Bộ quốc phòng Hoa Kỳ vừa chỉ định tướng David M. Rodriguez phụ trách công tác hành quân tại A Phú Hãn, mục đích của việc tăng cường được giải thích là để vị tướng đương kim tư lệnh chiến trường, David D. McKierman, rảnh tay với những bận bịu hành quân hàng ngày, hầu giải quyết những vấn đề chiến lược tổng quát.
Việc đem Rodriguez “tăng cường” cho bộ tư lệnh chiến trường A Phú Hãn che dấu một thay đổi, và nhắc chúng ta nhớ lại việc tướng Creighton Abrams, phụ tá tướng William Westmoreland, được cử đặc trách việc Việt Nam hoá chiến tranh Việt Nam, để che dấu việc Westmoreland bị thay thế sau trận Mậu Thân vì ông này bị địch lừa, dồn quân Mỹ ra biên giới trong lúc chúng tiến đánh các đô thị.
Không bị địch lừa, nhưng McKierman vẫn bị thay thế vì bị “đồng minh” phản đối. Ðồng minh trong trường hợp này lại chính là tổng thống A Phú Hãn Hamid Karzai. Ông cho các tỉnh trưởng, quận trưởng, xã trưởng hô hoán là bom Hoa Kỳ giết thường dân A Phú Hãn.
Karzai phủ nhận là không hề có al Qaeda trên lãnh thổ A Phú Hãn, và điều này có nghĩa là ông phủ nhận toàn bộ mọi nguyên nhân hành quân, oanh tạc trên lãnh thổ A Phú Hãn; thái độ của ông khó hiểu và chắc chắn sẽ gây rất nhiều trở ngại cho quân đội Hoa Kỳ và NATO đang có mặt trên chiến trường A Phú Hãn. Việc thay thế tướng tư lệnh chiến trường không giải quyết được những khó khăn này.
Ðể hiểu rõ khó khăn mới của chiến trường, xin bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn của CNN dưới đây.
BLITZER (người phỏng vấn): Ông nói al Quada không có mặt tại A Phú Hãn?
KARZAI: Al Qaeda không đặt căn cứ tại A Phú Hãn.
BLITZER: Như vậy thì ông chiến đấu chống ai?
KARZAI: Ðó là vấn đề, đó cũng là điều tôi muốn nói, cuộc chiến tranh chống khủng bố không diễn ra tại làng mạc A Phú Hãn. Cần đem chiến tranh vào sào huyệt của al Qaeda, cần đánh phá hệ thống kinh tài của chúng, đánh phá những trại huấn luyện của chúng. Toàn bộ những thứ đó không nằm trên lãnh thổ A Phú Hãn.
Chính Hoa Kỳ cũng xác nhận điều này, và đó là lý do chúng tôi phải họp tay ba giữa A Phú Hãn, Pakistan và Hoa Kỳ. Những cuộc hành quân không những diễn ra không đúng chỗ, mà còn gây ra nhiều tang tóc cho chúng tôi nữa.
KARZAI: Nguy cơ nào lớn nhất đối với A Phú Hãn: những tay lãnh đạo al Qaeda, Osama bin Laden, hay nhóm Taliban, Mullah Mohammed Omar?
KARZAI: Tất cả những người đó không đe dọa gì A Phú Hãn cả. Chúng có thể giết thường dân vô tội, phá hoại trường học, nhưng chúng không đe dọa A Phú Hãn. Chúng gây ra tổn thất, chúng làm trì trệ tiến bộ, trì trệ tái thiết; chúng có thể tấn công, phá cầu, nhưng chúng không đe dọa quốc gia A Phú Hãn, cũng không đe dọa hệ thống giá trị mà người A Phú Hãn bảo vệ.
BLITZER: Tôi đã hỏi ông nhiều lần câu này, hôm nay tôi lại hỏi lại một lần nữa: Ông có biết bin Laden đang ở đâu không?
KARZAI: Tôi thật sự không biết ông ta ở đâu cả. Tôi mong mỏi chúng ta sẽ bắt được hắn, bắt càng sớm càng tốt.
BLITZER: Ông có nghĩ là ông ta đang ở A Phú Hãn không?
KARZAI: Chắc chắn là không. Hắn không thể trốn tại A Phú Hãn được.
BLITZER: Ông nghĩ ông ta đang trốn nơi nào?
KARZAI: Dư luận đồn ông ta đang ở trên lãnh thổ Pakistan, gần biên giới A Phú Hãn, nhưng tôi không biết rõ.
BLITZER: Ông tin là ông ta còn sống?
KARZAI: Tôi nghe như vậy, nhưng không biết chắc.
BLITZER: Liên hệ của ông với vị tân tổng thống Pakistan có chặt chẽ hơn với vị tổng thống trước, ông Musharraf, không?
KARZAI: Tôi vẫn có liên hệ tốt với nguyên tổng thống Musharraf.
BLITZER: Nhưng đôi khi cũng căng thẳng?
KARZAI: Căng thẳng trên những vấn đề A Phú Hãn; hiện nay thì căng thẳng về cả những vấn đề Pakistan nữa; có thể nói là rất căng thẳng. Nhưng tôi vẫn liên hệ chặt chẽ với tổng thống Zardari, chặt chẽ trên bình diện công việc.
BLITZ: Ông có tín nhiệm ông Zardari không?
KARZAI: Tín nhiệm và thân thiện nữa. Chúng tôi đồng quan điểm về nhiều vấn đề. Có thể nói đó là một thay đổi về phẩm chất của những liên hệ A Phú Hãn-Pakistan.
BLITZER: Ông còn cần quân đội Hoa Kỳ và NATO thêm bao lâu nữa?
KARZAI: A Phú Hãn và đồng minh đã đồng hành, thì ngày thành công là ngày rút quân. Nếu chúng ta đánh bại quân khủng bố sớm để A Phú Hãn và thế giới trở thành an toàn hơn, thì quân đội có thể rút ra.
BLITZER: Ông vừa nói là al Qaeda không có tại A Phú Hãn?
KARZAI: Nhưng chiến tranh đang xẩy ra tại A Phú Hãn. Chắc chắn Hoa Kỳ không đến A Phú Hãn chỉ vì A Phú Hãn mà thôi. Hoa Kỳ đến đây để tấn công một kẻ địch qua lại trên vùng biên giới. Cuộc chiến vì vậy mà mang tính chất thế giới. Hoa Kỳ chỉ sử dụng lãnh thổ A Phú Hãn như một trung tâm hành quân.
BLITZER: Ông ước lượng thởi gian cần thiết là 5 năm, 2 năm, hay 10 năm.
KARZAI: Tôi chỉ có thể nói về thời lượng cần thiết để xây dựng nước A Phú Hãn; thời gian đó không lâu hơn 10 năm. Sau đó A Phú Hãn sẽ trở thành một quốc gia có khả năng hơn.
BLITZER: Nghĩa là ông cần sự trơ giúp của Hoa Kỳ và NATO trong 10 năm nữa?
KARZAI: Trợ giúp đế A Phú Hãn tự lực kiến thiết quốc gia. Nhưng chiến tranh lại là một vấn đề khác. Chúng tôi có khả năng tiến hành cuộc chiến tranh này một mình; tôi cũng không thích danh từ “chiến tranh”, đó chỉ là một cuộc phấn đấu, chúng tôi có thể vừa phấn đấu vừa xây dựng. Nhưng đánh bại al Qaeda và hệ thống khủng bố lại không là một vấn đề cố định; nó biến đổi.
Trong 10 năm nữa chúng tôi không cần quân đội ngoại quốc nữa, nhưng vẫn cần tình báo, cần kỹ thuật …
Trở lại với đại tướng McKierman, và việc chính phủ A Phú Hãn cáo buộc ông thả bom giết lương dân: bộ tư lệnh chiến trường đề nghị quân đội Hoa Kỳ và chính quyền A Phú Hãn cùng đến tại chỗ, quan sát địa phương bị bom, tỉnh Farah.
Phái đoàn điều tra hỗn hợp này đã công bố bản nhận xét đầu tiên nói quân bộ chiến của A Phú Hãn đụng nặng với địch và gọi không yểm đánh vào những điểm địch từ đó bắn ra.
Bản nhận xét viết, “… cuộc điều tra cho thấy quân Taliban cưỡng bách dân hai làng tại tỉnh Farah ở lại tại chỗ khi họ bắn vào cánh quân A Phú Hãn, cánh quân này gọi không yểm, và quân lực Hoa Kỳ đã đáp ứng.”
Toán thanh tra phối hợp Mỹ-A Phú Hãn “cực lực lên án quân Taliban đã dụng ý sử dụng dân làng làm mộc ngăn chặn bom, đạn”.
Abdul Basir Khan, một nghị viên tỉnh Farah nói ông có danh sách 147 người bị chết vì bom tại quận Bala Baluk. Một viên chức khác của A Phú Hãn nói số người chết khoảng vài chục; nhưng một nữ phát ngôn viên của quân đội Hoa Kỳ nói những con số nêu lên đều quá đáng.
Ðó là thái độ của Karzai, một trong hai vị tổng thống của hai quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh (mà Karzai không thích gọi là “chiến tranh”), thái độ cần được coi như yếu tố quan trọng nhất giúp hoạch định sách lược.
Karzai ông không thích chiến tranh với Taliban, vì Taliban là người A Phú Hãn, là chính phủ trước của A Phú Hãn, chính phủ đã dung dưỡng bin Laden và do đó bị quân Hoa Kỳ tấn công. Một cánh quân của A Phú Hãn bị phục kích, gọi không yểm, ông đang gây trở ngại cho không yểm, cho cuộc chiến tranh chống Taliban.
Ông nói ông sẵn sàng chống al Qaeda, nhưng al Qaeda lại không có quân đội để ông chống, ông còn cầu mong sớm bắt được bin Laden, nhưng bin Laden lại không có mặt trong nước ông, ông bảo tên trùm khủng bố này luẩn quẩn quanh vùng biên giới A Phú Hãn-Pakistan, bảo Hoa Kỳ ra đó mà “chiến tranh”.
Ông muốn 10 năm viện trợ, nhưng lại không thích nói về tham nhũng. Qua CNN ông bảo thẳng dân Mỹ là vấn đề nóng bỏng tại A Phú Hãn không phải là tham nhũng mà là dân lành bị bom Mỹ giết. Ông kê cái tủ đứng khá lớn vào miệng tổng thống Obama, nên ông này chưa nói gì được cả, mặc dù nổi tiếng là hùng biện và có tài tìm ra giải pháp cho mọi bế tắc.
Rodriguez là một danh tướng, có một năm kinh nghiệm chiến truờng A Phú Hãn vì ông đã trải qua một nhiệm kỳ tác chiến tại đây trong vai trò tư lệnh Sư Ðoàn 82 Nhẩy Dù, một trong những đơn vị tinh nhuệ bậc nhất của quân đội Hoa Kỳ.
Nhưng, ông không phải là giải pháp, và dù những sư đoàn Hoa Kỳ đang hành quân tại A Phú Hãn có tinh nhuệ đến đâu đi nữa, dù tướng McKierman có tìm ra một chiến lược hữu hiệu đến đâu đi nữa, Hoa Kỳ cũng sẽ thua tại A Phú Hãn như họ đã thua tại Iraq và Việt Nam.
Nguyên nhân của sự thất trận sắp đến và của cả hai cuộc thất trận đã qua là Hoa Kỳ thiếu một sách lược A Phú Hãn, cũng như họ không hề có một sách lược Việt Nam, hay Iraq.
Sách lược A Phú Hãn không thể không quan tâm đến lập trường của Karzai, người công khai nói ông không đồng minh với Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh này; Karzai còn phủ nhận là không hề có al Qaeda trên lãnh thổ A Phú Hãn.
Tình hình Pakistan tương đối rõ rệt hơn sau những nhượng bộ cho phe Hồi Giáo tại thung lũng Swat. Ðòi đặt Swat dưới luật Hồi Giáo, và sau khi đạt được sự nhượng bộ của chính phủ Pakistan phe này ồ ạt chiếm nhiều địa phương, nhiều công ốc bằng vũ lực.
Chính phủ Pakistan đưa quân đội vào đánh dẹp và tái lập trật tự, họ kêu gọi dân chúng tuyên chiến với nhóm thân Taliban.
Quân đội thiết quân luật, tạo giới nghiêm để tìm bắt những phần tử thân Taliban. Hãng thông tấn Hồi Giáo Al Jazeera viết, “Quân Ðội thống thiết kêu gọi những người Pakistan yêu nước đứng lên tuyên chiến chống những kẻ đang làm mất hòa bình và trật tự trong thung lũng.”
Trên nửa triệu người Pakistan đã di tản ra khỏi thung lũng Swat, và nửa triệu người nữa đang chuẩn bị dời cư để tránh những cuộc giao tranh giữa quân đội Pakistan và lực lượng thân Taliban.
Phóng viên Kamal Hyder của hãng Al Jazeera viết, “Họ bán đổ bán tháo xe cộ để có ít tiền chi dụng trên đường di tản, họ khiêng vác mọi thứ có thể khiêng, có thể vác đi. Nhiều gia đình bỏ cả nhà cửa, sự sản để di tản.
Bác sĩ Chris Lockyear, giám đốc chương trình “Bác sĩ không biên giới” nói nguời di tản có thể sẽ cần trợ giúp y tế.
“Nhiều trăm ngàn người đang di tản họ cần nơi cư trú, cần nước, và sau những nhu cầu thiết yếu, họ còn cần được chăm sóc sức khỏe,” ông nói với truyền thông.
Việc đem trợ giúp lại cho người di tản Pakistan là việc của tổng thống Hoa Kỳ; sự trợ giúp đúng lúc và đúng mức của Hoa Kỳ không chỉ là một hành động nhân đạo mà còn là một hành động chiến lược: dùng mỹ kim tại Swat hôm nay giúp tránh được việc sang năm phải đem lính Mỹ vào chết tại đó.
Ðối với tổng thống A Phú Hãn Karzai, Obama phải tìm ra giải pháp giúp phi công Hoa Kỳ có thể tiếp tục đến trợ chiến cho đồng đội bị tấn công. Tướng McKierman hay tướng Rodriguez không làm được việc đó.
Tạo ra môi trường thuận lợi cho chiến trường A Phú Hãn là trọng trách của vị tổng tư lệnh quân đội. Ông Obama phải tìm ra phương thức tốt nhất để hoàn thành trọng trách. Một khuyến cáo: giết Karzai như Mỹ đã giết tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Ngô Ðình Diệm không cải thiện môi trường chiến tranh cho quân đội Hoa Kỳ.
Không tìm được lối thoát sách lược là chấp nhận chiến tranh trong thế tất bại.
No comments:
Post a Comment