Trần Khải
Oan ức, thì kêu oan. Trong lòng có lời muốn nói, thì trình kiến nghị. Đó là truyền thống từ mấy thập niên nay tại Việt Nam. Nhưng có vẻ như oan kêu thấu trời, nhưng chẳng mấy ai nghe; và kiến nghị trình biết bao lượt, nhưng hết khóa này sang khóa kia, hết đại hội này sang đạị hội khác mọi chuyện vẫn y như cũ.
Thực tế, ngày càng tệ hơn, vì những chuyện mới nghe trong năm nay trước kia chưa từng nghe thấy. Thí dụ: hiệu trưởng Sầm Đức Xương dùng áp lực để ngủ với 2 nữ sinh trung học, và rồi dâng các em này cho Chủ Tịch Tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô, cùng với các cán bộ công an. Chuyện xảy ra từ năm 2005, bây giờ 2010 mới lộ. Thí dụ: Vinashin chưa từng bị kiểm toán, và rồi nợ tới 4.3 tỉ đô la, sau đó lại được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cứu nguy, cho chẻ nhỏ ra thành nhiều mảnh để sáp nhập với một số đại tập đoàn khác, thực ra là xoá vết tích giấy tờ hồ sơ. Hay là rừng cho Trung Quốc thuê tới 300,000 hecta... Thời này tuy chính phủ không chịu nghe tiếng oan, và cũng không ưa kiến nghị linh tinh, nhưng còn may mắn là có một số trí thức đã làm ra trang Boxitvn.net để người dân có chỗ kêu oan, và để trí thức có nơi trình kiến nghị với đảng CSVN.
Người xưa khi oan ức, được quyền ra trước tòa Tam Pháp Ty để “kích cổ đăng văn,” nghĩa là “đánh trống và đội đơn.” Một chuyện nổi tiếng trong lịch sử VN là vào thế kỷ 19, khi quan Tri Huyện Bùi Hữu Nghĩa vì tính cương trực mà hàm oan, bị Tổng đốc Uyển giam ở Vĩnh Long rồi giải về Gia Định, đệ sớ lên triều đình tố ông kích động dân Khmer làm loạn, giết người. Vợ ông là Nguyễn Thị Tồn, đã quá giang ghe bầu để ra Huế, đến Tam pháp ty đánh trống, đội đơn, kêu oan cho chồng. Nhờ thế, Bùi Hữu Nghĩa được vua Tự Đức tha tội chết, bị đày làm lính ở Châu Đốc.
Than ôi, bây giờ tìm khắp VN không thấy có nơi nào để đánh trống kêu oan. Một thời dân oan ăn dầm nằm dề ở Sài Gòn, rồi ra Hà Nội, rồi bị công an xúc về nguyên quán. Hóa ra thời nay còn thua cả thời phong kiến nhà Nguyễn hay sao? Ai đã từng nói thời naỳ dân chủ cả triệu lần hơn Mỹ nhỉ?
Một số nông dân Bình Dương đã gửi lên trang web Bauxite Việt Nam bài viết nhan đề: “Tấn bi hài kịch “tiếp dân”: Người dân được gì qua việc Chính phủ quyết định đổi mới công tác tiếp dân,” trong đó ký tên 8 nông dân ở Thủ Dầu Một, Bình Dương, kể chuyện 8 dân oan này đã khiếu kiện từ 7 năm nay và rồi đã tới văn phòng tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, trích:
“...Chúng tôi là những người bị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi và bồi thường đất trái pháp luật, và đã bị cưỡng chế lấy hết sạch tài sản, đất đai; đang thất nghiệp, không biết làm gì để sống. Chúng tôi đã vác đơn khiếu kiện khắp nơi nhưng chưa được ai trả lời một tiếng nào. Bốn lần kéo nhau đi Hà Nội, đưa đơn tận tay một số cán bộ như Ông Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Đức Thuận… Ăn chực nằm chờ hằng tháng trời để nhận được mấy tờ phiếu chuyển.
Sau mấy năm chờ đợi, chúng tôi mỗi người ký một lá đơn khiếu nại Ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công văn 295/CP-CN ngày 19-3-2003 để làm cơ sở cho UBND tỉnh Bình Dương thu hồi bồi thường đất trái pháp luật của chúng tôi làm Khu Liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương. 12 gia đình liệt sỹ cũng ký chung một lá đơn tương tự, gởi cho Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng vào ngày 27-7-2009. Tiếp tục chờ đợi mãi, chẳng có hồi đáp gì. Chúng tôi lại ký đơn nhắc Thủ tướng trả lời đơn khiếu nại của chúng tôi đúng theo quy định của Luật tố cáo khiếu nại. Cũng im lặng.
Nay, nghe tin có Quyết định đổi mới công tác tiếp công dân, bà con cử 8 người, thay mặt cho gần 50 hộ dân đến trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh để yêu cầu Thủ tướng trả lời.
Ngày 19-7-2010, thức dậy từ 3 giờ sáng, đi qua bốn chặng xe, 8 người chúng tôi đã tới được trụ sở tiếp dân ở đường Hồ Ngọc [Học?] Lãm, quận Bình Tân. Ở đây đã có vài chục người, dân các tỉnh Long An, Bình Thuận, Đồng tháp, Tiền Giang… tự xé một tờ giấy để viết nội dung đăng ký xin tiếp, đưa vào trong và chờ đợi. Một lúc khá lâu, chúng tôi được gọi vào để trả lời: hôm nay đông quá, thứ Tư trở lại.
Chúng tôi yêu cầu cho giấy hẹn. Năm lần bảy lượt, người tiếp dân mới lấy một mảnh giấy nhỏ, ghi nguệch ngoạc mấy chữ. Chúng tôi yêu cầu ghi rõ họ tên, chức vụ người hẹn và đóng dấu vào. Cũng phải mấy lần người này mới ghi tên dưới mấy dòng chữ, và không đóng dấu gì cả. Xin số điện thoại của cơ quan tiếp dân, đáp không có.
Ra khỏi phòng, chúng tôi quan sát kỹ cái nơi tiếp dân của cơ quan lãnh đạo cao nhất nước.
Đây là nơi tiếp dân của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc Hội… mà không hề có lịch ghi trong tuần, ngày nào ai tiếp, tiếp ở đâu, cán bộ nào tiếp…
Ngoài cổng, tấm bảng của trụ sở cũng không ghi số điện thoại, cái phương tiện tối thiểu của bất cứ nơi nào cần giao dịch với công chúng. Từ tiệm hớt tóc, uốn tóc cho tới cửa hàng tạp hóa nhò, quán ăn nhỏ, người ta cũng ghi số điện thoại để tiện cho việc giao tiếp. Ở đây không có, mà hỏi cũng không cho...”(hết trích)
Các bác nông dân này chỉ khiếu nại linh tinh: đòi văn phòng tiếp dân có số điện thoại? Phải chi đòi lùi lại thời vua Tự Đức để có cơ hội đánh trống kêu oan thì hay biết mấy.
Trong khi đó, công ty tư Google đã nhanh nhẹn trả lời ba nhà trí thức VN khiếu kiện về lằn ranh biên giới Việt-TQ bị vẽ sai trên bản đồ Google Maps, và công ty này không cần trống chiêng gì hết, đã sửa lại đường biên giới cho chính xác.
Bản tin trên Boxitvn loan vụ này qua “Tin vui: Google Maps đã sửa lại đường biên giới địa phận thành phố Lào Cai!”
Một khiếu kiện khác cũng đăng trên trang BôXit VN, qua bài viết của nhà văn Sáu Nghệ, bài nhan đề “Bụng rỗng còn sợ đói” nói rằng Hội Nhà Văn Việt Nam cần phải theo gương chị bán vé số, anh móc bọc... để có thể tự kiếm tiền, thay vì xin tiền ngân sách chính phủ.
Bài viết trích như sau:
“...Bài viết của nhà văn Bùi Minh Quốc “Tham luận tại Đại hội Hội Nhà văn khóa 8” đăng trên trang Bauxite Việt Nam khiến tôi đọc và cảm ơn nhà văn cho biết một sự thật: Nhà văn lâu nay viết không hay là vì không có hội tự lực, và hội không dám tự lực là sợ đói. Một nguyên nhân giản đơn, cụ thể và khôi hài.
Khôi hài vì gồm những người thông minh như Hội Nhà văn Việt Nam mà sợ không có tiền bao cấp của Nhà nước là sẽ đói. Nỗi sợ như thế chứng tỏ một nghị lực trước cuộc sống, xin lỗi, không bằng chị bán vé số, anh móc bọc, cụ già hành khất, không bằng tất cả những người chẳng may có khuyết tật cơ thể. Bởi những người đó không bao giờ có suy nghĩ kỳ quặc là cố sống bằng cách xin tiền ngân sách! Hơn thế, Hội Nhà văn Việt Nam xin tiền ngân sách không chỉ để có lương hàng tháng ăn uống [cho cơ quan hành chính Hội thôi – BVN chú thêm] mà còn để có trụ sở họp hành, có xe cộ đi lại, có điện thoại và các phương tiện liên lạc thỏa trí tò mò, để tổ chức nhiều chuyến du ngoạn trong và ngoài nước “giao lưu học hỏi”. Hội Nhà văn Việt Nam đang làm ra những tác phẩm văn học thì không nói mọi người đã biết chất lượng, còn tiền ngân sách là tiền đóng thuế của dân...”(hết trích)
Than ôi, đã là nhà văn, tại sao không chung một nỗi lo với người dân, tại sao không ra sức kiếm tiền như người dân, mà cứ phải dựa vào nhà nước CSVN để hưởng những ưu đãi như cán bộ. Nhà văn, nhà thơ mà mặc đồng phục cán bộ thì còn nói gì nữa.
Thế nên, một kiến nghị ký tên 19 nhà văn, có nhan đề “Kiến nghị trình Đại hội VIII Hội Nhà Văn Việt Nam” gửi từ Hà Nội, đề ngày 03.8.2010 đã “đánh trống, đội đơn” như sau:
“Để bớt đi một gánh nặng chi phí lớn cho Nhà nước (lấy từ tiền dân đóng thuế), chúng tôi, các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ký tên dưới đây khẩn thiết kiến nghị Đại hội VIII của Hội quyết định dứt khoát rời bỏ cơ chế bao cấp, chuyển từ hội xin tiền Nhà nước lâu nay thành hội tự nuôi tự quản.
Tự thấy đây là kiến nghị rất hợp lòng dân, xin trân trọng nhờ các cơ sở truyền thông công bố rộng rãi để nhân dân biết rõ tâm nguyện của chúng tôi và các hội viên đồng tình với kiến nghị này tiếp tục ký tên nhằm nối dài thêm danh sách.
NHÓM KHỞI XƯỚNG KÝ
(Chữ ký của 19 nhà văn)” (hết trích)
Xin cúi chào nhóm 19 nhà văn này. Tuy chỉ là con số nhỏ, nhưng tuyệt vời là tấm lòng. Hãy đi hỏi trên cả nước xem, hãy hỏi tất cả những chị bán vé số, những anh móc bọc... xem nhà văn có cần khệnh khạng xài tiền thuế của dân và ngồi họp đại hội đóng vai cán bộ hưởng tiêu chuẩn ngân sách không? Nguyễn Du ngàỳ xưa có thế đâu? Nhà văn Mỹ nếu sách không bán được là phải lo kiếm việc khác mà sống, như đi dạy, viết báo, làm hãng, mở tiệm kinh doanh...
Đặc biệt, để nói chuyện “kích cổ đăng văn,” xin nói về một bài viết của Bùi Tín nhan đề “Thời Cơ,” viết riêng trên đài VOA hôm Thứ Tư 4-8-2010, đã đưa ra lời kêu gọi vang dội, thống thiết. Bài trích như sau:
“...Ở Việt Nam ta, thiếu dân chủ nên không thể có pháp luật nghiêm minh. Thiếu dân chủ nên quyền làm người của người công dân bị chà đạp. Thiếu dân chủ nên không có tự do ngôn luận, tự do báo chí – là linh hồn của nền dân chủ. Thiếu dân chủ nên chống lãng phí tham ô không thể kiên quyết, không thể quyết liệt như người cầm đầu chính phủ đã hứa. Các vụ PM18, Securency, PCI, Nexus Technologies ở Việt Nam, Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ vẫn cứ bị che che dấu dấu, úp úp mở mở như trò trẻ con, làm trò cười cho thế giới.
Bất công xã hội đã đến tột đỉnh, cảnh mất đất, mất nhà, mất việc lan tràn. Cảnh người ăn không hết kẻ lần chẳng ra rộng khắp. Công chức và công nhân ăn lương rẻ mạt, trong khi quan chức có thế có quyền mặc sức vơ vét, múc lấy múc để ngân sách công, tài sản công vào túi riêng.
Nhiều nơi, công an nhân dân với biểu ngữ đẹp là «bạn dân» lại đánh dân thẳng cánh, còn giết dân, như ở Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Tây Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội…Công an chống buôn lậu lại chuyên dạo bán hàng lậu thu được. Công an chống ma túy lại chuyên bán ma túy đã bắt giữ được. Ở các nước dân chủ, nếu để tình hình như vậy, bộ trưởng Công an đã bị quốc hội chất vấn từ lâu, bị mất chức từ lâu rồi, chứ không phải cứ chuyên đi huấn thị và phát bằng khen thưởng lu bù như bộ trưởng Công an ở nước ta.
Đạo lý cầm quyền đã sa sút xuống tận đáy khi nhóm quan cộng sản đầu tỉnh trở thành nhóm ma cô, hãm hiếp tập thể các nữ sinh trong trắng thơ ngây, biến các em thành nhóm «nô lệ tình dục». Nếu ở một nước dân chủ văn minh, một chuyện như thế sẽ thành vụ án lớn chấn động toàn xã hội – nhưng ở nước ta đảng chỉ nhắc nhở để kiểm điểm, cùng lắm là thuyên chuyển sang chức vụ khác!
Không! không thể như thế này được nữa. Đất nước này không phải của riêng ai. Không thể để cho bất công, rữa nát đạo lý, suy đồi cuộc sống xã hội tận đáy như chưa từng có thế này được nữa.
Chế độ độc đoán độc đảng đã phơi bầy hết sự bất lực, tệ hại, tàn phá của nó. Không cần phải tranh cãi, bàn luận gì thêm nữa.
Nhân dân đã nhìn rõ rành rành. Công luận đã lên tiếng mạnh mẽ.
Đảng viên cấp cao Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ ở Thái Lan, đã có một chương dài bàn về chuyển sang hệ thống đa đảng trong pháp luật, trật tự.
Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã chứng minh đa đảng là một tất yếu của một nền văn minh chính trị hiện đại.
Nhà văn hóa Nguyên Ngọc đã biện hộ cho một nền văn hóa dân chủ đa nguyên đa đảng, cao hơn hẳn hệ thống độc đảng cổ lỗ một nấc thang lớn, trong quá trình phát triển tư duy văn hóa – chính trị của nhân loại.
Nhà nghiên cứu Vũ Minh Khương ở Singapore cũng nêu rõ con đường phát triển bền vững duy nhất của Việt Nam là chuyển hẳn sang hệ thống đa nguyên đa đảng trong pháp luật, nếu không mọi sự đổi mới chỉ là giả tạo, không hiệu quả, lãng phí thêm thời gian của dân tộc.
Cho đến nhóm tư vấn của Đại học Harvard (Hoa Kỳ) cũng kiến nghị với thủ tướng VN là phải xây dựng hệ thống dân chủ đa đảng, từ đó mới có thể chấm dứt không chậm trễ cái quốc nạn kinh khủng là nền cai trị phe cánh, nền kinh tế cánh hẩu (Crony Economy) đang phá cho tan nát tài nguyên, ngân sách, môi trường sống, nền giáo dục, từ đó tất cả tương lai của nước ta.
Những tiếng nói trên đâu phải của cá nhân, mà là của một con số ngày càng đông đảo, hàng ngàn, hàng vạn, hàng chục vạn con người mang tâm huyết dân tộc, mang trí tuệ thời đại, biết vinh biết nhục...” (hết trích)
Những lời kêu gọi trên của Bùi Tín chính là tiếng trống thống thiết nhất của thời đại. Đó là nhịp tim của đồng bào cả nước. Không nghe những lời thống thiết này, nguy cơ mất nước có thể đang tới gần, vì ngoài thời cơ chuyển hóa dân chủ, phảỉ thấy sẽ không có cơ hội nào khác để toàn dân một lòng chung sức nữa.
TRẦN KHẢI
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment