Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2010-09-02
Ngoài quyền tự do ngôn luận mà người dân Việt Nam hiện vẫn chưa có, sau 65 năm kể từ khi Cách mạng Tháng Tám, các quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tôn giáo của người dân Việt Nam được thực thi như thế nào?
Tự do báo chí: đi thụt lùi!
Hình chụp qua TV phóng viên Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ tại Toà án nhân dân Hà Nội ngày 15 tháng 10 năm 2008. Phóng viên này bị khởi tố vì tố cáo vụ tham nhũng PMU18. AFP photo
Phần âm thanh
Tải xuống âm thanh
Email bản tin này
Sáu mươi lăm năm trước, Hồ Chí Minh đã lên án thực dân Pháp trong Tuyên ngôn Độc lập như sau:
“Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”. Vậy, hơn sáu thập niên sau, về chính trị, người dân có được chút tự do dân chủ nào hay không?
Về quyền tự do báo chí, nhiều người cho rằng dưới thời Pháp thuộc, báo chí ở nước ta còn có được tự do hơn hiện nay, do thời đó ở Việt Nam đã có báo chí tư nhân. Ông Nguyễn Văn Trấn, tên thật của nhà báo Hai Cù Nèo, phụ trách báo Tuổi Trẻ Cười trước đây, đã phải thốt lên: “Thời Pháp thuộc, báo chí còn được tự do hơn bây giờ!”
Theo các tài liệu lịch sử cho thấy, dưới thời Pháp thuộc, Việt Nam đã có nhiều tờ báo do tư nhân làm chủ. Báo điện tử Đảng CSVN cũng cho biết, tờ báo tiếng Việt tư nhân đầu tiên có tên “Thông Loại Khóa Trình”, ra đời năm 1888, do ông Trương Vĩnh Ký làm chủ bút.
Sau đó cũng đã có nhiều tờ báo tư nhân khác ra đời như, báo “Lục tỉnh Tân Văn” do Trần Chánh Chiếu làm chủ bút, Nam Trung Nhật Báo của Nguyễn Tử Thức, “Tiếng Dân”, của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Đuốc Nhà Nam của cụ Nguyễn Phan Long, Nam Kỳ Tuần Báo của nhà văn Hồ Biểu Chánh… là những tờ báo tư nhân có những bài viết công khai chỉ trích chế độ thuộc địa, chống chính quyền Pháp.
Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức; không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí phục vụ lợi ích riêng.
Theo chỉ thị 37
Trong khi báo chí tư nhân từ lâu đã có mặt ở Việt Nam, vậy mà 65 năm sau khi Đảng Cộng sản làm một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc,Việt Nam hiện vẫn không có báo chí tư nhân. Các quyền tự do báo chí đã được quy định ở điều 69 Hiến pháp, thế nhưng quyền đó đã bị tước bỏ bằng nhiều văn bản dưới luật. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 37, tại điều 1, điểm d, chỉ thị này quy định: “kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức; không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí phục vụ lợi ích riêng”.
Việt Nam hiện có khoảng 700 tờ báo, tạp chí các loại, thế nhưng tất cả các tờ báo này nằm đều dưới sự quản lý của Ban Tuyên giáo Trung ương, thuộc BCH Trung ương Đảng Cộng sản VN. Những tờ báo của các nhà đấu tranh lập ra nhằm thực thi quyền tự do báo chí như: Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận, Tập san Tự do Dân chủ, Bán nguyệt san Tổ Quốc, đều là những tờ báo mà chính phủ VN cho rằng hoạt động bất hợp pháp, và do vậy những người chủ trương các tờ báo này đều có thể bị bắt giữ, các ấn phẩm của họ có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào.
Tháng 6 vừa qua, nhà giáo Nguyễn Thượng Long, Phó Tổng biên tập Bán nguyệt san Tổ Quốc, đã bị bắt khi đang photocopy tờ báo này. Ông Long cho biết như sau:
“Thì sáng hôm đó trên đường tôi đi photo bán nguyệt san Tổ Quốc số 89, vừa mới photo xong mà chưa kịp ghim lại thì các nhân viên an ninh đã bắt tôi trong tình trạng mà họ nói là vi phạm các thông tư của Bộ Thông Tin Truyền Thông, tài liệu đó là tài liệu không được phép. Tôi bị bắt ngay trong tiệm photocopy, chưa photo xong thì bị bắt giữ ngay và đấy là nguyên nhân mà tôi bị đưa lên đồn trong suốt cả buổi sáng. Đến buổi chiều hôm đó thì người ta đưa tôi trở về gia đình và lệnh khám xét diễn ra”.
Một nhà báo tự do, blogger Anh Ba Saigon cho biết:
"Một khi báo chí còn là công cụ của chính quyền hoặc là của bất cứ thiết chế quyền lực nào đó, thì báo chí không thể nào tự do được. Có thể nói là dân báo và blog trong nước là giải pháp duy nhất hiện nay.”
Tự do lập hội, đảng phái: thua cả thời Pháp thuộc!
Hình chụp từ tivi Luật sư Lê Thị Công Nhân tại phiên toà phúc thẩm hôm 27-11-2007 ở Hà Nội. AFP PHOTO
Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, thế còn quyền tự do tôn giáo và tự do lập đảng phái, tổ chức thì sao? Các quyền này ở Việt Nam hiện có khá hơn so với 65 năm về trước? Ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông Hồ Chí Minh đã lên án thực dân Pháp như sau:
“Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta có chút tự do dân chủ nào…Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”.
Chế độ thực dân Pháp được cho là chế độ hà khắc, nhất là trong vấn đề đàn áp các tổ chức đối lập, thế nhưng trước năm 1945, Việt Nam đã có hàng chục đảng phái đối lập, hoạt động công khai. Các tài liệu lịch sử cho thấy, Việt Nam vào thời đó có nhiều tổ chức, đảng phái đối lập chống Pháp như: Đảng Lập hiến Đông Dương, Việt Nam Quang phục Hội, Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân Đảng, Đại Việt Dân chính Đảng…
Hiến pháp không cấm và chúng ta có thể vận dụng nói công dân có quyền làm những điều gì mà pháp luật không cấm, vậy tại sao những người tham gia Khối 8406 hoặc những tổ chức khác lại chịu những thiệt thòi như vậy?
LS Huỳnh Văn Đông
Trong khi ở Việt Nam, vài năm qua, các tổ chức, đảng phái đối lập như Đảng Thăng Tiến Việt Nam, khối 8406, ngay sau khi thành lập đã bị vô hiệu hóa. Những người đứng đầu, cùng các thành viên đã bị xách nhiễu, bị bắt giữ và bị kết án nhiều năm tù như: linh mục Nguyễn Văn Lý, LS Nguyễn Văn Đài, LS Lê Thị Công Nhân, anh Nguyễn Phong, cùng nhiều thành viên khác hoặc các cá nhân có liên quan đến các tổ chức này.
LS Huỳnh Văn Đông đã đưa ra nhận định về việc này như sau:
"Một mâu thuẫn lớn nhất được thấy từ lâu nay là mâu thuẫn giữa pháp luật và thực tiễn của nền tư pháp Việt Nam. Pháp luật Việt Nam có những qui định cho phép công dân được quyền tự do lập hội; tham gia đảng phái; chính trị; tự do tín ngưỡng…
Nhưng trong thực tế có những người bị bắt, có người được thả ra sau khi chấp hành xong hình phạt, không hề bị cho là tham gia các tổ chức hay đứng ra thành lập tổ chức đó mà vì một điều khác. Tuy vậy, người ta thấy rõ ràng bản chất vấn đề nằm ở chỗ: tham gia thành lập hoặc tham gia tổ chức ngoài Đảng Cộng sản.
Hiến pháp không cấm và chúng ta có thể vận dụng nói công dân có quyền làm những điều gì mà pháp luật không cấm, vậy tại sao những người tham gia Khối 8406 hoặc những tổ chức khác lại chịu những thiệt thòi như vậy”.
Tự do tôn giáo: không được phép!
Linh mục Nguyễn Văn Lý tại tòa hôm 30/3/2007. Ông bị kết án 8 năm tù vì tội "tuyên truyền chống nhà nước". AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Trong các quyền tự do mà ông Hồ tuyên bố, quyền tự do tôn giáo cũng đã được khẳng định trong Hiến pháp Việt Nam. Ðiều 70 Hiến Pháp đã khẳng định:
“Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”.
Trên thực tế, nhiều tôn giáo ở Việt Nam đã bị đàn áp, nhiều nhà tu hành đã bị xách nhiễu, bị cấm hành đạo do các tôn giáo này không được nhà nước công nhận. Thượng tọa Thích Thiện Minh, thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức tôn giáo đã tồn tại từ lâu, cho biết như sau:
“Họ kêu gọi tất cả các ban ngành ra tay để trấn áp cũng như là có những biện pháp nghiêm khắc đối với Huỳnh Văn Ba tức Thích Thiện Minh. Trong những buổi làm việc họ quy kết tôi tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là giáo hội bất hợp pháp, là giáo hội mà nhà nước Việt Nam không thừa nhận.
Tôi có thông báo với họ rằng nếu chính phủ cấm đoán mà ra công khai trực tiếp trả lời với tôi thì tôi có thể đình hẳn hoạt động của Hội, nhưng mà tới ngày hôm nay vẫn không có trả lời dứt khoát. Nhưng ở địa phương thì lúc nào họ cũng đàn áp, đòi chúng tôi xoá bỏ đi hội ái hữu cũng như đừng tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất”.
Khi được hỏi về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, linh mục Phan Văn Lợi cho biết:
“Tự do tôn giáo đích thực là các tôn giáo trong nước phải được tự do ở các điểm như: được nhà nước công nhận về quy chế, chứ không phải là cho phép hay không cho phép hoạt động.
Tại Việt Nam, tôn giáo không có đài phát thanh riêng, không có báo chí, truyền hình, nhà xuất bản riêng. Về giáo dục, hiện nay nhà nước chỉ cho phép tôn giáo mở trường dạy lớp mẫu giáo.
Linh mục Phan Văn Lợi
Tôn giáo phải được độc lập trong vấn đề nhân sự mà không có sự can thiệp của chánh quyền. Hoạt động tôn giáo phông phải chỉ có đọc kinh, cầu nguyện, mà có thể truyền bá giáo lý, một cách công khai như các quốc gia khác.
Tại Việt Nam, tôn giáo không có đài phát thanh riêng, không có báo chí, truyền hình, nhà xuất bản riêng. Về giáo dục, hiện nay nhà nước chỉ cho phép tôn giáo mở trường dạy lớp mẫu giáo.
Ngoài ra, tôn giáo còn phải có quyền về mặt tài sản, quyền sở hữu đất đai, vì thế nhà nước phải trả lại đất đai lấy ở miền Bắc, sau năm 1954 và trong Nam, sau 1975.
Các tôn giáo cũng phải được tự do liên hệ với đồng đạo của mình ở nước ngoài.”
Tất cả cho thấy, các quyền tự do khác của người dân mà ông Hồ Chí Minh đã tuyên bố trong Tuyên ngôn Độc lập đã bị tước đoạt. Vậy các nhà chức trách Việt Nam nói gì về những điều này? Riêng những điều mà ông Hồ lên án thực dân pháp như “đàn áp, bóc lột nhân dân”, “cướp không ruộng đất” của người dân hiện nay ra sao? Đó sẽ là nội dung của bài kế tiếp.
No comments:
Post a Comment