

Giới ly khai Trung Quốc kêu gọi quốc tế gây áp lực trên Bắc Kinh trong hồ sơ Thiên An Môn
Trọng Nghĩa, RFI
Bài đăng ngày 08/05/2009 Cập nhật lần cuối ngày 08/05/2009 14:40 TU
Sinh viên cản đường xe tăng, tại Thiên An Môn. Hình ảnh đã đi vòng quanh thế giới
Trong đêm mồng 3, rạng sáng mồng 4 tháng 6 năm 1989, chính quyền Bắc Kinh đã tung chiến xa vào quảng trường Thiên An Môn để đàn áp phong trào biểu tình đòi dân chủ. Kết quả là đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người bị hạ sát. 20 năm sau, biến cố Thiên An Môn vẫn là một điều húy kỵ tại Trung Quốc
In bài
Gửi bài
Bình luận bài
Không đầy một tháng trước ngày tưởng niệm 20 năm vụ thảm sát Thiên An Môn hôm mồng 4 tháng 6 năm 1989, các nhà ly khai Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc chính quyền Bắc Kinh phải công nhận trách nhiệm trong vụ đàn áp đó.
Đối với giới ly khai, cộng đồng quốc tế cần đòi hỏi Trung Quốc thay đổi đánh giá chính thức về phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh và phục hồi danh dự cho các nạn nhân bị đàn áp. Theo bà Đinh Tử Lâm, đứng đầu phong trào Các Bà Mẹ Thiên An Môn, tâp hợp những người có con em bị chết trong vụ thảm sát năm 1989, thì cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn chủ trương hoà dịu với chính quyền Trung Quốc và tỏ thái độ hoà hoãn về những hành động ''tàn bạo'' tại Thiên An Môn vào khi ấy.
Xin nhắc lại là trong đêm mồng 3, rạng sáng mồng 4 tháng 6 năm 1989, chính quyền Trung Quốc đã tung chiến xa và quân đội vào quảng trường Thiên An Môn để đàn áp phong trào biểu tình đòi dân chủ. Kết quả là đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người bị hạ sát. 20 năm đã trôi qua, nhưng biến cố Thiên An Môn vẫn là một điều húy kỵ tại Trung Quốc, không được lịch sử chính thức quan tâm, và trong những lần hiếm hoi được nhắc đến thì đều dưới từ ngữ ''rối loạn chính trị''. Cũng từ 20 năm nay, Phong trào các Bà Mẹ Thiên An Môn đã không ngừng kêu gọi chính quyền đối xử công minh đối với con em của họ.
Về phần mình, ông Bào Đồng, một nhà ly khai kỳ cựu khác, đã cho rằng quốc tế cần phải gây áp lực để Trung Quốc thay đổi cách đánh giá về sự cố Thiên An Môn năm 1989, và khôi phục danh dự cho các nạn nhân còn sống hay đã chết. Điều này rất cần thiết nếu Bắc Kinh muốn hàn gắn các vết thương xuất phát từ các sai lầm trong quá khứ.
Trả lời hãng AFP, ông nhận định : ''Một chính quyền vô trách nhiệm đối với chính người dân của mình thì không thể nào trở thành có trách nhiệm đối với phần còn lại của thế giới''. Từng phải vào tù ra khám trong suốt 20 năm qua, ông Bào Đồng nguyên là thư ký riêng của cựu tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương, vốn đã bị cách chức về tội ''biểu lộ cảm tình với thành phần phản cách mạng'' thuộc phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh.
Riêng ông Kỳ Chí Dũng, từng bị mất một chân khi bị quân đội đàn áp hôm mồng 4 tháng 6 năm 1989 trên quảng trường Thiên An Môn, thì không tin tưởng vào khả năng ''phục thiện'' của chế độ. Theo ông : ''Ngày nào mà Đảng Cộng sản không xét lại đánh giá của họ về sự kiện Mùa Xuân Bắc Kinh và xem đó là một phong trào ái quốc và dân chủ thì ngày đó nền dân chủ không thể tiến bước tại Trung Quốc''.
Vẫn tại Trung Quốc, hôm nay, trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, một quan chức thuộc bộ Phát triển đô thị, nông thôn nói rằng cho đến nay, các chuyên gia Trung Quốc vẫn chưa thể chứng minh được rằng việc sập đổ hàng loạt các trường học tại tỉnh Tứ Xuyên trong trận động đất hồi năm ngoái, là do yếu tố con người gây ra.
Qua phát biểu này, đại diện chính quyền Trung Quốc phủ nhận những lời tố cáo theo đó, nạn tham nhũng, bớt xén nguyên vật liệu, xây dựng cẩu thả là nguyên nhân chính làm cho các trường học bị sụp đổ trong trận động đất. Xin nhắc lại là hôm qua, lần đầu tiên, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra con số học sinh thiệt mạng trong trận động đất là 5335 em, trong tổng số gần 87 ngàn nạn nhân.
Cũng trong cuộc họp báo hôm nay, đại diện chính quyền Bắc Kinh cho biết là đã gia tăng nhịp độ xây dựng lại các trường học tại tỉnh Tứ Xuyên. Kế hoạch này sẽ được hoàn tất trong hai năm và trước tháng 9 năm 2010. Vào cuối tháng tư vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã tháo khoán 40 tỷ euro cho các dự án tái thiết Tứ Xuyên, tương đương với một phần ba tổng số vốn mà chính quyền cam kết đầu tư tại đây.
No comments:
Post a Comment