Trung Điền
Quan hệ giữa Cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những biến chuyển khá dồn dập sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, công khai ủng hộ vấn đề giải quyết các tranh chấp Biển Đông trên phạm vi quốc tế và gián tiếp chỉ trích Trung Quốc đã có những thái độ bá quyền trên vùng biển này tại hội nghị Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF) hôm 23 tháng 7 vừa qua tại Hà Nội. Hai tuần sau, ngày 8 tháng 8, Hàng Không Mẫu Hạm USS George Washington, sau khi tham dự cuộc tập trận với quân đội Nam Hàn tại biển Hoàng Hải, đã đến Việt Nam đậu cách bờ biển Đà Nẵng 200 hải lý và đã mời khoảng 20 sĩ quan quân khu 5 cùng một số ký giả Việt Nam lên tham quan về các hoạt động của Hàng Không Mẫu Hạm trên Biển Đông.
Khu trục hạm USS John S. McCain thuộc Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ.
Hai ngày sau đó, ngày 10 tháng 8, Khu trục hạm USS John S. McCain thuộc Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ đã cập vào cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Theo thông báo của tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam thì Khu trục hạm John S. McCain do hải quân trung tá Jeffrey Kim chỉ huy gồm trên 300 sĩ quan và thủy thủ, lần đầu tiên đến thăm Đà Nẵng. Những cuộc thăm viếng giữa hải quân Hoa Kỳ với hải quân Cộng sản Việt Nam không phải là điều mới lạ. Năm 2008 đã có hai chiến hạm Hoa Kỳ cập bến Cam Ranh và Sài Gòn. Năm 2009, thì lần đầu tiên một số sĩ quan hải quân ra thăm Hàng Không Mẫu Hạm USS John Stennis đậu ngoài khơi Đà Nẵng và Soái hạm của đô đốc chỉ huy hạm đội 7 USS Blue Ridge và Khu trục hạm USS Lassen do hạm trưởng người Mỹ gốc Việt Trung tá Lê Bá Hùng chỉ huy đến thăm Đà Nẵng. Tuy nhiên thời gian thăm viếng của các chiến hạm cách xa nhau và không ồn ào như lần này:
Thứ nhất, Cộng sản Việt Nam đã cố tình cho thổi lớn những tin tức liên quan đến các chiến hạm của Hoa kỳ ghé Đà Nẵng trên các báo chí tại Việt Nam. Việc đưa một số ký giả tháp tùng với nhóm sĩ quan viếng thăm Hàng Không Mẫu Hạm USS George Washington không chỉ nhằm vào mục tiêu thông tin mà còn gián tiếp cho dư luận nhìn thấy theo kiểu “hư hư, thực thực” rằng mối quan hệ giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn đang có những chỉ dấu hợp tác tích cực sau Hội Nghị ARF.
Thứ hai, trong bốn ngày lưu lại Đà Nẵng, thủy thủ đoàn của Khu trục hạm USS John S. McCain có khá nhiều chương trình trao đổi với phía hải quân Cộng sản Việt Nam về một số công tác phi tác chiến như tìm kiếm, cứu nạn trên biển, trao đổi kinh nghiệm, huấn luyện chuyên môn cho 50 sĩ quan hải quân Việt Nam và một số công tác xã hội khác. Cộng sản Việt Nam đã cho phổ biến những hoạt động này như một sự chuẩn bị nhằm “bình thường hóa” sự hợp tác với hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đông nếu xảy ra những cuộc đụng độ với Trung Quốc.
Những động thái của Cộng sản Việt Nam nói trên phải nói là rất khác lạ so với thái độ e dè đối với Hoa Kỳ trước đây. Đặc biệt hơn nữa là ngay vào lúc tàu chiến Hoa Kỳ ghé thăm Đà Nẵng, Cộng sản Việt Nam lại cho phát ngôn nhân Bộ ngoại giao lên tiếng phủ nhận rằng giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn chưa có một thoả thuận nào về vấn đề hạt nhân, trong khi đó phía Hoa Kỳ cho biết là hai bên đã đàm phán và đồng ý trên nguyên tắc về các thỏa thuận từ cuối năm 2009.
Nhiều dư luận cho rằng sở dĩ Hà Nội lên tiếng phủ nhận các thỏa thuận về hạt nhân với Hoa Kỳ là vì sợ Trung Quốc bực mình khi thấy Cộng sản Việt Nam đi quá gần với Mỹ. Giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký hợp tác về hạt nhân vào năm 2000 và nhất là tập đoàn năng lượng hạt nhân Quảng Đông của Trung Quốc đã trúng thầu trong dự án xây nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Sự thật không hẳn chỉ là vì Hà Nội lo sợ làm mích lòng Bắc Kinh. Nếu theo dõi tình hình Việt Nam trong vòng hơn một năm qua, người ta sẽ hiểu lý do tại sao Cộng sản Việt Nam đã có những động thái bất thường như vậy, nhất là vào lúc này.
Vấn đề quốc tế hoá Biển Đông không phải mới có gần đây mà đã là thỏa thuận chung giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN vào năm 2002 qua một Hiệp định. Thế nhưng Trung Quốc không bao giờ tôn trọng vì coi thường khả năng của các quốc gia có liên hệ đến những tranh chấp tại Biển Đông. Từ năm 2009, khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng lệnh cấm đánh cá từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 8 hàng năm bao gồm một diện tích 120 ngàn cây số vuông trên biển Đông, với việc truy bức tàu đánh cá và ngư phủ của các nước Mã Lai, Phi Luật Tân, Việt Nam... thì sự việc đã trở thành vấn đề lớn cho Cộng sản Việt Nam: bảo vệ dân và chủ quyền quốc gia hay duy trì tình hữu nghị với quân xâm lược phương Bắc.
Lựa chọn của lãnh đạo CSVN đã rõ ràng: hải quân Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Duơng được lệnh đối đầu với các tàu Ngư Chính của Trung Quốc trong khi hải quân Cộng sản Việt Nam thì bị cấm chống trả. Hàng trăm ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắt giữ đòi tiền chuộc, nhưng phía Hà Nội lại lên tiếng quá yếu. Thậm chí hàng chục chiếc tàu của ngư dân bị đâm chìm một cách bí mật trong khu vực Hoàng Sa, Trường Sa nhưng Hà Nội đã không dám tố cáo đó là tàu Trung Quốc mà gọi đó là những tàu lạ. Thái độ yếu hèn của lãnh đạo Hà Nội đối với Bắc Kinh đã tạo ra làn sóng bất mãn dữ dội - từ ngấm ngầm đến công khai - trong nội bộ đảng cũng như bên ngoài quần chúng.
Tháng 6 vừa qua, 38 sĩ quan và tướng về hưu đã viết thư gửi cho Bộ chính trị và ban bí thư đề cập về khả năng lãnh đạo yếu kém và thái độ yếu hèn đối với Trung Quốc của bốn người gồm Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa; lá thư đã được tán phát rộng rãi trong nội bộ đảng. Trước đó, từ cuối tháng 4, nhiều anh chị em thanh niên sinh viên đã dấy lên phong trào kẻ khẩu hiệu gồm 6 chữ HS.TS.VN (Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam) tại nhiều thành phố trên cả nước và hiện nay còn đang tiếp diễn ở nhiều nơi. Đó là chưa nói đến hàng ngàn bài viết chống các hành động bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đã được lưu truyền một cách rộng rãi trên mạng Internet. Những nỗ lực nói trên đang tạo một áp lực rất lớn lên lãnh đạo Hà Nội với một xu hướng chống Trung Quốc xuất hiện ngay chính trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.
Nếu Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam làm ngơ những chống đối nói trên, có thể sẽ dẫn đến những xung đột lớn trong đại hội đảng lần thứ XI sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2011, khi mà các phe quyền lực dùng chiêu bài chống Trung Quốc để hất cẳng lẫn nhau. Có lẽ không muốn đại hội đảng tái diễn những xung đột như đại hội IX vào năm 2001, chỉ trích nhau là “tay sai Trung Quốc” giữa Lê Khả Phiêu và Đỗ Mười – Lê Đức Anh, và nhất là lần này có thể sẽ nguy hiểm hơn khi vấn đề Biển Đông đang bùng nổ lớn, nên Cộng sản Việt Nam đã phải chọn thế gần Mỹ để giải quyết hai nhu cầu:
Một là qua những hợp tác với Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông sẽ phần nào làm an lòng những cán bộ đảng viên và một thành phần trong quân đội chống Trung Quốc tin rằng có Hoa Kỳ hỗ trợ nên không còn gay gắt với thành phần lãnh đạo hiện nay. Tức là núp sau cái dù “hợp tác trên Biển Đông” với Hoa Kỳ để giữ yên nội bộ, giảm bớt sóng gió trong việc tổ chức đại hội XI.
Hai là dùng sự hợp tác với Hoa Kỳ để qua đó làm giảm bớt những áp lực của Bắc Kinh lên trên hàng ngũ lãnh đạo vốn bị lệ thuộc quá nhiều từ năm 1990 khi hai phía nối lại quan hệ. Tức là Cộng sản Việt Nam muốn tạo hình ảnh “đu giây” giữa hai siêu cường chứ không nghiêng hẳn về phía nào như quá khứ.
Sở dĩ lãnh đạo Hà Nội phải chọn hướng đi nói trên vì sự tồn tại của đảng. Họ biết là nếu lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc thì có ngày sẽ bị bóp chết. Đây là một thực tế. Tuy nhiên, bản chất của Hà Nội là luôn luôn phải dựa vào một quan thầy. Họ đã chọn con đường dựa vào Trung Quốc từ năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã. Họ quá quen với chỗ dựa này tới độ mù quáng và ươn hèn, đồng thời cảm thấy yên tâm hơn với một kẻ thù cùng bản chất độc tài và phi nhân bản. Họ vẫn tiếp tục coi Bắc Kinh là đối tác quan trọng, còn việc tiếp cận Hoa Kỳ hiện nay chỉ là chiến thuật giai đoạn, nhằm giải quyết sự phân hóa nội bộ từ đây đến đại hội đảng.
Trung Điền
Ngày 12/8/2010
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment