Việt Nam và Mỹ đàm phán quốc phòng lần đầu tiên ở cấp thứ trưởng
Thủy thủ Mỹ trên chiến hạm USS John S. McCain hướng dẫn kỹ thuật cứu nạn cho Hải quân Việt Nam. Ảnh chụp ngày 11/08/2010
U.S. Navy / Brock A. Taylor
Trọng Nghĩa RFI
Vào ngày mai, 17/08/2010, một cuộc họp ở cấp thứ trưởng bộ Quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ mở ra tại Hà Nội trong khuôn khổ mang tên Đối thoại Chính sách Quốc phòng. Theo đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, ông Robert Scher, phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Nam Á và Đông Nam Á sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ. Về phía Việt Nam, người chủ trì sẽ là trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng bộ Quốc phòng.
Giới quan sát ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên mà hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ mở đối thoại quốc phòng ở cấp thứ trưởng, chỉ vài ngày sau khi hải quân hai nước cũng lần đầu tiên tham gia một cuộc thao diễn hỗn hợp. Trả lời phỏng vấn báo Quân Đội Nhân Dân Việt Nam vào hôm qua, tướng Nguyễn Chí Vịnh xác định rằng cuộc « Đối thoại chính sách Quốc phòng » Mỹ-Việt cấp thứ trưởng lần đầu tiên này nằm trong thỏa thuận đã được bộ trưởng Quốc phòng hai bên thông qua từ năm ngoái.
Về nội dung cuộc đàm phán, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam cho biết : « Tại cuộc đối thoại lần này, hai bên sẽ nêu các vấn đề liên quan đến chính sách quốc phòng, quan hệ quốc phòng song phương và bàn các biện pháp để tăng cường quan hệ quốc phòng hai nước trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau ... Hai bên có thể tham khảo lập trường của nhau về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. »
Cũng trong bài phỏng vấn kể trên, tướng Nguyễn Chí Vịnh đã bác bỏ các nhận định được giới truyền thông đưa ra trong thời gian gần đây, là cuộc thao diễn hải quân hỗn hợp Mỹ-Việt vào tuần trước thể hiện xu hướng mới của Việt Nam, muốn liên kết nhiều với Mỹ. Theo ông Vịnh, gọi các hoạt động hải quân chung giữa Mỹ và Việt Nam là cuộc ''diễn tập chung'' là ‘’không chính xác’’, trong lãnh vực quốc phòng, Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với nhiều nước, trong đó có cả Trung Quốc, Ấn Độ, và Nga.
Xin nhắc lại là Việt Nam và Hoa Kỳ khai mở Đối thoại Quốc phòng cấp cao vào lúc Hoa Kỳ đã công khai tuyên bố ý định can dự nhiều hơn vào hồ sơ Biển Đông, nơi mà 80% diện tích đã bị Trung Quốc coi là thuộc chủ quyền của họ, bất chấp tranh chấp với Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, và tranh chấp với bốn quốc gia khác trên quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh đã sẵn sàng dùng võ lực ép buộc các nước khác, nhất là Việt Nam, tôn trọng đòi hỏi của Trung Quốc.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Hà Nội hồi tháng bảy, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đề xuất một cơ chế đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, được 12 nước trong vùng ủng hộ. Tuy nhiên, sáng kiến của Mỹ đã bị Trung Quốc đả kích, vì Bắc Kinh chủ trương giải quyết song phương với từng nước. Theo giới phân tích, đây là một thủ thuật nhằm chia rẽ khối ASEAN và đẩy các nước đối thoại với Trung Quốc vào thế yếu.
No comments:
Post a Comment