01/05/2010 22:59
Trung Quốc gần đây thường có các hoạt động phô trương sức mạnh hải quân - Ảnh: CDM
Với việc chuyển sang chiến lược mới gọi là “phòng thủ xa bờ”, hải quân Trung Quốc đang có những bước đi khiến Mỹ và nhiều nước khác đặc biệt chú ý.
Gần đây Mỹ đã chuyển hầu hết tàu ngầm tấn công động cơ hạt nhân từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Họ cũng triển khai thường xuyên khoảng 3 đến 4 tàu ngầm quanh khu vực Guam, một bước đi lặp lại các hoạt động từng được thực hiện dưới thời Chiến tranh lạnh, đồng thời cho tàu thăm dò áp sát lãnh hải Trung Quốc.
Đây là những đối sách mà
Mỹ đưa ra trước sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến các bước tiến trên biển, sự thay đổi chiến lược hàng hải của người Trung Quốc cũng như những chuyển động mang tính phòng ngừa của Mỹ và một số nước khác. Thông tin, số liệu cùng một số nhận định trong bài được lấy từ báo New York Times, Sri Lanka Guardian và các nguồn khác.
“Lợi ích then chốt”
Hồi cuối tháng 3, hai tàu chiến của Trung Quốc đã cập cảng Abu Dhabi ở UAE. Đây là lần đầu tiên tàu chiến của hải quân Trung Quốc thời hiện đại cập bến tại vùng Trung Đông, và là một trong nhiều sự kiện đánh dấu sự dịch chuyển chiến lược của quốc gia đông dân nhất hành tinh trong lĩnh vực hải quân.
Sau nhiều năm thực thi chiến lược bảo vệ bờ biển, sẵn sàng cho một cuộc chiến có thể xảy ra với Đài Loan, giờ đây, các lãnh đạo quân sự Trung Quốc đang tìm cách vươn xa hơn trên mặt biển, tới tận Trung Đông, tới các tuyến hải hành tại Thái Bình Dương, nơi từ lâu người Mỹ giữ vị trí độc tôn. Các sĩ quan Trung Quốc nói rằng họ muốn điều tàu chiến hộ tống các thương thuyền ở khắp nơi, từ vịnh Persia đến eo biển Malacca cũng như “bảo vệ lợi ích tại vùng biển Hoa Đông và Nam Hải (tức biển Đông)”.
Theo đánh giá của giới chức Mỹ, trong tương lai gần, Trung Quốc chưa thể trở thành một mối đe dọa hải quân lớn đối với quốc gia ở bờ đông Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Bắc Kinh là điều mà Washington phải luôn để mắt tới và cần triển khai đối sách phòng ngừa.
Vụ “va chạm” giữa tàu USSN Impeccable (gần) của Mỹ với tàu Trung Quốc hồi năm ngoái - Ảnh: Reuters
Cũng hồi cuối tháng 3, Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nói trong một cuộc điều trần ở đồi Capitol rằng tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc là “rất kịch tính”. Trung Quốc đã thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo tầm xa có thể bắn vỡ tàu sân bay đối phương. Mới đây giới chức quân sự Trung Quốc đã công khai rằng sẽ đóng xong tàu sân bay trong vòng ít năm nữa. Đô đốc Willard cũng phân tích hiện Trung Quốc đã phát triển xong một đội tàu ngầm có khả năng ngăn chặn tàu chiến của nước khác xâm nhập vùng biển chiến lược của họ mỗi khi có xung đột xảy ra trong khu vực. Một nguồn tin khác cho hay Trung Quốc mới đây đã đóng ít nhất hai tầu ngầm lớp Tấn có khả năng phóng tên lửa đạn đạo và đang đóng thêm hai chiếc nữa. Hai tàu ngầm tấn công lớp Thương sử dụng năng lượng hạt nhân mới đây cũng đã được đưa vào sử dụng.
“Điều đặc biệt đáng quan tâm là quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc dường như được triển khai để thách thức sự tự do hoạt động của chúng ta trong khu vực”, Tư lệnh Willard nói.
Ở khu nghỉ mát vịnh Á Long, Trung Quốc có một căn cứ tàu ngầm hiện đại cho phép tàu ngầm đạt được độ sâu lý tưởng chỉ trong vòng 20 phút để thực hiện các chiến dịch ở biển Đông, nơi có hoạt động hàng hải dân sự tấp nập nhất thế giới và cũng có nhiều nguồn lợi tài nguyên.
Trung Quốc gần đây cũng gây áp lực đối với Mỹ. Hồi tháng 3, các quan chức Trung Quốc nói với hai nhân vật cấp cao của chính quyền Obama khi đang ở thăm Bắc Kinh là Jeffrey Bader và James Stainberg rằng sẽ “không khoan dung” đối với bất kỳ hành động can thiệp nào vào khu vực biển Đông, và rằng khu vực này là một lợi ích then chốt của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc gọi biển Đông là “lợi ích then chốt”, tương tự như vấn đề Đài Loan và Tây Tạng.
Thái Bình Dương và xa hơn nữa
Bên ngoài biển Đông, Trung Quốc đã vươn xa qua khỏi phần quần đảo Philippines để đi vào vùng Thái Bình Dương rộng lớn, nơi có thể xảy ra đụng chạm về quyền lợi và tầm ảnh hưởng với hải quân Mỹ.
Bước đi này cũng khiến Nhật Bản lên ruột. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa hồi giữa tháng 4 nói rằng 2 tàu ngầm và 8 khu trục hạm của Trung Quốc đã bị phát hiện đang hoạt động gần các đảo miền nam Nhật Bản vào ngày 10.4. Những tàu này đang trên đường tới Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên một đội tàu lớn như thế của Trung Quốc tới gần lãnh thổ Nhật Bản. Khi quân Nhật điều hai tàu khu trục ra bám sát thì một chiếc trực thăng của Trung Quốc đã bốc lên, bay lượn cách đội tàu đối phương chưa đầy 100 mét.
Hãng tin Kyodo trích lời Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada nói rằng phía Tokyo đã phản đối Bắc Kinh với lập luận rằng hành động của trực thăng Trung Quốc là nguy hiểm. Bộ Quốc phòng Nhật Bản thì cho rằng hành động của Trung Quốc là phô trương sức mạnh, và thêm rằng, Nhật Bản dự định tăng cường phòng thủ trong khu vực. Người Nhật có lý do để lo ngại cũng như đưa ra biện pháp đề phòng, vì trong khu vực này hai nước có nhiều tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế cũng như sự gia tăng hoạt động của hải quân Trung Quốc lên mạn này có thể được nhìn nhận là mối đe dọa lớn về an ninh đối với Nhật Bản.
Xa hơn nữa, kể từ tháng 12.2008, Trung Quốc đã triển khai 3 tàu chiến ở Vịnh Aden nằm phía đông châu Phi để truy kích cướp biển Somalia, đánh dấu lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc vươn ra bên ngoài Thái Bình Dương. Giới quan sát nhận định Trung Quốc đang tăng cường khả năng chiến đấu tầm xa. Một báo cáo của Lầu Năm Góc hồi năm 2009 ước tính hải quân Trung Quốc có 260 tàu chiến, trong đó có 75 tàu lớn, và hơn 60 tàu ngầm. Báo cáo cũng cho biết Trung Quốc đang đóng tàu sân bay và đang muốn mua của Nga các loại máy bay dùng trên tàu sân bay.
Đối sách
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, thiếu tướng hải quân, Phó tư lệnh Trương Hoa Thần của Hạm đội Hoa Đông nói rằng Trung Quốc đang chuyển từ phòng thủ bờ biển sang phòng thủ xa bờ. “Với sự mở rộng các lợi ích kinh tế của đất nước, chúng tôi muốn nâng cao việc bảo vệ các tuyến vận tải. Để làm được điều này, hải quân Trung Quốc cần hệ thống tàu bè lớn hơn với khả năng tác chiến toàn diện hơn”, tướng Trương nói.
Để làm điều đó, Trung Quốc không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng. Theo số liệu được công bố chính thức thì ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh năm 2010 là 78 tỉ USD, nhưng phía Mỹ cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Lầu Năm Góc ước tính năm ngoái Trung Quốc chi từ 105 tới 150 tỉ USD cho quân sự, trong đó hải quân chiếm hơn 1/3.
Những bước đi của Trung Quốc đã “tạo ra thách thức trực tiếp đối với hệ thống liên minh hàng hải của Mỹ và trật tự khu vực”, Tiến sĩ Chris Rahman thuộc Đại học Wollongong của Úc nhận định. Chính vì điều này mà Mỹ đã có những đối sách quan trọng.
Theo ông Bernard Cole, cựu sĩ quan hải quân Mỹ và hiện là giáo sư Đại học Chiến tranh Washington, gần đây Mỹ đã chuyển hầu hết tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân của họ từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Trên thực tế, dù Trung Quốc tăng cường hải quân mạnh mẽ, họ vẫn còn lâu mới bắt kịp Mỹ cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện hải quân Mỹ có 286 tàu chiến lớn và 3.700 máy bay. Ngân sách quân sự của Mỹ lên tới hơn 500 tỉ USD.
Hiện Mỹ cũng tăng cường hoạt động hải quân - chủ yếu là thăm dò, nghiên cứu - gần các vùng biển Trung Quốc, đặc biệt là khu vực biển Đông. Năm ngoái, tàu hải quân Impeccable của Mỹ đã “va chạm” với tàu của Trung Quốc ở biển Đông. Nhiều vụ việc tương tự cũng đã được báo cáo trong vòng 3 năm trở lại đây. Tàu ngầm của Mỹ từ căn cứ Guam cũng đã xuất hiện thường xuyên hơn tại mạn tây Thái Bình Dương.
Phát biểu tại Washington vào năm ngoái, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu nói rằng việc duy trì vị thế siêu cường tại Thái Bình Dương là lợi ích cốt lõi của Mỹ. “Từ bỏ vị trí này có thể dẫn tới việc Mỹ mất vai trò trên khắp thế giới”, ông Lý nói.
Tro ve dau trang
======================================
==============================================================
No comments:
Post a Comment