'Công lớn của Nga ở Điện Biên'
http://www.bbc. co.uk/vietnamese /vietnam/ 2009/05/090514_ pravda_vietnam. shtml
Pravda nói nếu không có pháo cao xạ của Liên Xô thì không có chiến thắng Điện Biên
Báo Pravda nhận công lao chính của trận Điện Biên là của Liên Xô với ý trách Việt Nam nay thực dụng và lạnh nhạt.
Trong bài mới đây của tác giả Sergey Balmasov, tờ báo Nga nói rằng nước Việt Nam nay có đầu óc thực tiễn nên đã quên đi những tình cảm về thời được Nga giúp.
Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ lần thứ 55 vào dịp tháng Năm năm nay, bài báo nói Việt Nam ngày nay vẫn được coi là một nước thân hữu với Nga.
Nhưng theo tác giả, "chiến thắng vang dội (đó) không thể có nếu thiếu sự ủng hộ từ Liên bang Xô Viết".
Dù công nhận "lòng dũng cảm của người Việt Nam và tài năng của Tổng tư lệnh quân đội cộng sản Việt-Minh, tướng Giáp", bài báo nói "yếu tố chính là sự hỗ trợ của Liên Xô".
Từng là đồng chí
Nhắc đến lịch sử quan hệ Xô-Việt có từ thời chống thực dân Pháp, bài báo nói về thỏa thuận tháng Hai 1950 khi Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam đồng ý về cơ chế chuyển hàng viện trợ và quân sự qua Trung Quốc sang cho "các đồng chí Việt Nam".
Chính phủ Việt Nam có nhớ nước nào giúp nhân dân họ giải phóng?
Sergei Balmasov
Quân đội Việt Minh khi ấy không hề có không quân đã dùng vũ khí (pháo cao xạ) của Liên Xô để bắn rơi 64 và làm hư hại 150 phi cơ Pháp.
Bài báo nói thẳng rằng "Pháo phòng không của Liên Xô đã tiêu diệt hoàn toàn hệ thống phòng thủ của Pháp" ở cứ điểm 17 nghìn quân tại Điện Biên.
Công tác vận chuyển cũng nhờ có xe tải Molotov của Liên Xô mà đạt được mục tiêu như chính tướng Giáp nhắc lại một kỷ niệm về tính bền của xe.
Tác giả Sergey Balmasov đặt câu hỏi:
"Chính phủ Việt Nam có nhớ nước nào giúp nhân dân họ giải phóng? Họ nhớ nhưng..."
Phần "nhưng" nói với một giọng văn chua xót rằng tình hữu nghị nay "hơi mờ nhạt".
Bộ đội Việt Nam tấn công vào cứ điểm Điện Biên
Kể ra thái độ ngoại giao của Việt Nam, tác giả nhắc đến sự ủng hộ của Hà Nội dành cho Moscow trong vấn đề Kosovo 10 năm trước.
Nhưng đến cuộc chiến Nam Ossetia 2008 thì "Hà Nội giữ quan điểm trung lập lạnh lẽo".
Bài báo kết luận nước Việt Nam có đầu óc thực dụng nay xây đắp quan hệ với mọi quốc gia, gồm cả Mỹ và Pháp và "không thiên về cách đặt nền tảng chính sách ngoại giao trên các tình cảm xưa về sự ủng hộ của Nga".
Đây không phải là lần đầu tiên từ Nga có các tiếng nói nhắc đến công lao của Liên Xô cũ với nước đồng minh cộng sản Việt Nam trong các cuộc chiến.
Hồi tháng 11/2008, truyền thông Nga phỏng vấn cựu quân nhân, ông Yury Trushyekin (70 tuổi) nói rằng chính ông mới là người "bắn hạ máy bay của phi công John McCain trên bầu trời Hà Nội năm 1967".
Dù phía Việt Nam không phản bác và cũng không công nhận vụ này nhưng theo tuyên truyền chính thống tại nước này thì Liên Xô và Trung Quốc chỉ hỗ trợ vũ khí, còn các thành tích chống Pháp, Mỹ đều thuộc về quân đội Việt Nam cộng sản.
Tin tức về con số hàng nghìn lượt quân nhân Nga tham chiến tại Việt Nam mới chỉ được nói đến gần đây và cuộc phỏng vấn của ông Trushyekin nhắc lại vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến Việt Nam.
Đánh giá Điện Biên Phủ 'khách quan hơn'
Các cựu binh Điện Biên Phủ quay lại nơi xưa
Tuần này, Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, khoảnh khắc chấm dứt sự thống trị của chế độ thực dân Pháp.
Nếu còn vấn đề gì gây tranh cãi, có lẽ đó là mức độ trợ giúp và vai trò của Trung Quốc trong chiến thắng này.
Những năm gần đây, Trung Quốc công bố tư liệu nói rằng nhiều cố vấn của họ đã đóng vai trò không kém Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ.
Trả lời đài BBC hôm 7.5, GS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học ở Hà Nội, thừa nhận thông tin đó đã làm nhiều người Việt Nam lúng túng.
Nhưng ông cho rằng hiện tại, giới nghiên cứu Việt Nam cũng đã có nhiều bằng chứng để phản ứng lại cách đưa tin của Trung Quốc.
GS. Nguyễn Quang Ngọc: Hồi kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ, có nhiều ý kiến lắm. Có những ý nói vai trò quyết định thuộc về chuyên gia Trung Quốc. Nó cũng làm người ta hoang mang. Nhưng gần đây đã có khá nhiều nghiên cứu giúp thấy rõ vấn đề. Nhận diện về chiến thắng này ngày càng đầy đủ và rõ ràng hơn.
Trước đây, phần nào các nhà nghiên cứu không quan tâm tài liệu Trung Quốc. Nhưng sau việc Trung Quốc công bố, đã có nhiều hội thảo ở Bắc Kinh, nhiều nơi khác. Tài liệu của các bên đã được khai thác, để nhìn nhận khách quan hơn. Chứ bây giờ nếu thảo luận, mà anh nào cũng chỉ biết tài liệu của mình, khai thác có lợi cho mình thì như vậy là phi khoa học.BBC: Theo giáo sư, vì sao Trung Quốc quan tâm vấn đề Điện Biên Phủ?
Sau việc Trung Quốc công bố, đã có nhiều hội thảo. Tài liệu của các bên đã được khai thác, để nhìn nhận khách quan hơn.
Nguyễn Quang Ngọc
Đóng góp của họ cho chiến thắng Điện Biên Phủ là có thật. Thời kháng chiến chống Pháp, nhiều bộ đội của mình đã sang bên đó rèn luyện, sau đó tham gia chiến dịch Điện Biên. Có vai trò của các sĩ quan và cố vấn Trung Quốc. Nhưng trong một số sách, cách trình bày của Việt Nam có khi không bàn tới, nên người ta có ý kiến, cũng phải thôi. Tuy vậy, sau khi đã có trao đổi, ít nhất trên cơ bản có sự thống nhất, thì rất tốt.
Gần đây, tôi đọc bài Mã Viện Nam chinh Giao chỉ của sử gia Trung Quốc Hoàng Tranh. Hóa ra ông ấy "sám hối" hoàn toàn. Trước đây ông ấy phê phán khởi nghĩa Hai Bà Trưng là nổi loạn. Gần đây ông ấy lại viết thẳng ra là: Tôi viết bài này, đây là tiếng nói từ đáy lòng tôi, biểu lộ sau khi đã thay đổi quan điểm. Đấy, có nhiều yếu tố: không khí học thuật, khả năng tiếp cận tư liệu, thậm chí quan điểm chính trị, để rồi đi đến khách quan hơn. Theo tôi, đó là bước tiến.BBC: Khi xảy ra chiến tranh 1979, Trung Quốc nói Việt Nam đã vô ơn. Theo giáo sư, đánh giá như thế ở Trung Quốc có còn như vậy không?
Chuyện năm 1979 họ đánh Việt Nam, không thể lấp liếm được. Với tôi, đây là cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng tôi không bao giờ quên ơn, dù chỉ một cân gạo. Trung Quốc giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rất lớn, Việt Nam phải đời đời mang ơn. Còn chuyện đi đánh nước ta, không thể lấy việc giúp đỡ ra mà nói, rất khác nhau.
Hiện nay, trong vấn đề biển đảo, theo tôi, Việt Nam có lịch sử chủ quyền rất thực và rõ ràng. Ít nhất từ thế kỷ 17 đến mãi cuối thế kỷ 19, không có nước nào trong khu vực tranh chấp với Việt Nam. Vì thế Việt Nam phải bảo vệ đến cùng. Lịch sử chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa được ghi bằng cả biển máu, núi xương ngoài đó.
No comments:
Post a Comment