Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-09-02
Có hơn 17 ngàn phạm nhân được chính quyền Hà Nội đặc xá nhân dịp ngày 2 tháng 9 năm nay. Trong số này có 20 người bị Nhà nước Việt Nam kết án tội xâm phạm an ninh quốc gia.
RFA photo
Tù chính trị Trương Văn Sương trả lời RFA ngay khi vừa mãn hạn tù tháng 7/2010.
Phần âm thanh
Tải xuống âm thanh
Email bản tin này
Hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác
Sau khi ra trại, một trong số những người thuộc diện này lên tiếng về điều kiện giam giữ đối với họ, tình hình của một số tù nhân chính trị khác còn lại trong trại giam, cũng như phát biểu về con đường mà họ đã chọn khiến họ phải rơi vào vòng lao lý suốt nhiều năm qua.
Các cấp lãnh đạo tại Việt Nam mỗi khi bị chất vấn về việc giam giữ tù chính trị họ đều cho rằng ở Việt Nam không hề giam giữ những người bất đồng chính kiến, mà chỉ phạt tù những ai xâm phạm an ninh quốc gia mà thôi.
Tuy nhiên đối với những đối tượng bị kết án với tội danh này khi vào trại giam và nhà tù họ cho biết bị đối xử rất khắc nghiệt như trường hợp ông Trương Minh Nguyệt, một người cho rằng vì những hoạt động chính trị mà ông bị bắt giam đến ba lần. Lần đầu bị đưa đi học tập cải tạo do là trung úy thuộc quân đội chính quyền Sài Gòn trước đây. Lần thứ hai vào năm 1979, ông bị kết án 15 năm; nhưng thọ án 13 năm thì được thả ra. Đến lần thứ ba ông bị kết án bốn năm tù vào năm 2006; đến khi được thả ra gần đây là được ba năm ba tháng.
Ông kể lại tình hình đối xử với tù chính trị như ông trong trại giam:
"Họ không đánh đập, nhưng sử dụng chiêu giết người không bằng súng đạn: cho ăn thật ít và cô lập thì theo thời gian sẽ chết dần, mòn trong tù. Nói chung người tù tồn tại được nhờ gia đình, dù khó khăn, vẫn chắt chiu để nuôi chồng, nuôi con.
Họ không đánh đập, nhưng sử dụng chiêu giết người không bằng súng đạn: cho ăn thật ít và cô lập thì theo thời gian sẽ chết dần, mòn trong tù.
Ông Trương Minh Nguyệt
Về mặt tinh thần, họ nhồi sọ; nhưng đối với anh em chúng tôi đầu óc inox rồi, nên chuyện nhồi sọ chúng tôi hơi khó. Do đó họ cô lập, không cho gặp mặt thường xuyên. Chuyện thăm nuôi có an ninh kèm; tôi và gia đình nói chuyện có người ngồi kế bên ghi chép. Điều tra, thẩm vấn là chuyện thường xuyên. Họ còn dùng biện pháp khủng bố tù nhân trong tù, và gia đình ở ngoài."
Một người từng tham gia nhóm Việt Nam Tự do của ông Nguyễn Hữu Chánh, và bị bỏ tù 11 năm, vào tháng 7 vừa qua đã mãn hạn tù, ông Đinh Quang Hải, cũng xác nhận những điều kiện khắc nghiệt mà bản thân ông, cũng như những bạn tù khác phải chịu:
"Chúng tôi khó khăn nhưng họ rất khắc nghiệt trong chuyện thăm nuôi, thư từ, liên lạc với người ngoài hoàn toàn không thể được. Chỉ cần có một người tù hình sự đến gặp chúng tôi là người đó bị đi cùm ngay lập tức. Do đó chúng tôi hoàn toàn bị cắt đứt tin tức bên ngoài.
Ảnh Ông Trần Văn Thiêng chụp trước năm 1975. Photo courtesy of hungvietsite.org
Trong tù họ hành hạ tù nhân chính trị, ví dụ như tội ác của ông Lại Xuân Hùng, giám thị trưởng K3 từ tháng 9 năm 2001 bắt chúng tôi xài chung một lưỡi lam; khiến 8 anh em trong chúng tôi lây bệnh sida mà chết. Họ còn bắt lao động theo chỉ tiêu, nếu làm không đủ thì bị đọc lệnh chống và bắt đi cùm. Cùm trong nhà biệt giam rất nhỏ, trong đó có cái bô đi tiêu tiểu trong đó."
Bản thân ông Đinh Quang Hải và một số tù chính trị khác không được ai thăm nuôi suốt thời gian ở tù, và từng được cựu tù nhân chính trị, bác sĩ Lê Nguyên Sang gọi họ là những tù mồ côi:
"Trong tù rất nhiều người khó khăn. Khó khăn vì không có thăm nuôi như nhóm anh (Nguyễn Hữu) Chánh; gọi là mồ côi."
Ông Trương Minh Nguyệt cho biết về tình hình của một số bạn tù khác đang còn trong trại giam Z30A Xuân Lộc:
"Cùng ở trại K4 với tôi có hai nữ người miền Tây, thuộc nhóm ông Liêm; một người thuộc vụ Cha Lý; người nữa là Trương Minh Đức được điều từ K2 về K4, anh Đức là người rất anh dũng; chúng tôi gặp nhau vào lúc điểm danh mỗi buổi sáng; có một chị tên Dung bệnh rất nặng mà vẫn không được cho đi khám; còn một chị nữa là Trương Thị Tám, vừa bị kỷ luật 7 ngày, sau ra nhưng nay thì nói một mình nghêu ngao; không biết thế nào nhưng rất thương tâm."
Chúng tôi khó khăn nhưng họ rất khắc nghiệt trong chuyện thăm nuôi, thư từ, liên lạc với người ngoài hoàn toàn không thể được. Chỉ cần có một người tù hình sự đến gặp chúng tôi là người đó bị đi cùm ngay lập tức. Do đó chúng tôi hoàn toàn bị cắt đứt tin tức bên ngoài.
Ông Đinh Quang Hải
Ông Đinh Quang Hải cũng cho biết về những bạn tù của ông đang còn ở trong trại giam Xuân Lộc:
"Ông Trần Văn Thiêng khi ở bên K3 rất khỏe; ở đó dù sao cũng không giống hộp quẹt; khi ra K2 này như một công tơ nơ, ông đổ bệnh. Người sưng phù, bự lên, chân tay sưng phù lên đi đứng không được; ngồi xe lăn, tiểu tiện phải bồng đi. Chúng tôi bốn năm lần làm đơn thỉnh cầu đưa ông Thiêng đi chữa bệnh, họ mới đưa xuống bệnh viện chữa; sau đó đưa ra bệnh viện ngoài trại giam, dưới huyện chữa.
Nhưng ông này chắc khó qua khỏi; tháng 2 năm 2011 hết án, nhưng ông Thiêng chắc khó qua khỏi. Anh Nguyễn anh Hảo tầm 11 giờ phải ngồi thở khò khò, nói không ra hơi, nói đứt tiếng. Còn ông Bùi Đăng Thủy, muốn chửi cộng sản mà chửi không nổi, nhưng cũng chửi. Sức khỏe anh Cầu khi tôi ra, do có anh em giúp đỡ nên hồi phục chút ít, và tinh thần của anh cũng không bị khuất phục. Còn nhiều lắm, như trường hợp anh Đỗ Văn Thái, bị lây bệnh sida, chúng tôi yêu cầu đủ thứ để thả nhưng họ không thả."
Nay đã được ra khỏi nhà tù, thế như cả hai ông Trương Minh Nguyệt và Đinh Quang Hải đều cho biết họ không hối tiếc gì về những hoạt động đã làm; và chắc chắn họ sẽ tiếp tục theo đuổi lý tưởng đấu tranh cho tự do, dân chủ của đất nước mà họ đã chọn, dù viễn cảnh nhà tù luôn chờ đón họ.
No comments:
Post a Comment