Vài ý nghĩ về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
Nguyễn Kỳ Phong
(05/18/2010)
Sau khi Việt Nam Cộng Hòa thất thủ, vai trò của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu như một nguyên thủ lãnh đạo quốc gia được đem ra phê phán. Vài ý kiến cho rằng vì TT Thiệu quá tin vào người Mỹ nên miền Nam rơi vào tay cộng sản. Về vai trò lãnh đạo, một số ý kiến nói tại TT Thiệu độc tài, nắm giữ hết quyền điều binh khiển tướng, chỉ huy quân đội thẳng từ dinh Ðộc Lập, nên gây ra nhiều sự bất mãn cho các cấp tướng lãnh trong những năm sau cùng của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Hai phê phán về TT Thiệu ở trên có lý do và giá trị để được luận bàn. Dựa vào một số tài liệu của Hoa Kỳ viết về TT Thiệu đã được giải mật trong thời gian qua, bài viết ngắn dưới đây ghi lại một số sự kiện về liên hệ cá nhân của TT Thiệu với người Mỹ; và về đường lối quản trị quốc gia của TT Thiệu như một nhà lãnh đạo.
Liên hệ cá nhân với Hoa Kỳ
Tổng Thống Thiệu có quá tin người Mỹ không? Căn cứ vào những hồ sơ được giải mật, TT Thiệu chẳng những không tin người Mỹ, trái lại lúc nào ông cũng nghi ngờ và lo sợ về đường lối của Hoa Kỳ đối với Việt Nam; và đối với ông như người lãnh đạo quốc gia.
Từ khi bắt đầu giao thiệp, TT Thiệu đã có thái độ e dè, nếu không nói là bất thiện cảm đối với người Mỹ. Trong một báo cáo tóm lược về cá nhân TT Thiệu do Nha Tình Báo Quốc Phòng (Defense Intelligence Agency/ DIA) viết vào tháng 7-1968, họ nhận xét ông Thiệu là người chống cộng (anti-communist) nhưng đồng thời cũng “chống Mỹ.” Nguyên văn trong báo cáo là, “...Thieu is anti-United States.” Câu đó cũng có thể hiểu là “không thích Hoa Kỳ” hơn là theo nghĩa thông thường “chống Mỹ.”
Cũng trong báo cáo đó, DIA cho biết thái độ chống Hoa Kỳ của ông Thiệu đã được ghi nhận từ tháng 2-1964, và chính ông Thiệu cũng tự nhận thái độ của ông đối với người Mỹ. Trong báo cáo tháng 7-1968, sau khi nói về thái độ của Tổng Thống Thiệu trước đó (trước báo cáo tháng 7-1968), người báo cáo viết, hiện tại ông Thiệu chú trọng đến sự phối hợp sát cánh đường lối của Hoa Kỳ và Việt Nam, để Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ miền Nam. So với những báo cáo khác, báo cáo của tháng 7-1968 nói tốt, nhưng chỉ nói một cách tổng quát về TT Thiệu. Nhưng qua tất cả những tài liệu phân tích về tâm tính TT Thiệu mà người viết này đã đọc qua, người viết có thể nói Hoa Kỳ không hiểu nhiều về ông Thiệu: Phần lớn họ chỉ đoán về ông, dựa vào báo cáo của những cộng sự viên hoặc bạn đồng ngũ trong quá khứ. Báo cáo đến từ CIA, DIA, và tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, sử dụng nhiều tĩnh từ như khôn vặt, cáo già, mưu mô, “cunning, intelligent, shrew, efficient...” để tả cá tính TT Thiệu.
Nhưng sau cùng, báo cáo vẫn kết luận họ không đoán được suy nghĩ và hành động của ông Thiệu, hay có thể gây ảnh hưởng với ông như họ đã làm với những thẩm quyền Việt Nam khác. Ngược lại, trong một vài lần mặt đối mặt với nhiều thẩm quyền Hoa Kỳ, TT Thiệu bỏ đi cá tính thông thường của ông - cá tính thông thường là sự dè dặt khi được hỏi ý kiến, và nghe nhiều hơn nói - và đặt nhiều câu hỏi khiến cho người đối diện rất lúng túng.
Qua những lần như vậy, giới hữu trách Mỹ thấy ông Thiệu biết nhiều chuyện họ làm nhưng ông làm như không biết. Dựa vào những tài liệu đã trích, chúng ta thấy cố TT Thiệu không hoàn toàn tin vào người Mỹ trong suốt sự nghiệp chính trị của. Ông chỉ dựa vào người Mỹ để đạt được những mục đích ông muốn. Và một trong những mục đích ông muốn thấy, là sự trường tồn của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Nếu TT Thiệu có tin vào người Mỹ, thì ông không còn chọn lựa nào hơn là phải tin - và người duy nhất ông phải tin là cố Tổng Thống Richard M. Nixon.
Theo một sử gia của cơ quan CIA viết trong CIA and the Generals: Covert Support to Military Government in South Vietnam. Hoa Kỳ chỉ thật sự tìm hiểu và cố gắng bắt liên lạc với TT Thiệu từ tháng 7-1967, sau khi một số tướng lãnh quan trọng trong Hội Ðồng Quân Lực đồng ý cho ông Thiệu ra tranh cử tổng thống và ông Nguyễn Cao Kỳ, phó tổng thống, trong liên danh quân đội duy nhất vào cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa. Những báo cáo của DIA, CIA, và của Ðại Sứ Ellsworth Bunker gởi về Hoa Thịnh Ðốn cho thấy tin tức tình báo Mỹ có thể biết nhiều về ông Kỳ, hay những thẩm quyền VNCH khác, nhưng họ hoàn toàn không biết gì về ông Thiệu - hay ý định của ông Thiệu trong tương lai xa, gần.
No comments:
Post a Comment