Chuyện ông già vợ
Lữ Giang
Lâu lâu cũng phải ghé vào báo Việt Tide để xem “sử ra” Lê Mạnh Hùng đã múa gậy vườn hoang như thế nào. Hay quá! Lần này ông Lê Mạnh Hùng đang nói về ông già vợ của mình!
Trên Việt Tide số 382 ra ngày 7.11.2008 và số 383 ra 14.11.2008, ông Lê Mạnh Hùng đã viét về đề tài “Chính phủ Phan Huy Quát: chính phủ dân sự cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa”.
Như mọi người đã biết, Bác sĩ Phan Huy Quát là thân phụ của bà Phan Lâm Hương, thường gọi là bà Lê Phan, và ông Lê Mạnh Hùng là chồng của bà Hương. Cả hai ông bà hiện đang ở Anh và là hai cây viết cột trụ của tờ Việt Tide. Chúng tôi xin nhắc, đừng lầm ông Lê Mạnh Hùng với Tiến Sĩ Nguyễn Mạnh Hùng hiện là giáo sư đại học Georgetown University ở Washington D.C.
Chúng tôi đã nhiều lần phê phán cách viết sử sai lệnh của ông Lê Mạnh Hùng. Lần này, chúng tôi tưởng rằng khi viết về ông già vợ mình, ông Hùng đã tra cứu sử liệu kỹ rồi mới viết, nhưng khi đọc qua hai số báo nói trên, chúng tôi vô cùng thất vọng: Ông Lê Mạnh Hùng vẫn tiếp tục đi theo con đường cũ, đó là viết theo “định hướng của nhóm Đỗ Mậu”, tức tìm cách xuyên tạc hay bôi nhọ lịch sử để biện minh một cách vô vọng cho những sai lầm của nhóm mình.
NÓI VỀ ÔNG GIÀ VỢ CHẤP CHÁNH
Trên Việt Tide số ra ngày 7.11.2008, ông Lê Mạnh Hùng đã giới thiệu ông già vợ mình như sau:
“Bác sỹ Quát là một nhân vật chính trị vốn được Mỹ biết đến từ thời những năm 1950. Trong việc đi tìm một nhà lãnh đạo cho miền Nam Việt Nam sau hội nghị Geneve vào năm 1954, ông cùng với bác sỹ Trần Văn Đỗ là hai người được tướng Lawtons Collins, phái viên đặc biệt của tổng thống Eisenhower, ủng hộ để đứng ra lãnh đạo miền Nam Việt Nam trong khi ông Diệm được sự ủng hộ của các ngoại trưởng John Foster Dulles qua người em của ông là Allen Dulles, giám đốc CIA, và các thượng nghị sỹ Mike Mansfield và John F. Kennedy. Theo Scott Laderman, tác giả cuốn “Sinking with Ngo Dinh Diem: Race, Religion, and the Early American War in Vietnam”, thì lý do chính dẫn đến việc ông Diệm được Mỹ ủng hộ thay vì ông Quát và ông Đỗ là vì ông Diệm là người Công giáo. Mặc dầu vậy, sau khi chấp nhận ủng hộ ông Diệm, Collins vẫn tìm cách thuyết phục để ông Diệm chấp nhận ông Quát giữ bộ Quốc Phòng nhưng không được ông Diệm chấp thuận. (David Anderson “J. Lawton Collins, John Foster Dulles, and the Eisenhower Administration' s "Point of No Return" in Vietnam”)
Trong bài thứ hai đăng trong số ra ngày 14.11.2008, ông Hùng mô tả chuyện Bác sỹ Phan Huy Quát lên cầm quyền vào tháng 2 năm 1965 như sau:
“Chính phủ Phan Huy Quát lên cầm quyền nhận được một số ủng hộ lớn. Ông Quát được sự ủng hộ mạnh mẽ của Phật Giáo – quả thật có một số báo chí Mỹ đã gán cho ông là người của Phật Giáo đưa ra và là một công cụ của Phật Giáo. Ông cũng được sự ủng hộ của Mỹ với đại sứ Taylor muốn cũng cố một chính quyền dân sự và đưa các tướng lãnh trở về nhiệm vụ chống lại sự xâm lược của Cộng Sản chứ không bỏ bê việc chiến đấu mà lo đảo chánh như mấy năm vừa qua.”
Thế thì tại sao ông Phan Huy Quát đã that bại một cách thê thảm? Ông Lê Mạnh Hùng giải thích đại khái như sau:
Vì do sự ủng hộ của Phật Giáo, Bác sỹ Quát đã bị sự chống đối gay gắt của Công Giáo, nhất là tổ chức công giáo đấu tranh của Linh mục Hoàng Quỳnh. Trong khi đó, ngay bên trong nội bộ của chính quyền dân sự cũng có những tranh chấp, nhất là giữa thủ tướng Phan Huy Quát và quốc trưởng Phan Khắc Sửu. Ngoài ra, là một tập hợp đại diện các đảng phái chính trị, chính phủ Phan Huy Quát cũng rơi vào tình trạng của tất cả chính phủ quốc gia tương tự từ dưới thời quốc trưởng Bảo Đại, tức “mỗi đảng chỉ hoạt động theo quyền lợi mình chứ không để ý đến công ích.” Ông Quát không kiểm soát được chính phủ của mình, nhất là trong lúc giữa ông và ông Sửu còn có những tranh chấp.
Cuộc khủng hoảng đã bùng nổ vào tháng 5 khi ông Quát phải cải tổ chính phủ vì có 3 bộ trưởng từ chức trong khi quốc trưởng Phan Khắc Sửu không chịu nhận các bộ trưởng mới. Nhân cơ hội này, các tướng lãnh, nhất là Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Nguyễn Cao Kỳ, giải tán Hội Đồng Quân Lực, rút các thành phần quân đội ra khỏi chính phủ cũng như Thượng Hội Đồng. Trước tình trạng như vậy, ông Quát không có cách gì khác ngoài việc từ chức và trao quyền lại cho quân đội.
Trên đây là những lời giải thích của ông Hùng. Sự thật chắc chắn khác xa hơn nhiều. Điều đáng ngạc nhiên là khi nói về tương quan Việt Mỹ, ông Hùng thường tránh né hàng chục ngàn tài liệu chính thức do chính phủ Hoa Kỳ đã công bố mà đi tìm những tin đồn hay tài liệu không có căn cứ để chứng minh cho quan điểm của mình, chẳng hạn như lục lọi trong cuốn “Sinking with Ngo Dinh Diem: Race, Religion, and the Early American War in Vietnam” của Scott Laderman để tìm một câu ưng ý rồi hô to lên! Phương pháp sử học cho phép xử dụng bất cứ tài liệu nào mà mình tin là đáng tin cậy, nhưng phải áp dụng phương pháp đối chiếu để kiểm chứng lại. Ông Hùng không làm như vậy mà coi các tài liệu có thể dùng để “oanh tạc đối phương” đều là chân lý, thành ra bài viết của ông không còn giá trị.
Chỉ một thoáng nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể hiểu được tại sao nhà cầm quyền Pháp, Hoa Kỳ, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu đều không muốn xử dụng các lãnh tụ Đảng Dại Việt đứng ra lập chính phủ. Chỉ có những chính khách không hiểu rõ tình hình mới đề nghị đưa Phan Huy Quát ra làm Thủ Tướng...
Việc Hoa Kỳ đồng ý Bác Sỹ Phan Huy Quát lập chính phủ vào tháng 2 năm 1965 là muốn xử dụng chính phủ này như một thứ trái độn để chuyển chính quyền từ nhóm Nguyễn Khánh qua nhóm Nguyễn Văn Thiệu, một tay chân bộ hạ (agent) của CIA. Nói cách khác, lúc đó chính phủ Phan Huy Quát chỉ là con bài thí.
MỘT THOÁNG NHÌN LẠI LỊCH SỬ
1.- Củng cố lại nội bộ
Sau khi Đảng Trưởng Trương Tử Anh bị Việt Minh bắt thủ tiêu vào tháng 3 năm 1947, Đại Việt Quốc Dân Đảng như rắn không đầu. Hầu hết các đảng viên còn ở lại Việt Nam đã quy tụ tại Dưỡng Đường Henry Copin của Bác Sĩ Đặng Vũ Lạc ở số 92 đường Gambetta (tức đường Hàng Cỏ) ở Hà Nội. Trong nhóm này, người ta thấy có Bác sĩ Nguyễn Đình Luyện, Bác sĩ Phan Huy Quát, Bác sĩ Đặng Văn Sung, các ông Nguyễn Hữu Trí, Đặng Trinh Kỳ, Trần Trung Dung, Lê Thăng, Vũ Quý Mão, Vũ Đình Lý, Cung Đình Quỳ, Bùi Diễm, Phan Văn Châm, Đào Nhật Tiến, Trần Như Thuần, Nguyễn Đình Tại, v.v. Lúc đầu, Bác sĩ Đặng Vũ Lạc (1902 – 1948) được bầu làm Đảng Trưởng. Bà Đặng Thị Khiêm, em ruột của Bác sĩ Lạc, từ Nam Định lên Hà Nội giúp ông điều hành mọi công việc. Bà là vợ của ông Cả Nguyễn Tư Tề, nên thường được gọi là Bà Cả Tề. Cơ cấu đảng được tổ chức lại như sau:
Xứ Bộ Bắc Việt: Bà Đặng Thị Khiêm, Bác sĩ Đặng Văn Sung, Bác sĩ Nguyễn Đình Luyện và ông Đỗ Long, tức Nguyễn Quốc Xủng.
Xứ Bộ Trung Việt: Bác sĩ Bửu Hiệp, Kỹ sư Hà Thúc Ký, các ông Đoàn Thái, Nguyễn Văn Lý, Võ Lăng, Hoàng Xuân Tửu, Dương Thiệu Dị, Bảo Trọng và Ngyuyễn Văn Mân.
Xứ Bộ Nam Việt: Kỹ sư Phan Thông Thảo tức Lê Quốc Hưng (thay thế Mười Hướng), các ông Nguyễn Văn Kiều, Lê Văn Hiệp, Phạm Đăng Cảnh và Trần Văn Xuân.
Ngày 1.10.1948 Bác sĩ Đặng Hữu Lạc qua đời, Nguyễn Hữu Trí được bầu lên thay. Ông Nguyễn Hữu Trí (1905 – 1954), tốt nghiệp Trường Cao Đảng Pháp Chính Hà Nội, đã từng làm tri huyện và tri phủ nhiều nơi, và Tổng Đốc Thái Bình. Năm 1946 ông về làm Chánh Văn Phòng cho Huỳnh Thúc Kháng, Bộ Trưởng Nội Vụ trong chính phủ Hồ Chí Minh.
Sau khi củng cố lại nội bộ, vào cuối năm 1947, nhóm này đã hình thành một tổ chức mới lấy tên là “Club de Mandarins”, thường được gọi là “Nhóm Đại Việt Quan Lại”, sẵn sàng tham chánh, lãnh nhận các chức vụ do người Pháp trao cho để cai trị đất nước gióng như dưới thời Pháp thuộc. Về sau, có hai nhóm khác ở trong Nam cũng được coi là Đại Việt Quan Lại:
- Nhóm Nguyễn Tôn Hoàn: Ngày 12.8.1947, Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn từ Hồng Kông về Sài Gòn làm Tổng Thư Ký Khu Nam Việt của nhóm Việt Nam Quốc Gia Liên Hiệp và năm 1948 ông trở thành lãnh tụ Đại Việt miền Nam.
- Nhóm Nguyễn Hòa Hiệp: Ông Nguyễn Hòa Hiệp đã từng theo Việt Minh làm Giám Đốc Công An Nam Phần, rồi Tư Lệnh Đệ Tam Sư Đoàn ở Lái Thiêu. Đến tháng 5 năm 1946 ông về hàng Pháp. Lúc đầu ông theo nhóm Tân Đại Việt Cách Mạng, về sau ông thành lập một nhóm hoạt động riêng. Trong nhóm này có Luật sư Trần Văn Tuyên, tức Trần Vĩnh Phúc, là xuất sắc nhất.
2.- Hợp tác với Pháp và Bảo Đại
Khi hợp tác với Pháp, các nhóm Đại Việt Quan Lại cũng như Việt Quốc đều tìm mọi cách để được nắm giữ các chức vụ trong chính quyền, từ cấp xã đến cấp trung ương. Tuy nhiên, nhóm Đại Việt Quan Lại có nhiều thành phần khoa bảng hơn, nên thường chiếm được nhiều địa vị ở chính quyền trung ương hay chính quyền các phần. Trong thời gian ông Nguyễn Hữu Trí làm Thủ Hiến Bắc Việt, hầu hết các tỉnh trưởng, quận trưởng và các chức vụ cao trong chính quyền Bắc Việt đều được giao cho đảng viên Đảng Đại Việt. Tuy nhiên, cả hai nhóm Đại Việt và Việt Quốc gần như không có chính sách hay đường lối riêng biệt. Vã lại, tuy cùng một nhóm, nhưng mỗi người hoạt động theo sáng kiến và tham vọng riêng, nên thường có nhiều bất đồng.
Vì biết nhóm Đại Việt Quan Lại có tham vọng trở thành một tổ chức lãnh đạo đất nước nên cả người Pháp lẫn Bảo Đại đều không muốn giao chính quyền trung ương cho họ. Trong chính phủ quốc gia đầu tiên được thành lập vào đầu tháng 6 năm 1948, mặc dầu bị áp lực nặng nề, Bảo Đại vẫn không chọn ông Nguyễn Hữu Trí mà chọn Tướng Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng. Tuy nhiên, Bảo Đại đã bảo Tướng Xuân dành cho Đại Việt 5 ghế: Nguyễn Hữu Trí, Tổng Trưởng Nội Vụ; Lê Thăng, Bộ Trưởng Ngoại Giao; Phan Huy Quát, Bộ Trưởng Giáo Dục; Nguyễn Tôn Hoàn, Bộ Trưởng Thanh Niên, và Đặng Trinh Kỳ, Tổng Thư Ký Chính Phủ. Vì không được làm Thủ Tướng, Nguyễn Hữu Trí không chịu nhận chức Tổng Trưởng Nội Vụ, Tướng Xuân phải kiêm luôn chức này.
Ngày 25.9.1948, Bảo Đại ký sắc lệnh bổ nhiêm Nguyễn Hữu Trí làm Đại Diện Việt Nam tại Pháp và Vũ Quý Mão làm Đặc Vụ Viên. Nhưng Nguyễn Hữu Trí không đi nhận nhiệm vụ mới.
Ngày 1.7.1949, Bảo Đại ban hành Sắc Lệnh số 1-CP thành lập chính phủ mới do Đức Quốc Trưởng Bảo Đại làm Thủ Tướng, Trung Tướng Nguyễn Văn Xuân (mới được thăng ngày 4.5.1949) làm Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng. Về phía Đại Việt, Phan Huy Quát, Nguyễn Tôn Hoàn và Đặng Trinh Kỳ vẫn tiếp tục giữ chức vụ cũ.
Bảo Đại cũng ký Dụ số 2 ngày 1.7.1949 ấn định quy chế công sở. Việt Nam được chia ra thành ba Phần gọi là Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt. Mỗi Phần do một Thủ Hiến cai trị.
Ngày 3.7.1949, Bảo Đại ký Sắc Lệnh bổ nhiệm:
Nguyễn Hữu Trí: Thủ Hiến Bắc Việt (thay Nghiêm Xuân Thiện).
Phan Văn Giáo: Thủ Hiến Trung Việt.
Trần Văn Hữu: Thủ Hiến Nam Việt.
Khi được tin Bảo Đại đã bổ nhiệm Nguyễn Hữu Trí làm Thủ Hiến Bắc Việt, một cuộc tranh chấp đã xẩy ra giữa Việt Quốc và Đại Việt. Nghiêm Xuân Thiện (thuộc Việt Quốc), đương kim Tổng Trần Bắc Việt, tuyên bố nếu Nguyễn Hữu Trí ra Bắc sẽ bị bắt giam. Sau đó, Nghiêm Xuân Thiện vào Đà Lạt gặp Bảo Đại nhưng Bảo Đại không tiếp.
Ngày 6.1.1950, Bảo Đại ủy nhiệm Phó Thủ Tướng Nguyễn Phan Long lập chính phủ mới. Ngày 22.1.1950, chính phủ Nguyễn Phan Long ra mắt tại Đà Lạt. Trong chính phủ này vẫn có ba đảng viên Đại Việt: Phan Huy Quát, Bộ Trưởng Quốc Phòng; Lê Thăng, Bộ Trưởng Ngoại Giao, và Nguyễn Tôn Hoàn, Bộ Trưởng Thanh Niên và Thể Thao. Vì không được làm Thủ Tướng, Nguyễn Hữu Trí đã có thái độ chống lại cả Bảo Đại lẫn Thủ Tướng Nguyễn Phan Long.
Năm 1982, khi đến thăm Hoa Kỳ, Bảo Đại có kể lại với ông Cao Xuân Vỹ rằng vì ông Nguyễn Hữu Trí không được mời làm thủ tướng nên ông ta chống đối chính phủ mới. Ông phải trao cho Bác sĩ Đặng Văn Sung 300.000 đồng, nhờ đem ra trao cho ông Nguyễn Hữu Trí và nói rằng Pháp không muốn giao chính phủ cho Đại Việt nên ông phải cử ông Nguyễn Phan Long làm Thủ Tướng. Khi nào tình thế thuận lợi, ông sẽ trao cho ông Trí lập chính phủ. Nhờ thế, ông ta mới bớt chống đối chính phủ mới. Tôi có hỏi lại Bác sĩ Đặng Văn Sung về chuyện này, ông xác nhận chuyện đó đúng như vậy.
3.- Đại Việt lộng hành
Lúc đó, mặc dầu Pháp đã chiếm được hầu hết các tỉnh miền Bắc, nhưng vùng nông thôn vẫn còn là vùng xôi đậu. Ban Hành Chánh Xã được Pháp thành lập, thường được gọi là Ban Hội Tề, ban ngày theo Pháp nhưng ban đêm phải làm việc cho Việt Minh vì sợ bị sát hại. Đểå bình định vùng nông thôn miền Bắc, Pháp đã cấp ngân khoản cho Nguyễn Hữu Trí và nhóm Đại Việt Quan Lại thành lập “Đoàn Quân Thứ” - tiếng Pháp gọi là “Groupements administratifs mobiles operationnels”, viết tắt là GAMO – như là một đạo quân võ trang tuyên truyền, lúc đầu do Đỗ Đình Đạo chỉ huy. Đoàn quân này được thiết lập khoảng tháng 2 năm 1950. Những thành phần tham gia đoàn này được đưa đi huấn luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện Bính Đông của Bảo An Đoàn ở Hải Dương do Bùi Văn Giá làm Chỉ Huy Trưởng. Sau đó, từng toán cán bộ này được gởi về nông thôn miền Bắc để thuyết phục dân đừng theo Việt Minh.
Đỗ Đình Đạo thuộc VNQDĐ, có Tú Tài và là chủ đồn điền nhưng rất thích hoạt động và được lòng các cán bộ. Tuy nhiên, ông lại có nhiều bất đồng với Nguyễn Hữu Trí, nên khoảng tháng 9 năm 1950, Nguyễn Hữu Trí đã bổ nhiệm ông Lý Thái Như thay thế Đỗ Đình Đạo. Tính đến ngày 31.9.1953, có 15 toán GAMO đã thành lập, huấn luyện và đưa đến hoạt động tại các vùng Bùi Chu, Gia Lâm, Kiến An, Vĩnh Bình, Vĩnh Phúc, Nam Hà và Ninh Bình. Nhiều nơi than phiền là GAMO đã lấn át quyền hành của các viên chức hành chánh địa phương. Vì Lê Thái Như điều hành GAMO không đem lại kết quả, nên đến tháng 9 năm 1953, Ông Trí lại tái bổ nhiệm Đỗõ Đình Đạo thay thế.
Trong khi đó, Bác Sĩ Đặng Văn Sung được Pháp giao cho liên lạc với các đảng viên VNQDĐ và Đại Việt đang ở trong các chiến khu của Việt Minh để chiêu hồi họ trở về hợp tác với Pháp đồng thời lấy các tin tức tình báo về các hoạt động của Việt Minh. Vũ Đình Lý cũng đi làm mật vụ cho Pháp.
Với một cơ cấu như trên, Nguyễn Hữu Trí đã tự ý điều hành mọi công việc tại Bắc Việt không cần biết đến chính phủ trung ương và chỉ trích chính phủ không cung cấp đủ tài chánh để hoạt động. Những tranh chấp giữa Đại Việt và chính phủ Nguyễn Phan Long càng ngày càng gay cấn. Ngày 23.3.1950, cả ba đảng viên Đảng Đại Việt nói trên đã rút khỏi chính phủ Nguyễn Phan Long. Ngày 9.4.1950, ông Gullion, Tổng Lãnh Sự Mỹ, cho biết chính phủ Nguyễn Phan Long sẽ sụp đỗ vì không hòa hoản được với miền Bắc, không ngăn chận được bạo động và có nhiều bất đồng với Pháp. Theo ông, Trần Văn Hữu có thể lên thay, nhưng lưu ý rằng Trần Văn Hữu có yếu điểm là thuộc đại gia đình điền chủ thân Pháp nên sẽ là đối tượng để Cộng Sản tuyên truyền. Ngày 27.4.1950, Bảo Đại giải tán chính phủ Nguyễn Phan Long và ủy nhiệm Trần Văn Hữu lập chính phủ mới. Ngày 6.5.1950 chính phủ Trần Văn Hữu ra mắt, trong đó chỉ còn ông Nguyễn Tôn Hoàn của Đại Việt làm Bộ Trưởng Thanh Niên và Thể Thao mà thôi.
Ngày 21.1.1951, Bảo Đại lại giải tán chính phủ Trần Văn Hữu và ủy nhiệm ông Trần Văn Hữu lập chính phủ mới. Ngày 19.2.1951, ông Hữu đã mời ông Nguyễn Hữu Trí làm Bộ Trưởng Quốc Phòng và Bác sĩ Phan Huy Quát làm Bộ Trưởng Giáo Dục. Ông Nguyễn Hữu Trí đòi phải dành cho Đại Việt nhiều ghế hơn nữa, nhưng ông Hữu từ chối. Bảo Đại liền triệu tập cả hai ông đến Đà Lạt để giải quyết các tranh chấp. Bảo Đại nói nếu hai ông Nguyễn Hữu Trí và Phan Huy Quát không nhận hai chức vụ được chỉ định, ông sẽ cất luôn chức Thủ Hiến Bắc Việt của Nguyễn Hữu Trí. Cả hai ông đều từ chối. Vì thế, trong chính phủ mới của ông Trần Văn Hữu ra mắt ngày 21.2.1951, người ta thấy Thủ Tướng Trần Văn Hữu kiêm luôn ba bộ là Nội Vụ, Ngoại Giao và Quốc Phòng, còn Luật sư Vương Quang Nhường, Bộ Trưởng Phụ Tá Thủ Tướng kiêm luôn Bộ Trưởng Giáo Dục. Tuy nhiên, trong thành phần chính phủ cũng có hai đảng viên Đảng Đại Việt là Lê Thăng giữ chức Bộ Trưởng Xã Hội và Trần Văn Khá, Bộ Trưởng Kinh tế.
4.- Nguyễn Hữu Trí gặp khó khăn
Ngày 22.2.1951, Tướng De Lattre thông báo cho Nguyễn Hữu Trí biết từ nay ông không ủng hộ bất cứ việc gì của Nguyễn Hữu Trí nữa.
Ngày 14.4.1951, Thủ Tướng Trần Văn Hữu đã cử Bác sĩ Đặng Hữu Chí, Bộ Trưởng Y Tế, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng An Dân Bắc Việt, làm Thủ Hiến Bắc Việt thay ông Nguyễn Hữu Trí. Trong lễ tựu chức của Bác sĩ Đặng Hữu Chí ngày 15.4.1951, Thủ Tướng Trần Văn Hữu tuyên bố rằng chính phủ trung ương cương quyết đưa phần đất này trở lại khuôn khổ bình thường của tổ chức quốc gia. Ngày 19.11.1951, Bác sĩ Đặng Hữu Chí xin từ nhiệm vì lý do bệnh. Ông Nguyễn Văn Tâm, Bộ Trưởng An Ninh, đã kiêm nhiệm chức vụ này. Ngày 18.3.1952, ông Phạm Văn Bính, Bộ Trưởng Thanh Niên và Thể Thao, được cử làm Thủ Hiến Bắc Việt thay Bác sĩ Đặng Hữu Chí.
Ngày 25.6.1952, ông Nguyễn Văn Tâm được cử làm Thủ Tướng thay ông Trần Văn Hữu. Trong chính phủ Nguyễn Văn Tâm có ông Lê Thăng thuộc Đảng Đại Việt làm Bộ Trưởng Xã Hội và Lao Động. Để làm hòa với Đảng Đại Việt, ngày 14.11.1952, Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm tái bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Trí làm Thủ Hiến Bắc Việt thay ông Phạm Văn Bính.
5.- Thậm thụt với Mỹ
Ngày 11.1.1954, Bảo Đai đã đưa Bửu Lộc ra thành lập chính phủ thay thế chính phủ Nguyễn Văn Tâm. Bác sĩ Phan Huy Quát được cử làm Tổng Trưởng đặc trách về dân chủ hóa quốc gia và ông Lê Thăng làm Bộ Trưởng Thông Tin.
Ngày 25.1.1953, ông Donald R. Heath, Đại Sứ Mỹ tại Đông Dương (1951 – 1952), đã gởi một báo cáo cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng Bảo Đại không thể lãnh đạo hữu hiệu được. Ông cho rằng trong các chính phủ từ trước đến nay, chính phủ Nguyễn Văn Tâm là khá nhất, nên phải yểm trợ chính phủ này. Ông hy vọng sau khi miền Bắc ổn định xong, có thể đưa Nguyễn Hữu Trí, lãnh tụ Đại Việt, làm thủ tướng thay thế Nguyễn Văn Tâm.
Người Pháp đã nhìn thấy Nguyễn Hữu Trí đang nghiêng về phía Mỹ. Trong một báo cáo đề ngày 14.7.1953, Tướng De Lanerès cho biết Nguyễn Hữu Trí đang liên lạc chặt chẽ với các viên chức Mỹ, nhất là Lãnh Sự Mỹ ở Hà Nội là Sturm Hendrick... Ông này hiện đang ở trong một biệt thự thuê của Nguyễn Hữu Trí.
Ngày 28.4.1953, Đại Sứ Heath lại làm một báo cáo về tình hình Đông Dương nói rằng Bảo Đại thông minh và biểu hiện sự đoàn kết Bắc – Nam, nhưng không có khả năng của một nhà lãnh đạo giỏi. Nguyễn Văn Tâm có nhiệt tình và hoạt động hữu hiệu, nhưng không có khả năng đoàn kết toàn quốc và quá thân Pháp. Theo ông, chỉ còn lại hai người có thể thay thế Nguyễn Văn Tâm là Ngô Đình Diệm và Nguyễn Hữu Trí. Nhưng ông Diệm quá cứng đầu, có lập trường chống Pháp, không được Bảo Đại ưa thích và ông ta cũng không thích Bảo Đại.
Tuy nhiên, Bảo Đại hiểu Đại Việt hơn Đại Sứ Heath. Bảo Đại sợ nếu giao chính quyền cho Nguyễn Hữu Trí, Đại Việt sẽ thao túng chính quyền, vô hiệu hóa ông và tiến tới lật đổ ông, nên ông không bao giờ giao. Có người đã đề nghị đưa ông Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng trở lại, nhưng Bảo Đại đã từ chối, vì cho rằng Trần Trọng Kim quá thân Đại Việt.
Ngày 6.5.1954, ông Nguyễn Hữu Trí đã vào Sài Gòn than phiền với ông McClintock, xử lý thường vụ Toà Đại Sứ Mỹ tại Đông Dương, rằng không còn chính phủ trung ương nữa. Ông muốn Bảo Đại về nước đích thân cầm quyền.
Ngày 17.5.1954, ông McClintock gởi cho Washington một công điện nói rằng Nguyễn Hữu Trí, Thủ Hiến Bắc Việt, có thể được trao cho lập chính phủ mới và Phan Huy Quát có thể làm Tổng Trưởng Quốc Phòng. Vì thế, Nguyễn Hữu Trí tin rằng ông sẽ được Mỹ đưa ra làm Thủ Tướng thay Bửu Lộc. Nhưng Đại Sứ Haeth và phái đoàn Hoa Kỳ tại Genève đã nhận ra rằng không thể đồng ý kế hoạch của McClintock. Đại Sứ Haeth nói rằng ngoài những trở ngại khác, Pháp chắc chắn không đồng ý một đề nghị như thế trong lúc này, và nếu không có sự đồng ý của họ, một cuộc đảo chánh khó có thể tránh được. Ông nói thêm rằng ông Diệm hình như đang tiến tới ủng hộ Bảo Đại. Ông kết luận rằng Hoa Kỳ nên “ít ra trong lúc này, ủng hộ giải pháp Bảo Đại.”
Ngày 16.6.1954, Bảo Đại đã ký Sắc Lệnh số SL 38/QT cử ông Diệm làm Thủ Tướng thay thế ông Bửu Lộc với toàn quyền về dân sự và quân sự.
Chúng tôi hy vọng với một số tài liệu căn bản được rút từ trong các tập FRUSS của Bộ Ngoại Giao như đã trình bày trên đủ cho ông Lê Mạnh Hùng thấy tại sao Pháp. Mỹ và Bảo Đại không chọn một nhân vật Đại Việt cầm đầu chính phủ.
Chuyện tranh chấp giữa Tướng Collins và chính phủ Ngô Đình Diệm ghi trong các tập tài liệu này cũng cho thấy việc Washington không chấp nhận đề nghị của Tướng Collins thay thế ông Diệm bằng Phan Huy Quát hay Trần Văn Đỗ không phải vì ông Diệm là người Công Giáo như ông Lê Mạnh Hùng đã tìm cách gán ghép một cách ấu trỉ mà vì những lý do khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh luận với ông Lê Mạnh Hùng về vấn đề này.
Lữ Giang
Ghi chú: Muốn tìm các bài của chúng tôi, xin vào website motgoctroi.com, mục “Mỗi tuần một chuyện.”
Có người hỏi tại sao đọc bài trên Internet hơi khác trên báo. Chúng tôi xin thưa rằng bài trước khi đưa lên Internet đã được điều chỉnh và bổ túc thêm nên hơi khác.
Trở về đầu trang
No comments:
Post a Comment