Xin cảm ơn đời đã ban cho những cánh dù còn đáp xuống mặt đất bằng đôi chân đứng thẳng.
Xin cảm ơn người đã dành những tình cảm thân thương cho người lính Mũ Ðỏ làm hành trang đi hết quãng đường còn lại.
Xin cảm ơn em, người tình Mũ Ðỏ, đã vì ta cho cả cuộc đời.
Nhảy dù cố gắng!
Ðời ta những cánh dù vong quốc
Bay giữa quê người, nhớ nước non...
Họ là những cánh dù Việt Mỹ từ bốn phương trời sẽ về tham dự đại hội lần thứ 30 của Gia Ðình Mũ Ðỏ Việt Nam do Chi Hội Dallas/Fort Worth lãnh nhiệm vụ tổ chức, lần đầu tiên một Ðại Hội Mũ Ðỏ Việt Nam được tổ chức chung với Mũ Ðỏ Hoa Kỳ Team 162 vào hai ngày 28-29 tháng 5 năm 2010 thể theo lời yêu cầu của người bạn Nhảy Dù Hoa Kỳ son sắt với lời thề sát cánh cùng đồng sanh cộng tử với Nhảy Dù Việt Nam trong công cuộc bảo vệ miền Nam Việt Nam.
Họ là Ðại Tá Cố Vấn Trưởng James Vaught sau này là trung tướng, người cố vấn duy nhất được phép bay vào Hạ Lào trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971, đã tận lực cùng Sư Ðoàn Nhảy Dù tả xung hữu đột, rồi bay về Kontum nhảy trên đầu địch giải vây Căn Cứ 5 và Căn Cứ 6, năm sáu trăm xác địch phơi đầy đồi, chính ông đã gửi điện văn về Saigon yêu cầu những tên nhà báo ngoại quốc hèn nhát phản chiến hãy bay vào đây làm phóng sự, và phải cải chính ngay những phỏng đoán Sư Ðoàn Nhảy Dù đã kiệt lực sau trận Hạ Lào, dĩ nhiên không có tên nào dám bay vào vùng lửa đạn như thế. Họ là Thiếu Tá John Duffy, giữa vòng vây của một trung đoàn địch đang cận chiến với Tiểu Ðoàn 11 Dù trong trận Charlie 1972, đã buộc trực thăng phải quay lại bốc cho được Thiếu Tá Ðoàn Phương Hải bị bắn rơi cũng từ chiếc trực thăng này như một phép lạ, mà chỉ có người trong trận mới hình dung được. Họ là Thiếu Tá Norman Schwarzkopf, cố vấn Tiểu Ðoàn 5 Dù, sau này là đại tướng tư lệnh chiến dịch Desert Storm, đã đem những kinh nghiệm học được từ người tiểu đoàn trưởng khét tiếng Nguyễn Khoa Nam để viết thành một chương anh hùng ca giải phóng Kuweit đầu năm 1991. Họ còn là KIA hay 34 cố vấn Nhảy Dù bị Kill In Action được ghi nhận trong quân sử chói lọi của Sư Ðoàn Nhảy Dù VNCH...
Trong công cuộc bảo quốc an dân của đoàn quân Mũ Ðỏ suốt chiều dài của cuộc chiến tranh Việt Nam, 20,000 người lính Nhảy Dù và cố vấn đã hy sinh, nhiều hơn của bất cứ một binh chủng hay đơn vị nào của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mỗi tấc đất lấy lại từ tay địch quân là một tấc máu của Nhảy Dù.Trên 4 vùng chiến thuật, hay chiến trường ngoại biên, Sư Ðoàn Nhảy Dù như là bộ xương sống của quân lực, luôn đi đầu và tận lực chống đỡ cho miền Nam Việt Nam đứng vững cho đến ngày tàn cuộc chiến. Họ có thể là Bác Sĩ Tô Phạm Liệu, mê Nhảy Dù tác chiến còn hơn cầm ống chích, một tay cầm súng Colt 45, một tay cầm M16 hô hào binh sĩ tử thủ trên đồi Charlie ngày 12 tháng 4, 1972. Họ là những người lính Tiểu Ðoàn 5 tình nguyện làm một “mission imposipple” đột lích đêm và tất cả đã nằm xuống khi cắm được ngọn cờ vàng phất phới trên Cổ Thành Ðinh Công Tráng tại Quảng Trị năm 1972. Họ là hàng ngàn những người lính Nhảy Dù các cấp từ đại đội trưởng trở xuống đã nằm lại trên đỉnh đồi 1062 tại Thường Ðức, Quảng Nam năm 1975 để ngăn địch tràn xuống Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I, sự hy sinh này là lớn nhất của Nhảy Dù trong một trận chiến thế mà báo chí không nhắc nhở đến. Họ chính là Lữ Ðoàn Trưởng Nguyễn Thu Lương không bỏ thuộc cấp, không chịu di tản, để rồi cuối cùng chịu hàng chục năm tù đày vì lòng yêu nước. Họ là Tư Lệnh Lê Quang Lưỡng, con beo gấm của chiến trường năm xưa, trong những ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam, phẫn hận vì không còn quân, vì đàn con của mình bị chia năm xẻ bảy cho những đơn vị khác chỉ huy vì chính quyền sợ bị Nhảy Dù đảo chánh. Họ là những người lính mới về bổ sung cho Pháo Ðội B2 trong giờ thứ 25 của cuộc chiến, và mới ăn cơm của Nhảy Dù hơn một tuần lễ, chỉ cần mấy bước chân là ra khỏi sân Cộng Hòa trở về nhà, nhưng đã chọn cái “Dũng” của Nhảy Dù và ở lại đơn vị, tuyệt đối tuân lệnh cấp chỉ huy và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thủ đô Saigon. Họ là Thiếu Úy Hoàng Văn Thái, bình thản cùng nắm tay các đệ tử rồi buông lưu đạn tuẫn quốc khi nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng. Họ là những thiên thần hay những cánh dù bất khuất được người đời xưng tụng, không phải chỉ bằng khả năng tác chiến mà còn là lòng yêu nước, nay người còn, người đã bay vào cõi vô biên - Cánh dù lộng gió muôn phương - Vào lòng đất mẹ máu xương ngậm ngùi.
Tất cả mọi người lính, một khi trở thành lính Nhảy Dù đều trở thành đồng nhất như thế, và sẽ trở nên như thế, bất cứ chiến trường nào khốc liệt nhất thì Bộ Tổng Tham Mưu đều điều Nhảy Dù đi giải quyết, một mình Nhảy Dù luôn phải chống với một lực lượng cộng quân đông gấp từ 3 lần trở lên, cho nên người lính Nhảy Dù khi ra trận giống như đeo tử bài bước vào cõi chết. Ai công hầu, ai khanh tướng mặc ai, Nhảy Dù lúc lâm trận thì từ quan đến lính đều theo một mệnh lệnh của trái tim để Bảo Quốc, An Dân. “Không có binh chủng nào mà nhiệm vụ của một trung đội trưởng lại nặng nề như Nhảy Dù.” Trưởng ban tổ chức Ðại Hội kỳ thứ 30, chi hội trưởng Bùi Quang Thống tâm sự như trên và nói tiếp, “Ngoài nhiệm vụ chỉ huy trung đội, họ còn là một liên lạc viên, và là một khinh binh.” Ðiều này không sai, khi đụng trận, người trung đội trưởng Nhảy Dù phải sát ngay tuyến đầu, vừa chỉ huy tác chiến, vừa điều chỉnh pháo binh, vừa liên lạc với cấp trên, vừa chiến đấu cá nhân. Sống và chết với thuộc cấp. Sống sót qua giai đoạn này là cái phước lớn của người cầm quân. Cho nên anh em binh sĩ rất kính nể và tuân lệnh cấp chỉ huy Nhảy Dù gần như tuyệt đối.
Những chiến công rực rỡ của đoàn quân Mũ Ðỏ được viết lên từ lòng quả cảm hy sinh trực tiếp của từ cấp dưới trở lên mới đến cấp trên, họ không tiếc máu xương, cùng với các binh chủng khác, làm nên những thiên anh hùng ca của người đi giữ nước trong thời hiện đại. Quân đội quốc gia từ ngày thành lập là đã có Nhảy Dù. Bao nhiêu tấm gương trung trinh ái quốc, bao nhiêu chiến công oanh liệt của của đoàn quân Mũ Ðỏ không kể xiết, và đã thấm vào từng trang quân sử hào hùng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa như một định mệnh, mà những cánh dù vong quốc đang là một chứng nhân. Xin cảm ơn đời đã ban cho những cánh dù còn được đáp xuống mặt đất bằng đôi chân đứng thẳng, và còn đứng thẳng, hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng.
Có nhiều tiểu đoàn tác chiến mà sĩ quan về trình diện đơn vị tại mặt trận hôm trước, hôm sau ra trận và hy sinh, nhắc đến tên có người còn không biết là ai. Một pháo đội Nhảy Dù có ít nhất là 10 sĩ quan, mà đến tháng 4, 1975 có pháo đội chỉ còn có một pháo đội trưởng duy nhất. Khi ra trận, sĩ quan Nhảy Dù hy sinh nhiều như thế, thì hãy tưởng tượng sự hy sinh của thuộc cấp nhiều như thế nào. Sự hy sinh này không thể nào tả xiết, nhưng khi tuyển mộ thì chỉ một hai tuần sau là đầy ắp ngay. Họ tình nguyện về Nhảy Dù như tình nguyện đi trên bờ tử sinh, gần hết Khóa 23 Võ Bị Ðà Lạt tình nguyện về Nhảy Dù nhưng chỉ được chấp thuận có mười mấy người, còn bác sĩ nào mà về được Nhảy Dù thị bị coi như là phe đảng, cái duyên tình lạ lùng này bắt nguồn từ sự sống chết có nhau theo truyền thống anh dũng của binh chủng, coi nhau như ruột thịt từ trên xuống dưới, và ít có binh chủng nào mà từ binh sĩ đến cấp chỉ huy trên mình mang nhiều vết đạn thù như Nhảy Dù. Cho nên họ về Nhảy Dù không phải là muốn “một xanh cỏ, hai đỏ ngực” mà là khoái cái truyền thống “Nhảy Dù Cố Gắng,” để có dịp phát huy cao độ và giữ gìn truyền thống yêu nước, sống oai hùng mà giản dị.
Là một binh chủng kỷ luật, thiện chiến. và lẫy lừng nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, những đứa con của Thần Chiến Thắng Micae (Thánh Tổ của binh chủng Nhảy Dù) được đồng bào hết lòng tin tưởng và yêu thương, nhưng khẩu hiệu nằm lòng của Nhảy Dù lại khiêm nhượng nhất “Nhảy Dù! Cố Gắng.” Riêng một Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù thôi cũng “cố gắng” tạo cho Quân Lực VNCH nhiều vị tướng lãnh. Trong năm ngũ hổ tướng tuẫn tiết năm 1975 có hai vị xuất thân từ Nhảy Dù. Toán cố vấn Team 162 theo danh sách chỉ có vài trăm người đi theo Sư Ðoàn Nhảy Dù trong suốt cuộc chiến cũng “cố gắng” sau này tạo cho quân đội Hoa Kỳ nhiều vị tướng Nhảy Dù kiệt xuất trong đó có vị tư lệnh chiến dịch Bão Sa Mạc.
Khi Sư Ðoàn Nhảy Dù ra đến hải ngoại, Team 162 đã nối lại ngay sự liên lạc, Gia Ðình Mũ Ðỏ Việt Nam (GÐMÐVN) được thành lập tại Hoa Kỳ rất được sự trân trọng của binh chủng Nhảy Dù Hoa Kỳ. Năm 1990, GÐMÐVN được mời tham dự diễn hành 50 năm ngày thành lập binh chủng Nhảy Dù Hoa Kỳ cùng với rất đông binh chủng Nhảy Dù của các nước khác. Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa là một binh chủng đồng minh duy nhất được dựng bia tưởng niệm tại nghĩa trang quốc gia Arlington, hàng năm Chi Hội GÐMÐ tại Washington DC đều cùng Team 162 làm lễ tưởng niệm nhân ngày Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ. Ðặc biệt hơn nữa, SÐNDVNCH còn là một binh chủng đồng minh duy nhất được vinh danh và có một phòng triển lãm tại Viện Bảo Tàng Lục Quân Hoa Kỳ tại Fayetteville, North Carolina năm 2006. Giữa lối đi vào Viện Bảo Tàng được trân trọng đặt viên đá tưởng niệm 20,000 Mũ Ðỏ Việt Nam và Hoa Kỳ đã hy sinh. Tất cả những điều này nói lên sự trân trọng của quân đội Hoa Kỳ nói chung và của binh chủng Nhảy Dù Hoa Kỳ nói riêng đối với SÐNDVNCH.
Qua 29 lần Ðại Hội Nhảy Dù Việt Nam trước đây, Toán cố vấn Team 162 đều tham dự như thể ngày nào cùng ăn cơm chung với nhau ngoài mặt trận, cùng đứng chung một chiến tuyến tự do, và cùng đội trên đầu chiếc mũ đỏ truyền thống Nhảy Dù của hai quốc gia. Ðại hội lần thứ 30 Nhảy Dù Việt-Mỹ Team 162, sẽ có một Key Speaker là một tướng General-four- star của Hoa Kỳ, là cựu Ðại Tướng Barry Mc Caffrey, là cựu cố vấn Tiểu Ðoàn 2 Nhảy Dù năm 1967 với cấp bậc trung úy, năm 1990 là Tư Lệnh Sư đoàn 24 Bộ Binh giải phóng Koweit. Chức vụ cao nhất là Phụ tá Tổng Tham Mưu Trưởng Hỗn Hợp quân đội Hoa Kỳ (Assistant Chairman, Joint Chiefs of Staff), tương nhiệm với chức phụ tá Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH. Ông hiện nay là một nhà bình luận cho đài truyền hình CNN.
Mỗi lần gặp lại nhau, các vị lãnh đạo của Team 162 thường ngậm ngùi nâng ly nói một câu, “Ðể tưởng nhớ Việt Nam Cộng Hòa” làm anh em Nhảy Dù hết sức xúc động không cầm được nước mắt. Ngay cả những người lính viễn chinh còn tưởng nhớ đến quốc gia mà họ đã hy sinh xương máu để bảo vệ, bao nhiêu người tỵ nạn cộng sản đã quên mất điều này?
Một ngày Nhảy Dù là một đời Mũ Ðỏ, những người lính Nhảy Dù của hai quốc gia đã tìm đến nhau như cùng một thân thể, cùng một hơi thở, cùng một định mệnh, những người lính già của Team 162 cũng đã từng đem con cháu thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba đến chung vui như thể con cháu một nhà, tình thân này người ngoài binh chủng khó mà tưởng tượng được khi những vị cố vấn Mỹ Team 162 đề nghị “ Ðại Hội 30 Nhảy Dù là lần đầu tiên chúng ta tổ chức chung và cũng là lần cuối cùng vì không biết chúng ta còn gặp được nhau hay không?” Lời đề nghị này bộc trực như tâm hồn giản dị của người lính, tuổi đời chồng chất năm nay còn đi dự, không biết sang năm có đi được hay không?
Những người lính Nhảy Dù của hai quân đội đã cầm súng chiến đấu cho khát vọng tự do của miền Nam Việt Nam, nay tuổi đã xế chiều nhưng tinh thần vẫn hăng hái trẻ trung như ngày nào, anh hùng tử khí hùng nào tử, hãy xem Ðại Hội Nhảy Dù lần thứ 30 này như một saut nhảy, cánh dù sẽ lộng gió lên cao, phía dưới là chân trời tự do, cờ vàng vẫn bay phất phới trong lòng người lính già xa quê hương và vẫn chói lọi một lời nguyền, “Một đời trung liệt màu mũ đỏ - Muôn thuở anh linh sắc cờ vàng.”
Nhảy Dù cố gắng!
Nguyễn Văn Lập
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment