Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Một bức tranh “Bạch-vân Thương-cẩu” đã hiện ra làm “phông” cho sân khấu một cuộc đấu tranh chính trị ở nước Mỹ, khởi sự từ tuần trước ngay trong dảng Cộng Hòa chuẩn bị chọn người ra tranh cử Tổng Thống năm 2012. Mấy chữ Bạch Vân Thương Cẩu này từ thời xưa trong ngôn ngữ Việt Nam có nghĩa là “Mây trắng hóa thành xanh”, ám chỉ việc đời phức tạp, biến hóa vô cùng. Trên sân khấu tranh đấu vừa mới mở màn, Mitt Romney, một chính khách tên tuổi của đảng Cộng hòa, đã nêu ra vấn đề đối phó với Trung Quốc, để tố cáo Bắc Kinh đã lừa gạt bằng đủ mọi cách trong mối quan hệ kinh tế với Mỹ. Romney nói sau khi ông được bầu làm Tổng Thống, việc đầu tiên của ông là dành cho Bắc Kinh một bài học.
Nhưng nếu Romney làm như vậy, ông đã phản lại một sách lược đối ngoại then chốt của đảng Cộng hòa. Thời TT Richard Nixon (1969-1974) và Ngoại trưởng Kissinger, Mỹ đã chủ trương liên kết với Trung Cộng. Phía đảng Dân chủ thường chống lại sách lược này và có thái độ cứng rắn hơn đối với mấy ông Tầu cộng. Vậy tại sao Romney - một người Cộng hòa vốn có lập trường hòa hợp - lại chống Tầu cộng? Người ta có thể tìm thấy câu trả lời trong kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tình trạng kinh tế Mỹ sa sút như hiện nay là do Trung Cộng chuyên môn chiếm đoạt công ăn việc làm, đưa đến mối hăm dọa kinh tế Mỹ.
Mới đây Trung tâm Sưu tầm Pew của Mỹ đã đạt tới kết luận là quá nửa dân chúng Mỹ thấy sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là tai hại cho Mỹ. Chính sách của Bắc Kinh hiện nay là chỉ sủng ái các công ty của Trung Quốc chống lại các công ty nước ngoài, đồng thời không chịu truy tố những vụ ăn cắp tài sản trí tuệ. Nhưng các nhà kinh doanh Mỹ kém vui và thấy lo âu nhiều hơn.
Nhưng Phi Châu là nơi Trung Cộng đã đặc biệt chú ý, bỏ ra biết bao nhiêu là tiền để đầu tư và viện trợ, chỉ cốt để trao đổi lấy các tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, nên nơi đây cũng là đỉnh cao của chính sách đối ngoại của mấy ông Tầu.
Trong cuộc vận động tranh cử Tổng Thống tại nước Zambia mới đây, nơi có rất ít tranh luận về nước Mỹ, Tây phương hay chủ nghĩa thực dân, vậy mà một ứng cử viên là Michael Sata đã tố cáo chính quyền hiện nay ở Zambia đã bán đứng quyền lợi kinh tế của nước này cho Trung Quốc. Zambia xuất cảng chủ yếu là quặng đồng mà nước này có mỏ lớn. Các công ty của nhà nước Trung Cộng đến đây tha hồ mua vét đồng. Chính vì Trung Quốc có ảnh huởng mạnh nên sau khi Sata thắng cử, ông ta phải trở giọng làm hòa với Bắc Kinh rất mau lẹ, mở các cuộc ăn trưa vói các nhà đầu tư Trung Cộng hồi tháng 10 vừa qua và cam kết giao hảo với mấy ông Tầu.
Tuy nhiên như chúng tôi đã trình bầy từ 2 tuần trước, Trung Quốc đã bị thế giới nhìn và soi bói khá nhiều. Năm 2010 Trung Quốc đã đòi chủ quyền trên các vùng biển và hải đảo có tranh chấp. trong khu vực miền biển từ Bắc Á cho đến Đông Nam Á, gây chấn động đến các nước từ Nhật Bản, Nam Hàn cho đến Việt Nam.
Trong cuộc hội nghị APEC (Hợp tác Kinh tế Á châu-Thái Bình Dương) 12 và 13 tháng 11, nhiều nhà lãnh đạo các nước đã hưởng ứng lời tuyên bố của Thủ tướng Tân Gia Ba, khi ông nói Mỹ được hoan nghênh, sự hiện diện của Mỹ trong vùng này là “điều tốt đẹp”.
Hai tuần trước đã có tin TT Obama thỏa hiệp với Thủ tướng Úc về việc tăng cường quân đội Mỹ ở Đông Nam Á. Sau đó ông đến thăm Bali (Nam Dương) cũng về chuyện này. Việc Mỹ mở rộng thêm sự hiện diện quân lực ở Đông Nam Á là một sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với Bắc Kinh. Đồng thời ông phái Ngoại truởng Hillary Clinton đến Miến Điện cũng có một ý nghĩa đặc biệt.
Về sự cảnh cáo này Obama nói; ”Trung Quốc cần phải hành động một cách có trách nhiệm. Họ phải hiểu rằng vai trò của họ ngày nay khác với khoảng 20 hay 30 năm trước khi họ phá vỡ một luật lệ quốc tế nào là không có ý nghĩa gì vì không gây ảnh hưởng. Bây giờ họ đã trưởng thành cần phải biết điều hơn”.
Hãy trở lại sân khấu đấu tranh về cuộc bầu cử Tổng Thống vào cuối năm 2012. Kết quả nhân vật nào có hy vọng thắng cử?.Chúng tôi thấy con đường còn quá dài. Hãy chờ xem những diễn biến của Bức Tranh Vân Cẩu.
No comments:
Post a Comment