay ba ký giả đã đi ngược lại nguyện vọng và quyền lợi của Cộng Đồng Tỵ Nạn.
Trong buổi hội thảo ngày 04-8-2010, sau khi thông qua Bản Lên Tiếng, ký giả Ðoàn Trọng đã lập tức bị mời ra khỏi phòng họp của Cộng Ðồng Người Việt Tỵ Nạn Nam California. Vì trước đó đã được mời bởi trưởng ban tổ chức, nên ông Ðoàn Trọng chưa chịu rời hội trường, chờ hỏi ý kiến ông Hội Trưởng Phan Kỳ Nhơn. Trước khi ông Phan Kỳ Nhơn trả lời là ký giả Ðoàn Trọng nên về, thì đã có một vài người lớn tiếng xua đuổi.
Chuyện “trục xuất ông Ðoàn Trọng ra khỏi phòng họp” đã trở thành đề tài đánh phá Ủy Ban Ðặc Nhiệm Chống Văn Hóa Vận.
Phía chống phá nhân danh quyền ký giả là “Đệ Tứ Quyền” không ai được phép đụng đến. Phía cộng đồng thì cho rằng những nhà báo không có lương tâm chức nghiệp, không có ý thức quốc gia, làm lợi cho cộng sản Việt Nam, thì không xứng đáng để được tôn trọng.
Vậy thì đâu là Lương Tâm của người cầm bút và đâu là Đạo Đức của nghề làm báo?
Tại sao ngành báo chí truyền thông được các quốc gia dân chủ tự do công nhận là “Đệ Tứ Quyền”? Những người được hưởng Ðệ Tứ Quyền này phải hành động như thế nào? Ðệ Tứ Quyền có tuyệt đối không?
Trên nguyên tắc, khi có quyền lợi thì luôn luôn phải có bổn phận và trách nhiệm, vậy bổn phận và trách nhiệm của ngành truyền thông gồm những gì?
A. - ÐỆ TỨ QUYỀN
Trong một nước theo thể chế Dân Chủ Tây Phương, chính phủ gồm có ba Ngành biệt lập: Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp, đó là “tam quyền”.
Báo chí là cơ quan thông tin cho quần chúng, công dân biết những biến cố quan trọng, những dự án, chính sách của chính phủ, của thế giới, và còn có chức năng theo dõi các hoạt động của chính phủ (journalistic function of acting as watchdog on government) đối với phúc lợi của đất nước và nguyện vọng của nhân dân. Vai trò xã hội của báo chí, truyền thông rất quan trọng trong một quốc gia dân chủ, cho nên nhiều nước Tây phương đã ban cho ngành báo chí một quyền tự do hiến định gọi là Đệ Tứ Quyền.
Hiến Pháp bảo vệ quyền tự do báo chí nhằm mục đích nâng cao phúc lợi của xã hội, chẳng hạn như sự đa dạng của các quan điểm và những phân tích toàn diện của các biến cố. Báo chí là “con mắt của công chúng” - (public eye) - cho nên có vai trò rất đặc biệt trong xã hội.
Ở các quốc gia Dân Chủ như Hoa Kỳ, Pháp, quyền của báo chí, truyền thông gần như tối thượng, nhưng không hoàn toàn tuyệt đối, bởi vì tối thượng hơn hết là quyền lợi và an ninh của Tổ Quốc, do đó, báo chí có bổn phận dừng lại ở giới hạn này.
B. - BỔN PHẬN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG
Một nhà báo chuyên nghiệp được đào tạo để viết về các vấn đề thế giới, các biến cố quốc gia, các sinh hoạt địa phương, viết về nhân dân và các xu hướng xã hội cũng như chính trị. Người viết báo đối diện với một số trách nhiệm rất lớn lao khi trình bầy hoặc tường thuật các sự kiện hoặc biến cố cho quần chúng. Do đó, các nhà báo chuyên nghiệp phải tuân theo một số tiêu chuẩn về đạo đức khi làm việc trong truyền thông đại chúng như phát thanh, truyền hình, viết nhật báo, tạp chí và Internet.
1. Bổn phận và đạo đức tổng quát: giống như mọi công dân khác, những người viết báo phải tuân thủ những phạm trù đạo đức chung như tôn trọng sự thật, giữ lời hứa, tránh làm tổn hại người khác và phục vụ phúc lợi chung.
2. Vai trò Xã Hội của Báo Chí: giống như tất cả các ngành nghề khác, những người viết báo dùng năng khiếu của mình để làm tròn vai trò xã hội của mình và đáp ứng những ước vọng của quần chúng. Ðôi khi vai trò này được hiểu như là có một khế ước không thành văn giữa báo chí và xã hội, đó là công tác tường trình các sự việc một cách trung thực để quần chúng nhận định (we report, you decide)
3. Tác Động và Ảnh Hưởng của Báo Chí: dù cho ngành báo chí có thiếu sót vai trò đặc biệt đối với xã hội, thì các nhà báo cũng sẽ gánh chịu một số trách nhiệm do sự tác động của họ trên những cá nhân và các đoàn thể mà họ nói đến hoặc tường thuật, do ảnh hưởng trên xã hội mà họ đang sống và phục vụ. Bởi vì các bài báo thường tác động đến tâm tư, tình cảm của con người trong xã hội, trong quốc gia, chi phối dư luận quần chúng.
Chính vì tác động và ảnh hưởng lớn lao của báo chí, truyền thông trên dư luận quần chúng, cho nên Ðạo Ðức Của Người Viết Báo đại thể phân ra hai quy mô:
1. Quy mô nhỏ: đó là cá nhân nhà báo nên làm những gì trong một hoàn cảnh hoặc tình huống đặc biệt, hoặc trước những vấn đề chung quanh một loại biến cố chuyên biệt. Các vấn đề vi tế này bao gồm hành động dùng một máy quay phim lén lút trong một tình huống đặc biệt, hoặc không chứng kiến mà vẫn viết theo ý của người khác, đó là đạo văn (ăn cắp văn - plagiarism).
2. Quy mô lớn: đó là, một cách chung, giới truyền thông nên làm gì với vai trò đã được giao phó trong xã hội. Các vấn đề thuộc quy mô lớn này bao gồm sự đa dạng của nội dung truyền thông cùng quyền sở hữu và sự tự do báo chí.
Qua hai quy mô trên đây, người ta đã thảo luận và thâu thập các ý kiến để đúc kết thành một “khuôn mẫu đạo đức truyền thống” (traditional ethical model) cho ngành báo chí tại Bắc Mỹ, khuôn mẫu này đã có xuất hiện nền báo chí tân tiến với những nhà báo chuyên nghiệp vào thập niên 1800.
Khuôn mẫu đạo đức truyền thống quy định một số chức năng chính của báo chí như sau:
- Ðưa tin cho quần chúng biết về những biến cố quan trọng miễn là phải tự chủ, tức là sử dụng các phương pháp tương ứng và hữu hiệu để thu lượm tin tức vì lợi ích của một công dân tự trị.
- Hành động như một giám sát viên đối với các vụ lạm dụng quyền lực trong cả hai lãnh vực công và tư.
- Tạo ra những diễn dàn mở rộng cho việc thảo luận, phê bình các vấn đề chính trị, xã hội, các quan điểm, các giá trị và phát biểu ý kiến cá nhân.
Căn cứ vào quy tắc đạo đức của Hội Các Nhà Báo Chuyên Nghiệp (Code of the Society of Professional Journalists viết tắt CSPJ) thì nhà báo phải tuân giữ hai nguyên tắc hành động sau đây:
1 - Các Nguyên Tắc Năng Động (Pro-active principles): đây là những tiêu chuẩn chỉ đạo cho các nhà báo (hoặc truyền thông đại chúng) hăng hái tìm sự thật, điều tra nguyên cớ trong tư thế độc lập. Nhà báo chân chính có bổn phận theo dõi và điều tra những sự thật quan trọng trong phạm vi hạn chế của nhật báo. Tiêu chuẩn nằm dưới nguyên tắc này bao gồm: sự chính xác, cân bằng và đa dạng (accuracy, balance and diversity), sự toàn vẹn và đúng bối cảnh, cân đối, công bằng và khách quan.
Nhà báo phải hành động độc lập, tìm kiếm và tường trình sự thật không sợ hãi hay thiên vị. Nhà báo phục vụ công chúng như một toàn khối, không bè phái hoặc theo đặc quyền đặc lợi. Theo nguyên tắc này, nhà báo có bổn phận tránh sự xung đột quyền lợi, phải giữ tư thế độc lập đối với mọi cơ chế khác và từ khước những ân huệ đặc biệt, có can đảm phê phán cường quyền.
2 - Các Nguyên Tắc Hạn Chế (Restraining principles): đây là các tiêu chuẩn chỉ đạo nhà báo trong việc hành xử quyền tự do báo chí này một cách có trách nhiệm bằng cách tránh những tổn hại tinh thần không cần thiết và luôn có ý thức trách nhiệm về việc làm của mình. Trong khi đi tìm sự thật, một cách độc lập, nhà báo nên tránh việc tạo ra những tổn thương không vô ích cho các đối tượng và các nguồn của những sự việc xẩy ra, chẳng hạn như trẻ em và các nạn nhân của bạo hành hay thảm kịch. Dĩ nhiên là rất khó tránh việc gây ra một vài tổn thương khi làm nhiệm vụ truyền thông, nhưng nhà báo chuyên nghiệp có bổn phận giảm thiểu sự tổn thương, chẳng hạn như không xâm phạm đến đời tư của một người nào đó một cách vô cớ. Nhà báo phải có ý thức trách nhiệm, tức là có bổn phận phải giải thích và biện minh cho các hành động của mình cũng như các bài tường thuật đã viết, nhất là khi các bài tường thuật gây tranh luận, hoặc có ảnh hưởng tiêu cực trên các cá nhân hoặc các đoàn thể.
Trong các quốc gia Dân Chủ Pháp Trị, quyền lợi, bổn phận và trách nhiệm luôn luôn song hành với nhau. Ngành báo chí truyền thông có quyền tự do rộng rãi, nên trách nhiệm và đạo đức cũng rất lớn lao. Thế nhưng trong xã hội người Việt nói chung và cộng đồng tỵ nạn nói riêng, đã có sự nhập nhằng giữa người cầm bút, nhà văn, nhà báo.
Có thể nói đại đa số những nhà văn, nhà báo Việt Nam đều tự học, học lóm hoặc nghề dạy nghề, do đó báo giới của cộng đồng tỵ nạn mới “loạn xà ngầu”. Nhiều người mang thẻ nhà báo mà thiếu kiến thức, non kém về nghiệp vụ, lại không có lương tâm, đã lợi dụng chức năng phóng viên đi “hăm dọa tống tiền”, hoặc dọa dẫm bêu xấu người khác trên báo để đạt mục đích đen tối. Nhiều người làm báo tự cho là mình có quyền đứng trên kẻ khác, tự phong là “nhà báo lớn”, rồi tự cho mình các quyền múa bút một cách bừa bãi, làm cho xã hội rối tung lên.
Do đó, đã đến lúc, Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản phải có nhận định rõ ràng để phân biệt người cầm bút và nhà văn, nhà báo đích thực.
Không phải tất cả những người cầm bút đều là nhà văn, nhà báo đích thực, chính danh. Cũng như không phải bất cứ người cầm súng nào cũng là chiến sĩ. Chiến sĩ là người cầm súng để bảo vệ quê hương, giữ yên bờ cõi, đem lại an bình cho cuộc sống người dân.
Cầm bút viết bậy cũng như cầm súng bắn bậy, rất tai hại cho xã hội. Nhất là khi người cầm bút nhận làm công cụ cho những thế lực xấu xa để kiếm tiền, thì tai họa sẽ rất lớn đối với cộng đồng. Cầm bút để làm điều sai trái, tấn công, mạ lỵ cá nhân, tuyên truyền cho cộng sản trong cộng đồng tỵ nạn, không thể gọi là nhà văn, nhà báo được, bởi vì những kẻ cầm bút loại này giống hệt như bọn cầm súng đi ăn cướp, đi hiếp dâm, đi giết người mà thôi. Cần phải loại trừ ngay khỏi báo giới loại người cầm bút này, cần phải vạch mặt chỉ tên để công chúng biết mà lánh xa.
Người cầm bút chân chính luôn luôn có tấm lòng đối với con người và có đạo đức. Trên nguyên tắc, mọi nhà văn đều có nhiệm vụ “chở đạo đức vào đời”, có bổn phận làm cho điều thiện nẩy nở, điều ác tàn rụi, sự thật được xiển dương và vẻ đẹp được thăng hoa.
Làm người-ở đời, cái quan trọng nhất phải có đó là Lương Tâm hay Ý Thức Ðạo Ðức. Người viết văn, làm báo mà không có lương tâm, thiếu đạo đức, thì sẽ di hại nhiều thế hệ, chứ không chỉ trong hiện tại.
Do đó, nhu cầu thanh lọc hàng ngũ báo chí trong Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại hải ngoại là một việc đáng lẽ phải làm từ lâu. Bây giờ mới làm thì đã muộn. Nhưng muộn còn hơn không bao giờ làm! “Mieux vaut tard que jamais!” - “Better late than never!”
NGUYỄN CHÂU
No comments:
Post a Comment