Bài viết mới cuả Nhà báo Quân đội Nguyễn Đạt Thịnh...
BMH
Washington, D.C
Ngày tự do báo chí
Nguyễn Ðạt Thịnh
Thế giới lấy ngày mùng 3 tháng 5 làm ngày tự do báo chí; lấy ngày 5/03 hay bất cứ ngày nào khác trong năm làm ngày “tự do báo chí” cũng là một lối cắm tiêu mốc, dù không tự nhiên và hợp lý như nhiều thời điểm tiêu mốc khác; như tết, như ngày quốc hận, hay như tiết thanh minh.
Tết là ngày đầu năm được sự tuần hoàn của vũ trụ ấn định; tết đem theo cả những đổi thay thời tiết, và tết không thể đổi sang bất cứ ngày nào khác, trừ ngày đầu tiên của một năm tính theo âm hoặc dương lịch.
Ngày Quốc Hận cũng không thể đổi sang bất cứ ngày nào khác, mà phải là ngày 30 tháng Tư, ngày vòm trời đột ngột xụp xuống đầu người Việt Nam, ngày chúng ta nhắm mắt nhẩy vào Biển Ðông, không cần biết dùng hải lộ đó để đi đâu; ai cũng đi, dù không biết đi đâu, nhưng ai cũng biết rất rõ mục đích của chuyến đi là để không phải sống trong địa ngục Việt Cộng. Do đó, ngoài ngày 4/30 không chọn một ngày nào khác làm ngày Quốc Hận được.
Nhưng người ta chọn ngày “tự do báo chí” là ngày mùng 3 tháng 5, và từ 17 năm nay, ký giả toàn cầu kỷ niệm mừng tự do báo chí vào ngày đó.
Những tờ báo xuất bản tại những quốc gia vốn dĩ đã tự do từ nhiều năm trước ngày giới làm báo đặt ra ngày “tự do báo chỉ”, thì ngày 5/03 là ngày nhắc nhở đến những khó khăn của đồng nghiệp hành nghề trong những quốc gia mà tranh đấu cho tự do báo chí còn là một nhu cầu.
Ðối với những thể chế độc tài, khiếp sợ tự do báo chí, thì ngày 5/03 là ngày để nguỵ biện, các chính khách cong môi, uốn lưỡi với những chữ “vì, tại, bị, because, parce que .... Năm nay, ngày “tự do báo chí” giúp báo chí Việt Nam đăng ảnh một ký giả được tự do (tự do bản thân thôi) là anh Nguyễn Việt Chiến
Báo quốc nội chưa tự do, thì anh em ký giả quốc nội mừng cái vui của một ký giả được trả tự do năm ngoái.
Ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng Thư Ký Báo Doanh Nghiệp nói nhà nước Việt Nam có kiểu tự do báo chí khác, không giống kiểu tự do báo chí kiểu phương tây:
“Báo chí ở Việt Nam khác với báo chí ở các nước khác,” ông Thái nói. “Các nước tự do chỉ có truyền thông tư nhân, Việt Nam chỉ có truyền thông của chính phủ.” Ông nói Việt Nam hiện có 706 tờ báo in, 21 báo điện tử, 160 báo in có thêm trang điện tử, chưa kể hàng ngàn trang tin điện tử của các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Về phát thanh truyền hình có 67 đài. Số lượng nhà báo có thẻ là 17 ngàn người, chưa nói tới lực lượng đông đảo cộng tác viên và những người làm báo không được cấp thẻ nhà báo.
Ông Thái không biết là chính phủ các nước Pháp, Anh, Mỹ, Ðức, … không cấp thẻ ký giả cho ký giả nào cả; cũng không tờ báo nào có giấp phép xuất bản cả, và không ai kiểm kê, tổng kết số ký giả của mỗi nước trong những nước vừa kể, mặc dù, như mọi nguời khác, ký giả vẫn phải khai và đóng thuế lợi tức; vì dù không ai có quyền kiểm soát tư tưởng của họ, nhưng sở thuế vẫn kiểm soát việc họ làm bổn phận đóng thuế.
Tổng số “bái, đào” của Việt Nam lên đến trên số ngàn, nhưng tất cả những báo, đài đó đều có chung một hướng viết, một đường suy luận, và một lập trường chung. Mất lập truòng là đi ủ tờ như anh Nguyễn Việt Chiến.
Báo chí không tự do trong quốc nội cũng kỷ niệm ngày tự do báo chí toàn cầu. Ký giả Việt Nam có quyền tự do đến dự hội nghị tự do báo chí, để nghe ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dạy họ về cách viết tin.
“Viết về cái xấu, cái tiêu cực không thể chỉ là sự liệt kê, phô bày một cách giản đơn, tự nhiên chủ nghĩa,” ông Rứa nói. “Càng không thể lợi dụng nó để tạo xì-căng-đan, tạo thành tiêu điểm giật gân, câu khách trên báo chí.”
Ông Rứa nói rứa, nhưng tiêu chuẩn làm tin lại không như rứa. Tin phải được viết tuyệt đối trung thực, không phê phán, không nhận xét; việc phê phán và nhận xét là việc của độc giả và là trách nhiệm của những người viết bình luận.
Là một chính khách mà lại tự cho mình vai trò giảng dạy về cách viết tin, ông Rứa đứng riêng một cõi, không chịu giống chính khách các nuớc khác; ông và các đồng chí của ông còn gọi kiểm soát báo chí (nặng nề hơn kiểm duyệt), là một hình thức tự do báo chí, thì còn có gì quý ông giống loài người nữa đâu.
Nguyễn Ðạt Thịnh
No comments:
Post a Comment