Nguyễn Ðạt Thịnh
“Tâm tư Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” là quyển sách mới nhất của ông Nguyễn Tiến Hưng; tác phẩm trước ông viết, “Hồ sơ mật dinh Ðộc Lập” đã tạo tín nhiệm với độc giả, do đó lần này tác phẩm mới của ông rất thành công, ngay trong buổi ra mắt tại Nam Calif. Ký giả Vi Anh viết, “Mười bốn năm ở Little Saigon chưa bao giờ người viết bài này thấy một cuộc ra mắt sách nào số người tham dư đông đảo, nghiêm trang như cuộc ra mắt sách “Tâm Tư Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu”.
Tác gỉa đang ký sách cho đồng hương trong buổi ra mằt
tác phẩm Tâm tư Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Ông Vi Anh kể, “Ngày Chủ Nhựt 16-5-2010, tại Rose Theater, Thành phố Wesminster, tác giả tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng từng là bộ trưởng kế hoạch, cố vấn ngoại giao cho cố TT Nguyển văn Thiệu ra mắt sách “Tâm Tư Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu”.
Ông Hưng là người làm việc gần gũi TT Thiệu khi ở trong nước, và khi ra hải ngoại tới lui rất thường với TT sau 75. Có thể nói ông là một nhân chứng sống, hiểu biết tường tận tâm tư TT Thiệu đối với đồng minh Mỹ.”
Vi Anh mô tả chi tiết cuộc ra mắt sách,“ khoảng 650 ghế trong hội trường ngồi đầy cả, mà nhiểu người còn đứng lắng nghe phía sau. Trong bài nói chuyện có vẻ hàn huyên tâm sư, tâm tình với nhau hơn là diễn thuyết, hay diễn giảng, tác giả tâm tình tâm sự cứu cánh của Ông khi viết quyển “Tâm Tư Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu”, Ông muốn cho lớp trẻ người Mỹ gốc Việt ở quê hương thứ hai là nước Mỹ này rút kinh nghiệm. Tại sao một chánh quyền qui mô như Mỹ lại có một lổ hỏng trong thòi kỳ chiến tranh như Chiến tranh VN. Cái lổ hỏng đó Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng gọi là hiện tượng Kissinger (phenomenon Kissinger – chữ phenomenon (Anh), phénomène (Pháp) hiểu theo nghĩa một thứ kỳ quặc. Kỳ quặc nhưng đóng một vai trò quan trọng cho sư sụp dổ VNCH. Phần dẫn nhập của Ts Hưng làm cho người nghe liên tưởng đến những câu hết sức quen thuộc trong tập thề người Mỹ gốc Việt lâu nay, làm kẻ thù Mỹ thì dễ làm bạn với Mỹ thì khó.”
Chưa được đọc quyển “Tâm tư Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu”, nhưng tôi biết nhiều khó khăn, nhục nhã của ông Thiệu qua quyển “Hồ sơ mật dinh Ðộc Lập”.
Mặc dù thương cảm cho cái yếu thế của vị tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, trong cảnh lãnh tụ một quốc gia nhược tiểu đi xin, rồi nhận, và cố giữ viện trợ Mỹ cho đất nước mình vừa nghèo đói, vừa lâm nguy trước cuộc chiến tranh xâm lược của Việt Cộng, nhưng tôi vẫn không đồng ý với tác giả về việc vẽ chân dung ông Thiệu qua một góc duy nhất: góc đối ngoại, cắn răng chịu nhục với những chính phủ Hoa Kỳ, người đồng minh thiếu tín nghĩa, không tôn trọng danh dự, hèn nhát bỏ chiến trường tháo chạy.
Ông Hưng biết rất rõ là ngoài bức chân dung “người đồng minh bị phản bội”, ông Thiệu còn một vai trò nữa: ông là tổng thống của một quốc gia 30 triệu dân, và là tổng tư lệnh của một quân đội 1 triệu quân nhân, đã chiến đấu trong suốt vài chục năm dưới quyền ông, từ lúc ông là một thiếu úy cho đến lúc ông trở thành một tướng lãnh tư lệnh sư đoàn, quân đoàn, rồi tổng tư lệnh quân đội.
Ông đã làm những gì để 30 triệu người dân Nam Việt được tiếp tục sống trong tự do, và để 1 triệu người lính dưới quyền ông có thể chiến đấu bất khuất dù không có viện trợ Mỹ.
Ðó chỉ là một trong nhiều nhận định của tôi về tổng thống Thiệu; trong những năm ông còn sống tôi đã viết rất nhiều bài báo chỉ trích việc ông, một tổng tư lệnh, bỏ chạy, an toàn đem toàn bộ gia đình ra ngoại quốc, trong lúc quân đội còn đang giao tranh với địch và đang thất thế vì lỗi lầm chiến lược và chính trị của ông. Tôi không muốn dùng những chữ nặng hơn chữ “lỗi lầm”.
Có lần nhân khi ông tuyên bố tại hải ngoại là ông sẵn sàng đóng vai quyển từ điển sống về chiến tranh Việt Nam cho bất cứ người Việt nào muốn hỏi về cuộc chiến này, tôi đã viết bài xin ông mở quyển từ điển đến chữ “T” để cùng thảo luận với tôi về “tỉnh lộ 7b” và cuộc rút lui thê thảm ngày 15 tháng Ba, giúp Văn Tiến Dũng tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Quân Ðoàn 2, sau khi ông Thiệu đã lột hết vũ khí nặng của họ.
Giờ này ông Thiệu không còn nữa, tôi xin thảo luận với ông về cuộc rút quân mà ông ghi nhận không chính xác, phê phán bất công.
Ðiều không chính xác thứ nhất, trên trang 444 của quyển “HỒ SƠ MẬT DINH ÐỘC LẬP”, ông viết như sau, “Toàn bộ sư đoàn 23 bộ binh đã được điều động về Pleiku, việc phòng thủ Banmethuột giao lại cho một liên đoàn Biệt Ðộng Quân và Ðịa Phương Quân, phần lớn gồm dân Thượng. Tướng Phú ở lại Pleiku, cách Ban Mê Thuột 94 dậm về phía Bắc. Khi địch tấn công Ban Mê Thuột ông ta bị cô lập hoàn toàn và không thể điều động SÐ 23BB để chiếm lại thế thượng thủ được nữa.”
Chi tiết này hoàn toàn sai, tướng Phú không hề có toàn bộ SÐ 23BB tại Pleiku; và một trung đoàn của SÐ này, trung đoàn 53, do trung tá Ân chỉ huy vẫn phòng thủ BMT, cả vị tư lệnh phó SÐ, đại tá Nguyễn Thế Quang, cũng có mặt tại thành phố này, thành phố từ 1975 đã trở thành Buồn Muôn Thuở đối với người Việt lưu vong.
Tối mùng 9 tháng Ba, tư lệnh QÐ 2, thiếu tướng Phạm Văn Phú, còn đáp trực thăng xuống BMT, đi thanh tra hệ thống phòng thủ của phi trường Phụng Dực, căn cứ tử thủ sau này của trung đoàn 53. Ông và đại tá Quang, trung tá Ân đã thảo luận rất lâu về phương thức phòng thủ của một trung đoàn, chống lại 3 sư đoàn bộ binh địch, có một lực lượng pháo binh và thiết giáp hùng hậu yểm trợ.
Nói cách khác là cuộc tấn công BMT không hề là một bất ngờ chiến thuật đối với những giới chức quân sự tại QK II, mặc dù nó là một bất ngờ chiến lược cho vị tổng tư lệnh quân đội tại Sài Gòn, trung tướng Nguyễn Văn Thiệu.
Tại Pleiku, thiếu tướng Phú cũng không hề có nguyên một SÐ 23BB như ông mô tả, mà chỉ có một trung đoàn 45 (trú đóng tại căn cứ Hàm Rồng). Sáng ngày 14 tháng Ba 1975, đại tá Phùng Văn Quang, trung đoàn trưởng, được lệnh đưa trung đoàn về giải cứu BMT. Ðêm hôm trước, ông Phú chỉ thị cho ông Quang võ trang tối đa súng chống chiến xa cho chiến sĩ trong nhiệm vụ tái chiếm BMT, vì trung tá Ân đang đối phó với vài chục chiến xa quanh phi trường Phụng Dực.
Quân nhân trong trung đoàn háo hức chờ trực thăng đến căn cứ Hàm Rồng đón họ, họ háo hức trong nhiệm vụ vô cùng thiết thân là giải cứu BMT, nơi có hậu cứ của trung đoàn với toàn bộ vợ con họ ở đó. Bà đại tá Quang, mặc quân phục của chồng, cũng xách theo một khẩu M 72. Ông bà còn 2 đứa con sống trong thành phố đang lọt vào tay giặc.
Tôi dài lời mô tả cuộc hành quân “tái chiếm” BMT là để ông thấy tướng Phú không hề có nguyên cả SÐ 23 BB tại Pleiku, nếu có ông đã không đưa chỉ 1 trung đoàn xuống đánh 3 sư đoàn Việt Cộng. Hy vọng ông thấy đây là biện pháp tuyệt vọng của vị tư lệnh Quân Ðoàn 2.
Sáng 14 tháng Ba chính tướng Phú đã có mặt tại Hàm Rồng, kiểm điểm vũ khí chống chiến xa của binh sĩ trước lúc đoàn trực thăng đầu tiên cất cánh; sau đó ông đi Cam Ranh phó hội.
Tại đây ông xin hai vị tướng cấp trên của ông, một vị là tổng tư lệnh Nguyễn Văn Thiệu, vị kia là tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên tăng viện cho QK II (trang 447). Ông Nguyễn Tiến Hưng, viết, “Ông ta xin thêm quân tăng cường và trực thăng, nhưng được Viên cho biết quân trừ bị đã xử dụng hết rồi,” câu trả lời này khiến tôi viết ở đoạn trên là dù trên cấp chiến thuật, tướng Phú không bị bất ngờ vì cuộc tấn công BMT, nhưng BMT đã là một bất ngờ chiến lược cho tổng tư lệnh Nguyễn Văn Thiệu.
Bất ngờ này được nhìn thấy rõ qua câu trả lời của đại tướng Viên khi ông nói lực lượng tổng trừ bị của Việt Nam “đã bị xử dụng hết rồi.”
Lực lượng Tổng trử bị là quân xe, quân pháo trên bàn cờ chiến tranh Việt Nam; năm 1972 chính lực lượng này đã tự xé thành 3 cánh để giữ vững cả 3 mặt trận Quảng Trị, Kontum và An Lộc.
Nhưng tháng Ba 1975 “quân trừ bị đã xử dụng hết rồi” là xử dụng ở đâu?
Tháng Giêng 1975 khi Việt Cộng tấn công tỉnh Phước Long để thử nghiệm phản ứng của Hoa Kỳ và của VNCH, thì tướng Viên cũng không có lực lượng tổng trừ bị để đưa vào cứu viện Phước Long; ông phải dùng đến Liên Ðoàn 81 Biệt Kích Nhẩy Dù, một đơn vị chuyên tác chiến sau phòng tuyến địch, và tác chiến bằng những đơn vị cấp nhỏ.
Trả lời một câu hỏi của truyền thông về việc không xử dụng lực lượng Nhẩy Dù như thường khi, trung tướng Dư Quốc Ðống nói toàn bộ sư đoàn NDù bị “kẹt” ngoài giới tuyến vì điều khoản cấm chuyển quân của thỏa ước Ba Lê 1973. Ông kể lại việc ông đưa một tiểu đoàn ND về Long Bình dưỡng quân, thì bị Việt Cộng phản đối với người Mỹ, và Mỹ yêu cầu ông đưa tiểu đoàn vừa về miền Nam trở ra miền Trung.
Tôi còn biết một giai thoại khác chứng minh việc các cấp chỉ huy chiến lược của VNCH bị bất ngờ vì cuộc tổng tấn công 1975 của địch.
Giai thoại đó là một sĩ quan Việt Nam, sau trận Phước Long và sau tiết lộ của trung tướng Ðống, đã viết phiếu trình lên đại tướng tổng tham mưu trưởng đề nghị thiết lập một lực lượng tổng trừ bị thứ nhì, tăng cường cho 2 sư đoàn tổng trừ bị -Nhẩy Dù và TQLC- bị bất động vì lý do chính trị.
Phiếu trình nói rõ là với gần 50 tiểu đoàn BÐQ tinh nhuệ, VNCH có thể thành lập 4 sư đoàn tổng trừ bị, sau khi võ trang cho họ thêm thiết giáp và pháo binh. Nếu có 4 sư đoàn này, tướng Viên đã không phải trả lời tướng Phú bằng 2 chữ “hết quân” khiếp đảm; khiếp đảm vì không có tăng viện trung tá Ân với trung đoàn 53 của ông, đại tá Quang với trung đoàn 45 của ông, dù có tài giỏi đến đâu cũng không chống cự nổi với 3 sư đoàn địch.
Xin nhắc lại thời điểm của trận Phước Long là tháng Giêng 1975, lúc chúng ta còn nguyên 3 tháng trời để tái tổ chức lực lượng tổng trừ bị. Cuối tháng Ba đại tướng Frederic Weyand được tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford cử sang Việt Nam để khuyến cáo một giải pháp.
Weyand, vị tư lệnh cuối cùng của lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, là vị tướng tương đối trẻ (vào những năm ông phục vụ chiến trường Việt Nam), có nhãn quan chiến lược, và cũng là người đã bất đồng ý kiến với tướng Westmoreland về mục tiêu tấn công của Việt Cộng trong trận Mậu Thân. Westmoreland đưa quân ra biên giới và Khe Sanh để chờ một Ðiện Biên Phủ tái diễn năm 1968, trong lúc Weyand giữ một lực lượng của Chiến Ðoàn 2 do ông chỉ huy lại Long Bình; do đó ông là lực lượng Hoa Kỳ đầu tiên giúp quân lực VNCH đánh bật Việt Cộng ra khỏi Sài Gòn.
Ðến Việt Nam lần chót, Weyand khuyến cáo VNCH nên sử dụng những tiểu đoàn, liên đoàn BÐQ để thành lập tổng trừ bị. Nhưng thời gian quá cấp bách và thế giặc đuổi sát sau lưng, chúng ta không còn thì giờ nữa.
Một điều nữa tôi muốn viết về việc trận BMT bị trình bầy sai lệch trong quyển HÔ SƠ MẬT DINH ÐỘC LẬP là câu ông Hưng viết trên trang 447, “Thiệu ra lệnh cho Phú rút lui khỏi Pleiku để tái chiếm BMT, và trên trang 448, “Quân Ðoàn II sẽ triệt thoái khỏi Pleiku và Kontum, tập trung lại tại Tuy Hòa, rồi tiến đánh BMT.”
Không phải là một quân nhân, ông Hưng có thể lầm về điểm này, vì muốn tái chiếm BMT, Tuy Hòa không thuận lợi bằng Pleiku. Tôi nghĩ ông Hưng viết câu này chỉ để bênh vực quyết định sai lầm của ông Thiệu là triệt thoái Cao Nguyên, quyết định đưa đến việc mất nước.
Tướng Phú cũng đã nỗ lực tái chiếm BMT ngay ngày ông xuống Cam Ranh phó hội với ông Thiệu; nếu lực lượng ông đến Hàm Rồng sáng hôm 3/14 để thị sát trước khi đưa vào chiến trường là sư đoàn Nhẩy Dù hay sư đoàn TQLC thì tình hình đã khác hẳn. Nhưng Sài Gòn thản nhiên trả lời ông là toàn bộ lực lượng tổng trừ bị bận việc khác, quan trọng hơn công tác cứu viện BMT.
Chỉ riêng việc Phước Long thất thủ, rồi BMT bị tấn công mà chính phủ VNCH vẫn không dám vi phạm hiệp định Ba Lê, rút hai sư đoàn Nhẩy Dù và TQLC từ giới tuyến trở về Sài Gòn để đảm nhiệm vai trò tổng trừ bị tối cần thiết cho giai đoạn quyết định của chiến trường, thì quả khó tìm được chữ để mô tả tâm trạng của tổng tư lệnh Nguyễn Văn Thiệu trong giai đoạn này.
Ấy là chưa bàn đến lệnh của ông Thiệu bắt Quân Ðoàn 2 rút quân bằng tỉnh lộ 7b, con đường bỏ phế từ sau năm 1954, không còn cây cầu nào nguyên vẹn, khiến lực lượng rút lui bị tước hết vũ khí nặng, bỏ lại bên bờ sông, bờ rạch, ngay tại cây cầu gẫy đầu tiên.
Ông Nguyễn Tiến Hưng đã thành công trong buổi ra mắt quyển “Tâm tư tổng thống Nguyễn Văn Thiệu”, vì số tài liệu phong phú và đặc biệt ông trích dẫn trong quyển HỒ SƠ MẬT DINH ÐỘC LẬP. Là một tác giả khoa bảng biết cách viết một quyển sách tài liệu, ông còn là một người thân tín của ông Thiệu, được ông này trao lại toàn bộ hồ sơ cất giữ nhiều năm tại lầu 3 dinh Ðộc Lập.
Hai yếu tố này giúp ông thành công, nhưng ngoài giá trị đơn thuần của những tài liệu lịch sử, nhiều dữ kiện khác liên quan đến chiến tranh đã bị ông diễn dịch không đúng, dù ông cố ý hay không. Trận đánh BMT là một thí dụ.
Nguyễn Ðạt Thịnh
Tro ve dau trang
==================================
=====================================================
No comments:
Post a Comment