Không đấu thầu mà “cho không” Trung quốc khai thác bauxite Tây Nguyên
Núi rừng Tây Nguyên đang bị băm nát bởi các dự án khai thác bauxite của nhà cầm quyền Việt Nam.
HÀ NỘI 11-5 (TH) .- Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường CSVN, ông Phạm Khôi Nguyên, đã cầm đầu một phái đoàn đến Lâm Đồng, Đắc Nông để “kiểm tra” dự án khai thác bauxite tại Tân Rai và Nhân Cơ cuối tuần vừa qua.
Trong dịp này Tổng giám đốc nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ, tỉnh Đắc Nông, thừa nhận rằng chính phủ đã cho không nhà thầu Trung quốc dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên chứ không có đấu thầu.
Tin cho hay không có một chương trình khảo cứu đánh giá lại tác động môi trường của các dự án khai thác bauxite ở Lâm Đông và Đắc Nông như nhà cầm quyền trung ương đã hứa hẹn nhằm xoa dịu những âu lo của quần chúng.
Dư luận quần chúng và cả những đảng viên tăm tiếng của chế độ đã lên tiếng ngăn cản khiến Bộ Chính Trị CSVN ngày 24/4/2009 phải ra một chỉ thị khuyến cáo chỉ nên tiếp tục kế hoạch khai thác bauxite ở Đắc Nông sau khi có báo cáo rõ rệt về tác động môi trường. Cho tới nay, bản báo cáo chi tiết đã không được thi hành theo đúng thủ tục phải có trước khi được cấp phép tiến hành.
Trong bản chỉ thị đó, Bộ Chính trị CSVN nhấn mạnh với chính phủ là phải chú trọng tới vấn đề công nghệ và thiết bị hiện đại.
“Với dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường. Nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”. Bản Kết luận của Bộ Chính trị CSVN về “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít” viết.
Theo lời Lê Dương Quang, thứ trưởng Bộ Công Thương CSVN, nói với hãng thông tấn DPA của Đức, hiện “chưa có gì tiến triển về bản báo cáo tác động môi trường”.
“Chúng tôi dự trù lập bản báo cáo nhưng chưa quyết định chỉ định cơ quan nào sẽ làm.” Ông Quang nói với DPA.
Thêm nữa, ông này nói, các dự án khai thác bauxite đã được chấp thuận tiến hành trước khi có luật đòi phải có các bản báo cáo về tác động môi trường. Bởi vậy, cơ quan của ông ta mới không thể thoả mãn lời yêu cầu của ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, hồi năm 2007, đòi bản báo cáo như vậy.
Tuy nói vậy, ông ta lại tiết lộ ra một lý do khác chính xác hơn: “Chúng tôi không thể làm bản báo cáo tác động môi trường vào thời gian đó vì chúng tôi không có tiền để thực hiện”.
Đây là lý do mà tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, một chuyên viên của TKV (Tập đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam) nói rằng các dự án khai thác bauxite đã tiến hành “theo qui trình ngược” trong một số bài viết phổ biến trên internet hồi năm ngoái.
Trong khi đó, Đoàn Văn Kiển, chủ tịch Tập đoàn Than Khoáng Sản quốc doanh (TKV) chủ đầu tư của dự án khai thác bauxite thì lại nói công ty của ông ta không có trách nhiệm phải khảo cứu về tác động môi trường của các dự án do Trung quốc tiến hành, theo bản tin DPA.
Vậy thì không ai có trách nhiệm khảo sát và thiết lập các bản báo cáo tác động môi trường mà hậu quả đựơc biết không những ảnh hưởng đến các người dân của các tỉnh Đắc Nông và Đồng Nai, mà còn cả các tỉnh hạ nguồn của sông Đồng Nai ở phía Nam và người dân bên Cam Bốt mà các nhánh sông của họ bắt nguồn ở Tây Nguyên Việt Nam?
Khi thăm cử tri ở thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời chấn vấn của cử tri đã nói rằng “Việc khai thác (bauxite) sẽ được chỉ đạo nghiêm túc và quản lý chặt chẽ để đạt hiệu quả kinh tế, đảm bảo bền vững về môi trường, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đưa ngành công nghiệp khai thác quặng bauxite trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội vùng Tây nguyên”. “Cổng thông tin chính phủ” CSVN loan báo.
Lời nói của ông Dũng đi xa hơn bản chỉ thị của Bộ Chính Trị CSVN khi nói đưa “công nghiệp khai thác quặng bauxite” thành “một ngành công nghiệp lớn của đất nước” là một điều khác. Cái điều ngày trước mặt là “quản lý chặt chẽ để đạt hiệu quả kinh tế, bảo đảm bền vững môi trường” là điều đã thấy ngay có điều không ổn. Theo bài phản bác của tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn trong bài viết “vấn đề công nghệ và môi trường trong khai thác bauxite ở Tây Nguyên”, những gì ông biết được về kế hoạch của TKV sẽ không có hiệu quả kinh tế vì tính toán sai. Còn tác hại với môi trường thì sẽ rất nghiêm trọng vì sử dụng công nghệ lạc hậu, nhất là vấn đề giải quyết bùn đỏ, một chất thải độc hại sau khi tuyển luyện quặng.
Theo bản tin của tờ Tuổi Trẻ, Bùi Cách Tuyến, phó tổng cục trưởng đặc trách Tổng Cục Môi Trường nói “thông tin về hồ chứa bùn đỏ quá sơ sài và ĐTM (bản báo cáo đánh giá tác động môi trường) chưa đánh giá hết được yếu tố phát thải của các hạng mục thuộc dự án nhà máy alumin”.
Theo lời Bùi Quang Tiến, tổng giám đốc nhà máy luyện bột nhôm Nhân Cơ (VNAC) thì “nhà máy Nhân Cơ đã được khởi động từ cuối năm 2005” mà dư luận không được hay biết. “Lúc đó, dự tính chỉ sản xuất 100,000 tấn alumin/năm (tương đương 250,000 tấn quặng tinh/năm. Vì các hồ sơ dự thầu lúc ấy không đáp ứng yêu cầu” nên “thủ tướng cho phép nâng công suất lên 300,000 tấn alumin/năm”.
Nhưng lần thầu sau lại thấy cũng không thấy đem lại hiệu quả kinh tế nên nâng công suất lên 600,000 tấn/năm và “Lần này chủ đầu tư không tổ chức cho đấu thầu mà được phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép TKV chỉ định công ty TNHH Công trình quốc tế nhôm Trung quốc (Chalieco) – nhà thầu chính dự án bauxite Tân Rai – thực hiện gói thầu Nhà máy alumin Nhân Cơ.” (Báo Tuổi Trẻ tường thuật ngày 10/5/2009.
Từ trước đến nay, qua báo chí trong nước, người ta chỉ được biết là nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu thấp hơn nên trúng thầu chứ chưa ai được biết là họ lại được “cho không”.
Trái với lời của ông Quang ở Bộ Công Thương nói với DPA, báo Tuổi Trẻ thuật lời ông Bùi Quang Tiến lại nói rằng ĐTM đã được lập xong tháng 1/2009 và trình Bộ Tài Nguyên Môi Trường phê duyệt rồi “chuyển cho UBND tỉnh Đắc Nông thẩm định phê duyệt theo phân cấp mới”.
=============================================
No comments:
Post a Comment