Trung Quốc và Việt Nam
Nguyễn Xuân Nghĩa
Vấn đề Trung Quốc của Việt Nam nằm tại Hà Nội…
.
Chuyện Trung Quốc và Việt Nam có thể nhìn từ cái nhân, là Trung Quốc, và cái duyên, hay đúng hơn, cái nợ, là lãnh đạo Việt Nam ngày nay. Trong hoàn cảnh tạm gọi là khách quan - nằm bên ngoài yếu tố Việt Nam hay khả năng quyết định của người Việt Nam - Trung Quốc phải bành trướng ra ngoài để kiếm ăn. Nếu không, chế độ sẽ sụp đổ vì nội loạn. Lãnh đạo của họ đang gặp bài toán sinh tử của một quốc gia đông dân mà thực ra không có đủ tài nguyên để nuôi dân. Xứ nào cũng có thể gặp bài toán về tài nguyên ấy, điển hình ngay tại Đông Bắc Á là Nhật Bản, Đại Hàn hay Đài Loan, và vì vậy họ phải tổ chức xã hội ở bên trong để buôn bán với bên ngoài. Trung Quốc cũng thế. Nhưng khác với các quốc gia kia, Trung Quốc có một chế độ chính trị độc tài và nét văn hoá bá quyền. Họ tự nghĩ mình là trung tâm của thế giới - tên nước là như vậy - và ngày nay, khi Hà Nội dùng chữ “Trung” để nói về họ, thay vì chữ Hoa, như quan hệ “Việt-Trung” thay vì “Việt-Hoa”, thì đã mặc nhiên công nhận như vậy và đấy là điều đáng tiếc, đứng trên quan điểm của người Việt. Và với chế độ chính trị hiện tại, họ giải quyết bài toán của họ theo kiểu “trong bá ngoài vương”, ngoài thì nói giọng văn minh ôn hoà, thí dụ như “phát triển trong hòa bình”, nhưng bên trong sẵn sàng trò bá đạo, tức là mua chuộc hay khuynh đảo xứ khác, bất chấp những nguyên tắc hành xử ôn hoà minh bạch của thế giới hôm nay. LẼ SINH TỬ CỦA TRUNG QUỐC Lý do cấp bách là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc không thể đóng cửa tự cung tự cấp mà phải tìm nguyên nhiên vật liệu và cả nông thực phẩm cho bên trong và tìm thị trường xuất cảng ra ngoài. Sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, từ 30 năm nay, Trung Quốc mới thực sự ra khỏi hình thái kinh tế nông nghiệp, đã tăng trưởng mạnh như các quốc gia tân hưng trong thời kỳ khởi phát ban đầu. Nhưng ngược lại, họ cần thị trường xuất cảng và nhập cảng nguyên nhiên vật liệu cho việc công nghiệp hoá. Một thí dụ nổi bật là dầu thô. Trung Quốc là một nước sản xuất dầu khí, vậy mà từ năm 1993, đã tiêu thụ nhiều hơn sản lượng và bắt đầu phải mua từ ngoài. Mười năm sau, là năm 2003, họ trở thành nước mua dầu thứ nhì thế giới sau Nhật Bản.
.
Năm ngoái là 2008 thì đã vượt qua Nhật, với tám triệu thùng tiêu thụ mỗi ngày mà chỉ sản xuất được có chừng phân nửa. Trung Quốc khát dầu và bị lệ thuộc vào bên ngoài nên mua chuộc, chiêu dụ hoặc lấn áp mọi nguồn cung cấp họ có thể vươn tới. Ngoài dầu thô, Trung Quốc cũng cần quặng sắt và đã triệt để khai thác hầm mỏ của họ, với sản lượng tăng gấp bốn trong hai chục năm.
.
Vậy mà chưa đủ cho kỹ nghệ thép nên phải nhập. Từ 11 triệu tấn vào năm 1987, số nhập cảng ngày nay đã lên tới 440 triệu tấn và tương đương với 35% nhu cầu. Sau dầu thô, quặng sắt, họ cần nhiều thứ kim loại khác, thí dụ như bauxite. Sản lượng bauxite từ hơn 3 triệu tấn năm 1987 qua năm 2007 đã lên tới 30 triệu tấn nên phải nhập cảng, từ 323 ngàn tấn vào năm 1987 nay đã lên tới 30 triệu tấn. Các kim loại khác như đồng hay kẽm cũng vậy. Đã thế, có sản lượng nông nghiệp - kể cả gạo - nhiều nhất địa cầu, và cũng đáng kể về các nông sản khác, Trung Quốc vẫn chỉ canh tác đủ ăn và nay phải nhập cảng để nuôi gần một tỷ 400 triệu dân.
.
Nói vắn tắt thì dù tận lực đào xới tài nguyên nội địa gấp ba bốn lần, xứ này chưa có đủ cho nhu cầu và phải tìm nguồn cung cấp từ bên ngoài. Điều này chưa hề xảy ra trong lịch sử của họ. Và ngược với lời ca ngợi của truyền thông quốc tế và giới tư bản làm ăn tại các tỉnh duyên hải, Trung Quốc là một quốc gia chậm tiến, có đầy mâu thuẫn nội bộ và có thể bị khủng hoảng bất cứ lúc nào. Khủng hoảng trước tiên là mâu thuẫn giữa hai khu vực trong-ngoài, chưa nói tới những mâu thuẫn trong đảng. Hãy tìm hiểu đôi chút về địa dư của Trung Quốc để hiểu ra vấn đề sinh tử ấy của họ. ĐỊA DƯ HÌNH THỂ Địa dư hình thể Trung Quốc có thể được chia làm ba khu vực.
.
Hãy hình dung ra một đẳng cao tuyến từ mỏm cao nhất của biên giới với Miến Điện qua thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên tới Bắc Kinh và qua Mãn Châu (gồm ba tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh). Hướng Đông của đường tuyến đó ra tới biển là nơi có độ ẩm đủ cao cho trồng trọt và lại có ba con sông lớn cho sự tiêu tưới và vận chuyển là Hoàng hà, Dương tử và cả Châu giang tại Quảng Đông. Cho nên khu vực này là nơi nuôi dân và xuất phát ra nền văn minh của họ.
.
Ngày nay, nơi đây tập trung 400 triệu dân với mật độ dân số rất cao trên diện tích canh tác thật ra rất hẹp, chỉ bằng một phần ba trung bình của thế giới. Từ 10 năm nay, diện tích canh tác này còn bị thu hẹp dần. Tại Hội nghị kỳ 3 của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa 17 vào tháng 10 năm ngoái, đảng Cộng sản Trung Quồc đã phải thảo luận về một kế hoạch Cải cách Ruộng đất mới để giải quyết bài toán này. Công cuộc kỹ nghệ hoá từ 30 năm nay khiến khu vực tạm gọi là duyên hải ấy đã nhoài ra ngoài và quay lưng lại bên trong. Khi nói tới phép lạ và bước nhảy vọt của Trung Quốc, thiên hạ chỉ nhìn thấy khu vực này hay các trung tâm Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thẩm quyền mà thôi. Khu vực thứ hai, từ phía Tây của đường tuyến vừa nói, là một vùng bát ngát mà khô cằn của sa mạc, thảo nguyên và núi non. Nơi đây chuyển vận khó khăn vì thiên nhiên hiểm trở và lại bị khoá trong lục địa nên khó thông thương với bên ngoài. Khu vực nội địa này là phần đất lạc hậu, với gần 900 triệu dân nghèo khổ và bắt đầu ý thức được sự nghèo khổ của họ khi nhìn ra các tỉnh miền Đông. Họ muốn tham dự vào tiến trình cải cách để cải thiện mức sống mà cảm thấy bị bỏ rơi vì chiến lược phát triển xuất cảng lại chú trọng tới khu vực hướng ngoại kia.
.
Những tin tức ngày càng nhiều và càng khó che giấu về các vụ biểu tình bạo động thường xuất phát tại đây mà vì nằm sâu trong lục địa nên ít được thế giới biết đến. Trong lịch sử Trung Quốc, đa số các cuộc thay đổi triều đại ở đều xuất phát từ khu vực này. Khu vực thứ ba là các vùng phiên trấn, từ Cao nguyên Thanh Tạng qua Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Mãn Châu.
.
Đây là các địa phương hiểm trở tiếp giáp với bên ngoài và trong lịch sử đã từng là cửa ngõ cho ngoại xâm của các dị tộc vào thẳng Trung Nguyên, thậm chí cai trị luôn Hán tộc, như Kim, Liêu, Mông, Mãn. Vì nỗi sợ truyền thống ấy mà lãnh đạo nào của Trung Quốc cũng phải gửi quân tới đồn trú, xây dựng thành vùng trái độn để bảo vệ Trung Nguyên của Hán tộc. Hán Vũ đế hay Mao Trạch Đông cũng thế mà thôi. Mà từ các vùng trái độn này, họ không thể bung ra xâm lăng nước khác, như Đế quốc Nga, các nước Trung Á hay Ần Độ.
.
Người Việt ta và cả thế giới ít ai chú ý tới hai đặc tính của nền văn hóa Trung Quốc, đó là sợ hãi và khoa trương. Kỳ tích của nền văn minh này là Vạn lý Trường thành xuất phát từ sự sợ hãi và phản ứng phòng thủ đã có từ thời Chiến quốc tới ngày nay. Tiêu biểu cho nét khoa trương là cách đối xử với các nước họ coi là chư hầu mà thật ra không chi phối được, ngoài vài thủ đoạn về hình thức huê dạng mà tốn kém cho Thiên triều. Hãy nhớ cung cách của Thanh Càn Long với Quang Trung nước ta thì rõ. Hãy nhớ tới việc các công chúa bị gả bán cho rợ Hung nô để mua hòa bình thì rõ. Tây phương không hiểu điều này nên cứ tin rằng các lân bang đều là chư hầu của Trung Quốc và không có chủ quyền.
.
Nhìn lại về địa dư và lịch sử, Trung Quốc chỉ có hai ngả để bành trướng ra ngoài, hoặc là ra biển, hoặc là xuống Bắc Việt. Trong lịch sử, mỗi lần xuống Bắc Việt và bị đẩy lui thì các đô đốc bị dìm dưới sông hay chiến tướng bị chém đầu ngoài ải ở nước ta. Bây giờ đã khác rồi… Lần cuối họ bước xuống Bắc Việt là cách đây 30 năm khi Đặng Tiểu Bình cho Hà Nội bài học vào năm 1979. Giờ đây, họ đang bước ra biển với việc xây dựng hải đội có khả năng viễn duyên, và bậc thềm tất nhiên chính là Đông hải của chúng ta. Ngày nay, họ đã vào Bắc Việt và có mặt ngoài Đông hải.
.
Từ vị trí một đại cường lục địa trong lịch sử, Trung Quồc đang trở thành đại cường hải dương. Trung Quốc đạt thành tích ấy là nhờ đảng Cộng sản Việt Nam. MỐI NỢ CỦA VIỆT NAM Ta bước qua phần hai, về cái duyên hay cái nợ của Việt Nam. Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam dựng chiêu bài độc lập dân tộc để lừa người dân và thế giới, bản chất của họ là lệ thuộc ngoại bang và đạo tặc với dân chúng. Toàn bộ công cuộc gọi là kháng chiến đều chỉ để bành trướng chủ nghĩa vô sản cho Quốc tế Cộng sản. Khi tổ quốc xã hội chủ nghĩa tan rã, Liên Xô sụp đổ, họ bỗng thành mồ côi quan thầy, và trở về vị trí cũ là làm chư hầu cho Trung Quốc để có cái thế tồn tại.
.
Trong lịch sử nước nhà, dân ta đã bị Bắc thuộc nhiều lần. Nhưng ngay trong các triều đại anh hùng được dựng lên sau khi chiến thắng ngoại xâm từ phương Bắc, các cụ ta vẫn cai trị đất nước theo quy cách Bắc phương. Hoàn cảnh lịch sử và địa dư có thể giải thích điều đáng tiếc ấy, nhưng ta cũng phải thấy cho tổ tiên, rằng trong cả ngàn năm, kể từ Ngô Quyền năm 939, thế giới của chúng ta chỉ có một trục Bắc-Nam. Tuy nhiên, dù bị ảnh hưởng rất nặng, dân ta vẫn không bị đồng hóa. Một nguyên nhân chính là dù triều đình và các phẩn tử ưu tú đều hấp thụ kiến thức Trung Hoa, thậm chí coi đó là khuôn vàng thước ngọc, người dân vẫn có tinh thần độc lập rất mạnh và còn có ý thức, nghĩa là cố ý, duy trì sự khác biệt giữa chúng ta và Trung Quốc.
.
Đấy là tinh thần yêu nước đích thực của người Việt, động lực chính của những chiến thắng lịch sử. Khi chính quyền ươn hèn không cầm cự nổi với ngoại xâm hoặc còn cấu kết với phương Bắc thì chính người dân lại nổi dậy kháng chiến và lật đổ triều đình bất lực, tay sai. Khi ta nói đến các bậc anh hùng áo vải thì đấy là những người từ dân chúng tự động nổi lên. Ngày nay, sự thể đã khác vì vậy ta mới nói đến cái nợ. Đảng Cộng sản tự xưng là từ nhân dân mà ra, ngày nay đang triệt phá tinh thần yêu nước của người dân và trừng phạt những ai dám lên tiếng chống lại thái độ ngang ngược và sự bành trướng của Trung Quốc.
.
Việc Bắc Kinh có tham vọng bành trướng là sự thể khách quan, việc các nước xử trí ra sao trước áp lực ấy là bài toán chủ quan của từng nước. Nếu chúng ta có một chính quyền tự do và dân chủ, thì Việt Nam vẫn gặp hiểm họa của Trung Quốc và bị còn nặng hơn Thái Lan hay Mã Lai Á, Phi Luật Tân vì giáp giới với xứ này. Nhưng với một chính quyền tự do dân chủ, Việt Nam đã ứng xử khác và chắc chắn là hữu hiệu hơn. Chúng ta có thể thảo luận về giả thuyết ấy cho tương lai chứ hiện tại thì chuyện đó không có. Hiện tại thì ta đang có một chính quyền Cộng sản bị lệ thuộc Bắc Kinh ở ngay thủ đô Hà Nội. Vấn đề không đơn giản là ta có nên chống cộng hay không, mà là Việt Nam có thể tồn tại không.
.
Vì chính quyền Hà Nội là cánh tay nối dài của Bắc Kinh và là cánh tay đàn áp dân Việt ở trong nước. Vấn đề Trung Quốc của Việt Nam vì vậy nằm tại Hà Nội.. Bước đầu của việc ứng phó với Trung Quốc phải được giải quyết tại Hà Nội. Việc giải quyết ấy không dễ, nhưng phải khởi đi từ một thái độ minh bạch là cho dư luận thế giới thấy rằng người Việt Nam không chấp nhận những quyết định tai hại của lãnh đạo Hà Nội. Những đòi hỏi như Hà Nội phải công bố các hiệp ước về biên giới lãnh thổ và lãnh hải và phải nghe ý dân về việc khai thác các quặng bauxite tại Cao nguyên Trung phần cũng là cần thiết để mọi người trong cuộc, từ lãnh đạo Bắc Kinh tới Hà Nội hay chủ đầu tư quốc tế cùng biết là người Việt không đồng ý với các quyết định ấy.
.
Trong mọi tính toán của thiên hạ, từ địa dư chiến lược tới đầu tư kinh tế, những người hữu trách đều phải chú ý đến ý kiến và thái độ của người dân ở tại chỗ, nếu không, kế hoạch sẽ bị trở ngại, các dự án có khi thất bại. Vì thái độ của lãnh đạo Hà Nội, Việt Nam khó huy động được trận tuyến chung của các nước Đông Nam Á để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, nay mai sẽ khống chế cả eo biển Malacca sau khi kiểm soát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
.
Các quốc gia lân bang kia không tin vào ý chí độc lập của Hà Nội. Cho nên, người Việt phải cho thế giới và trước tiên là các lân bang đó hiểu rằng Việt Nam có giải pháp khác, vì người Việt Nam không chấp nhận làm chư hầu hay lính đánh thuê cho Trung Quốc. Việc người Việt đòi nhà cầm quyền Hà Nội phải đệ nạp hồ sơ xác nhận thềm lục địa của mình cho Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hiệp quốc trước kỳ hạn 13 tháng này là cần thiết. Để thứ nhất, gây sức ép với Hà Nội, thứ hai cho thế giới biết cộng đồng người Việt không chấp nhận sự làm ngơ của Hà Nội cho nên vẫn phải thu thập hồ sơ làm chứng tích sau này.
.
Nếu chúng ta không lên tiếng, thế giới có thể nghĩ rằng chỉ cần Bắc Kinh gật đầu cho Hà Nội chắp tay là mọi việc đều xong. Họ mà nghĩ lầm như vậy thì Việt Nam trở thành phiên thuộc của Trung Quốc và đất nước mất chủ quyền. Khi ấy, chúng ta cũng có phần trách nhiệm, nhất là vì mình đang sống ở bên ngoài và có hoàn cảnh lên tiếng cho đồng bào trong nước. BAUXITE LÀ “SẢN NHẬP” Bây giờ, xin được đi vào vài chuyện cụ thể về kế hoạch bauxite trong toàn cảnh của xứ sở. Thuần về kinh tế mà nói, sản xuất là khi ta chọn lựa và hy sinh một số tài sản hay công sức - gọi là “nhập lượng” - để thí dụ như đưa vào một nhà máy nhằm tạo ra “xuất lượng” là những tài sản có giá trị và trị giá cao hơn. Muốn biết có cao hơn không thì phải kiểm điểm rộng rãi và lâu dài xem ta mất những gì - có thể thấy và không thể thấy, và những ai mất - mà để được những gì, và cái được ấy thì ai hưởng? Nếu cái mất lại cao hơn cái được thì ta có hiện tượng “sản nhập”, không phải sản xuất. Trong tinh thần kinh tế ấy, kế hoạch sơ chế bauxite gồm ít ra bảy dự án để bán alumine, một loại bán chế phẩm rầt thô thiển, trị giá chỉ còn chừng 250 đô la một tấn, từ các tỉnh Cao nguyên Trung phần của Việt Nam, là một hiện tượng sản nhập tai hại. Cái mất là đất đai canh tác các loại cây kỹ nghệ có giá trị kinh tế cao hơn, điều ấy ai cũng có thể thấy khi nhớ đến trà và cà phê của cao nguyên.
.
Cái mất còn là nguồn nước tiêu tưới và nuôi sống người dân ở tại chỗ và dưới hạ nguồn, từ sông Srépok tới sông Đồng Nai, nghĩa là cả Sàigon và các tỉnh miền Đông Nam Việt. Chỉ vì kế hoạch cần nước để rửa quặng và rửa xong thì có bùn đỏ đầy độc chất sẽ hủy diệt thổ nhưỡng, hoa màu và các nguồn nước chảy ra sông dưới hạ nguồn, nơi sinh sống của ba chục triệu dân. Cái mất sâu xa và lâu dài là cả một khu vực bát ngát ít ra là 5.000 cây số vuông của hai tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng coi như bị ô nhiễm, môi sinh bị hủy diệt vì bụi đỏ ở trên và nước độc ở dưới. Và nạn ô nhiễm ấy không chấm dứt trong vài năm mà sẽ biến vùng đất ấy thành nơi không thể có sinh hoạt kinh tế bình thường..
.
Cái mất cũng là điện cho các nhà máy thủy điện đã và sẽ còn được xây dựng trong khuôn khổ của kế hoạch. Việt Nam vẫn còn thiếu điện, nhất là ở Cao nguyên Trung phần, chưa biết bao giờ mới có khả năng sản xuất hơn công xuất toàn quốc hiện nay là gần 60 tỷ KwGiờ. Vậy mà phải tìm ra 18 tỷ KwGiờ thực hiện ước mơ tinh chế ra một tỷ 200 triệu tấn nhôm, trị giá ngày nay chỉ còn cỡ 2.100 đô la một tấn.. Nếu chỉ tính riêng giá điện thì tổng số điện tiêu thụ vẫn còn đắt hơn tiền thu nhờ bán nhôm, nếu như có ngày Việt Nam biến chế được ôxíd nhôm ra nhôm ròng đem bán! Không kỹ sư nào có bộ óc bình thường lại có thể đồng ý với chuyện sản nhập ấy.
.
Bây giờ, nói đến cái mất khó thấy. Trước hết là chuyện hủy diệt trật tự môi sinh đã gặp ở nhiều xứ khác - thí dụ như Ấn Độ - và chắc chắn sẽ thấy tại Việt Nam. Thứ hai là hủy diệt toàn bộ nền văn hoá bản địa, là nơi cư ngụ của nhiều sắc tộc đồng bào thiểu số. Họ sẽ đi đâu và làm gì để sống khi bị đánh bật rễ ra khỏi nơi ngụ cư và sống trong một vùng ô nhiễm chết người? Thứ ba, xin hiểu “hiểm họa Trọng Thủy” theo cả nghĩa đen. Đó là trào lưu lấy vợ nước Nam. Nhân viên quân và dân sự Trung Quốc đang túa vào buôn làng và mua chuộc hoặc cưỡng bách phụ nữ để sẽ sinh con đẻ cái nơi ấy, với hộ tịch của họ. Họ khuynh đảo hệ thống hành chánh và chính trị địa phương để sẽ có ngày ta nghe nói tới phong trào thiểu số đòi tự trị.
.
Từ các tỉnh biên giới Hoa-Việt tới các tỉnh Cao nguyên, nếu sau này các đại biểu của người thiểu số ấy muốn ly khai, hay đòi được quy chế tự trị dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc, chúng ta nghĩ sao? Cái mất vô hình thứ tư mà nghiêm trọng nhất, là xâm phạm vào an ninh của Việt Nam, chạy dài từ cao nguyên Bolovens bên Lào xuống các cao nguyên Kontum, Kon Plông, Kon Hà Nừng, Pleiku, M’Drăk, cao nguyên Lâm viên nơi có thị xã Đà Lạt và cao nguyên Di Linh.
.
Dù không là một nhà quân sự, ta cũng có thể mường tượng được mối nguy khi vùng cao nguyên chiến lược ấy, với cao độ từ 400 đến 1.500 thước lại bị xâm phạm, như cột xương sống của quốc gia bị ai đó điểm huyệt. Mà sự khống chế đã bắt đầu, khi Trung Quốc đưa người vào làm việc khỏi cần chiếu khán và sẽ còn đưa bộ đội vào bảo vệ khu vực này. Nhân đây, cũng cần thấy một chuyện nguy ngập hơn mà các chuyên gia địa chất có thể tìm hiểu thêm để soi sáng cho chúng ta. Vì sao Việt Nam Cộng Hoà lập Nguyên tử lực cuộc tại Đà Lạt? Trong vùng đất đang thành cấm địa của Trung Quốc, liệu người ta có khai thác quặng mỏ uranium và plutonium cho mục tiêu gì khác chăng? Ai biết được khi Hà Nội giấu kín mọi chuyện? Tất cả những nguy cơ mất mát ấy chỉ vì lý cớ là để gạn bốn tấn quặng ra hai tấn oxid nhôm và thải ra ngoài bốn tấn bùn đỏ và nước độc! Rồi để vận chuyển số oxid nhôm, trị giá có 250 tới 300 đô la một tấn, qua gần 300 cây số tới bến cảng và bán ra ngoài, người ta phải mở thêm xa lộ hay thiết lộ. Ai sẽ xây? Trung Quốc!
.
Sau các xa lộ Trường Sơn, rồi quốc lộ số chín từ biên giới Thái Lào ra Quảng Trị, xa lộ nối liền Côn Minh của Vân Nam với Nam Ninh của Quảng Tây với Hà Nội, sau này Trung Quốc sẽ lại hào phóng viện trợ cho Hà Nội một đường khác để chở bauxite ra biển! Và nhân đó bảo vệ an ninh cho cả nước ở những vùng yết hầu của tổ quốc. Đây mới là mục tiêu của kế hoạch baxite. Sau khi đã mua chuộc được Cam Bốt, Trung Quốc đang khống chế nước Lào, một xứ phiên trấn của Hà Nội và nay đang cắt ngang xương sống của Việt Nam. Việt Nam đang trôi vào trật tự Trung Quốc, trở thành phiên trấn và vùng trái độn cho xứ này và sẽ có tương lai của một bãi rác công nghiệp với một dân tộc mất chủ quyền.
.
*** Tổng kết lại, những vấn đề của chúng ta là gì? Trước hết, nên thấy rằng Trung Quốc không mạnh và hoàn toàn muốn làm gì là làm. Ruột gan họ có nhiều mối lo sinh tử nhưng họ có cái thế mạnh chỉ vì thế giới hèn và tham. Không hoang tưởng như các hoàng đế thời xưa, họ rất biết mềm nắn rắn buông. Tức là chỉ lấy những gì lấy được, chứ cũng biết cười cười rút tay về khi bị vụt. Họ đã nắn và Hà Nội đã buông nên họ nắm cả, nhưng không phải là xứ nào cũng nhu nhược như vậy. Xin đơn cử một thí dụ: Lãnh đạo Bắc Kinh có một nhu cầu chiến lược vì lẽ chính danh và cả sự tồn vong của đảng Cộng sản nếu kinh tế suy sụp.
.
Đó là phải thôn tính được Đài Loan để thoả mãn tự ái dân tộc của một đám quần chúng đói khát u mê. Từ bao năm nay, họ không làm nổi việc thống hợp ấy qua cả hai ngả văn võ, chính trị và quân sự. Lý do chính yếu là dân Đài Loan không sợ và lãnh đạo Đài Loan có khả năng. Trung Quốc mạnh chỉ vì Hà Nội sợ hãi và vì dân khí của ta bị suy nhược. Lý do thứ hai, vấn đề Đài Loan không chỉ là một thách đố cho hơn hai chục triệu dân trên đảo quốc nhỏ bé này mà còn là vấn đề của các lân bang, và của thế giới. Trước tiên là của Nhật Bản và Đại Hàn, kế đó là Hoa Kỳ. Vì an ninh của họ, các quốc gia ấy có khả năng gián chỉ, can gián và ngăn ngừa. Nhưng, trước tiên Đài Loan phải có quyết tâm đã. Vấn đề của chúng ta cũng thế.
.
Trung Quốc là mối nguy cho Việt Nam nhưng cũng là một đe dọa cho các xứ khác. Người Việt Nam phải giải quyết vấn đề Trung Quốc của Việt Nam, tức là trước tiên giải quyết chế độ hiện hành tại Hà Nội. Và giải quyết bằng nỗ lực của người dân chứ không một ai, kể cả Hoa Kỳ, sẽ giúp ta làm chuyện đó. Nhưng, thế giới cũng sẽ phải giải quyết chuyện Trung Quốc của thế giới. Các quốc gia từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á qua tới Ấn Độ và Úc Đại Lợi và về tới Hoa Kỳ, một siêu cường Á châu, đều quan tâm theo dõi chuyện Trung Quốc.
.
Và sẽ phải bảo vệ quyền lợi của họ. Nếu quyền lợi ấy tương đồng với Việt Nam thì có thể có sự hợp tác. Mà làm sao có quyền lợi tương đồng khi các nước Đông Á đầu tư hay viện trợ cho Việt Nam lại bị đảng viên cán bộ móc túi? Làm sao họ tin tưởng vào ý chí độc lập của Việt Nam khi trên các diễn đàn quốc tế Hà Nội luôn luôn ngả theo chủ trương của Bắc Kinh? Nhìn như vậy, người Việt phải gióng lên một tiếng chuông khác để cho thế giới biết lòng dân không là ý đảng.
.
Ở bất kỳ cương vị nào, ta cũng có thể kêu gọi sự hưởng ứng của người khác, thành một phong trào rộng lớn từ trong nước ra tới bên ngoài. Sau đó, hãy cùng nghĩ đến vấn đề Trung Quốc của thế giới. Không ai thương xót người Việt khi Cao nguyên Trung phần bị lạm thác và an ninh xứ sở bị đe dọa. Nhưng họ sẽ quan tâm nhiều hơn nếu thấy rằng đó cũng sẽ là vấn đề của họ. Làm sao trình bày, giải thích và vận động một chuỗi tương quan nhân quả này là một tiến trình công phu vì đòi hỏi nhiều nỗ lực đa diện. Trước hết, đòi hỏi sự quan tâm, tìm hiểu. Nhưng người Việt ta ở hải ngoại đủ đông và giới trẻ thành tài ở đây đã có đủ kiến thức lẫn sự quen biết để tìm hiểu, miễn là phải để tâm tới vấn đề, nếu được phụ huynh nhắc nhở.
.
Từ đó, họ có thể khai triển thành từng việc thiết thực hầu thuyết phục từng thành phần liên hệ trên thế giới, từ các định chế quốc tế đến hiệp hội phi chính phủ hay các chính quyền địa phương và cả các doanh nghiệp ngoại quốc nữa. Khi thấy hoàn cảnh bi đát của đất nước, cái dũng có thể kích thích trí tuệ chúng ta tìm ra nhiều giải pháp biến hoá tinh vi hơn. Miễn là chúng ta có ý chí.
------------ --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- -
.
CS HÀ NỘI Bị ‘Quây’ VỀ Nhân Quyền Vi Anh Theo dõi phiên họp Kiểm Điểm Định Kỳ Việc Thực Hiện Quyền Con Người Ở Việt Nam, trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, cảm nghĩ sau cùng của người Việt là cười mỉa mai, nói theo kiểu phó thường dân Nam bộ: CS Hà nội 'làm thì láo, báo cáo thì hay', nên bị 'lật tẩy, bị 'quây' tơi tả. Nhưng đừng vội mừng, để coi rồi CS Hà nội chẳng có sửa đổi gì đâu.. CS Hà nội đâu có dễ gì qua măït được Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Aân Xá Quốc Tế, Bảo Vệ Nhân Quyền Thế Giới đã nhiều lần tố cáo chế độ độc tài đảng trị toàn diện này là sát thủ Internet, bóp nghẹt blog, vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí. Uỷ Hội Tự do Tôn Giáo Quốc Tế của Mỹ tham vấn cho Quốc Hội Mỹ đã nhiều lần đề nghị Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa chế độ CS Hà nội danh sách CPC tức các nước cần quan tân đăïc biệt vì vi phạm tư do tôn giáo. Bộ Ngoại Giao Mỹ trong bản tường trình về tình trạng nhân quyền trên thế giới trong đó tình trạng nhân quyền VN, nhận định tình trạng nhân quyền trong chế độ CS Hà nội "chưa thỏa mãn".
.
Nếu CS Hà nội tôn trọng nhân quyền, nếu tình trạng nhân quyền trong chế độ CS Hà nội tốt như báo cáo, tại sao CS Hà nội giấu bản báo cáo như bí mật quốc gia. Tại sao CS Hà nội chỉ cho đăng trên trang web của Bộ Ngoại Giao, mà không cho đăng trên 700 tờ báo trong nước. Tại sao CS Hà nội đã thò tay ký vào công ước và cam kết thực thi Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc mà tới nay gần 30 năm, vẫn chưa lần nào công bố cho toàn dân biết nội dung của nó ra sao? Công luận biết rất nhiều, rất rành, tin tức CS Hà nội hầu như hàng ngày nhan nhản, nạn nhân nhân chứng sống, chứng lý tội phạm CS Hà nội chống nhân quyền đã làm -- sờ sờ ra đó; cả thế giới đều biết. Đảng CS độc tài đảng trị toàn diện, toàn quyền và độc quyền -- thực tế, thực sự -- rõ rệt là chánh phạm sát thủ nhân quyền VN. Nhưng suốt từ đầu tới cuối bản báo cáo dài 20 trang, không có chữ nào nhắc tới Đảng. Một thứ dấu đầu lòi đuôi, mục hạ vô nhân, xúc phạm thiên hạ.
.
Quốc Hội CS thực tế là Đảng cử dân bầu. Đảûng cơ cấu trước 96% dân biểu phải là đảng viên. Kỳ bầu cử vừa qua, trong 1000 ứng cử dân biểu, Mặt Trận Tổ Quốc tay chân, bộ hạ của Đảng, đã sàng lọc, loại bỏ chỉ cho 30 ứng cử viên "tự đề cử". Thế mà CS Hà nội lại báo cáo Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra. Tất cả quyền hành và quyền lực chính trị đều nằm gọn và trọn trong tay ĐCSVN. ĐCSVN giành độc quyền thống trị như quyền hiến định (điều 4), Bộ Chánh trị là cơ quan quyền lực tối cao. Thế mà báo cáo Chánh phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý tổng thể mọi lĩnh vực đời sống xã hội cũng như đảm bảo việc thực thi Hiến pháp và pháp luật.
.
ĐCSVN điều khiển hệ thống toà án ở mọi cấp một cách triệt để và trịch thượng bằng cách nắm quyền bổ nhiệm thẩm phán và những cơ cấu liên quan. Các vụ án chánh trị, chánh án chỉ là người tuyên án lịnh đã làm trước của Đảng. Thế mà báo cáo Tư pháp độc lập. Còn báo chí tính đến năm 2008, cả nước có 700 cơ quan báo chí với 850 ấn phẩm, gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ, 68 đài phát thanh, truyền hình của trung ương, cấp tỉnh và đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất (đài truyền hình Việt Nam phủ sóng đến 85% hộ gia đình Việt Nam), 80 báo điện tử và hàng nghìn trang tin điện tử trên mạng Internet, 55 nhà xuất bản. Nhưng tất cả đều là của đảng, vì đảng, do đảng, Đảng là chủ nhiệm, chủ bút duy nhứt.
.
Đảng dùng cơ quan truyền thông để 'tuyên vận' cho Đảng. Đảng và cơ quan của Nhà Nước của Đảng kiểm duyệt, chế tài, trừng phạt nghiệt ngã nếu ai không đi theo con đường của Đảng chỉ đạo mà Bộ Truyền Thông và Thông Tin gọi là "lề phải". Thế mà báo cáo là diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người.
.
CS luôn viện lẽ cái gọi là "ngoại lệ nhân quyền châu Á" - nghĩa là họ tôn trọng nhân quyền nhưng mỗi nền văn hóa lại có một sắc thái nhân quyền khác nhau. Nói như vậy là trắng trợn chống lại nhân quyền quốc tế rồi, chống lại tuyên ngôn khẳng định Nhân quyền là một giá trị phổ cập, mà chính CS Hà nội đã thò tay, cầm viết ký vào và long trọng cam kết thi hành. Thế cho nên CS Hà nội bị 'quây' tơi tả - là phải. CS Hà nội bị chỉ trích mạnh mẽ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Tin hãng thông tấn AFP, 15 thành viên của Hội Đồng Nhân quyền, đa số là các nước Tây phương đã tố giác những vi phạm nhân quyền của chế độ CS Hà nội về chẳng hạn như giới hạn tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, bạo lực chống các cộng động thiểu số hay là giam giữ tùy tiện. Hoa Kỳ, nơi phân nửa người Việt tỵ nạn CS định cư, làm mạnh nhứt, kêu gọi Việt Nam trả tự do tất cả tù nhân chính trị như linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê thị Công Nhân. Các tổ chức phi chánh phủ cũng chống CS Hà nội quyết liệt. Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tố giác Hà Nội có ý đồ "lũng đoạn" qua việc CS Hà nội móc nối một số nước độc tài CS như Trung Cộng, Cuba, Lào binh vực CS Hà nội.
.
Human Rights Watch lên án các vụ tra tấn tù nhân tôn giáo và chính trị. Ân Xá Quốc Tế thì đòi hỏi Hà nội hủy bỏ hoặc sửa đổi luật hình sự 1999 để các điều khoản mập mờ liên quan đến an ninh quốc gia không được sử dụng một cách tùy tiện nhằm trấn áp đối kháng và tự do phát biểu. Còn bên ngoài trụ sở của Hội Đồng Nhân Quyền thì người Việt khắp nơi trên thế giới về biểu tình chống CS Hà nội. Nổi bật nhứt là có cả 400 người Việt gốc Miên gốc ở Miền Nam VN biểu tình phản đối CS Hà nội kỳ thị chủng tộc. Nhưng CS Hà nội vốn rất cố lì, đâu có coi ra gì, hết phiên họp ai về nước nấy, CS Hà nội đâu sẽ vào đấy, chẳng sửa đổi gì.
.
Cái kiểu CS Hà nội đối với quốc tế là thế. Công ước nào cũng ký, nghĩa vụ nào cũng cam kết. Nhưng cái nào lợi cho CS thì họ làm. Không lợi thì CS coi hiệp ước, công ước như giẻ rách. Ai có phê bình thì CS cãi chày cãi cối. Đối với pháp luật của chế độ cũng vậy. CS ghi đủ thứ quyền công dân, đưa ra đủ thứ chương trình lời hay ý đẹp, mà CS không làm hay làm theo luật rừng. Cái kiểu đó có khi cũng gạt được một số học gỉa, chánh trị gia salon, những ngưòi bằng cao nhưng kinh nghiệm CS ít ở Tây Phương. Nhưng người dân Việt thì quá rành CS, như TT Thiệu đã từng nói một câu để đời, đừng tin những gì CS nói mà hãy nhìn những gì CS làm.
------------ --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- ------
.
VIỆT NAM: BAUXITE - ĐẢNG TỪ LỖ NÀO CHUI LÊN ?
Bộ Công Thương Bênh Tầu Ra Mặt; Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang thống trách Nông Đức Mạnh Phạm Trần Hoa Thịnh Đốn - “Sở dĩ chúng tôi phải dùng hình thức thư ngỏ, vì kinh nghiệm cho thấy quý vị rất hiếm khi – thậm chí không bao giờ – đối thoại với những người gửi thư tới quý vị, ngay cả những công dân có công lớn với đất nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh, … thì thư gửi tới quý vị đều không được phản hồi, vậy nên, việc viết thư ngỏ là biện pháp bất đắc dĩ mà chúng tôi phải lựa chọn để công khai cho đông đảo nhân dân xem và phán xét lập luận cùng thái độ của chúng tôi đúng hay sai.” Đó là lời mở đầu bức Thư Ngỏ (thứ 2) của nhóm “Kiến nghị Bauxite Tây Nguyên” do các Ông Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn, Giáo Sư, Tiến Sỹ Nguyễn Thế Hùng gửi cho những người cầm đầu Nhà nước Cộng sản Việt Nam hôm 7-5 (2009) vừa qua. Mục tiêu chính của lần này, theo lời nhóm Đại diện: “Nhằm mục đích phân tích những sai trái trong Thông cáo của Bộ Công thương đề ngày 28 tháng 4 năm 2009, trong đó đã sai về nội dung khi phản bác lại các luận điểm của bản Kiến Nghị đối với chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên, lại còn sai cả về thái độ khi quy chụp những trí thức đã ký tên vào kiến nghị là “kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, […] thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng”.
.
CHUYỆN ĐẦU ĐUÔI Nhưng tại sao lại có chuyện Bộ Công Thương (Cơ quan Chủ qủan khai thác Bauxite) phản bác những quan điểm và yêu cầu của hơn 1,000 Trí thức trong và ngòai nước đòi Nhà nước phải ngưng ngay việc khai thác Bauxite và đưa vấn đề này ra xin ý kiến của Quốc Hội ? Tại vì, trong Kiến Nghị gửi Nhà nước và Chính phủ ngày 17-4 (2009), các Nhà trí thức đã cáo giác những việc làm giấu dân của Chính phủ. Họ tiết lộ: “ Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được "ký tắt" với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc Hội.” Kiến Nghị cũng cảnh giác về hiểm họa khôn lường sẽ để lại cho dân cho nước qua việc Nhà nước “mở cửa” cho người Trung Hoa vào khai thác Bauxite.
.
Các Trí thức viết: “ Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích.” Về phương diện Quốc phòng, Kiến Nghị báo động: “ Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxite là sự "nổi tiếng" của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa kể những “vấn nạn” khác (chỉ mới trong tháng Ba vừa rồi Chính phủ nước Úc đã phải hủy bỏ một dự án khai thác khoáng sản ở Nam Úc ký với Trung Quốc vì lý do quốc phòng).”
.
Kết luận, những người ký tên đã yêu cầu 3 điểm: 1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội quyết định. 2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp. 3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi. PHẢN ỨNG CHỤP MŨ Sau khi Kiến nghị được phổ biến khắp tòan cầu, một làn sóng phẫn nộ về hành động “làm sau lưng dân” của đảng CSVN được lột trần khiến đảng lúng túng mở đợt phản công. Nhưng thay vì giải trình nghiêm chỉnh và đứng đắn để thuyết phục, Ban Tuyên giáo Trung ương đã đưa ra nhiều bài viết phản biện vụng về, chẳng những không đủ sức thuyết phục mà còn làm cho mọi người bực bội hơn với lối thói quen quy chụp ấu trĩ để “vẩy bùn vào mặt nhau” hay tự coi chỉ có đảng là đúng, là phải còn tất cả đều sai. Tỷ dụ như trong bài phản bác của Bộ Công Thương ngày 27-04 (2009), họ đã chỉ trích Kiến nghị của các Trí thức : “ Bên cạnh những ý kiến đúng đắn đó, có nhiều ý kiến rất kém xây dựng, hòan tòan dựa trr6en những thông tin sai lệch, dựng chuyện, trầm trọng hóa, thhậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng. Thể hiện rõ nhất là nội dung Bản kiến nghị với nhiều thông tin không chính xác.” Đối với phê phán đảng và nhà nước đã không đem vấn đề khai thác Bauxite quan trọng này ra bàn bạc với Quốc Hội và cũng không thèm công khai kế họach trên báo chí cho dân biết, Bộ Công Thương trả lời :“ Các dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin đã được nghiên cứu từ rất lâu, trong giai đọan hợp tác với các nước SEV Chủ trương phát triển ngành công nghiệp này đã được nêu trong văn kiện của hai Đại hội Đảng IX, và X.
.
Bộ Chính trị đã xem xét và có nhiều chỉ đạo về vấn đề này, giao cho Chính phủ lập quy họach. Dự án Quy họach phân vùng thăm, dò, khai thác, chế biến, sử dụng quăng bauxite giai đọan 2997-2015, có xét đến 2025 được xây dựng từ nhhững năm 2005, trong qúa trình xây dựng có nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngòai nước v.v. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007. Như vậy, không thể nói quy họach mới chỉ công khai từ năm 2008,2009.” ( Chú thích: ( SEV: Russian: ????, Sovet ekonomicheskoy vsaymopomoshchi, ???, SEV, English abbreviation COMECON, CMEA, or CAME), 1949–1991, dịch qua tiếng Anh là Council for Mutual Economic Assistance, thời Liên Bang Sô Viết).
TỪ SEV ĐẾN GS NGUYỄN VĂN CHIỂN
Nhưng khi nói đến khối SEV thì không thể không nhắc đến Bài viết về Bauxite của Cụ Giáo sư, Nhà Giáo Nhân dân Nguyễn Văn Chiển, người được mọi người ở trong nước ca tụng là “Người anh cả của khoa học địa chất Việt Nam”, “Người làm tươi thêm hồng phúc của dân tộc”.
.
Cụ Giáo sư 90 tuổi viết trên Tạp chí Tia Sáng ngày 03-11-2008 : “Dự án khai thác quặng bauxit ở Tây Nguyên là một việc không quan tâm đến các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời ở đây là điều kiện khách quan không thuận lợi. Trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng của cơn khủng hoảng tài chính thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ khi đang phải hứng chịu lạm phát phi mã, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
.
Việc triển khai dự án này không phải là giải pháp lợi ích kinh tế hiệu quả bởi: bauxit không phải là quý hiếm do vậy nếu chúng ta khai thác sẽ rất khó bán. Hiện nay chỉ có Trung Quốc, quốc gia đứng thứ hai thế giới trong khai thác và chế biến bauxit, mới có thể đứng ra “bao tiêu” được với giá rất rẻ. Trong quá khứ, chúng ta đã đặt vấn đề với khối SEV, trong đó có cả Liên Xô, trong việc hợp tác khai thác bauxit ở Tây Nguyên nhưng chính các chuyên gia SEV đã cảnh báo về những bất lợi sẽ xảy ra tiến thành khai thác sẽ không có lợi, đồng thời họ cũng khuyến cáo chúng ta nên trồng những cây công nghiệp dài ngày như cà phê, chè, cao su…với hiệu quả kinh tế cao hơn.”
.
Nhà giáo lão thành của Thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh còn cảnh báo đảng CSVN : “ Còn về địa lợi, Tây Nguyên là nóc nhà của Đông Dương. Việc khai thác bauxit ở Tây Nguyên về mọi mặt không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn cả với các nước láng giềng như Lào, Campuchia. Quá trình khai thác sẽ có một tác động rất lớn đối với môi trường bởi lẽ, để khai thác quặng bauxit, cần phải bóc một lớp đất dày 10 mét chứa bao nhiêu cây rừng và các thảm thực vật kèm theo đó là hệ sinh thái nhiệt đới phong phú, đồng thời trong quá trình khai thác sẽ tạo ra một lượng bùn khổng lồ gây ô nhiễm. Theo nguyên tắc, khai thác xong phải hoàn thổ, nhưng công đoạn này đã hết sức khó khăn tốn kém. Thực tế việc khai thác than tại các mỏ lộ thiên ở Quảng Ninh đã cho chúng ta thấy, vì ham lợi mà vô trách nhiệm không hoàn thổ đã để lại một “quang cảnh hãi hùng” ở nơi này.” Cụ kết luận Bài viết : “ Trong 5 năm làm điều tra lãnh thổ Tây Nguyên (1977-1981), chúng tôi đã kiến nghị Nhà nước phải coi trọng đời sống cư dân bản địa Tây Nguyên. Dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên là một ví dụ điển hình về việc 30 năm qua, chẳng mấy ai quan tâm đến kiến nghị đó của các nhà khoa học.” Tiếng than cô đơn của Nhà Khoa bảng địa chất hàng đầu trong nước không được đảng và nhà nước quan tâm có lẽ cũng chỉ xúc phạm đến một cá nhân, nhưng khi có nhiều tiếng nói của người dân bị đảng làm ngơ thì những ngườ đứng đầu đảng và nhà nước này phải có vấn đề với dân, với nước.
.
Bằng chứng có đấy rẫy, nhưng hãy kể ra 2 chuyện mới nhất. NGUYỄN PHÚ TRỌNG-NGUYỄN TẤN DŨNG Trước tiên là việc Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc Hội cho biết vì kinh phí khai thác Bauxite tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) mới ở mức 600 triệu dollars nên chưa đạt đến số kinh phí quy định bởi Quốc Hội đối một dự án kinh tế phải đem ra thảo luận.
.
Trọng không cho biết phải mất bao nhiêu tiền cho một dự án thì Quốc Hội mới chịu nhúng ta vào. Tuy nhiên, Hòang Trung Hải, Phó Thủ tướng đã cho biết trong Cuộc Hội thảo về Bauxite ngày 09-4 (2009) rằng khi nào mức sản xuất từ 1 đến 2 triệu tấn thì mới phải trình Quốc Hội xem xét. Cả hai nhà máy hiện nay chỉ dự trù sản xuất mỗi năm 600 ngàn tấn. Trong cuộc nói chuyện với Cử tri quận Ba Đình, Hà Nội ngày 4/5 (2009), nhiều người dân Hà thành đã yêu cầu Quốc Hội “giám sát việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên ngay tại kỳ họp này". Hoặc có người “đề nghị Quốc hội phải lắng nghe góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế về hiệu quả từ dự án này.” Nhưng theo báo điện tử ViệtNamNet, Nguyễn Phú Trọng đã giải thích : "Không phải bất kỳ vấn đề nào cũng đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội mà còn tùy thuộc vào quy mô, tầm cỡ của các dự án. Trong khi đó, quy mô mỗi dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ mới chỉ là hơn 600 triệu đôla". Trọng cũng cho biết: “ Trong báo cáo về kinh tế - xã hội đưa ra trước Quốc hội lần này, Chính phủ sẽ dành một phần để đánh giá về dự án khai thác bô-xít.” "Dự án chỉ mới đang thí điểm, chưa đâu vào đâu", Trọng phân bua và nói thêm, “không chỉ cử tri Hà Nội mà trong chuyến đi công tác nước ngoài vừa qua, rất nhiều kiều bào cũng quan tâm đến việc Quốc hội phải giám sát dự án bô-xít Tây Nguyên.
.
Nhưng đây là chủ trương lớn đã được thống nhất cao sau khi tính đến hiệu quả kinh tế, an ninh.” "Đây là chính sách với dân tộc, vùng nghèo. Nếu lỗ thì không ai làm. Lao động nước ngoài cũng không chỉ có Trung Quốc mà rất nhiều nước khác và đều được quản lý theo Luật Lao động". Quốc hội CSVN dự trù họp vào ngày 20-5 (2009). Theo tin trong nước ngày 14-5 (2009), Chính phủ sẽ báo cáo công tác khai thác Bauxite, nhưng vì Chương trình nghị sự không có ghi sẽ biểu quyết nên nghe rồi để đó cũng như không. Trọng cũng được báo Nhân Dân tường thuật nói với cử tri Ba Đình rằng :“Chủ trương thăm dò, khai thác bô-xít là chủ trương nhất quán từ Đại hội IX của Đảng ta.” Nhưng Tiến sỹ, Nhà địa chất học Nguyễn Thanh Giang đã coi Trọng “đã nguỵ biện” . Quan điểm của ông gửi ra nước ngoài viết rằng : “ Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX còn ghi đó: “Khai thác chế biến các loại khoáng sản: phát triển công nghiệp khai thác bôxit, luyện alumin và chế biến nhôm theo một trong hai phương án: sản xuất 300 nghìn tấn/năm alumin để điện phân 75 nghìn tấn nhôm sử dụng trong nước; sản xuất 1 triệu tấn alumin cho xuất khẩu, giai đoạn sau nâng lên 3 triệu tấn..
.
Đầu tư khai thác và tuyển quặng đồng, khai thác inmênit, đá quý, vàng, đất hiếm; xây nhà máy luyện kẽm Thái Nguyên, luyện đồng ở Lào Cai”. “Không hề nói khai thác bôxit ở Tây Nguyên, càng không hề nói phải đưa Trung Quốc vào Tây Nguyên.” Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang còn thống trách Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng đã tự ý thỏa thuận để cho Tấu vào khai thác Bauxite ở Đắk Nông (trong 2 chuyến thăm Tầu năm 2001 và 2008). Ông Giang hỏi : “Sao ông Nông Đức Mạnh lại làm như vây! Trước khi quyết định mời Trung Quốc vào làm bôxit ĐakNông ông đã bàn kỹ ở Trung ương chưa ? Đã tham khảo ý kiến các nhà khoa học chưa ? Đã thông qua Quốc hội chưa?...” “…Có ai đó đặt câu hỏi: ông Mạnh đã bị lừa, hay đã bị mua? hay là cả hai ? Không bị lừa thì không thể nào lại dại dột như thế! Bị mua thì có thể bằng cả hai giá. Cái giá chính trị: lời hứa bảo vệ ngai vàng. Và cái giá tài chính không biết là bao nhiêu! (Dân gian truyền tụng: “Theo Tàu mất nước, theo Mỹ mất Đảng”. Khẩu lệnh “thiên đình”: “Trung với Đảng” ( chứ không phải “Trung với Nước” như lời Hồ chủ tịch). Có nghĩa là thà mất Nước chứ quyết không để mất Đảng! Mất Tổng Bí thư tức là mất Đảng chăng?).” Đúng như câu hỏi của Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, cho đến tháng 5/2009, cả nước chưa được đảng báo cáo rành mạch và bảo đảm về “hiệu qủa kinh tế” cũng như “an ninh”, dù Nhà nước vẫn không ngừng cổ võ cho chủ trương ”dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” . Ngay cả Quốc Hội, “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cũng mù mịt dân, mặc dù Điều 83 của Hiến pháp (1992) còn quy định : “ Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước....
.
Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.” Điều 84 cũng cho phép Quốc Hội “ Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.” Như vậy, chẳng lẽ khi một vấn đề được cả nước quan tâm như kế họach khai thác Bauxite lại “chưa đủ điều kiện” cho Quốc Hội xem xét hay sao ? Như vậy thì Quốc hội đại diện cho ai, hay chỉ biết hành động khi nào có lệnh của đảng ? Bằng chứng thứ hai là chuyện Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng đã “tự nuốt lời” với tướng Võ Nguyên Giáp và không coi người dân ra gì trong khuyến cáo khai thác Bauxite. Theo tường thuật của báo ViệtNamnNet, khi Dũng đến nhà thăm ông Giáp ngày 7-5 (2009), nhân dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Giáp đã nói với Dũng : “Rất mong các đồng chí lưu tâm đến chuyện khai thác bô-xít Tây Nguyên. Đây là địa điểm chiến lược quan trọng của đất nước, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng an ninh không chỉ với Việt Nam mà cả với Đông Dương".
.
Nhưng chỉ 24 giờ đồng hồ sau khi Dũng khẳng định: "Chính phủ xin tiếp thu ý kiến của Đại tướng" thì đương sự đã nuốt lời để huyênh hoang lên giọng với các cử tri tại Thành phố Hải Phòng (9-5 (2009) : “ Việc khai thác sẽ được chỉ đạo nghiêm túc và có sự kiểm soát và quản lý chặt chẽ để đạt hiệu quả kinh tế, đảm bảo bền vững về môi trường; giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; đưa ngành công nghiệp khai thác quặng bô-xít trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên". (Thông tin Chính phủ CSVN) Tuy nhiên chủ đầu tư là Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV), cho đến tháng 5/2009 vẫn chưa hòan thành kế họach bảo đảm không hủy họai môi trường và đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước.
Tất cả mọi hứa hẹn hay cam kết mới chỉ viết trên giấy, ngay cả những kế họach tạo công ăn việc làm và phúc lợi kinh tế lâu dài cho người dân địa phương cũng chưa thấy, trong khi hàng ngàn công nhân Tầu đã có mặt khắp nơi ở Lâm Đồng và Đắk Nông. Nếu tính chung các khu kỹ nghệ và nhà máy có vốn đầu tư của Trung Hoa, theo tin các báo trong nước, số công nhân Tầu đang làm việc ở Việt Nam lên đến cả chục ngàn người, đa số là khách du lịch để lấy cớ ở lại làm việc. Trong khi đó số người Việt Nam thiếu việc làm mỗi ngày một lênh cao là những băn khoăn và thắc mắc của nhiều người trong nước.
.
VIỆT-TẦU MUÔN NĂM ? Đối với những lời than phiền và thắc mắc tại sao chỉ có Công ty Chalco của Tầu trúng thầu khai thác và vì sao đảng chưa giải thích cho nhân dân và Quốc hội biết về quyết định lịch sử của Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng cho Tầu nhẩy vào khai thác Bauxite ở Đắk Nông từ năm 2001, Bộ Công Thương phản công : “ Còn việc Đảng và Nhà nước ta hợp tác với Đảng và Nhà nước Trung Hoa là mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Chúng ta đã ký nhiều văn kiện hợp tác và được đưa tin công khai trên quốc tế, không có gì là bí mật ở đây cả.
.
Cách đưa tin trong Bản kiến nghị này chính là nhằm dụng ý xấu nhằm chia rẽ khối đại đòan kết tòan dân tộc cũng như phá hoại tình đòan kết hữu nghị an hem giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc.” Trả lời cho thứ ngôn từ “gắp lửa bỏ bàn tay” này của Bộ Công Thương, các Trí thức nói cương quyết: “ Có ý kiến cho rằng, do cam kết quốc tế, Việt Nam không thể ngưng dự án khai thác bauxite, sản xuất alumina. Tình hình cụ thể cho thấy: nhân dân Việt Nam thông qua Quốc Hội, cơ quan quyền lực tối cao của mình, chưa hề có dịp biểu quyết về chủ trương làm bauxite ở Tây Nguyên. Nếu bên “cam kết quốc tế” thực sự tôn trọng quyết định của cả dân tộc Việt Nam, thì đó là điều tốt cho họ.
.
Còn không, nhân dân Việt Nam đã biết dựng nước thì cũng biết giữ nước. Nhân dân Việt Nam từng trải nhiều ách nô lệ, chắc chắn không một ai vì quyền lợi riêng mà bênh “bên đối tác” và phản bội lại dân tộc mình. “ Như vậy giữa nhân dân và nhà nước CSVN đã có hố ngăn cách sâu và rộng về kế họach khai thác Bauxite trên Tây Nguyên. Vấn đề đặt ra là đảng cũng từ nhân dân mà ra và cán bộ, đảng viên là “đầy tớ của nhân dân” và nhân dân là người “làm chủ đất nước”. Nhưng khi đầy tớ lại nhẩy lên làm chủ và tiếng nói của ông chủ nhân dân không còn được đảng nghe nữa thì câu hỏi đặt ra là : Đảng từ lỗ nào chui lên ? -/-
Phạm Trần (05/14)
------------ --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- ---------
Cái Tóc Là Góc Con Người
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Mái tóc là nguồn cảm hứng của thi nhân, họa sĩ hàng bao nhiêu thế kỷ. Nó đã làm ngây ngất người trai học sinh mười tám, ngồi sau, nhìn lên mớ tóc thề người yêu bàn trước; đã làm ngẩn ngơ lòng anh nông phu chất phác trước cảnh chị Lụa hong tóc thoảng hương bồ kết nơi đầu hiên giữa trưa Hè. Đã thấy trong ca dao có lả lơi, cợt nhả: “Chị kia bới tóc đuôi gà, Nắm đuôi tóc lại hỏi nhà chị đâu”, hoặc đứng đắn, trang nghiêm: “Cá tươi thì xem lấy mang. Người khôn xem lấy hai hàng tóc mai”. Con người đã bỏ thì giờ chăm sóc, nghĩ tới và tốn tiền cho mái tóc nhiều hơn là bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Vì cái tóc cùng với cái răng, là cả một góc con người. Ta chải tóc, búi tóc, uốn tóc, nhuộm tóc, cấy tóc, cắt tóc, gội tóc, bôi dầu, xức thuốc thơm lên tóc. Tóc là món trang trí tăng nét duyên dáng cho con người. Cho nên khi nó ngả mầu tro thì ta hốt hoảng như thấy hoa sắp tàn. Mà khi nó rụng thì nghĩ tới cuộc đời sóng gió thuở trung niên. Vài điều về tóc Tóc có trên khắp cơ thể trừ ở lòng bàn tay, bàn chân. Không kể ở trên đầu, các nơi khác tóc được gọi là lông. Theo các nhà khoa học, tóc có nhiệm vụ che chở cho đầu khỏi sức nóng của nắng rọi vào huyệt thiên hội, lông mi mắt để ngăn vật lạ bay vô. Nhưng với dân gian thì lại cho là “quân tử lông chân, tiểu nhân lông bụng”. Mà một thanh niên cường tráng đầy lông ngực coi bộ lại kích thích, gợi tình hơn. Với vẻ dáng mượt như vậy mà tóc chỉ là nhóm tế bào chết từ một chân tóc dưới da nhô lên. Về cấu tạo, tóc có 95% chất keratin, một loại chất đạm cứng như nhôm. Nhìn dưới kính hiển vi, sợi tóc cắt ngang có ba lớp: lớp ngoài tế bào xếp chồng lên nhau như mái ngói; lớp giữa là những sợi tế bào dài nhỏ có chất phẩm làm tóc có mầu; lớp trong cùng gồm những tế bào khá chắc làm cho tóc bền bỉ. Dưới chân tóc có mạch máu nhỏ để nuôi dưỡng tóc và nhiều tuyến nhờn tiết ra một lớp chất dầu, mỡ béo và muối với độ acid pH 4.5-5.5 để che chở tóc và làm tóc óng mướt. Từ chân tóc có vài thớ cơ thịt mà khi co vì lạnh, vì cảm giác sợ hãi, làm tóc dựng đứng lên (ma nó đè làm tôi sợ dựng tóc gáy lên). Tùy theo hình dạng của phần chân mà tóc thẳng (chân tóc tròn) hay quăn (chân tóc bầu dục hay dẹp). Trung bình, mỗi người có khoảng 115.000 sợi tóc. Anh nào tóc đỏ thì ít, còn chị tóc hung nhiều hơn. Tóc đã được sắp xếp để thay phiên nhau tăng trưởng và rụng rơi: khoảng 85% tóc phát triển, dài ra; 15% tóc ngưng dài khoảng ba bốn tháng rồi rụng. Mỗi tháng tóc dài ra khoảng hơn nửa phân, mau dài vào mùa hè hơn là vào mùa đông, ban ngày ngày hơn đêm. Tóc tồn tại được 2 tới 6 năm rồi rụng. Mỗi tháng, theo nhịp độ sinh học bình thường, chừng trên một trăm sợi tóc liên tục từ giã maai1 đầu ra đi nhưng đều được thay thế.
.
Thăng trầm của tóc Trải qua thời gian, niên tuế, tóc thay đổi và báo hiệu sự chuyển tiếp từ tuổi ngọc, tuổi trung tráng niên sang tuổi vàng tuổi hạc của con người. Tóc sẽ khô, nhỏ sợi đi, đổi sang mầu bạc, sẽ rụng nhiều hơn. Đôi khi ngược đời tóc lại mọc nhiều ở những nơi bình thường có ít như lỗ mũi, vành tai, mày ngài. Những tuyến nhờn dưới chân tóc kém hoạt động, tóc thành khô, cứng, dễ gẫy hoặc chẻ đôi. Với tuổi cao, sự nuôi dưỡng, nhất là đạm chất, giảm bớt khiến tóc cũng chịu chung số phận thiếu dinh dưỡng. Sợi tóc nhỏ, kém vẻ mầu mỡ tươi tốt.
.
Tóc một lão nhân 70 tuổi sẽ trở về vẻ mảnh mai như khi mới sanh. 1-Tóc bạc Khi tế bào mầu trong tóc giảm, tóc thành không mầu mà ta gọi là tóc bạc. Càng ít mầu, tóc càng bạc hơn. Sự bạc tóc là chuyện bình thường, sớm muộn gì cũng xảy ra ở con người. Tóc khởi sự bạc ở hai bên thái dương bạc lên. Khoa học chưa giải thích được tại sao tóc bạc mà chỉ đoán là vì thiếu chất dinh dưỡng, sinh tố B hoặc là do căng thẳng tâm trí, do gene xấu. Ngũ Tử Tư qua một đêm suy nghĩ trầm kha, sáng ra tóc bạc phơ. Anh em cựu tù nhân cải tạo mình thiếu gì người bạc tóc chỉ sau vài tháng, vài năm nhập trại, xa gia đình, vợ con. Và nàng Kiều bạc mệnh, lận đận vất vả cho nên “ Đầu xanh mấy nỗi pha mầu tóc sương.” Chưa có cách nào để lật ngược hiện tượng bạc tóc. Tuy nhiên vì nhiều người quá quan tâm, âu lo tới nó nên đã làm giầu cho giới con buôn cả tỷ bạc mỗi năm với những mỹ phẩm, thuốc nhuộm.
.
Ta có thể để tóc bạc tự nhiên nom cũng hấp dẫn và có uy tín lắm. Hoặc nhuộm với các loại thuốc nặng nhẹ khác nhau, nhưng cứ dăm bẩy tuần lại phải nhuộm lại. Chứ mà để tóc chân trắng mình đen coi cũng hơi kỳ. Thuốc nhuộm tóc thường có ba loại: loại chỉ phủ qua trên sợi tóc rồi hết ngay sau khi gội nước; loại hơi ngấm vào tóc và loại ngấm lâu hơn. Loại thứ ba là hợp chất Hydrogen peroxide và phẩm mầu đen. Thuốc nhuộm tóc thường ăn da, do đó ta cần cẩn thận, nhất là tránh thuốc vào mắt. 2-Rụng tóc. Ngoài cái lo tóc bạc lại đến ưu tư về tóc rụng.
.
Có nhiều nguyên nhân làm rụng tóc như: a-Dùng mỹ phẩm nhuộm, uốn tóc không đúng chỉ dẫn, dùng quá nhiều, quá thông thường hoặc nhiều thứ cùng một lúc; b-Búi kéo tóc quá căng; chải tóc với lược có răng liền nhau, nhất là lại chải mạnh tay; c-Phụ nữ sau khi sanh, tóc rụng vài tháng nửa năm mới hết; đ-Một vài dược phẩm chữa cao huyết áp, phong thấp, bệnh tim hoặc thuốc viên ngừa thai; e-Dinh dưỡng thiếu chất đạm, sắt hoặc uống nhiều sinh tố A; g-Ảnh hưởng của hóa chất hoặc tia phóng xạ khi trị ung thư; h-Căng thẳng tâm thần; i-Trong bệnh rụng tóc Alopecia Areata. 3- Hói đầu. Khi tóc rụng nhiều hơn thường lệ và không được thay thế, ta có thể thành hói đầu, một hiện tượng chung và bình thường cho cả nam (43%) lẫn nữ (8%). Chẳng ai biết tự nhiên tại sao ta hói. Xưa kia, người ta bảo hói là vì những chất độc đó đây ảnh hưởng vào tóc..
.
Có một thời kỳ, sinh viên y khoa được giảng dạy là não bộ nở ra do trí thông minh cao khiến cho tóc rụng nhiều, chứng cớ là đàn bà và người nô lệ ít hói!!! Có người lại bảo đội mũ nhiều, gội tóc quá thường, đầu nhiều gầu, làm ta hói. Rồi lại cho hói là dấu hiệu của kém khả năng đàn ông. Ngày nay theo khoa học, bình thường hói là do di truyền. Thành ra cứ nhìn vào tấm hình chụp của tiền nhân ta có thể ước đoán được tương lai, số phận mái tóc của ta. Hói có nhiều kiểu, nhất là ở đàn ông. Từ năm 1950, mẫu Hamilton với 8 kiểu hói đã được dùng để phân loại.. Mẫu thông thường là hói từ trán lên đỉnh đầu, ra phía sau chừa một vành tóc hình móng ngựa trên gáy. Nữ giới thì tóc rụng từng chỗ trên khắp đầu.
.
Quan sát cho hay dân Châu Phi rất ít hói, người Á Châu lại càng ít hơn. Hói đã làm nhiều người lo âu, rầu rĩ. Các bác sĩ cho rằng tâm trạng sợ hói nguy hại hơn chính hiện trạng hói. Vì ngoại trừ khi do các nguyên nhân kể trên gây ra, hói di truyền chẳng có hại gì cho sức khỏe. Tuy vậy, từ thuở xa xưa, con người đã tìm đủ mọi phương cách để trị hói. Nữ Hoàng Ai Cập những thế kỷ trước dùng chất sáp chế từ vỏ trái chà là và chân chó. Vài người khuyên muốn khỏi hói thì đàn ông thiến quách nó đi vì họ nghĩ rằng nhiều kích thích tố Testosterone đưa tới hói. Nhiều anh chị lang băm đã rùm beng quảng cáo đủ loại thuốc mọc tóc, mọc lông và bợ được khối tiền của khách dễ tin. Cách đây không lâu, một hãng bào chế dược phẩm Hoa Kỳ tung ra thị trường thuốc Rogaine, giúp tóc mọc lại khi thoa lên da đầu. Thuốc khá công hiệu, nhất là ở người trẻ. Nhưng không phải ai cũng có kết quả tốt. Nếu tốt thì cả năm sau mới trông thấy và muốn có tóc mọc dài lâu thì phải dùng liên tục vì ngưng thuốc thì sợi tóc mới mọc sẽ rụng đi. Một tháng tốn cả 100 mỹ kim mà bảo hiểm thường không trả tiền thuốc.
.
Lại còn thuốc viên Propecia uống mỗi ngày, một tháng cũng tốn đến trên dưới 50 mỹ kim. Cũng như Rogaine, khi ngưng Propecia, tóc không mọc nữa. Phụ nữ, nhất là khi có thai, không được dùng thuốc này. Ngoài ra thuốc loại corticosteroid, Anthralin cũng được nhiều bác sĩ chỉ định dùng. Ta cũng có thể cấy tóc. Khoa cấy tóc, khởi thủy từ bên Nhật vào thập niên 1930, ngày nay khá hiện đại và rất phổ biến vì hiệu nghiệm. Bác sĩ sẽ cấy vào da chỗ hói một dúm chừng 10 sợi tóc lấy từ phần sau hay bên cạnh đầu mình. Vài tuần sau thì tóc cấy này rụng nhưng chân tóc đã vững và tóc mới mọc ra.
.
Thường thường ta cần 4 lần cấy cách nhau 4 tháng. Phương pháp này cũng khá tốn kém, mươi ngàn mỹ kim trở lên là ít. Rẻ tiền hơn có lẽ là chỉ việc phủ lên đầu một mái tóc giả làm bằng hóa chất hoặc tóc thật của tha nhân, vừa mau chóng, lúc nào cũng có và lại đủ mầu sắc, kiểu cọ rất vui mắt. Nếu không thì có sao để vậy. Người đẹp đâu có chê đầu hói không gợi tình mà ta phải lo. Mà cũng già đời rồi, đâu còn sợ chế riễu “Đầu trọc long lóc bình vôi, Cậu ngồi cậu ị, cậu bôi lên đầu” như thuở thò lò mũi xanh, ăn miếng bánh đúc chạy quanh sân trường. Chăm sóc tóc. Ngày xưa, thiếu nữ quê ta giản dị chỉ gội tóc bằng nước bồ kết, vừa thơm vừa vô hại. Rồi xức dầu thảo mộc cho óng, cho mịn, lại chẳng tốn kém bao nhiêu. Vậy mà gặp phải anh chồng keo kiệt còn bị than phiền rằng “tóc dài thì tốn tiền dầu”. Chẳng bù với bây giờ, nam nữ tân thời người ta tiêu cả nhiều triệu mỹ kim mỗi năm mua mỹ phẩm cũng như trả công săn sóc để “có mái tóc đẹp, cho người tình khen”.
.
Có điều ta cũng nên nhớ vài căn bản sinh hóa học về tóc để mỹ phẩm khỏi làm hư tóc: a-Sợi tóc là tập hợp của những tế bào đã chết nên không nuôi tóc được bằng mỹ phẩm bôi, xức, mà phải bồi dưỡng bằng khẩu phần ăn cân bằng cho cơ thể. b-Mức độ pH bình thường của tóc là 4.5 - 5.5. Mỹ phẩm có độ kiềm với pH trên 7 đều làm tóc khô, hư, chẻ và rụng. c-Tia tử ngoại của nắng là kẻ thù gây tóc khô ở thân tóc và chẻ ở đầu sợi tóc. Sấy tóc cho khô bằng hơi quá nóng không những hư sợi tóc mà còn làm chết chân tóc. đ-Đa số mỹ phẩm nhuộm tóc, uốn ép tóc, shampoo đều không tốt cho tóc. Shampoo bán ngoài siêu thị thường có hóa chất surfactants để làm sạch và làm đẹp tóc. Ngoài ra những chất pha thêm như lanonin, thảo mộc, trứng, tinh chế dạ con, la de không ích lợi gì cho tóc mà chỉ làm lợi tài chánh cho nhà sản xuất. Thuốc nhuộm gốc thảo mộc được dùng qua nhiều thế kỷ, ít hại cho tóc vì nó ngấm vào tóc tùy theo thuốc pha đặc, loãng.
.
Thuốc nhuộm hóa học có nhiều hợp chất kiềm, không những có hại cho tóc mà còn gây dị ứng cho da, nên ta cần cẩn thận. Vì thế nên nhiều nhà sản xuất đều nhắn nhủ ta nên bôi thử trên da coi có phản ứng không trước khi nhuộm. Và khi ta không thích mầu nào thì không nên dùng hóa chất khác để rửa mà đợi khi tóc dài ra thì cắt ngọn tóc đi. Cần tránh dùng quá nhiều hóa chất khác nhau trên tóc. Săn sóc tóc hàng ngày cũng là một nghệ thuật, tốn thì giờ vì tóc nói vậy mà cũng mỏng manh. Chải tóc nhẹ từ chân tóc lên để phân tán chất nhờn đều lên thân tóc. Dùng lược thưa răng để tránh tổn thương sợi tóc và không nên chải tóc khi còn ướt vì lược sẽ kéo dài tóc ướt còn dính vào nhau.
.
Có thể dùng khe ngón tay để gỡ dần tóc ướt. Được ngón tay người tình rẽ tóc thì tốt hơn nữa. Khi gội đầu, làm tóc ướt với nước ấm, đổ shampoo vào lòng bàn tay, bôi lên tóc. Lấy đầu ngón tay (không phải móng tay) thoa cho đều vào tóc và chân tóc rồi xả nước cho sạch hết shampoo. Bình thường ta có thể gội tóc với cục xà bông tắm là quá đủ để làm sạch bụi bậm, hóa chất trong không khí dính vào tóc. Lau khô tóc rất nhẹ nhàng bằng khăn tắm. Tốt hơn cả là hong tóc khô tự nhiên trong không khí. Nếu cần sấy cho khô, nên dùng hơi nóng vừa phải và giữ máy sấy xa da đầu một chút. Khi búi tóc, chải kiểu, tránh kéo tóc quá căng. Nếu cần cuốn tóc, nên quấn nhẹ vào cuộn rồi để qua đêm, sáng hôm sau gỡ. Vài hàng về râu. Nhân thể nói tóc trên đầu, tưởng cũng nên nhắc qua tới anh lông tóc ở cằm, ở quanh mép mà ta gọi là râu.
.
Kẻo anh ta buồn, nhất bên trọng, nhất bên khinh, vì cũng tình hàng xóm lân bang với nhau cả. Râu có nhiều anh em bà con lắm. Nào râu ba chòm mọc dưới cầm và hai bên mép; râu cá chốt mọc trên mép, dài và cong lên; râu cứt mũi như hề Charlot; râu dê, râu xồm một chòm dưới cằm; râu quai nón mọc theo hàm lên tận thái dương; râu quặp mọc trên mép dài mà quặp xuống như không dám nhìn mặt bà chủ, nhất là sau khi ông chủ ăn vụng. Có anh lơ thơ ba sợi cũng bầy đặt để râu. Chú kia mặt non choẹt mà cũng lún phún vài sợi ria mép. Còn ông phú hộ mới giầu có thì vênh vênh cái mặt với chiếc râu tài mọc gần miệng, dưới tai. Bộ râu là phụ tùng trang trí trên mặt, luôn luôn làm tăng sức hấp dẫn cho chàng trai mà lại tăng vẻ điêu luyện, già giặn cho người bạc tóc.
.
Chăm sóc cho bộ râu cũng tốn nhiều công phu, tỉ mỉ như chơi cây lan cảnh. Tỉa sao cho đều. Chải sao cho mượt. Một chút dầu thơm cho nụ hôn của nàng thêm khắng khít. Khi cạo thì nên làm râu ướt trước cho khỏi cạo quá sâu vào da gây rát. Cạo tự nhiên theo chiều râu mọc, đừng căng da giữa hai ngón tay. Nước hoa bôi sau khi cạo chỉ làm tăng hương thơm chứ không có công dụng khử trùng hay ngừa nhiễm độc ngoài da. Dao cạo điện tiện lợi cho người có râu vừa phải chứ râu xồm xề, rậm rịt thì lại phải nhờ đến ông già Gillettes. Trong lịch sử nhân loại, bộ râu đã tiêu biểu cho nhiều nhân vật thời danh..
.
Ít ai mà có được bộ râu đẹp bọc trong túi gấm như râu Quan Công. Râu đào hoa thì phải kể râu Clark Gable. Râu mũi của danh tài Charlot hay nhà độc tài Hitler thì hầu như đã trình tòa. Một cựu sĩ quan cao cấp của ta cũng lừng danh với cằm râu dê, còn ông tướng được biết nhiều hơn qua biệt danh râu kẽm. Mình chẳng có râu, chẳng ai biết tới nên đành quanh quẩn ở nhà, cùng vợ làm bát cơm nguội, chan canh “Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”. Và lai rai viết bài về sức khỏe, y học cho bà con đọc chơi..
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D. Texas-Hoa Kỳ
===============================================
No comments:
Post a Comment