Friday, April 23, 2010
Hồi còn làm đài BBC, tôi nhiều lần tìm cách xin những việc mà đài chỉ quảng cáo nội bộ, để đi sang làm việc ở các ban khác. Thỉnh thoảng lắm tôi mới thành công. Một hôm ngồi uống cà phê với ông trưởng vùng lúc đó, một nhà báo lão thành đã cả đời lăn lộn ở BBC, tôi than thở sao mà khó xin việc quá. Ông ta bảo hãy đưa cho ông xem cái CV của tôi. Sau khi đọc xong, ông lắc đầu “Chả trách thất bại. Phải biết tự quảng cáo cho mình chứ!” Thấy tôi ngẩn người, ông cười bảo “người ta đâu có biết mình là ai thành ra phải tự quảng cáo chứ!” Sau đó ông đưa cho tôi xem một số CV của những người đang xin việc với có. Phải công nhận họ “tự quảng cáo” hay quá.
Và cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết “tự quảng cáo”. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại nhiều khi như vậy mà hay. Bởi thời nay người ta thích tự quảng cáo quá đến nỗi nhiều khi nếu không “hà tiện sự thật” thì cũng “đánh bóng sự thật” hay tệ hơn nữa khai láo.
Mới đây chúng ta đã chứng kiến sự “thiếu thành thật” trong CV của một nhân vật mà bây giờ đã trở thành nổi tiếng trong cộng đồng các công dân mạng, cô Ðỗ Ngọc Bích. Gạt sang một bên những gì website BBCVietnamese. com viết về cô, cứ kiểm lại điều mà Viện đại học Hawaii đưa thì mới thấy tài ba của cô. Cô viết là cô có bằng Cử nhân về ngoại ngữ và sau đó dạy “English for Specific Purposes” (tiếng Anh chuyên dụng?) tại Ban Xã Hội và Quốc tế ở trường đại học Khoa học Xã hội, Viện đại học Quốc gia Hà Nội. Phải nói là cô thuộc loại siêu việt nếu vừa tốt nghiệp cử nhân đã được vào dạy đại học.
Sau đó cô nói là đã là “phụ tá bán thời gian của một tổ chức thiện nguyện Úc ở Hà Nội-(1997)”. Chắc phải diễn dịch công việc này là chạy hiệu chăng? Rồi cô cũng là “phụ tá cho giám đốc của Văn phòng quan hệ quốc tế, Ủy ban Á Châu và Thái Bình Dương của Viện đại học (1999)”! Quả thật không biết tại sao một viện đại học lại có một văn phòng quan trọng đến thế.
Ấy là chưa kể theo website của Viện đại học Hawaii về các ứng viên tiến sĩ thì trong đó ghi cô đang hoàn tất các khóa học và chuẩn bị thi cả hai kỳ thi nhập chương trình tiến sĩ (qualifying) và kết thúc (comprehensive) . Cô cũng chưa có đề tài luận án, chỉ hiện đang “suy nghĩ về ‘Văn hóa của việc bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ’, với tập trung vào du lịch, truyền thông đại chúng, viện bảo tàng quân sự, và chính trị.” Và lời giới thiệu PhD candidate của Hawaii nói khi hoàn tất ABD, cô sẽ về Hà Nội để dạy học và nghiên cứu “thực địa” trước khi trở lại trình luận án.
ABD, như đã được giải thích là “all but dissertation” tức là đã hoàn tất mọi đòi hỏi trừ luận án. Thành ra như vậy là người ta đã thành PhD (ABD). Khổ một nỗi, có rất nhiều người có thể là PhD(ADB) suốt đời vì cái khoản luận án tốt nghiệp đó nhiều khi gay go lắm.
Nhưng dầu sao thì cũng phải thật phục sát đất. Thế mới biết hậu sinh khả úy.
Nhưng có lẽ đây là một hiện tượng của thời đại. Và khi thời buổi kinh tế khó khăn người ta đâm ra lại càng nhiều sáng kiến. Chẳng thế mà ở Anh mới có một vụ một cô 29 tuổi bị đi tù sáu tháng về tội giả mạo và gian lận. Cô Rhiannon MacKay, 29 tuổi, đã giả mạo bằng cấp và giả luôn các thư giới thiệu để kiếm được một việc làm nhân viên quản trị cho Cơ quan Y tế công cộng Quốc gia NHS. Khi bị nghi, sau cùng cô thú nhận đã nói láo trong CV của mình và giả mạo các thơ giới thiệu. Cô còn thú nhận đã làm giả CV để xin 11 công việc nữa vì “cô cảm thấy chưa đủ bận rộn”. Không những mất việc, cô còn bị đưa ra tòa và bị đi tù.
Mà cô nào phải là người duy nhất. Vụ nổi tiếng nhất hẳn là vụ bà Marilee Jones, đã từng là Dean of Admissions (khoa trưởng phụ trách về tuyển sinh) của Viện đại học Massachusetts Institute of Technology (MIT). Mãi đến năm 2007, không hiểu vì sao tin lộ ra là bà đã nói láo trong CV là có bằng cấp khi bà xin vào làm cho MIT vào năm 1979 với tư cách là nhân viên của ban tuyển sinh. Khi từ chức, bà viết trên website của Viện là bà đã “nói sai sự thật về bằng cấp mà tôi có khi tôi xin việc với MIT cách đây 28 năm, và không có đủ can đảm để sửa lại resume khi tôi xin việc lần này, cũng như những lần xin việc trước đó.” Thế mới biết nói láo nguy hiểm lắm thay.
Nhưng nực cười nhất là ông Robert Irvine, một ông chef nổi tiếng ở Hoa Kỳ, từng có show trên America's Food Network (hệ thống truyền hình chuyên về nấu ăn). Ðiều đáng ngạc nhiên là tuy người Anh, ông lại nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Nhưng có lẽ đó chính là lý do ông né tránh mẫu quốc chăng. Bởi ở Anh thì sự gian dối của ông lộ ra ngay. Sau khi đã có một show “Dinner Impossible”, một tờ báo đã tung tin là những lời nói phóng đại mà ông thường kể cho mọi người sai sự thật, và cả CV của ông cũng vậy. Một trong những điều mà ở Anh rất dễ bị lộ là khi ông nói ông có bằng về Thực phẩm và dinh dưỡng học của Viện đại học Leeds. Trường này khá nổi tiếng của Leeds. Nhưng khi kiểm chứng thì Leeds bảo sổ sách của trường không có tên ông. Ông cũng bảo ông đã đóng góp vào việc làm bánh cưới cho Công nương Diana và Thái tử Charles. Sự thật không phải vậy. Sau cùng ông công nhận, “cái bánh đó được làm ở trường tôi đang theo học.” Và công việc của ông là “cắt trái cây và những việc vặt như vậy đó.” Mọi chuyện đổ bể năm 2007. Nhưng phải nói ông tài lắm vì tuy không tái tục hợp đồng, Food Network vẫn tiếp tục chiếu lại chương trình của ông cũng như là một loạt chương trình mới, được thâu mà chưa phát.
Khi nghe tôi kể lại những chuyện này, một nhân vật đã từng làm hành chánh đại học ở Sài Gòn hồi thời Việt Nam Cộng Hòa, phê bình, chuyện đó chỉ xảy ra ở văn minh Anh Mỹ, nhất là ở Anh nơi người ta không bao giờ hỏi bằng hay chứng chỉ. Cứ khai là họ tin. Ở các nước Âu Châu hay như ở miền Nam hồi trước, muốn làm phải nộp bằng nguyên bản.
Nhưng một người quen khác của tôi, đang làm hành chánh cho một công ty, thì nói vậy cũng không xong đâu. Bây giờ người ta có thể mua bằng dễ dàng lắm!
Vả lại nếu mua bằng, rồi bị tố cáo, có thể noi gương ông Paul McKenna. Ông này là một DJ nay đã trở thành triệu phú. Khi tờ Daily Mirror ở Anh nói cái bằng tiến sĩ của ông từ Viện đại học La Selle ở Louisiana chỉ cần trả lời một câu hỏi “Ông có đủ 2,615 đô la hay không?” Ông nổi giận và đi kiện họ, bảo là ông không biết bằng đó là bằng “dỏm”. Hẳn luật sư của ông giỏi hơn luật sư của tòa báo vì tòa báo thua kiện. Nhưng nghe đâu sau đó ông McKenna đã đi học lại và nay có bằng tiến sĩ thực sự.
Thế mới biết sự thật tốt hơn.
No comments:
Post a Comment