Vi Anh
Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Mỹ xuất hiện như đệ nhứt siêu cường thế giới. Học giả Francis Fukuyama lạc quan tiên đoán “lịch sử sẽ chấm dứt”. Nhưng vạn vật vô thường, nhiều thay đổi trong bàn cờ kinh tế, chánh trị, quân sự trên thế giới. TC trở thành cơ xưởng đồ rẻ tiền của thế giới, một đối tác của Mỹ. Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhứt của TC rồi con nợ ngập đầu của TC. Mỹ nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. TC trở thành một thách thức của Mỹ.
Một, trong chuyến công du Á châu đầu tiên, báo chí Tây Phương chê TT Obama nhiều hơn khen. Chê cái chào Ông khom lưng 90 độ trước Nhựt Hoàng, làm mất mặt nước Mỹ. Truyền hình Fox, CNN của Mỹ đều phê bình. Những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ của Trung Quốc và của Mỹ thất vọng về Ông. CS Bắc Kinh không phổ biến toàn quốc bài nói chuyện của TT Obama nói với sinh viên ở Thượng Hải, một điều bất thường so với tiền lệ TC luôn phát đi khắp TQ bài nói chuyện của các tổng thống Mỹ trước đây công du TC.
Và mới đây Mỹ có vẻ chuyển hướng, sửa độ lệch hay lạc hướng của mình. Tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào ngày 23/07/2010, tuyên bố mạnh “Lợi ích quốc gia của Mỹ bao hàm quyền tự do hàng hải, quyền tiếp cận các vùng biển chung của châu Á, và sự tôn trọng luật lệ quốc tế tại khu vực Biển Đông". Và Bà còn khẳng định là việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển phía Nam Trung Quốc là một "ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ".
Ngoại Trưởng TC bỏ phòng họp ra ngoài một tiếng đồng, coi lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Mỹ là ‘’tấn công’’ Trung Quốc. Y muốn và hành động chiếm Biển Đông của TC đã quá rõ. CS Bắc Kinh đã chính thức tuyên bố Biển Đông là một trong những "quan tâm sống còn" của Trung Quốc, bên cạnh Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương. TC đã lấy hai đảo Hoàng Sa và Trường sa làm huyện Tam Sa sáp nhập vào tỉnh Hải Nam của TC. Hồi tháng 5 TC đã đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, đưa ra kế hoạch làm kinh tế quốc phòng và du lịch trị giá hàng chục tỷ Mỹ Kim. TC cũng từng cấm công ty dầu Anh, thăm dò trong vùng biển gần hai đảo mà VNCS tuyên bố chủ quyền.
Hai, Trung Cộng đã trở thành một thách đố lớn của Mỹ. Sau Chiến tranh Lạnh Mỹ xuất hiện như đệ nhứt siêu cường thế giới. Một trật tự mới của thế giới ra đời do Mỹ cầm còi, nhờ sức mạnh quân sự và kinh tế. Hai bản chỉ đường do Mỹ dựng lên: về kinh tế tự do toàn cầu, về chánh trị dân chủ hóa hoàn vũ, theo kiểu Mỹ. Học giả Francis Fukuyama lạc quan tiên đoán “lịch sử sẽ chấm dứt”. Lịch sử chấm dứt vì hết xung đột, hết chống đối, hết chiến tranh, hết biến cố lớn; còn gì quan trọng nữa đâu để ghi lại.
Nhưng chỉ hơn 10 năm sau, lời tiên đoán ấy đi chệch hướng, hướng về phía Á châu. Tinh thần quốc gia của các nước lên cao, sau cái “thế giới đại đồng” do Đế quốc CS Liên xô cầm cán tan rã. Các nước cựu Xô Viết trở thành cộng hòa đòi tự trị, tách ra khỏi Nga. Chiến tranh qui mô lớn không xảy ra. Nhưng chiến tranh vẫn có như Chiến Tranh ở Nam Tư, A phú hãn và Iraq. Mỹ cùng những nước thân Mỹ đứng ra giải quyết để đem lại hòa bình tương đối.
Xu thế toàn cầu và tự do theo kiểu Mỹ không chiếm được đa số con tim và khối óc của nhiều quốc gia. Vì mỗi quốc gia có quyền lợi riêng của mình, mà nước Mỹ là nước nêu gương tích cực bảo vệ quyền lợi Mỹ mạnh nhứt. Thế mạnh quân sự Mỹ, theo báo International Herald Tribune ngày 24-6- 2005 viết, đang xuống thấp nhứt. Chưa bao giờ hình ảnh Washington tệ hơn bây giờ: “Ngay Trung Quốc cũng còn khá hơn.”
Mỹ nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà vì Mỹ viện trợ hào phóng cho Nga sau khi Liên xô sụp dổ, cho TC sau khi chuyển sang kinh tế thị trường, giao thương tích cực, nhập cảng tràn ngập đồ TC. Á Châu nói chung trở thành một thách thức lớn nhứt đối với Mỹ. Ba nước lớn Nga,Tàu, Ấn hình thành trục đối lực quân sự Mỹ.
Lịch sử thế giới chỉ rõ xu thế chánh trị, lý tưởng thường được bành trướng nhờ thế lực quân sự hơn là kinh tế dù kinh tế và chánh trị là môi với răng. Cách Mạng Pháp 1789 gieo rắc ý tưởng khắp và xuất cảng cách mạng dân chủ ra ngoài Âu Châu cũng nhờ quân sự. Tương tự Cách Mạng CS Tháng Mười của CS Nga thách thức Tây Phương, bành trướng thế giới thứ ba, bằng họng súng hơn là chủ nghĩa CS, như Mao Trạch Đông đã công thức hóa quyền lực nằm ở đầu súng.
Đã và đang hình thành trục đối lực với Mỹ. Thế kỷ 21 này là thế kỷ của Á Châu. Ba nước lớn Á Châu, Nga hậu CS, Trung Cộng và Ấn Độ chẳng những tâm không phục, mà cũng không khẩu phục Mỹ. Hành động thách thức Mỹ không chút dè dặt. Tháng 6 năm 2005, ba bộ trưởng của ba nước lớn Á Châu này họp tại Vladivostok. Cả ba nước minh thị tỏ ra bất phục tùng trật tự mới do Mỹ cầm còi. Gần đây Nga và TC tập trận chung trên Bắc Thái Bình Dương mà từ sau Đệ Nhị Thế Chiến Mỹ xem là cái hồ của Mỹ.
Các nhà lãnh đạo ba nước lớn Á Châu không ngừng ở Châu Á. Họ còn bung ra đi Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh. TC bước những bước dài và lớn qua Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh. Có người Tây Phương cho đó là bước của người không lồ nhưng bàn chân bằng đất sét. Cho rằng bằng đất sét cũng là bàn chân và chưa có dấu chỉ Mỹ có thể xóa đi được.
Bốn phương từ Bắc Kinh đến Sao Paulo, từ Nam Hàn đến Tân đề li, tình yêu nước, tinh thần quốc gia nổi dậy trên phương diện kinh tế và quyết tâm bảo vệ chủ quyền và nền độc lập. Tất cả đều đã, đang và sẽ đứng lên chống lại những hành động bảo vệ quyền lợi quốc gia như Mỹ đã làm đối với Trung Quốc trong vụ mua hãng dầu Unocal.
Trong vòng 10 năm nữa, có thể khó có nước nào dù lớn hay nhỏ có thể đương đầu lại với Mỹ như Liên xô đã đối đầu trong Chiến Tranh Lạnh hồi tiền bán thế kỷ 20. Nhưng dù mạnh về quân sự, Mỹ cũng không phải là vô địch. Chỉ vài ngàn quân nổi dậy cũng làm cho 148.000 quân Mỹ trang bị tận răng khó khổ ở Iraq, 118 ngàn quân của Tây Phương, trong đo Mỹ có 68 ngàn gặp rắc rối lớn ở Afghanistan khiến TT Obama phải tăng thêm 30 ngàn nữa.
Chẳng những mất tin tưởng nơi Mỹ mà còn tỏ thái độ bất phục tùng mọi mặt, kinh tế, chánh trị, và lối sống của Mỹ nữa. Các tổ chức cực đoan về chánh trị và tôn giáo thổi phồng lên thành vấn đề lớn, chống Mỹ bằng khủng bố, bằng ôm bom tự sát, những hình thái phá hoại không có ở thời Chiến tranh Lạnh.
Nhớ lại lịch sử cận đại. Tây Phương bá chủ hoàn cầu phần lớn dựa vào sức mạnh quân sự. Thế kỷ 18, Âu Châu nhờ hải lực mạnh chiếm được Tân Thế giới và thế mạnh mậu dịch nên có lợi thế mà tạo nên trật tự thế giới lúc bấy giờ. Lợi thế đó được thể hiện bằng thế thượng phong quân sự giúp cho Âu Châu đặt một số lớn nước dưới ách thực dân. Âu Châu dùng chiêu bài khai hóa và sự vượt trội của triết học Hy La để làm chánh nghĩa. Đến phiên Mỹ lãnh đạo Tây Phương, Mỹ không tham vọng đất đai nhưng ỷ mình mạnh kinh tế, quân sự nên hay khinh thường, hay làm thay nghĩ thế cho các nước nhược tiểu, các nước có nền văn khác mình. Rất tiếc Tây Phương vẫn còn những chánh khách không chịu học bài học lịch sử này, bài học không thể dùng sức mạnh quân sự để áp đảo lâu dài một quốc gia dân tộc. Tất cả những đế quốc thực dân, cũ hay mới, các siêu cường đệ nhứt hay đệ nhị dựa vào thế lực quân sự dù “hiện đại” nhứt sau cùng rồi cũng bị mất./. (Vi Anh)
VI ANH
No comments:
Post a Comment